Ngành công nghiệp du thuyền: Quá khứ sóng gió và tương lai bấp bênh

NHÃ XUÂN 17/07/2020 18:07 GMT+7

TTCT - Đại dịch COVID-19 đã biến việc tận hưởng kỳ nghỉ trong không gian sang trọng của du thuyền thành cơn ác mộng, không chỉ cho hiện tại mà có thể cả trong tương lai.

Ảnh: The Guardian
Ảnh: The Guardian

Những ngày đen tối của ngành công nghiệp du thuyền xa hoa bắt đầu từ khi con tàu du lịch đầu tiên là Diamond Princess bị giới chức Nhật Bản áp lệnh cách ly vào đầu tháng 2 năm nay. Với số lượng lớn hành khách ở cùng nhau trong một không gian tàu, Diamond Princess nhanh chóng trở thành ổ dịch có số ca mắc cao nhất bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Câu chuyện kinh dị mang tên Diamond Princess cuối cùng kết thúc vào ngày 28-2 khi con tàu này thông báo đã cho tất cả các hành khách rời tàu, trong khi thủy thủ đoàn vẫn ở trên tàu đến hôm sau. Tại thời điểm đó, tổng số ca nhiễm đã lên tới 712 với số tử vong là 14. Diamond Princes đã mở đầu cho hàng loạt vụ cách ly và từ chối nhập cảnh tàu du lịch ở khắp nơi trên thế giới, biến chuyến du lịch trong mơ của hàng ngàn người trở thành cơn ác mộng mà họ không bao giờ có thể tưởng tượng ra.

Quá khứ sóng gió

Không phải đến khi COVID-19 bùng phát mà hình ảnh ngành du thuyền mới bị ảnh hưởng. Trước đó, ngành này cũng đã bị nhiều tai tiếng bởi mô hình hoạt động với hàng trăm ngàn con người tụ tập chung một điểm lênh đênh trên biển, ẩn chứa nhiều nguy cơ về vệ sinh, dịch bệnh... Đầu tháng 6 năm nay, Insider đăng một bài viết điểm lại những sự cố từng xảy ra trên du thuyền những năm gần đây.

Tháng 3-2019, hơn 1.300 người bị mắc kẹt trên một con tàu của Hãng Viking Sky khi tàu gặp sự cố động cơ ngoài khơi Na Uy do bão. Vài hành khách được đưa khỏi tàu bằng máy bay, trong khi số khác phải chờ 24 tiếng để được cứu trợ. Một số hành khách kể rằng thuyền cứu sinh bị vô hiệu bởi thời tiết quá xấu và sóng biển mạnh đến nỗi đánh vỡ cửa sổ và xô ngã hành khách trong phòng.

Tương tự, tháng 9-2017, hàng ngàn hành khách trên hai con tàu Sky và Escape của Hãng Norwegian Cruise Line phải đột ngột quay lại Miami (Mỹ) do bão Irma ập đến. Tuy nhiên, việc thay đổi hành trình bất ngờ này khiến nhiều người không đặt được khách sạn ở Miami hoặc mua vé máy bay kịp để về nhà, nên hãng tàu quyết định cho những hành khách không có nơi để đi tiếp tục lên tàu Escape và “lạc trôi” vô định đến khi nào bão tan. May mắn là trên tàu có đủ thức ăn, nước uống và rượu đều được phục vụ miễn phí.

Vào tháng 3-2013, du khách trên tàu Carnival Dream khởi hành từ Florida (Mỹ) cũng có trải nghiệm nhớ đời khi nhà vệ sinh và thang máy trên tàu ngừng hoạt động khi tàu mới đi được một nửa hành trình 7 ngày. “Xú uế tràn khắp sàn nhà tắm và tràn cả ra ngoài” - một hành khách kể lại vụ việc với CNN. Sau đó, con tàu này đã phải chở hành khách về lại Florida, hoàn tiền 3 ngày còn lại và được khuyến mãi 50% vào lần tiếp theo.

Trước đó một tháng, một vụ hỏa hoạn làm tàu Carnival Triumph chết máy khiến hơn 4.000 hành khách trên tàu bị mắc kẹt giữa biển ở vịnh Mexico với lượng thức ăn ít ỏi trong khi chờ lực lượng cứu hộ ra kéo tàu vào bờ. Lúc này chỉ có một số nhà vệ sinh và thang máy trên tàu còn sử dụng được.

Kinh hoàng hơn, vào tháng 1-2012, tàu Costa Concordia chở 4.200 hành khách đã va phải đá khi vào quá gần bờ ở Ý. Sự việc khiến tàu bị thủng một lỗ to và chìm, khiến 32 hành khách tử vong.

Theo Don Eliseo Lucero-Prisno - chuyên gia nghiên cứu về sức khỏe tâm thần của thủy thủ tại Đại học Cardiff (Anh), việc bị cô lập trong những cabin nhỏ xíu hết ngày này qua ngày khác cộng với sự lo lắng khi phải đếm từng phút từng giờ để được “thả” là một trong những nỗi thống khổ về sức khỏe tâm thần mà đại dịch COVID-19 mang lại.

Dù vẫn có thể truy cập Internet và liên lạc thường xuyên với gia đình họ, nhưng Lucero-Prisno nói rằng điều đó là không đủ cho những người gặp phải hoàn cảnh khó khăn như vậy.

Tương lai bấp bênh

Trong khi cơn ác mộng mang tên COVID-19 vẫn còn tiếp diễn, có lẽ đến người lạc quan nhất cũng khó mà nghĩ ngành du thuyền sẽ gượng dậy sớm sau khi hết dịch.

Du thuyền đã trở thành một biểu tượng của sự tàn phá mà COVID-19 gây ra cho du lịch. Một lĩnh vực mà đến tháng 1 vẫn còn tự ước tính trị giá đến 150 tỉ USD, theo The Guardian, giờ phải cắt giảm nhân sự, tuyên bố nợ và giảm giá mạnh mẽ chỉ để tồn tại.

Giữa tháng 6, Business Insider cũng đưa tin hãng du thuyền nổi tiếng Carnival đang lên kế hoạch bán 6 du thuyền của mình sau khi báo cáo lỗ 4,4 tỉ USD trong quý 2-2020 do ảnh hưởng của COVID-19.

Thế nhưng ngay cả trước khi cuộc khủng hoảng hiện nay xảy ra, du thuyền vốn cũng đã là biểu tượng của những thiệt hại mà ngành du lịch gây ra trên thế giới. Theo phân tích của tác giả Christopher de Bellaigue trong bài viết “Ngày tàn của ngành du lịch?” trên The Guardian ngày 18-6, các hãng du thuyền “thống trị” thị trường thế giới như Carnival, Royal Caribbean và Norwegian chi rất ít cho công tác bảo trì những “hàng hóa công cộng” mà họ sống nhờ vào.

Bằng cách hợp tác với các nước “thiên đường thuế” - nơi đánh thuế môi trường rất thấp và luật lao động không quá khắt khe - như Panama, Liberia và Bermuda, ba “ông lớn” này đang được hưởng thuế thấp, tránh được nhiều quy định “phiền phức” trong khi vẫn đang gây ô nhiễm không khí và biển, làm xói mòn bờ biển và thi nhau đưa hàng chục triệu người vào các cảng biển mà thông thường những nơi này không thể ứng phó với số lượng khách quá đông như vậy.

Hiện tượng quá tải du khách (overtourism) trầm trọng đến mức vào tháng 6-2019, thành phố kênh đào Bruges của Bỉ đã phải hạn chế số lượng tàu du lịch cập cảng vì quá đông. Cũng trong năm ngoái, thị trưởng thị trấn cổ Dubrovnik ở Croatia - nơi từng được bảo tồn cực kỳ tốt đến khi nó tràn ngập du khách sau khi xuất hiện trong series đình đám Game of Thrones - đã phải đóng cửa 80% các quầy hàng lưu niệm làm tắc nghẽn trung tâm thành phố và áp đặt hạn ngạch đối với khách du lịch xe buýt và du thuyền.

Những “tì vết” trong quá khứ cộng với hình ảnh tiêu cực mà cơn đại dịch COVID-19 mang lại cho ngành du thuyền sẽ là thách thức khổng lồ mà ngành này cần vượt qua để vực dậy hình ảnh.

Phát biểu với The Guardian hồi tháng 3 năm nay, tiến sĩ Christopher Muller - giáo sư cao cấp tại Trường quản trị khách sạn của Đại học Boston (Mỹ) - gọi giai đoạn này là thời điểm “tàn khốc” của ngành du thuyền. Ông cảnh báo rằng “hình ảnh những hành khách mắc kẹt trên những con tàu nhiễm virus corona và bị giữ trong những cabin nhỏ xíu sẽ phải mất thời gian để phôi phai”. ■

Đến ngày 29-6, ba tháng sau khi WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, vẫn còn 23 tàu du lịch neo đậu tại vịnh Manila, theo chuyên trang hàng hải Maritime Executive của Mỹ. Đường về đất liền của thủy thủ và những du khách tưởng có thể lênh đênh giữa đại dương, bỏ lại mọi lo toan bộn bề cuộc sống còn xa vì các thủ tục cách ly, xét nghiệm liên quan đến virus corona.

Theo Manila Bulletin, Cục Xuất nhập cảnh Philippines trước đó đã giải quyết cho hơn 16.000 thủy thủ rời khỏi 42 du thuyền sau khi trải qua giai đoạn cách ly và kiểm tra COVID-19 trên tàu.

Thông tin mới nhất, theo The New Zealand Herald ngày 2-7, hàng ngàn thủy thủ vẫn còn kẹt trên những con tàu ở Manila, nơi mà giờ đây đã trở thành “bãi đậu” lớn nhất thế giới cho du thuyền khắp nơi bởi quy định ngăn cấm đi lại nhằm phòng COVID-19 lây lan.

Nhiều người trong số các thủy thủ đang mắc kẹt không còn được trả lương nữa, và sức khỏe tinh thần của những con người phải lênh đênh trên biển giữa cơn đại dịch đó ngày càng giảm sút. Một vài người trong số họ đã phải chờ đợi hơn 110 ngày. Tình hình trầm trọng đến mức đã có ít nhất 2 nhân viên tàu được cho là tự tìm đến cái chết, kể từ khi ngành công nghiệp du thuyền bắt đầu đóng băng từ tháng 3.

Du thuyền năng lượng sạch

Trong lúc COVID-19 đang đóng băng ngành du thuyền thế giới, thì du thuyền nội địa có vẻ là một hướng đi giải tỏa áp lực được phần nào. Ngày 28-6, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CGTN đưa tin Junlyu, tàu chở khách hoàn toàn bằng điện lớn nhất của nước này, đã thực hiện chuyến đi đầu tiên tại khu vực Vũ Hán của sông Dương Tử ở trung tâm tỉnh Hồ Bắc. Hoạt động trên trục chính của sông Dương Tử ở Vũ Hán, Junlyu cho phép du khách thưởng ngoạn phong cảnh địa phương trong hành trình kéo dài một giờ. Ra mắt du thuyền chạy điện cũng là nỗ lực của Trung Quốc để bắt kịp xu hướng giảm tác động môi trường của loại hình du lịch hạng sang này. Tính đến năm 2019, có hơn 50 du thuyền hoàn toàn chạy điện được giao cho các hãng khắp thế giới, với châu Âu là đầu tàu nghiên cứu và vận hành phương tiện “xanh” này, theo china.org.cn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận