Ngành điều VN: Củng cố nền tảng, phòng "hậu họa"

NGUYỄN ĐÌNH BÍCH 13/07/2014 03:07 GMT+7

TTCT - Sự phát triển ấn tượng của ngành điều Việt Nam trong hơn hai thập kỷ qua được coi là hiện tượng hiếm có trong lịch sử phát triển của thị trường nông sản thế giới.

Nhiều nơi, nông dân chặt bỏ cây điều do thu nhập từ cây điều sụt giảm mạnh - Ảnh: Bùi Liêm

Tuy nhiên, với việc “người khổng lồ phương Bắc” đang xâm nhập thị trường này, câu chuyện làm thế nào tận dụng được những lợi thế rất lớn hiện nay để phát triển bền vững trong những năm tới rất cần được tính đến.

Nghịch lý ngành điều Việt Nam

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), ngành điều Việt Nam đã đi từ con số 0 tròn trĩnh năm 1985 lên con số hơn 16.000 tấn sau đó 10 năm, trở thành quốc gia xuất khẩu điều nhân lớn thứ ba thế giới. Với hơn 34.000 tấn sau đó năm năm, Việt Nam vượt qua Brazil để giữ vị trí thứ hai. Và cuối cùng, với gần 127.000 tấn năm 2006, vượt qua Ấn Độ để giành ngôi hậu trong làng xuất khẩu điều nhân thế giới.

Với lượng điều nhân hằng năm lớn bằng tổng lượng của cả ba quốc gia đứng liền kề là Ấn Độ, Brazil và Hà Lan cộng lại trong bốn năm trở lại đây, có thể nói ngành công nghiệp điều của Việt Nam không có đối thủ.

Nguyên nhân của những bước tiến phi mã đó của ngành công nghiệp điều Việt Nam chắc chắn không phải do lợi thế giá lao động rẻ và cũng không chỉ ở sự khéo tay cần cù của người lao động, mà là ở sự vượt trội của công nghệ chế biến. Bởi chỉ có năng suất ngày càng vượt trội mới khiến mặt hàng điều có sức cạnh tranh trên thị trường, đẩy lùi các đối thủ nhanh đến như vậy.

Thế nhưng, nghịch lý ở chỗ sau khi tăng mạnh từ 79.000ha năm 1992 lên gần 440.000ha năm 2007, diện tích điều đã liên tục giảm trong sáu năm gần đây. Năm 2013, Việt Nam chỉ còn 301.000ha, tức đã giảm gần 140.000ha (31,5%).

Tương tự, sau khi tăng và đạt kỷ lục 312.000 tấn năm 2007, sản lượng điều đã liên tục trồi sụt theo xu hướng giảm. Đến năm 2013 chỉ còn 278.000 tấn.

Sự “lệch pha” giữa nông và công nghiệp điều như vậy đương nhiên dẫn đến hệ quả lệ thuộc vào nhập khẩu điều thô ngày càng lớn. Năm 2011, Việt Nam nhập khẩu điều thô tới gần 400.000 tấn, năm 2013 nhập tăng vọt lên 640.000 tấn, cao hơn gấp đôi sản lượng trong nước.

Nguyên nhân hàng đầu chính là ở chỗ năng suất cây điều tuy có tăng nhưng mức tăng những năm gần đây rất chậm và hiện chỉ đạt 866kg/ha. Do vậy, thu nhập của nông dân trồng điều ngày càng thấp so với nhiều loại cây trồng khác.

Một tính toán của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho thấy bình quân trong sáu năm 2006-2011, thu nhập 1ha điều ở khu vực duyên hải Nam Trung bộ chỉ đạt 5,02 triệu đồng/năm, trừ chi phí nông dân thu về chỉ được 1,39 triệu đồng/ha/năm. Vùng Đông Nam bộ tuy có thu nhập cao hơn nhưng cũng chỉ đạt 14,02 triệu đồng/ha/năm, lãi thu về chỉ 9,41 triệu đồng... Còn theo tính toán của ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai, lợi nhuận từ cây điều chỉ đạt 6,3 triệu đồng/ha, bằng 20% so với cà phê và 7% so với hồ tiêu. Tính ra thu nhập từ cây điều thấp nhất so với các loại cây trồng khác ở tỉnh này.

Nguyên nhân này còn có phần do giá điều thô nhập khẩu và chất lượng thấp đã được sử dụng như một “chiếc phanh” hãm giá điều trong nước.

Trung Quốc học nghề chế biến điều để làm gì?

Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng Trung Quốc không có thế mạnh trong việc phát triển cây điều và công nghiệp chế biến điều của họ cho đến gần đây hầu như vẫn là con số 0, trong khi nhu cầu tiêu thụ lại gia tăng một cách nhanh chóng.

Số liệu thống kê của FAO cho thấy nếu năm 1988 Trung Quốc có diện tích trồng điều 16.000ha thì 10 năm sau đó đã giảm mạnh, chỉ còn 6.200ha. Năm 2012, họ chỉ còn 1.680ha.

Trung Quốc từng quan tâm đến việc phát triển công nghiệp chế biến điều, nhưng ý tưởng đó đã sớm tàn lụi. Bởi lượng điều thô nhập khẩu năm 1986 của nước này chỉ đạt 7.200 tấn, năm 1987 tăng mạnh lên 12.200 tấn, năm 1988 đạt kỷ lục 28.900 tấn, nhưng ngay sau đó (năm 1989) đã “rơi tự do”, đến năm 2011 chỉ còn chưa tới 1.000 tấn.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ điều nhân của Trung Quốc lại tăng chóng mặt. Năm 2000, Trung Quốc chỉ mới nhập 11.200 tấn điều nhân và giữ kỷ lục 32,6% trong “rổ điều xuất khẩu” của Việt Nam, nhưng năm 2005 đã đạt 23.300 tấn và năm 2013 đạt kỷ lục hơn 52.000 tấn, chiếm 20%.

Nhiều khả năng nhu cầu tiêu dùng điều nhân của Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tăng rất mạnh trong những năm tới. Với 1,36 tỉ dân, lượng điều nhân nhập khẩu nói trên của Trung Quốc không khác gì muối bỏ biển, chỉ đạt gần 0,04 kg/người/năm. Một so sánh sẽ cho thấy ý nghĩa của những số liệu này: với số dân không bằng con số lẻ của Trung Quốc (hơn 318 triệu người), nhưng khách hàng lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ đã nhập khẩu tới hơn 81.000 tấn, tức là đạt gần 0,26 kg/người/năm. Như vậy, chỉ cần mỗi người dân Trung Quốc tăng gấp đôi tiêu dùng (dù vẫn chưa bằng 1/3 mức tiêu dùng của Hoa Kỳ) thì nhu cầu của Trung Quốc đã đạt hơn 100.000 tấn, cao hơn nhu cầu của Hoa Kỳ hơn 20.000 tấn (hơn 20%).

Trong điều kiện có sẵn thị trường tiêu thụ rất lớn và chắc chắn sẽ còn lớn hơn rất nhiều như vậy, lo ngại của chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) là hoàn toàn có cơ sở. Trong một phát biểu cuối năm 2013, ông Nguyễn Đức Thanh, chủ tịch Vinacas, nói về thực tế “một số lớn” thương nhân Trung Quốc đến Việt Nam học nghề chế biến hạt điều và “nhiều khả năng trong vài năm nữa Trung Quốc sẽ không còn nhập khẩu hạt điều của Việt Nam nữa.

Thay vào đó, phía Trung Quốc sẽ trực tiếp mua điều thô từ châu Phi và máy móc công nghệ tách vỏ hạt điều của Việt Nam để tự chế biến cung cấp cho thị trường nội địa”. Và theo một quan chức khác của Vinacas, các doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư xây dựng nhiều nhà máy chế biến hạt điều ở tỉnh đảo Hải Nam và tỉnh Quảng Đông.

Có thể thấy rằng cho dù tài nguyên đất nông nghiệp rất có hạn và cũng không có lợi thế về năng suất ở loại cây trồng nhiệt đới này, nhưng với tài buôn bán lừng danh, các thương nhân Trung Quốc hoàn toàn có thể dần thâu tóm nguồn điều thô từ châu Phi để biến Trung Quốc thành “công xưởng chế biến điều của thế giới”. Do vậy sẽ không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa ngày càng lớn, mà còn cạnh tranh với Việt Nam trên thị trường thế giới.

Lợi thề và tử huyệt

Ngành điều Việt Nam đương nhiên có ba lợi thế rất rõ ràng: vốn liếng và kinh nghiệm phát triển ngành hơn 20 năm, hệ thống bạn hàng ở trên dưới 100 quốc gia và vùng nguyên liệu hơn 300.000ha - hiện vẫn là một lợi thế tuyệt đối.

Nhưng một khi phải cạnh tranh với công nghiệp điều Trung Quốc, lợi thế tuyệt đối vùng nguyên liệu đó lại đang là “tử huyệt” của ngành công nghiệp điều Việt Nam. Bởi với thu nhập quá thấp như hiện nay, việc nông dân tại các vùng nguyên liệu này sẽ tiếp tục quay lưng với thứ cây mà họ đã nhiều năm gắn bó này là điều tất yếu. Từng là thứ “cây xóa đói giảm nghèo” cách đây chưa lâu, cây điều lại trở thành “cây làm nghèo” nông dân nhiều năm gần đây.

Quy hoạch ngành điều mới nhất đã đặt ra mục tiêu duy trì 350.000ha điều, tạo nền tảng cho ngành công nghiệp điều nước ta phát triển bền vững trong những năm tới, mà “chìa khóa” là bảo đảm thu nhập thỏa đáng của nông dân trồng điều. Như vậy, không thể không tính sát hai hướng.

Thứ nhất, tăng vọt năng suất điều là điều kiện sống còn để tăng thu nhập cho nông dân. Thực tế cho thấy nếu chọn được giống phù hợp và chăm sóc đúng cách, năng suất điều có thể tăng gấp đôi, thậm chí gấp bốn lần. Nếu áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, có thể tăng gấp năm lần. Do vậy, các doanh nghiệp chế biến điều không thể cứ mãi là những người đứng ngoài cuộc, mặc kệ nông dân loay hoay.

Cần tính tới việc liên kết với nông dân, cùng nông dân xây dựng vùng nguyên liệu như các công ty khác đã liên kết với hàng nghìn hộ nông dân để xây dựng vùng lúa nguyên liệu. Có thể tính tới việc coi đây là điều kiện tiên quyết để cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu điều và tổ chức lại ngành công nghiệp điều đang rất rối rắm hiện nay.

Thứ hai, chỉ ngồi chờ mua, mà còn “thích mua rẻ” điều của nông dân như giãi bày của một quan chức Vinacas cũng là điều không công bằng. Với chất lượng tốt hơn, thậm chí “ngon nhất thế giới” như nhận xét của một khách hàng nước ngoài dự hội nghị điều quốc tế vừa qua, thật vô lý khi hạt điều Việt Nam vẫn chỉ được mua với giá thấp hơn điều thô nhập khẩu từ châu Phi có chất lượng không thể sánh bằng.

Nâng cao sức cạnh tranh và giá trị gia tăng là việc lớn và lâu dài, nhưng nếu không củng cố nền tảng bằng cách bảo vệ quyền lợi chính đáng của nông dân trồng điều ngay thì quy hoạch ngành điều sẽ chỉ tồn tại trên giấy, ngành công nghiệp này sẽ bị thất thế, thậm chí còn đối diện với nguy cơ rất đen tối.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận