Người đi tìm chất dẫn truyền thuốc kháng ung thư

QUỐC LINH 30/03/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Nhiều dược chất kháng ung thư rất tốt có sẵn trong tự nhiên nhưng lại kém tan trong nước nên khi tiêm bị giảm hoạt tính, giảm hiệu quả điều trị, có cách nào tốt hơn không? Câu hỏi ấy đã khiến TS Đoàn Lê Hoàng Tân, Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử (INOMAR), ĐH Quốc gia TP.HCM, rẽ nhánh mới trong hướng nghiên cứu của mình.

TS Đoàn Lê Hoàng Tân. Ảnh: DUYÊN PHAN

 Phải làm cái gì đó

Lối đi nào đã dẫn anh đến với y sinh, khi đó không phải hướng anh chọn từ đầu?

- Tôi tốt nghiệp khoa hóa học và từng làm việc tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) trước khi chuyển công tác về INOMAR. Ở trường có nhiều nhóm nghiên cứu về các dược chất có sẵn trong thiên nhiên, từ các loại cây thuốc, trong đó nhiều dược chất có hoạt tính kháng ung thư khá tốt. 

Nhưng khi tìm hiểu sâu, tôi biết có nhiều dược chất lại kém tan trong nước. Do vậy khi bào chế thành thuốc tiêm hoặc thuốc uống cho người bệnh, dược tính của chúng sẽ bị giảm do việc hấp thụ điều trị bệnh không được hiệu quả cao như kỳ vọng.

Nghiên cứu thêm, tôi biết có chất khi vào cơ thể lại không hoàn toàn đến đúng khối u hay tế bào ung thư cần điều trị, ảnh hưởng đến các tế bào khác xung quanh, không có lợi cho người bệnh. 

Thực ra khi tìm kiếm tài liệu, tôi thấy tỉ lệ người ung thư ở nước ta không thuộc nhóm quốc gia có tỉ lệ mắc bệnh cao nhưng số người tử vong lại ở vị trí khá cao. Tôi phải làm “cái gì đó” với suy nghĩ là có thể chứa được dược chất, dẫn truyền đến đúng vị trí, nói vui là đi đúng địa chỉ cần đến.

Và “cái gì đó” mà anh nghĩ đến ban đầu đã chào đời thế nào?

- Tôi đã chế tạo các hạt nano silica hữu cơ, đường kính trong khoảng 50-300 nanomet (nm) chứa hàng ngàn lỗ xốp là không gian lưu trữ các loại thuốc chống ung thư, có thể biến tính bề mặt để tăng khả năng tích tụ vào khối u và hấp thu vào tế bào ung thư. Kết quả thử nghiệm trên mô hình chuột khả quan khi ức chế được sự phát triển khối u.

Vật liệu chúng tôi tổng hợp được như chiếc xe tải thông minh biết chở chất kháng ung thư đến đúng khối u, tế bào ung thư rồi nhả thuốc tại đó và nó tự phân hủy sau khi hoàn thành nhiệm vụ mà không ảnh hưởng đến tế bào quanh đó.

Để có thể đào thải ra ngoài, chúng tôi tạo ra kích thước hạt nano phải tự phân hủy đến kích thước nhỏ hơn 5,5nm để có thể đi qua màng lọc thận vì nếu lớn quá lại dễ bị gan và lá lách hấp thu, tăng khả năng gây độc cho cơ thể người dùng.

Chúng tôi còn cấy tế bào ung thư vào màng ối trứng gà đã được thụ tinh khoảng 10 ngày, khối u hình thành 3 ngày sau đó. Điều thú vị là khối u được hình thành chứa các mạch máu, tế bào ngoại bào và các tế bào hình khối giống với khối u ở người. 

Mô hình trứng gà trong nghiên cứu về điều trị ung thư đang rất phát triển và thu hút sự chú ý ở Nhật Bản và thế giới, trong khi giá thành nghiên cứu thấp hơn nhiều lần so với mô hình trên chuột và cho kết quả thí nghiệm nhanh chóng, tương đồng.

null

 Con người của nghiên cứu

Anh đã tính đến khả năng ứng dụng thực tế của loại vật liệu mình chế tạo ra sao?

- Kết quả thực nghiệm đã có, song để đi vào thực tế sẽ còn là khoảng cách khá lớn, đòi hỏi cả thời gian, kinh phí cùng nhiều yếu tố khác. Chẳng hạn, khi kết hợp vật liệu mới này trong thuốc điều trị ung thư chắc chắn phải thử nghiệm trên người, phải tuân theo nguyên tắc và quy định của ngành y trước khi chính thức được cấp phép, đó là cả quá trình. 

Ở góc độ nhà nghiên cứu, tôi tin vào tính khả thi của nó nhưng cần kết hợp với các doanh nghiệp, tổ chức khác để có thể nhanh chóng hiện thực hóa thành sản phẩm vì cần nguồn kinh phí lớn. Chúng tôi vẫn tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu của mình.

Với hướng nghiên cứu trong lĩnh vực xúc tác dị thể, chúng tôi đã tổng hợp được nhiều vật liệu mới mà trong các công bố quốc tế chúng tôi đặt tên bắt đầu bằng VNU với mong muốn quảng bá thương hiệu ĐH Quốc gia của VN với thế giới.

Hay lĩnh vực xử lý môi trường, nhiều vật liệu chúng tôi thiết kế có độ bền cao, làm chất xúc tác quang để phân hủy các màu nhuộm có độ bền hóa học cao thường có trong nước thải của ngành công nghiệp dệt nhuộm. Mà những vật liệu này đều có khả năng thu hồi và tái sử dụng nhiều lần với hoạt tính và cấu trúc không thay đổi.

Con đường học hành, nghiên cứu của anh khá hanh thông đấy chứ!

- Tôi may mắn khi gặp GS.TS Lê Ngọc Thạch (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM), được thầy hướng dẫn tốt nghiệp ĐH, tiếp tục hướng dẫn khi tôi chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh. Từ định hướng ban đầu của thầy, tôi đã tìm hiểu và mở rộng hướng đi mới cho mình.

Là một trong 10 nghiên cứu sinh khóa đầu tiên chương trình liên kết giữa ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH California ở Los Angeles (UCLA), Hoa Kỳ, tôi được làm việc với GS Omar Yaghi. Sau này, khi qua Nhật Bản 15 tháng theo chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ, tôi lại được gặp GS Fuyuhiko Tamanoi - một trong những tên tuổi lớn của thế giới trong lĩnh vực vật liệu mới.

Cả ba vị nói trên đều là những giáo sư dày dạn kinh nghiệm và nhiều thành tích nên tôi học được nhiều từ các thầy.

Nhà khoa học và nhà quản lý, anh thấy mình mạnh hơn ở vai trò nào?

- Thực ra tôi vẫn muốn người ta biết đến mình với kết quả khoa học. Tôi là con người của nghiên cứu. Mấy đợt giãn cách xã hội vì đại dịch năm qua là khoảng thời gian vô cùng hữu ích để tôi dành hết cho nghiên cứu, viết bài báo khoa học. 

Tôi bắt đầu bằng nghiên cứu mang tính học thuật, bây giờ vẫn vậy nhưng tìm kiếm những nghiên cứu có tính thực tiễn, ứng dụng nhiều hơn. Chương trình liên kết nói trên là cơ hội thực sự rất quý cho tôi tiếp cận khoa học đỉnh cao, cả khả năng tư duy khoa học như bây giờ. Tôi luôn biết ơn và trân trọng điều đó.

Nhiệm vụ phó giám đốc Trung tâm INOMAR tôi mới được giao gần đây. Tôi còn phải học hỏi nhiều từ các thầy cô, đồng nghiệp đi trước trong các công việc liên quan đến thủ tục hành chính và quản lý.

Tôi thấy mình may mắn khi làm việc tại đây, với trang thiết bị hiện đại được ĐH Quốc gia TP.HCM đầu tư cùng sự dẫn dắt tận tình PGS.TS Phan Bách Thắng (giám đốc trung tâm), nhất là cùng làm việc với các đồng nghiệp giỏi chuyên môn, nhiệt tình và đam mê công việc. ■

TS Đoàn Lê Hoàng Tân (giữa) cùng các đồng nghiệp trong nhóm nghiên cứu tại Trung tâm INOMAR Ảnh: DUYÊN PHAN

 Gương mặt trẻ tiêu biểu VN

Năm nay 34 tuổi, TS Đoàn Lê Hoàng Tân là một trong 10 bạn trẻ nhận giải thưởng “Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam” năm 2020. Giải thưởng được Trung ương Đoàn bình chọn và trao tặng cho 10 thanh thiếu nhi VN nổi bật nhất trên các lĩnh vực vào dịp kỷ niệm thành lập Đoàn 26-3 hằng năm.

2020 cũng là năm bội thu giải thưởng khi Tân trở thành một trong 10 nhà khoa học trẻ toàn quốc nhận giải thưởng khoa học công nghệ thanh niên Quả cầu vàng do Bộ Khoa học - công nghệ và Trung ương Đoàn trao. Đồng thời, anh cũng nhận huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo” của Trung ương Đoàn. 

Đó là chưa kể các giải thưởng của ban giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM dành cho cá nhân có kết quả nghiên cứu khoa học và hướng dẫn nghiên cứu khoa học xuất sắc trong nhiều năm liền.

34 bài báo công bố quốc tế

Đến nay, TS Đoàn Lê Hoàng Tân cùng nhóm nghiên cứu đã công bố 34 bài báo khoa học quốc tế nghiên cứu về thiết kế, tổng hợp vật liệu xốp lai hữu cơ và vô cơ gồm hai loại chính là vật liệu khung hữu cơ kim loại (Metal-Organic Framework, MOF) và vật liệu nano silica phân hủy sinh học và mở rộng ứng dụng loại vật liệu này trong lĩnh vực xúc tác dị thể, xử lý môi trường và y sinh. Anh là tác giả chính hoặc tác giả liên hệ của 2/3 trong số những bài báo này.

Nói về TS trẻ cũng là thầy hướng dẫn của mình, nghiên cứu sinh Nguyễn Hồ Thùy Linh, thành viên nhóm nghiên cứu tại INOMAR, nói ngắn gọn: “Một người thầy khó tính và nghiêm khắc trong công việc nhưng rất vui tính ngoài đời thường”.

Hoàn thành thạc sĩ tại Hàn Quốc, sau khi về nước, anh Mai Ngọc Xuân Đạt quyết định theo TS Hoàng Tân “tầm sư học đạo” và đang chờ trình luận án tiến sĩ. “Thầy Tân kỹ tính, làm việc cực kỳ tập trung và nhiệt tình. Cách thầy giải quyết các vấn đề phát sinh trong nghiên cứu là bài học mà cá nhân mình quan sát và tự nghiệm ra, ghi chép lại làm hành trang khoa học cho riêng mình”, Đạt bày tỏ.

PGS.TS Phan Bách Thắng, giám đốc INOMAR, nói Hoàng Tân chọn hướng đi mới và đã chứng minh năng lực qua các công bố khoa học xuất sắc. 

Điều đáng quý ở chỗ những nghiên cứu của Tân tận dụng từ chính nội lực sẵn có của trung tâm với các trang thiết bị được đầu tư, đồng thời góp phần kết nối trong nội khối các đơn vị của ĐH Quốc gia TP.HCM, giữa nhiều nhóm nghiên cứu của các trường thành viên, đây cũng là định hướng lớn mà lãnh đạo ĐH Quốc gia TP.HCM hướng đến.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận