​Ngoài công lập hào hứng, công lập thờ ơ

VĨNH HÀ 12/05/2015 17:05 GMT+7

Dạy học “tích hợp liên môn” đã vào nhà trường trong ba năm học qua, được xem là phần lõi trong đổi mới giáo dục đang được Bộ GD-ĐT triển khai. Nhưng tích hợp liên môn rất dễ rơi vào sáo mòn, lại trở thành việc mang tính phong trào, đậm màu hình thức nếu như trên cứ hô hào, cứ phát động, còn cả hệ thống ở dưới ì ạch chuyển động.

 

Dạy học tích hợp liên môn sẽ không chỉ có trong chương trình được thiết kế mới với những môn học mới tích hợp từ nhiều môn học cũ mà theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, ngay bây giờ đã có thể triển khai theo hướng đi này thông qua việc các trường tự thiết kế “chương trình nhà trường” trên cơ sở dựa vào chương trình hiện hành, có điều chỉnh, bổ sung, áp dụng các phương pháp tổ chức học tập cho học sinh.

Tích hợp liên môn đang được Bộ GD-ĐT tin tưởng như cú hích, như “điểm sáng” làm thay đổi những bất cập như quá tải, nặng nề, trùng lặp, kém hấp dẫn trong chương trình, hướng đến việc phát triển năng lực cho người học.

NHẬN DIỆN NGƯỜI ĐI ĐẦU

Nhưng hầu hết “địa chỉ đỏ” triển khai tích hợp liên môn hiện nay đều nằm tại các trường ngoài công lập, trường công lập tự chủ, trường trực thuộc trường ĐH. “Người đến sau không còn chỗ đứng cho mình thì phải tự tạo ra chỗ đứng mới, con đường mới để đi” - một hiệu trưởng trường ngoài công lập đang nỗ lực đưa trường mình chuyển động theo hướng tích hợp liên môn đã chia sẻ thật lòng như vậy.

Không có tên hiệu “trường điểm” để được “bảo lãnh” về chất lượng theo tiêu chí công lập, một số trường phải tìm thế mạnh khác. Theo cô Trần Hải Yến - đại diện Trường THCS Alpha Hà Nội, ngoài chương trình học chính khóa, học sinh trường này được tham gia các hoạt động giáo dục mở, học kỹ năng mềm, giá trị sống... Alpha cố gắng duy trì hướng đi cá nhân hóa quá trình giáo dục nhằm phát triển năng lực của từng cá nhân. Để thực hiện điều này, nội dung môn học phải được thiết kế, sắp xếp lại.

Tại Trường THPT Olympia, tới năm học 2014-2015 việc thực hiện tích hợp liên môn đã được triển khai có chiều sâu. Theo đó, giáo viên có thể đưa kỹ thuật môn tin học (làm phim) và kỹ năng môn truyền thông (phỏng vấn) vào môn lịch sử, đưa nghệ thuật biểu diễn vào môn văn.

Thực tế đã có những sản phẩm được chính học sinh làm ra từ việc vận dụng kiến thức liên môn như sản phẩm nước hoa của liên môn lý - hóa - sinh, vườn rau sạch của liên môn tiếng Anh - sinh - hóa. “Việc sử dụng kiến thức của nhiều môn học để giải quyết một vấn đề, tạo nên một sản phẩm mang lại sự hứng thú, động lực học tập và làm học sinh hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa của những môn học” - cô Nguyễn Hồng Duyên, giáo viên trường này, nhận xét.

Thực tế đã có những sản phẩm được chính học sinh làm ra từ việc vận dụng kiến thức liên môn như sản phẩm nước hoa của liên môn lý - hóa - sinh, vườn rau sạch của liên môn tiếng Anh - sinh - hóa.
 

Một trường khác là THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) thành lập theo mô hình công lập tự chủ, đã thiết kế chương trình với tất cả các môn học dựa trên chương trình hiện hành. Theo đó, nhiều chủ đề tích hợp liên môn, dự án học tập, hoạt động giáo dục đã được xây dựng trên cơ sở vận dụng kiến thức nhiều môn học để giải quyết các vấn đề đời sống. “Chúng tôi chỉ cần được các cấp lãnh đạo thông qua về chủ trương thì sẽ triển khai, dù đây là việc mới mẻ, khó khăn, đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải đồng lòng, tâm huyết thật sự” - cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng trường, cho biết.

Trong số những trường đi đầu với tích hợp liên môn thì Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (trực thuộc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đạt được những kết quả đáng kể. Cô Hà Thúy, giáo viên Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, cho biết việc tích hợp liên môn không phải là trong một giờ học văn đưa thêm vài phần kiến thức lịch sử, địa lý, hay dạy toán có lồng kiến thức vật lý, mà các giáo viên bộ môn phải ngồi với nhau để xây dựng các dự án học tập cho học sinh vận dụng kiến thức của nhiều môn học.

Trong một “dự án nghiên cứu” như vậy về cốm làng Vòng của Hà Nội, học sinh có thể vận dụng kiến thức trong chương trình của các môn sinh học, công nghệ, địa lý, lịch sử, ngoại ngữ để tìm hiểu về đặc điểm sinh trưởng của cây lúa, sự tác động của chất đất tạo nên đặc trưng sản phẩm trồng trọt, cách chế biến, bảo quản khoa học, lịch sử làng nghề... Dự án được học sinh trình bày bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Ngoài kiến thức từ các môn học, học sinh còn được trải nghiệm, bổ sung các kiến thức kỹ năng về xã hội do các em trực tiếp đi khảo sát, thu thập thông tin, phỏng vấn trao đổi với chính quyền, người dân làng nghề.

TRÌ TRỆ

Nhưng những trường, những giáo viên thật sự tâm huyết với việc thử nghiệm tích hợp liên môn hiện nay không nhiều. Trước văn bản chỉ đạo rốt ráo của Bộ

GD-ĐT, nhiều trường công lập cũng rục rịch triển khai... Nhưng do gốc rễ của giáo viên chỉ được đào tạo dạy một môn, lại thiên về cung cấp kiến thức, môi trường dạy học, tư tưởng của lãnh đạo các nhà trường không cởi mở nên ở nhiều trường công hiện nay tích hợp liên môn vẫn chưa ra khỏi được văn bản chỉ đạo để đến được lớp học, đến được học sinh.

“Chúng tôi sẵn sàng thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, nhưng chúng tôi vẫn lúng túng vì không rõ tích hợp liên môn là thế nào? Liệu có phải cùng một tiết học, giáo viên văn đang dạy thì giáo viên lịch sử, địa lý vào nói thêm về môn của mình không?” - một hiệu trưởng ở Lạng Giang, Bắc Giang thật thà hỏi.

Rất nhiều giáo viên trường công tại Hà Nội vẫn lắc đầu khi được hỏi về tích hợp liên môn. Có rất nhiều khó khăn mà họ đề cập: giờ dạy ít, kiến thức phải truyền thụ nhiều, áp lực thi cử, áp lực từ các quy định mang tính hành chính trong nhà trường. Tất cả khiến giáo viên đều ngại.

Sự ngại không đơn thuần là ngại lao động mà ngại vì sợ làm sẽ sai, làm sẽ bị đánh giá là “chơi trội”, lỡ không vừa lòng cấp trên... Nếu giáo viên ở một số trường tư chất lượng cao trẻ hơn, năng động hơn nhờ chế độ tuyển dụng, thay thế liên tục, không bị ràng buộc bởi những quy định cả thành văn và bất thành văn thì giáo viên trường công có rất nhiều nỗi sợ. Đó là kiểu sợ được mô tả: giáo viên sợ hiệu trưởng, hiệu trưởng sợ trưởng phòng, phòng sợ sở, sở sợ bộ. Vì thế tốt nhất vẫn là đi đúng lối mòn đã mở sẵn.

Thầy Nguyễn Hồng Lĩnh, giáo viên Trường THPT Thực nghiệm (Hà Nội) - một trong số những trường nhiệt tình trong việc áp dụng tích hợp liên môn, cho biết trong quá trình thực hiện, các giáo viên trong trường cũng phải đối diện nhiều vấn đề khó khăn mà chưa thật sự tìm thấy giải pháp hữu hiệu.

Giáo viên sợ hiệu trưởng, hiệu trưởng sợ trưởng phòng, phòng sợ sở, sở sợ bộ. Vì thế tốt nhất vẫn là đi đúng lối mòn đã mở sẵn.
 

“Nhìn chung các nhà trường chưa tạo được nhu cầu, thói quen phải đổi mới. Giáo viên chưa có thay đổi nhiều về nhận thức, còn thiếu kiến thức, kỹ năng như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng xây dựng kế hoạch dạy học liên môn, hiểu biết xã hội và các lĩnh vực ngoài chuyên môn dạy học...” - ông nhận xét.

Trở ngại của giáo viên công lập không chỉ là hạn chế ở khâu đào tạo, ở năng lực nghiệp vụ của từng cá nhân giáo viên, mà trở ngại lớn nhất vẫn là nhận thức của người đứng đầu, của sự thiếu đồng bộ trong việc đổi mới của Bộ GD-ĐT khi đưa một vài cái mới vào một hệ thống cũ kỹ, bảo thủ mà lại thiếu đường hướng khắc phục.

Ngay cả việc một số trường ngoài công lập làm tốt hướng đi tích hợp liên môn, trở thành điểm sáng trong việc triển khai, Bộ GD-ĐT cũng chỉ xem đó là “thành quả đáng vui mừng” để tin tưởng chỉ đạo của mình là thành công, mà chưa đúc rút được những bài học cần thiết. Ví như tại sao cùng một việc trường tư làm được, trường công thì không, trường tư mặn mà, trường công né tránh hoặc chỉ thực hiện đối phó, hình thức? Trả lời được câu hỏi này sẽ tìm được giải pháp khắc phục để những quyết định đúng đắn thật sự đi vào đời sống giáo dục.    

MỖI NĂM CÓ HƠN 1.000 BÀI DẠY TÍCH HỢP LIÊN MÔN DỰ THI 

Dạy học tích hợp liên môn được Bộ GD-ĐT đưa vào nhiệm vụ trọng tâm của các năm học và trở thành tâm điểm của đổi mới phương pháp dạy học, hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông. Nhưng vấn đề này chỉ được chỉ đạo quyết liệt trong ba năm học gần đây (2012-2015).

Ban đầu, việc triển khai chỉ ở mức độ thấp: lồng ghép các nội dung giáo dục vào các môn học chính khóa (giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật, giáo dục chủ quyền biên giới hải đảo, giáo dục tiết kiệm năng lượng, giáo dục bảo vệ môi trường, giáo dục an toàn giao thông, giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên...). Việc tích hợp ở mức sơ khai này nhanh chóng bộc lộ bất ổn do chương trình chính khóa đã quá tải. Việc lồng ghép không nhuần nhuyễn, chủ yếu cung cấp kiến thức đã không đem lại hiệu quả thật sự mà chỉ thực hiện hình thức, đối phó.

Khắc phục nhược điểm trên, Bộ GD-ĐT tổ chức nhiều đợt tập huấn và tích cực chỉ đạo nhằm nâng việc dạy học tích hợp cao hơn một bước: xử lý các nội dung kiến thức có liên quan giữa nhiều môn học để giải quyết các vấn đề trong học tập, cuộc sống. Ưu điểm của việc này là tránh cho học sinh phải học lại nhiều lần cùng một nội dung kiến thức.

Trong ba năm học qua, Bộ GD-ĐT triển khai dạy học tích hợp liên môn theo hướng xây dựng các chủ đề dạy học nhằm tổ chức, hướng dẫn học sinh vận dụng kiến thức của nhiều môn học để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Hướng đi này không chỉ nhằm giảm tải chương trình mà còn tăng cường phát triển năng lực của học sinh, gắn nội dung dạy học với thực tế cuộc sống.

Bên cạnh nhiều đợt tập huấn cho giáo viên, cán bộ quản lý, Bộ GD-ĐT phát động các cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn thường niên. Mỗi năm có trên 1.000 bài giảng dự thi của giáo viên gửi về bộ, với sự tham gia của 53/63 sở GD-ĐT tỉnh, thành. Tuy nhiên từ các đợt tập huấn, từ các cuộc thi đến việc thực dạy ở các nhà trường vẫn là một khoảng cách lớn.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận