TTCT - Hơn 20 năm qua, có thể nói dân Việt Nam đã ùn ùn đi học tiếng Anh không hề mệt mỏi. Vậy mà vẫn không tránh được con số 97% giáo viên THPT, 93% giáo viên tiểu học, THCS không đạt chuẩn. Tuần qua, TP.HCM đã đưa câu chuyện dạy - học tiếng Anh vào một kịch tính mới bằng quyết định tuyển dụng 100 giáo viên bản ngữ cho năm học tới và “từ nay đến năm 2020, phấn đấu mỗi trường có ít nhất một giáo viên bản ngữ”. Phóng to Một tiết học tiếng Anh ở Trường THCS Độc Lập, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: V.H.X. Năm 2009, ông Lý Quang Diệu sang thăm Việt Nam, tới TP.HCM. Lời khuyên chân tình của vị cựu thủ tướng Singapore cho Việt Nam khi ấy một lần nữa bao gồm chính những gì ông đã từng khuyên trước đó: hãy “tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bổ túc tiếng Anh - thứ ngôn ngữ quan trọng hàng đầu thế giới”. Cũng năm ấy, báo chí TP.HCM đưa tin cho hay một vị giáo viên tiếng Anh bị học sinh “sửa lưng” vì “phát âm sai, viết sai chính tả, sai ngữ pháp, nói chuyện với giáo viên nước ngoài ông thầy này cũng không nghe được, chính học sinh phải dịch sang tiếng Việt cho thầy hiểu”. Những học sinh lớp 7 đã phản ứng dữ dội tới mức nhà trường phải cân nhắc đến việc cho giáo viên này ngưng dạy tiếng Anh. Được biết, trước đây ông thầy này là giáo viên dạy thể dục, sau học cử nhân tiếng Anh sư phạm hệ tại chức. Giáo viên: nỗi lo thường trực “Quá nhiều chương trình trong cùng một trường mà ngay cả nhà trường cũng không dám khẳng định với phụ huynh rằng chương trình nào là tốt nhất” Cuộc đua dạy và học tiếng Anh đang rẽ sang một hướng mới, khi Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh TP năm học 2012-2013, trong đó sẽ tuyển 100 giáo viên tiếng Anh bản ngữ. Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Hoài Chương cho hay đề án “được TP đầu tư rất lớn”, trong đó “bậc tiểu học là bậc cực kỳ quan trọng, là nền tảng cho các bậc học sau, nếu làm tốt thì chất lượng ở các bậc sau sẽ rất cao”. Đề án vạch từng mục tỉ mỉ: Năm học 2012-2013 sẽ có 100% các trường ở bậc học này đều dạy một trong các chương trình tiếng Anh cho học sinh (Chương trình tiếng Anh theo đề án 2020 của Bộ GD-ĐT, chương trình tiếng Anh tăng cường, chương trình tiếng Anh tự chọn) với thời lượng tiết học được thiết kế bốn tiết trở lên/tuần, riêng chương trình tiếng Anh tăng cường tám tiết/tuần. Tài liệu để giảng dạy thì “chỉ được sử dụng một trong ba tài liệu của Nhà xuất bản Oxford, Nhà xuất bản Pearson và Nhà xuất bản Giáo Dục”. Tại các cuộc họp về giảng dạy tiếng Anh trong trường phổ thông ở TP.HCM, lãnh đạo các phòng GD-ĐT và các trường THPT đã nhiều lần than khó về việc tuyển giáo viên tiếng Anh. Một hiệu trưởng ở quận 5 đúc kết: “Khi giáo viên tiếng Anh đến với ngành giáo dục là lúc họ mới tốt nghiệp đại học, chưa có kinh nghiệm về giảng dạy, thậm chí có người còn không có kỹ năng sư phạm vì tốt nghiệp trường ngoài sư phạm. Mình bỏ công sức, thời gian để bồi dưỡng cho họ, tạo điều kiện cho họ đi học nâng cao tay nghề, đi học nghiệp vụ sư phạm... Và khi họ vững tay nghề, giảng dạy tốt thì họ đi ngành khác do thu nhập cao hơn”. Trong cuộc họp về kế hoạch phổ cập, nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp năm học 2012-2013 (do Sở GD-ĐT TP tổ chức cuối tháng 6-2012), ông Nguyễn Thanh Hải, trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Bình, than thở: “Việc phổ cập tiếng Anh cho học sinh, quận chúng tôi thấy nhiều khó khăn lắm: đội ngũ giáo viên còn rất thiếu, sĩ số học sinh/lớp quá đông - 50 học sinh/lớp”. Lãnh đạo Sở GD-ĐT hứa “sẽ tuyển thêm 762 giáo viên tiếng Anh trong nước và 100 giáo viên bản ngữ để bổ sung cho các trường”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đã lập tức hoài nghi: “Liệu có tuyển được đủ số lượng và tuyển được giáo viên đạt chuẩn (theo Khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ chung châu Âu) hay không?”. Đó là chưa kể, với cách thi cử theo kiểu cũ như hiện nay, liệu những giáo viên đạt chuẩn có dạy tốt chương trình hiện hành? Bối rối chọn chương trình Thế rồi, với đội ngũ ấy, cùng một lúc, các trường phổ thông trên địa bàn TP.HCM lại thực hiện giảng dạy nhiều chương trình tiếng Anh khác nhau. Ở bậc tiểu học có chương trình tiếng Anh tự chọn dạy theo chương trình của Bộ GD-ĐT, học hai tiết/tuần; chương trình tiếng Anh tăng cường sử dụng tài liệu của các nhà xuất bản Oxford, Pearson và Giáo Dục, học tám tiết/tuần; chương trình tiếng Anh thí điểm của Bộ GD-ĐT, dạy bốn tiết/tuần; lại thêm cả chương trình của ĐH Cambridge, chương trình tiếng Anh Dyned... Chương trình khác nhau, mức học phí cũng chênh lệch một trời một vực: từ 20.000 đồng/tháng/HS học tiếng Anh tự chọn lên đến vài triệu đồng/tháng/HS theo học chương trình Cambridge. Theo giải thích của bộ và sở, việc nhiều chương trình tồn tại cùng lúc trong một trường sẽ tạo điều kiện cho phụ huynh chọn lựa một chương trình tốt nhất, phù hợp nhất cho con em mình. Thế nhưng, thực tế “trăm hoa đua nở ấy” lại khiến nhiều phụ huynh “hoa mắt, chóng mặt” trong mê hồn trận thông tin về chương trình tiếng Anh. Thêm nữa, ở nhiều trường còn xảy ra tình trạng chăm chút cho những chương trình tiếng Anh thu học phí cao, còn chương trình tiếng Anh học phí thấp ít được quan tâm, tạo nên một sự phân bì và chia rẽ trong giáo viên, khiến hiệu quả giảng dạy vì vậy mà cũng rất chênh lệch. “Quá nhiều chương trình trong cùng một trường mà ngay cả nhà trường cũng không dám khẳng định với phụ huynh rằng chương trình nào là tốt nhất. Bàn qua tính lại, vợ chồng tôi quyết định đầu tư cho cháu học tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ. Thế nhưng, năm nay cô giáo chủ nhiệm bảo từ năm học sau bé nào không học tiếng Anh tăng cường sẽ không được học lớp bán trú. Tôi lo quá, phải cấp tốc cho cháu đi học ôn và thi lấy chứng chỉ Starters của hội đồng khảo thí ĐH Cambridge - chị Lê Nhân, phụ huynh ở quận Tân Bình, nói - Ai cũng hiểu bối cảnh như hiện nay nếu con không được học bán trú thì mẹ phải nghỉ việc ở nhà trông con”. Theo quy định của Sở GD-ĐT TP.HCM, hết lớp 2 nếu học sinh lấy được chứng chỉ Starters thì được vào học lớp 3 có tiếng Anh tăng cường, học sinh nào không đạt sẽ phải chuyển lớp. Vì chứng chỉ này mà thời gian qua, nhiều phụ huynh ở TP.HCM đã ép con mình phải học ngày học đêm để đi thi, thi lần một không đậu thì thi tiếp lần hai, lần ba “cho đến khi nào đậu thì thôi”, mặc dù lệ phí thi gần 400.000 đồng/lần. Trong giáo dục, từ lâu người ta đã đả phá chủ nghĩa “ưu tú” (elitism), cho rằng khi lập ra trường điểm, lớp chọn, lớp tăng cường chính là đã bắt đầu phân hóa xã hội bằng phân loại học sinh xuất sắc, học sinh đại trà. Cho đến nay, những gia đình khá giả vẫn vô tư đóng tiền cho con em theo học các trung tâm Anh ngữ, vào bằng được trường quốc tế, trường có lớp tăng cường tiếng Anh. Phản ứng của đại đa số ít tiền trong xã hội là “mackeno”, ai nhiều tiền, họ xài sao chẳng được! Nhưng nay khi trường công lập đòi hỏi một thứ chứng chỉ (mà để có được ắt phải trả tiền triệu cho con em học ngoài trung tâm Anh ngữ) để nhận được ưu đãi “bán trú” thì giàu cũng như nghèo, ắt phải cùng nhau chen chúc. Kế sách “mười năm không gì bằng trồng tiếng Anh” như thế sẽ đi đâu về đâu khi cả người dạy lẫn người học đều vẫn đang mò mẫm giữa các loại “chuẩn”, các loại chương trình, giáo trình (không rõ được chọn lựa dựa trên các tiêu chí nào)? Đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP.HCM giai đoạn 2011-2020” (vừa được UBND TP.HCM phê duyệt cuối tháng 1-2012) đã đưa ra mục tiêu: đổi mới toàn diện việc dạy và học tiếng Anh, triển khai chương trình dạy và học tiếng Anh mới ở các cấp học, trình độ đào tạo để đến năm 2015 đạt được bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và các trường chuyên nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, TP sẽ chọn bậc tiểu học triển khai đại trà với nhiệm vụ mũi nhọn đột phá và cuốn chiếu đi dần lên bậc học cao hơn. Năm học 2011-2012, TP có 27.783 học sinh được học tiếng Anh thì đến năm 2020-2021 dự kiến sẽ có 1.074.956 học sinh được học tiếng Anh. Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, số lượng giáo viên tiếng Anh người Việt dự kiến tuyển trong năm học tới (762 người) sẽ ưu tiên người tốt nghiệp ĐH sư phạm, ngành sư phạm tiếng Anh ở các trường ĐH có các loại chứng chỉ: + Đối với giáo viên tiểu học, THCS: có chứng chỉ FCE tối thiểu 60 điểm hoặc chứng chỉ TOEFL iBT do Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ (ETS) cấp tương đương trình độ B2, hoặc chứng chỉ IELTS tối thiểu 5,5 điểm, hoặc chứng chỉ CAE tối thiểu 45 điểm hoặc các chứng chỉ khác được công nhận tương đương đạt năng lực ngoại ngữ bậc 4 (B2) trở lên theo Khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ chung châu Âu. + Đối với giáo viên THPT, GDTX, CĐ và TCCN: có chứng chỉ FCE tối thiểu 80 điểm hoặc chứng chỉ TOEFL iBT do ETS cấp tương đương trình độ C1 hoặc chứng chỉ IELTS tối thiểu 6,5 điểm hay chứng chỉ CAE tối thiểu 60 điểm. Hoặc các chứng chỉ khác được công nhận tương đương đạt năng lực ngoại ngữ bậc 5 (C1) trở lên theo Khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ chung châu Âu. Tags: Giáo viênTiếng AnhViệt NamTiêu điểmGiáo viên bản ngữ
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Doanh thu cơ quan báo chí giảm mạnh, cần ưu đãi sâu về thuế thu nhập TIẾN LONG 22/11/2024 Cơ quan báo chí, truyền thông hiện đang khó khăn cần chính sách ưu đãi ở mức không chịu hoặc chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp nhất.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Việt Nam có khoảng 70.000 ca tử vong mỗi năm liên quan đến kháng thuốc kháng sinh THANH HÀ 22/11/2024 Theo Tổ chức Y tế thế giới, đã có gần 270.000 ca tử vong do đề kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2023.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.