Ngôi nhà Việt giữa châu Âu

NGUYỄN HỮU THÁI 02/11/2003 22:11 GMT+7

TTCN - Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam (Centro di Studi Vietnamiti) thuộc Hiệp hội quốc gia Ý - Việt, với tên bằng tiếng Việt: Nhà văn hóa Việt Nam, không chỉ dành riêng cho người Việt và bạn bè Ý mà là một ngôi nhà chung VN giữa lòng cộng đồng châu Âu thống nhất.

Phóng to
Trong thư viện của Nhà văn hóa VN tại Torino (anh chị Sandra Scagliotti - Fuvio Albano đứng bên trái trong ảnh)
TTCN - Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam (Centro di Studi Vietnamiti) thuộc Hiệp hội quốc gia Ý - Việt, với tên bằng tiếng Việt: Nhà văn hóa Việt Nam, không chỉ dành riêng cho người Việt và bạn bè Ý mà là một ngôi nhà chung VN giữa lòng cộng đồng châu Âu thống nhất.

Từ tấm lòng của một phụ nữ Ý

Ngôi nhà văn hóa đó là kết quả của tấm lòng nhiệt thành và sự xoay xở suốt mấy mươi năm của một phụ nữ Ý yêu mến VN - tiến sĩ Sandra Scagliotti ở Torino, một thành phố công nghiệp lớn mạn Bắc Ý.

Khi bạn đọc TTCN đọc những dòng này thì chị Sandra đang cùng chồng là nhạc sĩ Fulvio Albano có mặt ở VN. Tại Hà Nội, Fulvio sẽ cùng các nhạc sĩ châu Âu khác trình diễn nhạc jazz theo chương trình trao đổi văn hóa châu Âu - VN, còn Sandra thì tiếp xúc, làm việc với một số cơ sở văn hóa trung ương.

Họ cũng sẽ đến Huế và TP.HCM hợp tác trình diễn nhạc Trịnh Công Sơn và quan hệ thêm với giới văn hóa, nghệ thuật phía Nam. Đây không biết là lần thứ mấy Sandra sang VN: những chuyến công tác đã khiến chị đi lại VN như con thoi kể từ những năm 1980 đến nay.

Phóng to
Ý định thành lập một nhà văn hóa VN tại Ý có lẽ đã manh nha trong đầu Sandra từ những ngày chị còn là một sinh viên hoạt động tích cực trong phong trào phản chiến Ý chống Mỹ xâm lược VN đầu thập niên 1970, rồi hình thành dần qua công việc của một thành viên năng nổ trong Hội Ý - VN, đồng thời là nghiên cứu sinh chuẩn bị luận án tiến sĩ về phong trào giải phóng phụ nữ tại VN những năm 1980.

Trong thập niên 1990 chị là chủ biên tập san Mekong, tiếng nói của Hiệp hội quốc gia Ý - VN cùng một số chuyên khảo về VN và Đông Nam Á. Nhờ vậy, chị thu thập được khá nhiều sách báo, tài liệu về VN (bằng tiếng Hán Nôm, Việt, Ý, Pháp, Anh...), đồ vật lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ VN.

Là con gái duy nhất trong một gia đình khá giả, được thừa hưởng từ bố mẹ một biệt thự bốn tầng rộng lớn ở trung tâm TP Torino, chị quyết tâm biến nó thành nơi lưu giữ, trưng bày, xuất bản sách báo và cũng là điểm gặp gỡ trao đổi về văn hóa, sinh hoạt văn nghệ VN, một chỗ đi về của bạn bè VN giữa lòng nước Ý và châu Âu.

Nhà văn hóa VN ở Torino đã xuất bản được nhiều tuyển tập nghiên cứu và dịch một số tác phẩm văn học VN ra tiếng Ý, đồng thời đang chuẩn bị cho ra mắt thêm các tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số nhà hoạt động chính trị, xã hội nổi tiếng khác của VN.

Ngoài ra, trung tâm này đã hợp tác với một số cơ sở văn hóa ở thủ đô Hà Nội để xuất bản một số sách giới thiệu văn học Ý tại VN. Đây cũng là tổ chức Ý duy nhất được ghi nhận trong văn bản thỏa thuận chính thức về trao đổi văn hóa song phương giữa hai chính phủ Ý và VN. Hiện có nhiều trung tâm nghiên cứu VN ở Bỉ, Hà Lan, Đức, Bắc Âu đang liên hệ với Nhà văn hóa VN ở Torino để trao đổi, phối hợp hành động nhằm hướng đến việc hợp tác chặt chẽ hơn về công tác nghiên cứu VN cho toàn châu Âu. Đã có nhiều nghiên cứu sinh người Việt đang theo các lớp cao học tại Đại học Torino và các đại học khác ở Ý nhờ nỗ lực vận động của chị Sandra và Trung tâm Nghiên cứu VN của chị.

Ngôi biệt thự bốn tầng của Sandra tại số 24 đường Federico Campana của Torino - quê hương của xe hơi Fiat, xe vespa Piaggio và đội bóng đá lừng danh Juventus - nay trở thành một địa chỉ quen thuộc của nhiều nhà hoạt động văn hóa, văn nghệ khắp nước Ý, châu Âu và cả từ VN sang. Gia đình Sandra chỉ sinh sống trong một phần nhỏ ngôi nhà và sân vườn, phần lớn không gian còn lại bố trí cho hoạt động chung. Khách mời và bạn bè vãng lai sử dụng tầng cao, tầng hầm để tổ chức triển lãm và sinh hoạt, tập dượt văn nghệ, thưởng thức món ăn Việt, vui chơi lễ lạt.

Bộ phận thư viện và Trung tâm tham khảo VN mới thiết lập nằm ở tầng trệt, mở cửa trực tiếp ra đường, sẽ đón công chúng và giới nghiên cứu khắp nơi, nhất là giới sinh viên và nghiên cứu sinh, học giả. Phòng đọc và tham khảo chính với tủ bàn, giá kệ được đặc biệt trang trí theo môtip Việt do một nhà trang trí đến từ Hà Nội thực hiện. Mấy nhân viên và cả Sandra cũng đến Đại học Torino dự một khóa hướng dẫn ngắn ngày về quản thủ thư viện. Thư viện hiện có trên 3.000 đầu sách chuyên khảo về VN và Đông Nam Á cùng nhiều tạp chí Việt và quốc tế trình bày các vấn đề chính trị, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, xã hội học, dân tộc học, kiến trúc - đô thị của VN.

Nhóm Vietnamiti tiếp tay

Không dừng lại ở các hoạt động văn hóa, gần đây chị Sandra còn góp công hình thành bộ phận VN trong Phòng Thương mại Torino và giúp họ soạn thảo tài liệu, văn bản liên quan đến các vấn đề đầu tư và làm ăn ở VN. Bản thân chị cùng bạn bè đã mở một cửa hàng mỹ nghệ VN mang tên Emporio d'Indocina giữa khu phố trung tâm Principe Tommaso. Nhiều hình ảnh về đất nước, con người và hàng tiểu thủ công nghiệp xinh xắn xứ ta đã xuất hiện ở đó.

Người Việt sinh sống ở Ý không nhiều nhưng tương trợ nhau khá chặt chẽ. Công việc của Sandra có phần đóng góp khá tích cực của một nhóm cựu du học sinh VN thế hệ đầu các năm 1970, nay là những chuyên gia đầu ngành sống phân tán khắp nước Ý nhưng đang liên kết lại với nhau qua Internet và sinh hoạt của Quĩ tương trợ người Việt tại Ý, gọi tắt là Vietnamiti, với chân rết ở nhiều nước châu Âu và Bắc Mỹ. Nhóm Vietnamiti rất tích cực vận động quyên góp học bổng cho học sinh nghèo VN, một phần chuyển qua báo Tuổi Trẻ. Họ là bạn bè của Sandra từ hàng chục năm qua.

Nhà văn hóa VN ở Torino và Vietnamiti đã tổ chức nhiều chương trình văn nghệ dành cho cộng đồng người Việt tại Ý. Trong lễ hội “San Salvario, tình yêu của tôi” kéo dài suốt năm ngày đêm, do thành phố Torino tổ chức vào giữa tháng mười vừa qua với sự tham gia của hàng chục cộng đồng các sắc tộc di dân ở đây, Nhà văn hóa VN đứng ra đảm nhận đóng góp phần VN, với một chương trình khá sinh động và phong phú cũng để kết thúc lễ hội. Dịp này, anh chị em người Việt sống ở vùng Bourgogne và Rhône miền Nam nước Pháp gần đó đã kéo sang yểm trợ suốt mấy ngày cuối tuần. Trong chương trình, ngoài một cuộc nói chuyện, trao đổi về tình hình xây dựng lại VN sau chiến tranh, còn có trình diễn các màn ca múa dân gian và một chương trình nhạc Trịnh Công Sơn.

Nhiều người dân Ý vẫn còn muốn tìm hiểu về tình hình các nạn nhân chất độc màu da cam ở nước ta và chính sách mở cửa những năm gần đây. Tôi vừa từ VN sang nên cũng cung cấp được nhiều thông tin liên quan. Tiết mục kết thúc lễ hội San Salvario là một chương trình biểu diễn phối hợp Việt - Ý về nhạc Trịnh Công Sơn (với giọng ca Thái Hòa, tiếng kèn saxo của Fulvio Albano, tiếng đàn piano của Carlo Carra) đã tạo một cảm xúc khác lạ nơi người tham dự.

Cho đến nay, những người có cơ hội thăm viếng ngôi nhà của Sandra và tiếp xúc với nhóm anh em Việt kiều Ý đều nhìn nhận Nhà văn hóa VN ở Torino và nhóm tương trợ Vietnamiti có lẽ là một trong những hình mẫu thành công về sinh hoạt cộng đồng và văn hóa Việt có bề sâu ở nước ngoài.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận