Ngân vang một tiếng chuông đồng

VÕ QUÝ CẦU 05/12/2012 23:12 GMT+7

TTCT - Là thợ đúc, lão đúc tất tần tật. Nhưng đúc chuông ở Quảng Ngãi nhiều thập niên rồi chỉ có mỗi mình lão. Chuông nặng hàng tạ từ lò đúc của lão được thỉnh về các chùa, ngân vang nhiều dặm xa trong không gian tĩnh mịch.


Lão Đỗ Thị bên chiếc chuông chùa Quang Sơn do lão vận động người thân góp tiền và tự đúc - Ảnh: Võ Quý Cầu

78 tuổi đời, trên 60 năm tuổi nghề, nhưng lão Đỗ Thị ở xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) còn khỏe lắm. Lão nói: “Cũng nhờ ngày ngày nhào đất làm khuôn, không rượu chè, thuốc lá. Họ đặt nồi đồng thì đúc nồi đồng, đặt hồ lô thì đúc hồ lô. Nhưng đúc chuông mới là duyên nghiệp. Làng mình tên Chú Tượng. Chú là thợ, tượng là đúc. Tháng năm thăng trầm, có làng tên đã mất nhưng tên làng Chú Tượng thì có bao giờ thay đổi đâu”.

Nghiệp tổ

Trong giai thoại Quảng Ngãi, thế kỷ 17, người làng Chú Tượng đúc một cái chuông lớn nhưng đúc xong chuông đánh không kêu. Trong khi đó tại chùa Thiên Ấn, một ngôi chùa cổ lớn nhất Quảng Ngãi nằm bên dòng sông Trà Khúc vừa mới trùng tu, sư trụ trì mơ thấy có người bảo vào làng Chú Tượng rước chuông về. Tỉnh dậy, sư bèn bảo các môn đệ vào làng xem thực hư. Đến nơi, các môn đệ kể câu chuyện sư trụ trì, dân làng nghe và đồng ý để các môn đệ thỉnh chuông về. Kỳ lạ thay, khi chuông đem về treo gác chuông trên chùa Thiên Ấn, đánh lên tiếng kêu to, trong và ngân rất xa.

Theo tác phẩm Nghề thủ công truyền thống ở Quảng Ngãi mà Nguyễn Ngọc Trạch chủ biên do Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia in ấn năm 2003, tại trang 78 có ghi: Viên công sứ Pháp Laborde đã viết trong tập L’Annamen: “Ở làng này, người ta làm các đồ đồng khá lớn. Quả chuông lớn ở chùa Thiên Ấn cao gần 1m và đường kính 0,5m đã được đúc ở Chú Tượng. Chuông ấy khá đẹp như một vật trang trí”. 

Cũng ở trang 78 có dẫn: Trong Quảng Ngãi tỉnh chí được Nguyễn Bá Trác soạn năm 1933 có đề cập hai người thợ tài hoa ở đất này là ông Võ Hiệt và ông thợ Kinh. Thợ Kinh đã được vời về kinh đô Huế đúc tượng đồng và toàn quyền Pasquier đã yêu cầu ông đến tòa Khâm sứ Pháp để đúc. 

Lão Thị lớn lên thì ông nội, một thợ đúc nổi tiếng, đã qua đời, cha lại không theo nghề đúc nên gửi lão đi học nghề ở một người thợ khác. Vừa phụ việc vừa học lóm ở thợ Trị, lão tự làm khuôn đúc một nồi đồng nhỏ có đường nét sắc sảo khiến những thợ lâu năm cũng giật mình. 

Chính điều này đã mở lối cho lão học được những ngón nghề của thợ Trị cùng nhiều người thợ khác. Theo tháng năm, những người thợ đúc được chuông dần xa khuất, còn với lão thì tay nghề khá dần lên.

Lão kể: “Năm 1957, ông bang tá tên Chương, một chức quan địa phương thời triều Nguyễn (sau năm 1945 đã xóa chức nhưng dân làng vẫn quen gọi như thế), đã đặt người làng Chú Tượng đúc một chiếc chuông để cúng cho chùa Đề An. Khi chuông đúc xong, ông Bang Chương không vừa ý, bực dọc buông một câu: Làng Chú Tượng nay tiệt thợ đúc chuông rồi.

Nghe chuyện, lão vượt sông Vệ qua thôn Đề An, xã Hành Phước (huyện Nghĩa Hành) tìm đến nhà ông Bang Chương. Ông Bang Chương nhìn lão rồi cao giọng: Mặt của cậu non choẹt, tay nghề tới đâu mà đòi đúc được chiếc chuông khá hơn chiếc chuông này? Lão trả lời sẽ đúc chuông mà không nhận một đồng nào tiền đặt cọc, nhưng khi làm xong ông vừa ý thì phải trả 12.000 đồng”.

Sau lời cam kết, lão về làng chọn loại đất thịt tốt nhất của làng Chú Tượng đem nhào với trấu, than củi cho thật nhuyễn để làm khuôn. Rồi lão ra tỉnh lỵ Quảng Ngãi chọn loại đồng ròng tốt nhất đem về. 

Vất vả cả tháng trời, lão mới đổ đồng vào khuôn. Sau khi làm nguội xong, lão thử chuông thấy tiếng chuông ngân dài nên lòng vui lắm, bèn bảo cánh thợ chặt tre làm trụ cho cao để bắc chuông lên đánh cho tiếng càng vang xa.

Ở Đề An, ông Bang Chương biết ngày lão khai chuông nên có ý chờ. Khi nghe tiếng chuông trong vắt, ngân dài lòng đã khâm phục chàng thợ trẻ tuổi. Hôm sau, ông cất công sang làng Chú Tượng. 

Ngắm thân chuông với những đường nét sắc sảo, ông đã vừa ý. Khi đánh chuông lên, ông gật gù: “Đánh một tiếng chuông các ngã nguồn nghe thấu; giục một tiếng trống chầu, nhập khẩu vô tang. Quả rằng làng Chú Tượng, nghiệp tổ vẫn còn người giữ được...”.

Ở tuổi gần đất xa trời, lão cố gắng truyền nghề cho con cháu - Ảnh: Võ Quý Cầu

Đúc chuông gần, đúc chuông xa

Lão giải thích: “Chuông đẹp là từ con cù (đai chuông phải sắc nét, thân chuông đều). Khi đánh lên tiếng phải to. Sau đó, tiếng chuông kêu u u như dừng lại rồi mới ngân dài”. 

Để có chiếc chuông như thế, ngoài vật liệu, kỹ thuật, còn đòi hỏi cái tâm của người thợ. Nếu lòng có điều uẩn khúc thì có làm khuôn rất đẹp nhưng khi nấu đồng xong đem rót vào khuôn, đồng cũng sẽ chạy không đều và như thế tiếng chuông không trong, không ngân xa. 

Còn chuyện đúc con cù thì đòi hỏi sự khéo léo. Vật liệu làm khuôn đúc vẫn là sáp ong, sáp đỏ, nhưng bắt con cù có hình tứ long, tứ linh nhìn thấy cân đối và sắc nét đều tùy thuộc đôi tay tài hoa của người thợ.

Sau lần đúc chuông cho ông Bang Chương, tiếng tăm của lão nổi như cồn. Hầu như các huyện trong tỉnh sau khi trùng tu chùa chiền đều tìm về nhờ lão đúc chuông. Những chuông chùa lớn ở Quảng Ngãi như Thình Thình, Diệu Giác, Thiên Ấn... đều có bàn tay của lão. 

Không dừng ở trong tỉnh, các chùa Bình Thuận, Đắk Nông, Buôn Ma Thuột qua người quen gốc Quảng Ngãi cũng tìm đến lão để đúc chuông.

Lão có thói quen khi đúc chuông cho nhà chùa mà người đặt chuông là các sư sãi, không bao giờ lão nhận tiền đặt cọc. Và đúc chuông cho ai cũng vậy, lão chẳng bao giờ chọn một nơi nào đó trên thân chuông khắc tên mình hay tên làng để làm kỷ niệm và cũng để tiếp thị nghề. Bởi theo lão, “hữu xạ tự nhiên hương mà!”.

Đưa tôi đến chùa Chung Sơn cách nhà lão chừng vài trăm mét, lão nói: “Càng đúc chuông cho nhiều nơi, càng thấy thương cho làng quê của mình”. Ở làng Chú Tượng xưa kia có ngôi chùa cổ và nhà thờ tổ. Nhưng rồi chiến tranh, làng trở thành lối đi về của bộ đội, du kích. Địch phát hiện nã pháo, chùa Chung Sơn và nhà thờ tổ đổ nhào. 

Sau ngày giải phóng, bà con gom góp tiền xây lại chùa. Chùa xây xong mà chẳng có tiền đúc chuông nên người làng ưu tư lắm. Lão viết thư nhờ những người cùng quê làm ăn thành đạt ở nơi xa góp tiền, rồi lão bỏ nhiều công sức để làm chiếc chuông.

 “Cũng nhờ có ông Đỗ Thị nên nghiệp đúc chuông đồng của làng Chú Tượng được duy trì. Thời còn làm chủ tịch UBND huyện Mộ Đức và ngay cả bây giờ với cương vị là đơn vị chủ quản phụ trách các làng nghề, tôi luôn động viên cụ chú trọng truyền nghề cho con cháu, nhất là nghề đúc chuông đồng, đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm để nghề đúc đồng đứng được trên thị trường” 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Dương Văn Tô, nguyên chủ tịch UBND huyện Mộ Đức.

Tâm nguyện

Thường ngày lão làm nồi đồng bán cho các đại lý ở Đập Đá, huyện Hoài Nhơn (Bình Định) bán lên Tây nguyên hoặc qua Lào, Campuchia và đại lý của ông Đinh Né, dân tộc H’Rê ở xã Ba Dinh, huyện Ba Tơ để bán cho đồng bào thiểu số ở miền tây Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum. Gặp năm được mùa lúa hoặc bán gỗ keo thu số tiền lớn, bà con đặt chiêng, chinh lão đều làm hết. 

Những nhà máy chế biến tinh bột mì ở Quảng Ngãi, nhà máy đường cũng đến đưa mẫu thiết kế nhờ gia công một số chi tiết bằng đồng của máy là lão gật đầu. “Nhưng đó là làm để sống, còn tâm lực thì dồn hết vào việc làm chuông. Làm chuông vất vả nhiều mà tiền công tính ra đâu có hơn làm nồi đồng hay đồ thờ. Nhưng mỗi lần đúc chuông là tui thấy phấn khởi” - lão bộc bạch.

Công việc suốt ngày bận rộn có khi cuốn hút, nhưng rồi có những đêm nằm thao thức, lão lại lo cho cái nghề truyền thống của làng. Bởi thời chống Pháp, lão đã cùng với cánh thợ đúc đồng làng Chú Tượng tham gia xưởng quân giới làm lựu đạn vỏ gang đáp ứng cho cuộc kháng chiến. Thời chống Mỹ thì làm những sản phẩm chân vịt cho ngư dân, đồ thờ cúng, nồi đồng. 

Sau ngày giải phóng, lão là anh thợ cả của trạm gia công đồ đồng nhôm Quảng Ngãi, rồi làm phó chủ nhiệm HTX Thống Nhất chuyên sản xuất đồ đồng. Năm 1983 HTX giải thể, lão chuyển sang làm lò đúc tư nhân. Nay lão chỉ biết dồn tâm huyết cho sáu người con trai để chúng nối nghiệp mình.

Lão nói: “Ngày thường đúc nồi đồng, bộ tam sự chỉ có tui với thằng út (Đỗ Đức Cảm) cùng làm. Nhưng khi đúc chuông thì cả sáu con trai cùng về làm. Trong số này thằng con cả (Đỗ Gia Ven) hiện ở thôn An Ba, xã Hành Thịnh, khéo tay nhất”.

Sư trụ trì chùa Thình Thình Thích Hạnh Pháp đặt đúc chuông chùa nặng 230kg mười năm trước giờ thi thoảng về Mộ Đức vẫn tới thăm lão và cứ tấm tắc khen chuông tốt, tiếng ngân vang xa khiến ai cũng nhớ đến làng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận