"Ngôi sao" mới ở Hollywood: nào giày, nào bánh, nào game

VĨNH ANH 02/07/2023 04:47 GMT+7

TTCT - Phải chăng Hollywood đã hết siêu anh hùng hay nhân vật đáng nói, mà gần đây hàng loạt bộ phim thuộc thể loại biopic (tiểu sử) ra mắt đều là về các sản phẩm thương mại, từ giày đến bánh snack?

Minh họa: The Guardian

Minh họa: The Guardian

Một trong những người đầu tiên nhận ra xu hướng bất thường này là Claudette Godfrey, giám đốc Liên hoan phim South by Southwest (SXSW). Bốn trong số các ứng viên nặng ký cho liên hoan năm nay (diễn ra hồi tháng 3) là phim về lịch sử thương hiệu: Air (hãng giày), BlackBerry (điện thoại), Flamin' Hot (bánh snack) và Tetris (trò chơi điện tử). 

Theo Washington Post, cả bốn bộ phim đều thành công vang dội tại SXSW. Các tác phẩm này cũng đều nhận được sự phản hồi tích cực từ giới phê bình trên các nền tảng IMDb, Rotten Tomatoes.

Điều gì khiến đề tài điện ảnh về thương hiệu lại thu hút giới làm phim và chinh phục được khán giả như thế?

Những câu chuyện đáng kể

Air là chuyện hậu trường về sự ra đời của dòng giày bóng rổ Air Jordan của Nike, do Ben Affleck đạo diễn. Khán giả được quay về những năm 1980, khi Nike đang đứng ở bờ vực ngưng làm giày bóng rổ trước sức cạnh tranh của đối thủ lớn trên thị trường như Adidas và Converse. Họ cần một gương mặt đại diện mới để vực dậy dòng sản phẩm này.

Giám đốc tiếp thị của hãng, Sonny Vaccaro (Matt Damon đóng), đã nhắm đến cầu thủ bóng rổ trẻ tuổi Michael Jordan, khi ấy mới 18 tuổi và chưa hề có tiếng tăm trong làng bóng rổ. Vaccarom, cùng với CEO Phil Knight (Ben Affleck đóng) và nhà thiết kế giày Peter Moore đã bất chấp mọi rào cản - từ giới hạn chính sách công ty, nội quy hà khắc của Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) đến phản ứng từ gia đình của Michael Jordan và sự giành giật từ đối thủ Adidas - để đến được bản hợp đồng lịch sử 250.000 USD.

Đạo diễn Ben Affleck và Matt Damon (vai Sonny Vaccaro) trong Air. Ảnh: Twitter/AirMovie

Đạo diễn Ben Affleck và Matt Damon (vai Sonny Vaccaro) trong Air. Ảnh: Twitter/AirMovie

Dòng phim mà Air đại diện khác gì với việc chèn sản phẩm thương mại vào phim (product placement) đã có từ lâu? Nhìn lại lịch sử, bộ phim đầu tiên có product placement được cho là Washing Day in Switzerland (1896) với xà bông Sunlight được anh em nhà Lumière - được xem như những nhà làm phim đầu tiên của lịch sử thế giới - cho "lên hình". Các ví dụ mới hơn thì nhiều vô kể: laptop Dell xuất hiện khắp mọi nơi trong Succession, thiết bị của Microsoft tràn ngập trong series tội phạm Hawaii Five-0, hay hãng văn phòng phẩm Staples "bao sân" trong loạt phim đình đám The Office.

Với Air thì khác. Xuyên suốt bộ phim, đôi giày huyền thoại xuất hiện rất ít trên màn ảnh, thậm chí khán giả không thấy được gương mặt của Michael Jordan. Người xem chỉ thấy được hai nhân vật đóng vai trò trung tâm của câu chuyện - Sonny Vaccaro và bà Deloris Jordan (Viola Davis), người mẹ và là trụ cột của gia đình cầu thủ bóng rổ, người cương quyết rằng con mình phải nhận được lợi nhuận xứng đáng từ thương hiệu.

Đọng lại trong lòng khán giả là màn thuyết phục đầy cảm hứng, xúc động và chân thật của Sonny trước mặt chàng thanh niên Michael Jordan, người đến nay vẫn tiếp tục là thương hiệu đại diện của dòng giày Air Jordan.

Biopic về Air Jordan là câu chuyện về sự liều lĩnh, táo bạo và cả thấu cảm của người sáng tạo và vận động viên. Điều này cũng đúng với Tetris (chiếu trên AppleTV) - kể về hành trình gian lao đưa game xếp hình khối của nhà phát hành game người Mỹ gốc Hà Lan Henk Rogers và cha đẻ trò chơi Alexey Pajitnov trong bối cảnh chiến tranh lạnh, và Flamin' Hot (Disney+) - về câu chuyện cổ tích "từ lao công thành giám đốc điều hành" của Richard Montañez, người tự nhận đã phát minh ra dòng snack Flamin 'Hot Cheetos.

Sản phẩm của Microsoft xuất hiện trong 1 tập thuộc series How I Met Your Mother

Sản phẩm của Microsoft xuất hiện trong 1 tập thuộc series How I Met Your Mother

Sức hút đến từ đâu?

Làm phim về hiệu giày nhiều người từng ước ao, về trò chơi điện tử bao thế hệ cùng say mê, về dòng điện thoại từng xưng bá một thời… rõ là rất dễ để thu hút người xem nhờ hai chữ hoài niệm. Một yếu tố khác: con người luôn tò mò về câu chuyện đằng sau các thương hiệu, sản phẩm vốn đã ăn sâu vào tâm trí chúng ta, theo Marcus Collins - trợ giáo sư về marketing tại Đại học Michigan.

"Chúng ta muốn nghe những câu chuyện về sản phẩm. Chúng ta muốn gần gũi hơn với chúng. Những câu chuyện là phương tiện của văn hóa và chúng đưa chúng ta đến gần hơn để hiểu rõ hơn ý nghĩa của những sản phẩm đó" - Collins, người vừa xuất bản quyển sách về ảnh hưởng của văn hóa lên hành vi tiêu dùng For The Culture, nói với báo Daily Sabah.

Nhưng những người trong cuộc cho biết họ muốn thông qua sản phẩm, thương hiệu để kể chuyện về con người. "Suy cho cùng, những khoảnh khắc mà con người hy vọng, mơ mộng và sợ hãi - khi các mối quan hệ có thể thắp sáng hoặc dập tắt ngọn lửa bên trong bạn - mới là thứ khiến câu chuyện hấp dẫn với khán giả" - Linda Yvette Chávez, đồng biên kịch của Flamin' Hot, nói với tạp chí Hola! USA. 

Chávez nhấn mạnh chính các nhân vật, những người dám mơ, dám sáng tạo và khai phá những điều chưa biết, mới là thứ thu hút sự chú ý của khán giả, chứ không phải sự hoài niệm về sản phẩm.

Jesse Garcia (vai Richard Montañez) trong Flamin' Hot. Ảnh: Emily Aragones

Jesse Garcia (vai Richard Montañez) trong Flamin' Hot. Ảnh: Emily Aragones

Tương tự, khi bắt tay làm Air, Matt Damon và Ben Affleck muốn kể nhiều thứ hơn là một mẩu lịch sử của Nike. Đây là bộ phim đầu tiên mà cả hai làm cho công ty sản xuất phim độc lập Artists Equity, nơi đạo diễn, biên kịch, phục trang và người dựng phim đảm bảo nhận được sự phân chia thỏa đáng về lợi nhuận sau khi phim hoàn thành, thay vì sự bất công thường thấy ở Hollywood.

Giữa làn sóng đình công từ những nhà biên kịch ở kinh đô điện ảnh, Air dùng một câu chuyện từ thập niên 1980 để phát đi cam đoan về sự công bằng và lẽ phải cho những người làm sáng tạo, nhất là những người mới bắt đầu sự nghiệp. Một bằng chứng hùng hồn: biên kịch của phim là Alex Convery - một cây viết chưa được nhiều người biết đến nhưng có tiềm năng.

Đạo diễn Matthew Johnson của BlackBerry chia sẻ bản thân chưa từng sử dụng bất kỳ sản phẩm nào của dòng điện thoại tiên phong này, nhưng đồng ý nhận làm vì đồng cảm với quá trình khởi nghiệp của đội ngũ sáng lập.

Những bộ phim biopic thương hiệu, dù đôi lúc có thể tô hồng hay nhằm "tẩy trắng" doanh nghiệp, cũng vẫn mang lại cho khán giả - cả người gắn bó với sản phẩm đình đám lẫn người yêu điện ảnh - dịp sống lại một thời mà mọi thứ chưa được thể hiện qua mạng xã hội và truyền thông rầm rộ. Thời mà mọi thứ vẫn còn ít nhiều sự nguyên bản, chậm rãi và vui nhộn.■

Xấu che tốt khoe?

Khi đã quyết định làm phim, nhà sản xuất và cả chủ thương hiệu tất nhiên sẽ chỉ lựa chọn những góc độ mà họ muốn khai thác và thông điệp muốn truyền tải. Những góc khuất khó được hé lộ, mà dù có thể được quảng bá "dựa trên câu chuyện có thật", tình tiết đôi khi chỉ là một nửa sự thật, được bào chữa bằng cái mác "tự do sáng tạo" trong nghệ thuật.

Flamin' Hot được chuyển thể từ cuốn sách "tu thân" (self-help) kiểu hồi ký của Richard Montañez. Mặc dù Montañez thật sự đã phấn đấu từ chỗ làm lao công lên chức giám đốc điều hành tiếp thị tại Frito-Lay, điều tra của báo Los Angeles Times năm 2021 đã lật tẩy chuyện về việc ông phát minh ra món Cheetos.

Tương tự, Air gói gọn quá trình dẫn đến thương vụ lịch sử trong ngành tiếp thị thể thao chỉ trong hai tiếng đồng hồ, nhưng những gì diễn ra sau đó cũng kịch tính không kém dù không được kể trong phim: Chỉ vài tháng sau khi Jordan giành chức vô địch NBA đầu tiên vào năm 1991, Nike sa thải Vaccaro, khiến anh có cảm giác bị vắt chanh bỏ vỏ.

Hai đồng sáng lập BlackBerry Mike Lazaridis (trái) và Jim Balsillie trên poster phim.

BlackBerry có vẻ là ngoại lệ. Trong khi Air, Tetris hay Flamin' Hot là câu chuyện mang tính truyền cảm hứng về thương hiệu vẫn đang tồn tại, BlackBerry đi ngược lại công thức "từ không đến anh hùng", kể lại chuyện dòng điện thoại tiên phong từng thống lĩnh 45% thị trường trở về con số 0.

Được ví như phiên bản Canada của The Social Network - bộ phim năm 2010 khắc họa chân dung của CEO Meta Mark Zuckerberg - BlackBerry đưa người xem về khởi đầu gian khó của Công ty phần mềm Research In Motion (RIM), thời kỳ đỉnh cao của điện thoại cho đến lúc sụp đổ trước sự xuất hiện của iPhone.

Cái kết của BlackBerry là những hồi nảy lửa, căng thẳng tột độ giữa hai người chủ có tính cách trái ngược nhau - thiên tài công nghệ kiêm CEO Mike Lazaridis (Jay Baruchel đóng) và doanh nhân Jim Balsillies (Glenn Howerton).

BlackBerry được làm với kinh phí thấp, mang lại không khí hoài niệm và sôi động của những con người đến từ hãng di động từng thống lĩnh thị trường một thời. Đây là bộ phim cho thấy lối khai thác khách quan của nhà làm phim về một doanh nghiệp, khi cho thấy những sai sót và cả những thành công khi vận hành, trái với lối kể chuyện thiên về tích cực của các phim cùng thể loại.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận