​Người già trong thành phố

HOÀNG MY 23/04/2015 05:04 GMT+7

Buổi sáng chị Mai đi làm trễ. Hỏi thăm, chị kể tranh thủ đưa mẹ xuống khu trung tâm đi chợ nên không kịp giờ. Nói xong chị hạ giọng xuống bảo: Tội nghiệp bà già, giờ quanh quẩn ở nhà giữ con cho thằng em út của chị, mấy khi được ra ngoài đâu...

Minh họa: Salem

Tôi bỗng nhiên nhớ tới ngày đám tang bà ngoại mình. Từ Phú Nhuận, xe đưa ngoại qua nhiều nẻo đường để tới bến cuối là Bình Hưng Hòa... Chẳng hiểu trời xui khiến chi, tôi lúc ấy bỗng nảy ra cái ý nghĩ kỳ cục rằng nếu còn sống, biết đến khi nào ngoại mới có được một chuyến đi dạo phố thênh thang như thế này!

Ngoại tôi ở cùng cậu mợ và hai đứa cháu. Cũng như nhiều gia đình bây giờ, cả nhà đều đi hết nguyên ngày, tận tối mịt mới về tới nhà, mệt rũ. Tôi còn cậu, còn dì, còn cả mẹ tôi cũng ở chung một thành phố, nhưng hẳn ai cũng bận rộn cuộc mưu sinh khó nhọc. Nên có hôm tôi ghé qua, nhằm lúc vui vẻ tôi hào hứng hẹn bữa nào cuối tuần rảnh rảnh con chở ngoại qua nhà dì chơi, ngoại chịu không?

Ngoại tôi cười tươi tỏ ý vui mừng lắm, nắm lấy tay tôi dặn dò, nhớ con nhé, đừng quên. Rồi bà tất tả đi thu vén cái này, sắp xếp cái kia để mang qua cho dì tôi, cho cháu ngoại, mà quên mất cái ngày tôi hứa bâng quơ kia vẫn còn ở đâu đó, xa lắc xa lơ dữ lắm.

Rồi năm tháng vùn vụt thế nào mà tôi cũng quên bẵng luôn lời hứa vu vơ qua chuyện của mình...

Hôm ngoại đi, tôi ngồi trên xe tang đau lòng mà nhớ ra, chắc phải mấy năm rồi không ai nghĩ tới chuyện đưa ngoại ra ngoài chơi một chút cho khuây khỏa. Dạo phố, công viên, mua bán... đối với người già bỗng thành chuyện xa xỉ. Quên mất người già cũng giống như trẻ con, thèm được quan tâm, thích được quà bánh, dắt đi chơi, đặc biệt ưa thăm thú, gặp gỡ người quen...

Thế nhưng ai nấy dường như vô tình quen với việc ngoại đã lâu chỉ quanh quẩn trong nhà, chăm lo bếp núc mà thôi. Tới khi ngoại mất mới vỡ òa ra trong hối tiếc và ân hận. Tôi nhớ đến cảm giác hôm ấy, lúc chống cằm nhìn ra đường phố, rơi nước mắt khi thấy thiên hạ dập dìu. Chồng chở vợ. Mẹ chở con. Gia đình êm ấm. Bạn bè đùa vui. Nhân tình nhìn nhau âu yếm.

Nhưng hiếm thấy con chở mẹ, chở bố, cháu chở ông, chở bà. Có chăng chỉ là lúc chẳng đặng đừng, như đau ốm phải đi bệnh viện thang thuốc. Thành phố trẻ và năng động quá, lấy đâu ra chỗ cho lụm cụm người già...

Chị Mai kể tiếng là ở gần mẹ nhưng có khi cả tuần chị cũng chẳng có dịp ghé ngang. Đi làm suốt từ sáng đến chiều muộn, tối về tất bật đón con, cơm nước, buông ra là đã mệt nhoài. May hôm nào mua được mớ nấm bào ngư hay mấy quả bắp vườn, chị còn làm siêng tạt qua đưa biếu mẹ. Mẹ chị, cũng như nhiều người phụ nữ của thế hệ trước đó, lại chẳng biết đi xe máy, xe đạp.

Hồi trước mẹ chị có thói quen đi chợ X, cái chợ có nhiều đồ nhà quê ở đâu mang lên bày bán. Đi riết thành ghiền, thành nhớ. Đến mức lâu lâu bà lại nhờ con gái tiện đường đi làm chở lên chỗ chợ đó để mua cái này cái nọ. Chị chịu khó dậy sớm hơn xíu, làm cái gì cũng nhanh nhanh hơn chút để có thể ngang qua đón mẹ đi cùng.

Mà thành phố mình buổi sáng thì biết rồi đấy! Cơ man là người và xe cộ. Ai cũng vội vã, nào có ai muốn chậm chạp để bị kẹt xe, trễ giờ làm. Cuộc sống khó khăn, lương bổng có thể bị trừ, thậm chí mất việc chứ chẳng chơi chỉ vì vài lần không kịp quẹt thẻ trước thời điểm công ty quy định. Chị quen chạy một mình, giờ chở theo mẹ trên một đoạn đường dài như thế quả là cũng hơi áp lực. Sợ ngã, sợ va quẹt.

Mà bà già ngồi phía sau đâu có hiểu cho, cứ nói liên hồi. Toàn chuyện linh tinh lặt vặt. Méc mỏ, kể lể. Con trai. Con dâu. Cháu nội. Kể cả cháu ngoại, tức con chị. Chị vừa bươn bả giữa dòng xe vừa phải lắng nghe. Im im dễ bị mẹ hiểu nhầm là giận dỗi, khó chịu. Có hôm mệt mỏi lắm, chỉ muốn cáu bẳn, nên chị đành chọn giải pháp không nói gì hết, chăm chú vô việc chạy xe. Mẹ chị buồn hẳn...

Xong rồi vô tới văn phòng, máy lạnh chạy vù vù, uống ly nước mát, lại ngẫm ngợi thấy thương bà già, trách mình ít biết kiên nhẫn. Cả ngày ở nhà thui thủi, chắc là mẹ thèm được trò chuyện biết bao nhiêu...

Tôi giật mình nhớ tới mẹ mình... Bao lâu rồi mẹ tôi không được con cái chở ra ngoài cho biết đó biết đây?

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận