Người Đức, châu Âu và đồng euro

THỦ TƯỚNG Ý MARIO MONTI 14/08/2012 20:08 GMT+7

TTCT - Chỉ mười năm sau khi 17 nước châu Âu cùng thống nhất sử dụng chung đồng euro, tạo thành khối euro (eurozone), nay ngày càng dấy lên những ý kiến đòi “đuổi cổ” nước này nước kia ra khỏi khối. Không chỉ đòi đuổi những nước “con nợ” bết bát nhất, mà cả “chủ nợ” lớn nhất là nước Đức.

Vì đâu có chuyện nên nỗi này?

Phóng to

Thủ tướng Ý Mario Monti (phải) trao đổi với Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy trước cuộc gặp ở Madrid ngày 2-8 bàn về biện pháp giúp giảm chi phí vay nợ cho Ý và Tây Ban Nha - Ảnh: Reuters

Sáng thứ ba 7-8, 1 euro đổi được 1,2396 USD. Tỉ giá này còn đỡ so với tỉ giá tháng 7 vừa qua, có lúc 1 euro chỉ đổi được 1,21 USD. Nếu nhớ lại rằng mới cách đây bốn năm, ngày 15-7-2008, 1 euro còn đổi được đến 1,599 USD, nếu đổi 1.000 euro bây giờ sẽ lỗ đến 360 USD so với cách đây bốn năm! Từ đó có thể thấy sự mất mát lớn như thế nào đối với 332 triệu người trong khối euro, đặc biệt với dân chúng những nước hiếm hoi trong châu Âu có “của ăn của để”.

Mười năm cùng chung đồng euro đâu có là bao để buộc mọi người vui vẻ “chia ngọt sẻ bùi” nai lưng ra gánh vác nợ chung miết cho người dưng. Càng không trấn áp được những tình cảm “của đau con xót” khi thấy trong lúc dân xứ mình tằn tiện, thiên hạ cứ thoải mái “quăng tiền ra cửa sổ”. Càng không đủ để xóa đi những “tình tự dân tộc” trong suốt chiều dài lịch sử mà trong đó đã không ít lần được điểm bởi những cuộc chiến tranh sát phạt lẫn nhau. Những bức xúc đó không ngớt phơi bày trên báo chí châu Âu.

Tống cổ hắn ra!

“Châu Âu không thể cứ bám riết vào mô hình Đức. Còn có nhiều giải pháp khác chớ không chỉ có giải pháp Đức”

Chưa bao giờ động từ “tống cổ hắn ra” lại được chia nhiều như bây giờ. Không chỉ nữ Thủ tướng Liên bang Đức Angela Merkel mới đòi đuổi Hi Lạp ra khỏi khối euro, mà ngay cả bộ trưởng của một bang (bang Bayerischen) trong liên bang là ông Markus Söder mới hôm chủ nhật vừa rồi đã tự cho phép “lên lớp” cả đất nước Hi Lạp trên báo chí Đức (1): “Hi Lạp nên rời khỏi khối euro vào cuối năm nay. Cứ mỗi biện pháp giúp đỡ mới, chiều lòng họ lại là một bước đi chệch đường. Athens phải trở thành một tấm gương cho thấy rằng khối euro cũng có răng chớ không phải không”.

Ông bộ trưởng cấp bang “châm” một, nhật báo Đức Spiegel còn “chích” đến mười khi lồng phát biểu của ông này trong một câu “nặng còn hơn chửi”: “Đề phòng trường hợp nhắn nhủ của mình không “đến tai thiên hạ”, ông còn nói thêm: Đến một lúc nào đó, ai cũng phải thôi bám váy mẹ chớ. Đối với Hi Lạp, nay đã đến lúc rồi”. Nếu nhớ rằng nước Đức đang gánh nợ giùm Hi Lạp và đang được điều hành bởi một bà thủ tướng thì nhắn nhủ của ông Söder ắt hẳn rất có ý nghĩa cụ thể!

Thật ra chuyện đòi “tống cổ” Hi Lạp ra khỏi khối euro không phải là mới mẻ. Thủ tướng Merkel cũng đã mấy lần đe dọa Hi Lạp hoặc “tuân thủ các thỏa thuận hoặc “biến” đi” như mới cách đây ba tháng (2). Cùng lúc đó, tờ Spiegel phụ họa bằng một bài xã luận mang tựa đề “Vĩnh biệt đền Acropolis” kèm theo nhắn nhủ: “Không ai có thể buộc người Hi Lạp ra khỏi đồng euro. Song rõ ràng ra khỏi đồng euro sẽ là dịp cho họ ngóc đầu dậy. Họ sẽ có đồng tiền riêng của họ, muốn phá giá bao nhiêu thỏa thích. Hàng xuất khẩu của họ sẽ rẻ hơn...” (3).

Ngại rằng Hi Lạp sẽ phản ứng vì bị chạm tự ái, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle phải lên tiếng trách rằng các phát biểu vì muốn tự đánh bóng tên tuổi cá nhân đó không thể nào được xem là đại diện cho nước Đức. Thật ra cũng có một lý do khác: sở dĩ ông Söder lên tiếng “hù” Hi Lạp là do từ hôm 2-8 các nước khối euro lại bước vào một vòng đàm phán mới về việc cứu hộ Hi Lạp. Và như các lần trước, để “răn đe” Hi Lạp lại dấy lên những ý kiến đòi “tống cổ” nước này.

Thật ra thái độ như của ông bộ trưởng Söder không hiếm hoi. Nhật báo Đức Die Zeit Hambourg 30-1-2012 đăng bài phản ánh một tâm lý tương tự: “Một buổi chiều thứ hai tại sân bay Leonardo da Vinci ở Rome, hành khách rồng rắn chờ qua kiểm soát an ninh. Hai người Đức sốt ruột. Một người bật than: “Chỉ có ở Ý mới thấy náo loạn như vầy!”. Một người Ý quay lại quở: “Người Đức chứng nào tật nấy! Cứ đòi làm cha người khác”. Hai người Đức im miệng, người Ý cũng ngưng quở, rồi thì cả ba cũng lên máy bay, mỗi người mỗi ngả, không ai nghe được phát biểu (bằng tiếng Đức) của một viên phi công Hãng hàng không Đức Lufthansa chào đón hành khách (Đức) chuyến bay từ Rome qua Düsseldorf: Dự trù chúng ta sẽ cất cánh trong nửa giờ nữa, song với người Ý hổng biết đâu chừng!” (4).

Những bài xã luận như trên phản ánh phần nào tâm lý dân chúng các nước ở một châu Âu hợp nhất song không đồng đẳng, đồng thời cũng chỉ ra một thực tế: không đồng đẳng làm sao bình đẳng!

Nước Đức bị chê

Cũng tờ Spiegel thuật lại rằng Thủ tướng Ý Mario Monti khi mới lên cầm quyền, trong lần tiếp xúc đầu tiên với báo chí quốc tế, đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với các nước Bắc Âu và chê nước Đức: “Ông ta nói rằng bấy lâu nay chúng ta đã coi nhẹ những ưu điểm của các nước Bắc Âu để cứ bám víu vào nước Đức. Châu Âu không thể cứ bám riết vào mô hình Đức. Còn có nhiều giải pháp khác chớ không chỉ có giải pháp Đức”.

Tờ Spiegel còn tường thuật rằng: “Chỉ sau vài tháng cầm quyền, ông Mario Monti đã khôi phục niềm tin cho người Ý bằng những cải cách và một kế hoạch kinh tế nghiêm khắc, loại bớt những đặc quyền, đặc lợi. Những năm tháng Berlusconi dường như đã xa xôi rồi”, trước khi kết luận: “Ở Rome, nay người ta kháo với nhau rằng: Ít nhất mình cũng thay đổi, chớ người Đức thì không”.

Báo chí các nước nợ nần có oán hờn người Đức cũng dễ hiểu, song ngay cả báo chí Anh chẳng dính dáng gì với đồng euro cũng đòi “tống cổ nước Đức”, như The Times trong một bài mang tựa đề “Để cứu đồng euro, hãy gạt bỏ nước Đức ra”. Tờ báo này viết: “Trong khi tất cả cứ thất thần lo sợ rằng Hi Lạp, Ý vỡ nợ, người ta đã quên mất còn có một thảm họa khác cực kỳ kinh hoàng hơn. Nguyên nhân thật sự của thảm họa đồng euro không phải là nước Pháp, nước Ý hay Hi Lạp mà là nước Đức. Bằng cách áp đặt việc siết chặt tài khóa nơi các nước khác, đồng thời nhất mực không cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) can dự hơn nữa vào một sự trợ giúp lớn hơn, nước Đức cho thấy họ chính là sai lầm của khối euro”.

Tất cả những câu chuyện “không sợ mích lòng nhau” trên có thể là kinh nghiệm chung cho các nước khác cả trong lẫn ngoài khối euro, như nhắn nhủ của tờ Spiegel: “Đó sẽ là một tín hiệu mạnh mẽ cho những nước vỡ nợ khác”.

Kinh nghiệm “sống” của Hi Lạp trong những ngày này là làm sao kiếm ra tiền để trả nợ đợt tháng 8 này: “Athens đang đối diện việc thanh toán 3,2 tỉ euro trái phiếu đáo hạn vào tháng 8 khi công quỹ đang cạn sạch tiền. Cũng may là tuần rồi ECB đồng ý cho Ngân hàng Trung ương Hi Lạp phát hành chừng đó tiền cho Chính phủ Hi Lạp vay. Động tác này sẽ giúp đất nước này ngóc đầu lên khỏi mặt nước cho đến tháng 9” (5). Động tác trên của ECB phản ánh một sự nhượng bộ của bà Merkel từ sau khi có ông Mario Monti “cứng cựa” cầm quyền ở Ý và ông François Hollande cầm quyền ở Pháp.

__________

(1) http://www.spiegel.de/international/europe/troika-notes-progress-on-greece-as-german-skepticism-grows-a-848454.html
(2) http://www.newsmax.com/Newsfront/merkel-greece-eurozone/2012/05/14/id/439044
(3) http://www.presseurop.eu/fr/content/news-brief/1981331-pour-le-spiegel-athenes-doit-quitter-l-euro-maintenant
(4) http://www.presseurop.eu/fr/content/article/1460251-chers-allemands-detendez-vous
(5) http://www.spiegel.de/international/europe/troika-notes-progress-on-greece-as-german-skepticism-grows-a-848454.html

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận