TTCT - Ở Đại sứ quán Phần Lan tại Washington có một phòng tắm hơi mà nhiệt độ cao nhất có thể lên tới 82oC, cũng là nơi đã diễn ra không ít những quyết định ngoại giao và chính trị quốc tế nóng bỏng. Ảnh: Foreign PolicyTắm hơi là truyền thống lâu đời của Phần Lan, và giới ngoại giao nước này đã pha trộn truyền thống đó với nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng nhất. "Đó là một truyền thống đã giúp Phần Lan không rơi vào ảnh hưởng của Liên Xô thời Chiến tranh lạnh, hỗ trợ cho nền độc lập của Namibia và khiến GeorgeH. W. Bush trần như nhộng nhảy xuống biển Baltic trong một chuyến đi có tính bản lề tới châu Âu", tạp chí đối ngoại Foreign Policy cho biết.Nền văn hóa tắm hơi"Tắm hơi, vốn là một phần cơ hữu của văn hóa Phần Lan, với chúng tôi là chuyện bình thường - FP dẫn lời Pasi Rajala, tùy viên báo chí ở đại sứ quán nước này tại Mỹ - Nên cá nhân tôi thấy ngạc nhiên vì người Mỹ lại thích thú chuyện này như vậy. Ở Mỹ người ta rất quan tâm và tò mò về tắm hơi".Nhưng tắm hơi không chỉ là truyền thống lâu đời, đó còn là công cụ ngoại giao của Phần Lan. Theo FP thì mọi cơ quan đại diện ngoại giao của Helsinki đều có trang bị phòng tắm hơi - giới ngoại giao Phần Lan thậm chí tổ chức các hội tắm hơi ngoại giao chính thức ở Washington, Berlin, Brussels, London và Tokyo, theo lời Rajala.Quân đội nước này cũng học theo các nhà ngoại giao. Khi binh lính Phần Lan được triển khai trong phái bộ gìn giữ hòa bình ở một nơi nào đấy trên thế giới, khả năng cao là họ sẽ dựng lên một phòng tắm hơi, bất kể khí hậu ở đấy ra sao. Chẳng hạn những năm 1950, lính gìn giữ hòa bình Phần Lan ở bán đảo Sinai đã tận dụng một cơ sở vận tải mà quân đội Ai Cập bỏ lại để làm phòng tắm hơi. Những năm 1980 và 1990, các phòng tắm hơi kiểu Phần Lan xuất hiện ở cao nguyên Golan, trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc ở Libăng. Rồi hơn 20 phòng tắm hơi khác ở căn cứ của lực lượng Phần Lan tại Kosovo những năm 2000.Và nền ngoại giao tắm hơiPhòng tắm hơi còn được sử dụng hết sức hiệu quả trong các cuộc thương thuyết ngoại giao. Martti Ahtisaari, cựu tổng thống Phần Lan, đã góp phần đặt nền móng cho nền độc lập của Namibia vào những năm 1970 và 1980 trong thời gian ông là trưởng phái bộ Liên Hiệp Quốc tại nước này. Ông mời các tay súng chiến đấu cho tự do Namibia tắm hơi cùng và thuyết phục họ đàm phán. (Ahtisaari sau này được trao giải Nobel hòa bình vì những nỗ lực hàn gắn xung đột ở Namibia, Indonesia, Kosovo và Iraq).Urho Kekkonen, tổng thống tại chức lâu nhất của Phần Lan, thuyết phục được giới lãnh đạo Liên Xô về vị thế trung lập của Helsinki trong chiến tranh lạnh cũng trong phòng tắm hơi, mà người Nga vốn không xa lạ. Chính trong một buổi tắm hơi, Kekkonen đã hỏi ý kiến nhà lãnh đạo Liên Xô lúc bấy giờ Nikita Khrushchev về ý tưởng Phần Lan gia nhập Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu, tiền thân của Liên minh châu Âu sau này. Thái độ cẩn trọng và tôn trọng siêu cường láng giềng của Helsinki, cùng tâm trạng thoải mái của những chính trị gia không mặc vest trong phòng tắm hơi, đã giúp Phần Lan có thể "hướng Tây" mà không chọc giận Matxcơva. (Thư khố Phần Lan giải mật năm 2001 cho biết Vyacheslav Molotov, bộ trưởng ngoại giao Liên Xô thời Joseph Stalin, đã chỉ trích gay gắt Khrushchev vì cởi hết quần áo ngồi chung với một người nước ngoài, lại khác ý thức hệ).Rồi còn chuyện năm 1983, George H. W. Bush, bấy giờ là phó tổng thống Mỹ, đã trần trụi nhảy xuống biển Baltic sau khi tắm hơi với các vị chủ nhà trong một chuyến thăm Helsinki. Trong chuyến đi đó, Bush mở ra những kênh liên lạc mới với Phần Lan và giới chức nước này, vốn am tường sâu sắc người láng giềng Liên Xô, đã phím cho Bush rằng ông và tổng thống của ông Ronald Reagan có thể sẽ muốn đầu tư vốn liếng chính trị cho một ngôi sao đang lên trong nền chính trị Liên Xô: Mikhail Gorbachev.Pertti Torstila, một nhà ngoại giao Phần Lan kỳ cựu, tóm tắt tài tình nền ngoại giao tắm hơi đấy ở Hội nghị Tắm hơi quốc tế (hoàn toàn nghiêm túc) thường niên lần thứ 15 ở Tokyo năm 2010: "Trong phòng tắm hơi mọi người đều bình đẳng. Không còn siêu cường và tiểu cường, không còn ông chủ và kẻ tôi đòi. Không ai giấu dao trong ống tay áo khi ta không còn mặc áo. Nếu ta thảo luận và nhất trí được chuyện gì đó khi đang trần như nhộng, thì khó mà không giữ lời... Gầy dựng quan hệ khi không mặc quần áo là tuyệt đối cao thượng".Thông tin thêm: Tuần trước, trụ sở NATO ở Brussels vừa khai trương phòng tắm hơi đầu tiên trong lịch sử tổ chức.■ Tags: Chính trị giaChiến tranh lạnhNhà ngoại giaoPhần LanTắm hơiTổng thống MỹNhà lãnh đạoPhó tổng thống Mỹ
Họa sĩ Đào Văn Hoàng: Vào trong hoang dã, vẽ để kể về sự sống và mất mát THỦY TIÊN 13/07/2025 1438 từ
Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 26-2025: Muốn biết kinh tế ra sao, hãy hỏi người tiêu dùng TTCT 10/07/2025 384 từ
Ông Trump dọa áp thuế 100% với nước nào làm ăn với Nga DUY LINH 14/07/2025 Ông Trump dọa áp thuế 100% với nước giao thương cùng Nga nếu Matxcơva không đạt thỏa thuận ngừng bắn Ukraine trong 50 ngày.
Khởi tố 18 bị can ở Cục An toàn thực phẩm nhận hối lộ hơn 75 tỉ đồng để cấp khống giấy tờ DANH TRỌNG 14/07/2025 Tối 14-7, Bộ Công an cho biết văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội đưa hối lộ và nhận hối lộ xảy ra tại Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế.
Giám đốc Công an Hà Nội: Ở thủ đô sẽ không có cảnh sát giao thông ngoài phố, thay thế bằng camera AI PHẠM TUẤN 14/07/2025 Giám đốc Công an Hà Nội cho biết dự kiến đến 18-12, khi lắp đủ camera AI, giao thông Hà Nội sẽ không cần cảnh sát giao thông nữa.
Cách cựu trợ lý của cựu chủ tịch Quốc hội 'tác động' cho Tập đoàn Thuận An THÂN HOÀNG 14/07/2025 Ông Phạm Thái Hà, cựu phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cựu trợ lý của nguyên chủ tịch Quốc hội, bị viện kiểm sát truy tố với cáo buộc nhận 750 triệu đồng sau khi có tác động giúp Tập đoàn Thuận An trúng thầu.