Nghề giáo quanh tôi

NGUYỄN PHI HÙNG 30/05/2012 04:05 GMT+7

TTCT - Tôi thường nghe người lớn hỏi các cậu bé rằng lớn lên con tính làm kỹ sư, bác sĩ hay làm nghề gì đó. Lạ thay, “nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” lại không được nhắc đến.

Nếu hỏi một cô bé thì may ra nhận được câu trả lời: “Lớn lên con muốn làm cô giáo cơ”. Kết quả hiện nay cô giáo chiếm số đông. Cô giáo nhiều đến mức học trò quen miệng “dạ thưa cô”, đến độ tôi, một nam giáo viên, cứ bị học trò bất ngờ “dạ thưa cô” hoài. Có lớp, tất cả các môn học đều do giáo viên nữ dạy.

Phóng to

***

Cách đây nhiều năm, một vị phụ huynh đến trường tôi xin cho đứa con gái học lại vì nó vừa bỏ học một tuần, lý do học dở quá nên chán. Được thầy hiệu trưởng chấp thuận, bà ta phấn khởi gặp tôi và vài thầy cô giáo đang ngồi chờ tiết dạy ở phòng hội đồng. Tay bà ta cầm nón quạt, miệng hồ hởi nói: “Kệ nó, mấy thầy cô thương giùm, chứ nó ráng mai mốt cũng làm được cô giáo”. Cái bà phụ huynh thiệt tình, nói sao trúng phóc. Chỉ có điều tụi tôi ngượng đến nín lặng hồi lâu.

***

Tôi là giáo viên dạy toán trung học, cũng oai đấy chớ, được học trò, được xã hội tôn trọng (không biết là thiệt hay giả); cũng công chức tới tháng nhận lương; cũng quần áo giày vớ bảnh bao. Nhưng nói thiệt, mỗi khi gặp bạn cũ, họ đang là nhà kinh doanh, bác sĩ, kỹ sư... tôi thèn thẹn thế nào, nói không ra hơi, bị khớp kiểu gà sợ mặt.

Bạn đọc biết lý do vì sao không? Đành rằng họ giàu có hơn tôi nhưng đó không phải lý do, lý do chính là ngày xưa họ học giỏi hơn tôi nhiều. Nếu tôi cũng giỏi như họ chắc gì tôi chịu làm giáo viên. Rất nhiều lần tôi muốn học lên thạc sĩ, tiến sĩ để bớt tự ti (?!). Quanh tôi toàn những “nhà giáo bất đắc dĩ” với những nguyên do: để dễ đậu, để học gần nhà bớt chi phí, để dễ lấy chồng... Ngay những gia đình có truyền thống nghề giáo phải ép con cháu chúng mới chịu chọn sư phạm mà nước mắt ngắn dài.

***

Tôi là giáo viên nhưng chưa bao giờ khuyên một trò giỏi chọn ngành sư phạm. Với học trò học lực khá thôi tôi vẫn bảo: “Ráng coi cái trường nào dễ đậu thì thi chứ đừng đi sư phạm, khổ lắm em ơi”. Học trò gặp tôi hồn nhiên méc: “Thầy ơi, bạn X học cũng được nhưng nó đăng ký thi sư phạm”, ý chê ngu.

Thỉnh thoảng gặp học trò làm toán tuyệt vời từ cách lập luận đến trình bày, tôi cứ ước trong lòng: Nếu những học sinh này chịu “hi sinh” làm giáo viên thì thật may mắn cho thế hệ sau. Chỉ ước thế thôi chứ không dám khuyên em đi sư phạm, khuyên cũng chưa chắc được. Và tôi đã có một trò giỏi như vậy làm thầy giáo, nhìn em trộn lẫn, nhạt nhòa trong số đông, xót quá. Đợi mãi chẳng thấy Nhà nước, Bộ Giáo dục - đào tạo có chính sách thu hút học sinh giỏi vô sư phạm. Thầy không giỏi sao có trò giỏi?

***

Ai đó là thầy cô giáo có xuất phát điểm học sinh giỏi (phải giỏi thiệt đó nghen) xin đừng để ý câu nhận xét của tôi sau đây: “Thầy cô giáo hiện nay chỉ là những kẻ thường thường bậc trung thôi”. Đã thế, với cách quản lý giáo dục (có người là tiến sĩ quản lý giáo dục cơ đấy, ghê hồn) nặng về sổ sách, thiếu sáng tạo hay đúng hơn là u mê, rập khuôn làm cho giáo viên lo đối phó tối tăm cả mặt mũi còn đâu thời giờ tự học, tự nghiên cứu, tự đào tạo lại, hả trời?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận