Ngàn lẻ một kiểu xoay xở giữa đại dịch

NGỌC HIỂN - VŨ THỦY 13/04/2020 18:04 GMT+7

TTCT - Chưa bao giờ, người lao động (NLĐ) ở thị thành đối diện với một tình cảnh khó khăn như hiện nay bởi từ giáo viên, quản lý đến công nhân, anh xe ôm đến chị tạp vụ... đều lần lượt rơi vào cảnh thất nghiệp.

Công nhân ngành may đang trải qua một giai đoạn đầy khó khăn, nhiều nhà máy đã giảm giờ làm và cắt giảm người lao động chưa có hợp đồng. -Ảnh: THANH XUÂN
Công nhân ngành may đang trải qua một giai đoạn đầy khó khăn, nhiều nhà máy đã giảm giờ làm và cắt giảm người lao động chưa có hợp đồng. -Ảnh: THANH XUÂN

Nhà máy cắt giảm, công nhân rơi rụng

Đã một tuần nay, quán nhậu trên đường Trường Sa (TP.HCM) mà anh V.T.Thìn (23 tuổi) làm quản lý đã đóng cửa và cho NLĐ nghỉ việc. Quán gần 20 người từ đầu bếp, phục vụ đến giữ xe... đều về quê. Riêng Thìn ở lại bởi nhà xa và phần cũng hi vọng quán sớm mở lại, đỡ phải tốn tiền tàu xe tới lui. Thìn được chủ quán hứa hỗ trợ một phần lương nhưng đến giờ anh vẫn chưa biết cụ thể là bao nhiêu, chừng nào nhận.

Thường ngày, tiền lương, tiền tip cộng lại cũng đủ cho Thìn trang trải tiền ăn, tiền trọ và dành dụm một ít. Từ khi nghỉ việc, thu nhập gần như không có khiến khoản tiền trọ hơn 3 triệu đồng đối với Thìn cũng trở nên rất “chát”, chưa kể thêm tiền ăn uống mỗi ngày. “Tôi phải lấy tiền tiết kiệm ra chi tiêu, nếu khó khăn vẫn còn kéo dài thì chỉ còn cách về quê”, Thìn thở dài.

Với những tài xế Grabcar đã vay ngân hàng mua trả góp chạy taxi công nghệ thì dịch bủa vây khiến họ thêm khó trăm bề. Tài xế N.T.Tài cho biết anh vay gần 700 triệu đồng mua xe 2 năm nay, anh cày ngày cày đêm trả góp được 60% khoản vay.

Mỗi tháng anh phải góp cả chục triệu đồng, song khách vắng dần khiến anh tạm ngưng chạy nửa tháng nay. Không có thu nhập trong khi tiền nhà, tiền nuôi các con và nặng nhất là tiền lãi ngân hàng thời điểm này đã trở thành gánh nặng quá sức với anh.

Bảo Uyên (25 tuổi), giáo viên mầm non một trường tư thục ở Q.Tân Phú, và em gái không về Quảng Nam vì em gái đang hoàn thành kỳ thực tập để tốt nghiệp. Để có tiền tiếp tục thuê trọ, trang trải sinh hoạt phí, Uyên lấy hàng sỉ từ các phụ huynh bán trái cây online mà cô từng là khách hàng trước đó, lấy sỉ sữa chua để bán trên Facebook. “Mỗi ngày được chừng trăm ngàn để lo cho cuộc sống của hai chị em. Không có tiền nhiều, hai chị em phải ăn uống, chi tiêu tằn tiện để chờ đến lúc hết dịch”, Uyên chia sẻ.

Hơn một tuần nay, chị Hồ Thị Thắm (19 tuổi, quê Hà Tĩnh), công nhân một nhà máy ở Khu công nghiệp Bình Chiểu (Q.Thủ Đức, TP.HCM), phải nghỉ làm khi công ty quyết định cắt giảm nhân công do hàng đã cạn kiệt.

“Hơn một tháng nay công ty phải cho công nhân nghỉ luân phiên, tuần làm, tuần nghỉ. Tôi là công nhân mới vào hai tháng, chưa có hợp đồng nên là nhóm đầu tiên bị cho nghỉ”, chị Thắm kể. Số tiền còn lại của Thắm là khoản lương tháng 3 chừng hơn 4 triệu sẽ được công ty trả giữa tháng 4.

“Tiền chỉ còn đủ trang trải tiền ở trọ thôi. Tôi đang đi tìm việc làm mới nhưng lúc này các công ty đều không tuyển người mới”, Thắm lo lắng. Chị là một trong hơn 100 công nhân mới mà công ty cắt giảm gần đây.

“Công ty chủ yếu xuất hàng sang Ý, Pháp và Mỹ nhưng gần đây không có đơn hàng mới và những đơn hàng cũ đều đã bị đối tác dời lại” - ông B.T.V., chủ tịch công đoàn công ty trên nói về lý do công nhân nghỉ việc.

Ông cho biết từ nhiều ngày qua, có những ngày công nhân chỉ lên xưởng, ăn cơm trưa rồi được cho về vì công ty không còn hàng làm. “Công nhân cũng hiểu tình hình của công ty nên không ai tỏ ra bức xúc khi chúng tôi gọi mọi người đến để thông báo nghỉ việc” - ông V. chia sẻ.

Chị N.T.Ty (37 tuổi, quê Thừa Thiên Huế) nghỉ làm gần một tuần nay. Xưởng may nơi chị làm việc tạm đóng cửa vì hết hàng, còn chị đã đón xe về quê. “Xưởng may của tôi là xưởng may gia đình nhỏ chỉ nhận hàng bỏ cho các chợ thôi, làm gì có hợp đồng mà có bảo hiểm. Giờ chợ không bán được hàng thì tạm ngưng rồi mai mốt quay lại làm tiếp” - chị Ty kể.

Chị đã làm việc ở xưởng may này 13 năm và đây là năm đầu tiên xưởng may đóng cửa như thế này. Chị là mẹ đơn thân có hai đứa con nhỏ đã gửi ông bà ngoại bao nhiêu năm nay, một mình vào Sài Gòn làm công nhân gửi tiền về nuôi con và được chủ cho ở lại xưởng luôn.

Một xưởng giày gia công trên đường Hương Lộ 2, Q.Bình Tân (TP.HCM) với khoảng 20 công nhân chính thức cho NLĐ nghỉ việc đầu tuần này (30-3) sau hai tháng cầm cự. NLĐ được thông báo nghỉ một tuần, sau đó tính tiếp.

“Trong thời gian nghỉ, mỗi công nhân được trả 100.000 đồng/ngày và được tặng thêm 2 thùng mì gói/người. Ông chủ thương tình giúp NLĐ như vậy cũng tạm ổn, coi như nhín nhút cũng đủ tiền ăn và tiền nhà trọ”, một công nhân của xưởng giày nói.

Một xưởng giày ở Q.Bình Tân, TP.HCM đã đóng cửa. Ảnh: P.H.
Một xưởng giày ở Q.Bình Tân, TP.HCM đã đóng cửa. Ảnh: P.H.

Lao động tự do không có chỗ dựa

Nhiều năm nay, chị Cao Thị Lan dọn buồng phòng một khách sạn tại Q.1 kiêm “ô sin” cho một gia đình ở Q.3, TP.HCM. Cứ sau giờ làm việc, chị lại nhảy sang dọn nhà, cả tháng gop góm được gần chục triệu, đủ nuôi mẹ và 2 đứa con ở trọ Sài Gòn.

Nay dịch bệnh, chủ nhà không cần giúp việc nữa, khách sạn cũng cắt giảm nhân viên buồng phòng. Việc tìm một chỗ làm mới thời điểm này với chị không dễ dàng bởi mọi hàng quán đều đóng cửa, chẳng nơi nào cần người giúp việc.

Hà Thanh Nam, một bình luận viên các giải bóng đá “phủi” ở TP.HCM, cũng thấm đòn bởi dịch COVID-19. Tất cả các giải bóng đá tạm ngưng, các sân bóng đều đóng cửa nên người làm nghề như Nam đành phải thất nghiệp.

“Tôi làm việc tự do, không lương, không bảo hiểm. Cứ tay làm thì hàm nhai, nay dịch bệnh thế này thì thôi đành chấp nhận, chỉ mong nhanh hết dịch chứ kéo dài chắc chắn sẽ cực kỳ khó khăn”, Nam chia sẻ.

Là huấn luyện viên dạy zumba tại chỗ cho các nhóm văn phòng, Nguyễn Hồng Thu (26 tuổi) cũng chịu cảnh thất nghiệp hai tuần nay.

“Chỗ thì phòng tập phải đóng cửa không có chỗ tập, chỗ thì các chị ngại rằng tôi đi dạy ở các trung tâm sẽ tiếp xúc với nhiều người, chỗ thì nhân viên được cho nghỉ làm ở nhà nên 6 lớp tôi nhận dạy trong tuần đều đã nghỉ hết. Đâu có nghĩ là có ngày rơi vào hoàn cảnh này. Tôi đang tìm chỗ lấy quần áo bán online mà giờ nhiều người bán quá nên cũng đang phân vân”, Thu nói. ■

Tuyển thêm lao động giữa mùa dịch bệnh

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, giám đốc nhân sự Công ty CP dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công, nhận định: trong tình hình dịch bệnh kéo dài, khó nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khối gia công với đặc thù chỉ làm công đoạn may, không chủ động nguồn nguyên liệu cũng như đầu ra của sản phẩm.

Tuy nhiên vẫn có một số doanh nghiệp duy trì sản xuất nhờ vào quá trình sản xuất khép kín, từ khâu kéo sợi, dệt, nhuộm đến may, khác với phần lớn các công ty trong ngành này đang phụ thuộc vào việc nhập vải, nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.

Ông Tuấn cho biết hiện tại các nhà máy của Thành Công với hơn 7.300 lao động vẫn đang duy trì hoạt động sản xuất bình thường và mảng sản xuất cho xuất khẩu vẫn đủ đơn hàng cho đến tháng 6.

Thêm vào đó, một số mặt hàng của công ty như vải đan kim bán được nhiều hơn khi nhiều công ty không mua được loại vải nguyên liệu này từ Trung Quốc. Đồng thời công ty cũng là đơn vị sản xuất vải kháng khuẩn nên trong tình huống thiếu đơn hàng có thể chuyển sang sản xuất khẩu trang.

“Hiện tại Công ty Thành Công vẫn đang có nhu cầu tuyển dụng NLĐ cho nhà máy ở Vĩnh Long và tuyển bù cho số lao động giảm do nghỉ tránh dịch... Tuy nhiên cũng không thể lường trước được các tình huống của dịch bệnh. Trong trường hợp dịch lan rộng, Nhà nước đóng cửa nhà máy thì lúc đó sản xuất sẽ bị ảnh hưởng”, ông Tuấn nhận định.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận