"Nghe tiếng thét và nỗi đau bật lên từ mỗi hạt đất"

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI 24/12/2012 04:12 GMT+7

TTCT - Sang Việt Nam tham chiến khi 22 tuổi, nay đã bước sang tuổi 68, ký ức về Việt Nam vẫn ám ảnh một cựu binh Mỹ khôn nguôi: Larry Heinemann.

Nhiều tiểu thuyết viết về Việt Nam của ông vẫn chưa kể hết chuyện về một đất nước mà ông gọi là máu thịt của mình.

 

Ông Larry Heinemann - Ảnh: NPQM


Câu chuyện cần được kể

* Ông tham gia chiến tranh Việt Nam với tâm thế nào, thưa ông?

- Năm 1966, tôi đang học đại học thì bị động viên. Tôi đã phải bỏ học và trở thành một anh lính quèn vào năm 22 tuổi. Lúc đó tôi nghi ngờ về tất cả và cực kỳ giận dữ. Từ tháng 3-1967 đến tháng 3-1968, tôi lê lết cùng sư đoàn bộ binh số 25, tham chiến tại Củ Chi và Dầu Tiếng.

* Chắc chắn những trải nghiệm về chiến tranh đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời ông?

- Tôi đã trở về từ cuộc chiến 44 năm rồi, và không ngày nào trôi qua mà tôi không nghĩ về nó. Tôi phải đau đớn nói rằng tôi là kẻ đồng lõa với một tội lỗi lớn.

Cuộc chiến ở Việt Nam chắc chắn đã ảnh hưởng đến cuộc hôn nhân của tôi, cách tôi nuôi dạy con, cách tôi nhìn thế giới, quan điểm làm việc của tôi, cũng như thái độ của tôi đối với chính trị, các vấn đề xã hội và cách vận hành của thế giới. Tôi không sở hữu một khẩu súng nào. Tôi không chấp nhận việc sở hữu súng ống và không để một khẩu súng nào lọt vào nhà của mình.

Tôi không thích những gì vũ khí đại diện. Mặc dù nhiều người Mỹ đề cao quyền sở hữu súng ống của họ, tôi luôn nghĩ là những người đó cần phải trở thành người lớn.

Tôi luôn chú trọng việc nuôi dạy những đứa con sao cho chúng tốt bụng, biết quan tâm, sẻ chia với người khác, và quan trọng hơn cả: tôi dạy con không sử dụng bạo lực.

* Tôi biết rằng em trai út của ông, Philip, cũng tham gia chiến tranh Việt Nam...

- Cả tôi và Philip đều bị động viên sang Việt Nam. Thật ra, Philip sang Việt Nam hai lần. Lần đầu tiên nó bị thương vào đầu, về Mỹ một năm rồi quay lại Việt Nam lần thứ hai, chiến đấu gần khu phi quân sự dọc sông Đông Hà. Năm 1971, em tôi trở về nhà, chúng tôi đã cãi nhau kịch liệt về chiến tranh. Vì sự khác biệt trong suy nghĩ, chúng tôi không hề nói chuyện với nhau trong khoảng 10 năm nay.

Lần cuối cùng tôi nhìn thấy Philip là năm 1983 khi chúng tôi bắt đầu không thể nhìn mặt nhau nữa và đó là một thời điểm tồi tệ. Em biến mất khỏi gia đình chúng tôi, và chỉ vài năm gần đây mới nối lại liên lạc với hai đứa con gái của nó.

Mới đây, vào ngày 27-3-2012, Philip chết vì viêm phổi. Bạn bè của Philip nói với tôi rằng chiến tranh cứ bám chặt lấy nó, nó thường xuyên bị giày vò bởi những cơn ác mộng. Điều buồn nhất là sau khi Philip chết, là người anh em duy nhất còn lại trong gia đình có bốn anh em, tôi phải thu dọn đồ đạc cho nó và biết được rằng nó đã sống một cuộc đời vô cùng nghèo khó.

Tất cả những gì nó sở hữu là một chiếc giường, một cái ghế, một chiếc tivi và vài bộ quần áo. Tôi luôn nghĩ rằng trong chiến tranh có điều gì đó xảy ra với nó, làm nó không bao giờ vượt qua được để có một cuộc sống bình thường.

* Ông đã trở thành nhà văn như thế nào?

- Tôi trở thành nhà văn vì tôi có một câu chuyện cần được kể, chứ không phải là điều ngược lại. Một câu chuyện không ai có, một câu chuyện không chịu rời bỏ tôi (và thật sự nó vẫn bám riết lấy tôi trong 44 năm qua). Trước chiến tranh, tôi chưa từng có mong muốn trở thành nhà văn. Năm 1968, tôi trở về từ cuộc chiến và học đại học. Lúc đó tôi không biết mình sẽ làm gì.

Tôi đăng ký học một khóa viết văn và đêm đầu tiên đến lớp tôi nói rằng tôi mới trở về từ cuộc chiến và muốn viết về nó. Tôi muốn kể một câu chuyện về những điều tôi đã thấy, những gì tôi đã làm, những gì tôi đã trở thành. Chiến tranh, đối với một anh lính quèn, làm kiệt quệ cả cơ thể và trí tuệ. Những trải nghiệm của cá nhân tôi rất phổ biến trong số những người lính Mỹ, cả trong và sau chiến tranh.

Chiến tranh đã quyết định phong cách viết của tôi: tôi không bao giờ né tránh những câu chuyện có thể làm người khác tức giận vì họ không thể chấp nhận được chủ đề đó. Người ta thường nói về cách viết lỗ mãng của tôi. Điều đó chấp nhận được. Tôi luôn nói với các sinh viên của mình rằng không bao giờ bỏ qua một điều gì cả.

Sẽ kể cho sinh viên Mỹ về Tấm Cám

* Trong khuôn khổ Diễn đàn văn học Việt - Mỹ năm nay, ông đã đến thăm Quảng Trị và Trường Sơn. Cảm giác thế nào khi ông trở lại những nơi này?

- Tôi lên đường về Quảng Trị và Trường Sơn đúng vào ngày rời Việt Nam 44 năm trước đó. 

Trên thế giới, có những nơi bị thay đổi vĩnh viễn bởi những gì đã xảy ra ở đó. Ở Mỹ có thành phố Gettysburg (tiểu bang Pennsylvania), địa điểm của cuộc chiến đẫm máu nhất trong lịch sử nội chiến nước Mỹ. Ở Pháp có Thung lũng Somme, nơi trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, 50.000 người lính Anh đã chết hoặc bị thương chỉ trong một ngày. Ở Nhật có Hiroshima và Nagasaki. Còn ở Việt Nam có Quảng Trị.

Trong đợt tấn công thứ hai vào Thành cổ Quảng Trị, Mỹ và quân đội miền Nam đã sử dụng 80.000 tấn đạn bom, giết chết 10.000 người, trong đó có trẻ em và phụ nữ. Thành phố Quảng Trị bị phá hủy tan hoang. Thành cổ hiện nay đã trở thành một khu tưởng niệm.

Ngày chúng tôi đến đó, trời lạnh, ẩm ướt, mưa dai dẳng không dứt. Lang thang trong khu tưởng niệm, tôi thề rằng tôi nghe thấy những tiếng thét và những nỗi đau đang bật lên từ mỗi hạt đất, mỗi ngọn cỏ. Và trong lúc mọi người đi thăm bảo tàng ở đó, tôi lang thang bên ngoài, cố gắng thẩm thấu tất cả. Tôi thấy buồn thê thảm.

Tôi cũng không thể cầm lòng được khi đến nghĩa trang Trường Sơn. Tôi đã đến đó khi quay lại Việt Nam vào năm 1990. Trong chuyến đi đầu tiên ấy, tôi đã đem theo tất cả những huân, huy chương, nghĩ rằng mình sẽ để chúng lại Việt Nam, ở một nơi nào đó, và nghĩa trang Trường Sơn là nơi tôi cảm thấy thích hợp nhất. Trong một giây phút rất riêng tư, tôi tìm thấy mộ của một bộ đội sinh cùng năm với tôi và hi sinh năm 1968. Tôi đứng lặng ở đó hồi lâu, nghĩ về cuộc đời của hai chúng tôi, rồi đặt tất cả huân huy chương của tôi lên mộ anh ấy.

Bây giờ, đã nửa năm trôi qua kể từ khi về Mỹ sau chuyến thăm Trường Sơn và Quảng Trị, tôi vẫn không vơi được nỗi buồn.

* Lấy tên Núi Bà Ðen để đặt tựa cho hồi ký của mình, chắc hẳn ông có nhiều kỷ niệm đặc biệt với nơi đó?

- Trong tất cả những nơi tôi đã đến thăm, lưu luyến và nghiên cứu kỹ, tôi phải nói rằng núi Bà Đen đứng đầu danh sách. Trong cái năm tôi tham gia cuộc chiến, núi Bà Đen đã luôn ở đó, thật ra là sừng sững phía trên chúng tôi, như là tượng đài, khuất nẻo, thậm chí huy hoàng, được bao bọc bởi đồng quê bằng phẳng. Nó lạc lõng đến mức bạn phải tự hỏi bằng cách nào nó đã đến được nơi đó. Thời đó tôi chẳng biết gì về câu chuyện của núi Bà Đen, không người Mỹ nào biết.

Bây giờ, tôi biết rằng điện thờ Bà Đen không phải là một tạo tác tĩnh của lịch sử, và không phải một địa điểm du lịch. Nơi ấy thật sự là nơi thờ cúng và hành hương trang nghiêm. Lên được điện thờ Bà Đen không dễ dàng chút nào, nhưng khi tôi đứng đó và nhìn thế gian trải rộng trước mắt, trái tim tôi ngập tràn hạnh phúc. Ở đó có một thứ ánh sáng, một cảnh tượng xanh thẳm, tuyệt diệu trong sự mỡ màng của nó. Và tôi nhận ra rằng tôi đến Việt Nam bởi vì đây là một đất nước xinh đẹp, vì tôi yêu con người ở đây. Và quan trọng hơn, tôi đến Việt Nam để được thanh thản.

* Dự án tiếp theo của ông với Việt Nam, thưa ông?

- Theo lời đề nghị của Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam, tôi đang dốc sức viết một tập truyện ngắn dành cho trẻ em. Sau khi dành nhiều năm để viết về sự kinh hoàng của chiến tranh và những chủ đề khác dành cho người lớn, viết cho trẻ em là một thử thách khiến tôi thích thú.

Tôi thường kể cho Clementine, cháu ngoại 6 tuổi của tôi, những câu chuyện trẻ em mà tôi có trong đầu. Bây giờ, sau khi viết xong một câu chuyện nào tôi cũng đọc cho Clementine nghe. Dự định tập truyện ngắn dành cho thiếu nhi của tôi sẽ mang tựa đề The city of bears (Thành phố của loài gấu). Tôi không biết ở Việt Nam có gấu không, nhưng tôi nghĩ trẻ em ở đâu cũng thích gấu và những câu chuyện về gấu. Tôi cần một năm để hoàn thành quyển sách này.

Nhưng tôi không cần bất cứ một dự án nào để giữ sợi dây liên lạc với một đất nước đã trở thành máu thịt của tôi. Hiện tôi đang giảng dạy môn viết văn tại Trường đại học Texas A&M (một trường đại học có bề dày lịch sử hơn 130 năm), và thường nói chuyện với các sinh viên, cũng như các giảng viên khác về văn học và văn hóa Việt Nam.

Trước đây, khi còn là một học giả Fullbright, tôi đã đến Huế làm việc với Trường đại học Huế và nghiên cứu, sưu tầm những câu chuyện dân gian, ca dao, tục ngữ của Việt Nam. Những kiến thức ấy thật phong phú và giúp ích cho tôi rất nhiều trong công việc giảng dạy, ví dụ như ngày hôm nay, sinh viên của tôi đang học về những câu chuyện dân gian, và tôi sẽ kể cho họ nghe câu chuyện Tấm Cám, một câu chuyện khá tương đồng với câu chuyện cô bé Lọ Lem của chúng tôi.

Trong tiểu thuyết Chuyện của Paco, bằng giọng văn giận dữ, nổi loạn và vô cùng cay nghiệt, Larry Heinemann đã khắc họa thế giới đau đớn của Paco Sullivan, một người lính Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam, bị thương nặng và đã suýt chết. Paco trở về Mỹ, lang thang như một bóng ma và tìm đến một thị trấn nhỏ bé có tên gọi là Boone làm công việc rửa bát để sống qua ngày.

Nhưng những hồn ma của chiến tranh vẫn bám riết lấy Paco và những mối quan hệ mơ hồ của Paco ở thị trấn Boone được thuật lại một cách trần trụi, khốc liệt và đau đớn nhất qua lời kể của những hồn ma đó. Larry Heinemann đã mất tám năm trời ròng rã cho Chuyện của Paco.

Với tiểu thuyết này, ông đã đánh bại Tony Morison - nhà văn Mỹ được giải Nobel năm 1993 - để giành Giải thưởng sách quốc gia Mỹ năm 1987. Chuyện của Paco đã gây chấn động văn đàn Mỹ và châm ngòi cho những cuộc tranh cãi đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Các tiểu thuyết Close Quarters (Giáp lá cà) và hồi ký Black Virgin Mountain (Núi Bà Ðen) cũng viết về Việt Nam.

 


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận