Người già và những chiếc xe lăn

LÊ NGỌC HẠNH (BÌNH DƯƠNG) 06/03/2012 21:03 GMT+7

TTCT - Con đường Bạch Đằng ngắn ngủi dọc bờ sông Sài Gòn mỗi sớm mai với tôi luôn là con đường đẹp nhất của phố thị này.

Buổi sáng, đó là con đường của những người tập thể dục, của những ly cà phê vỉa hè, những tách trà nóng và những trang báo lướt vội... Có vẻ đông đúc, nhộn nhịp là vậy nhưng cảm giác lúc nào cũng thật yên ả và bình yên. Có những cụ ông, cụ bà ngồi trên xe lăn cũng thường được đẩy ra phía con đường bờ sông vào những buổi sớm mai...

Phóng to
Minh họa: Vũ Đình Giang

Tôi thường quan sát người đàn ông trung niên và ông cụ ngồi trên chiếc xe lăn. Họ vừa đi vừa trò chuyện giống như hai người bạn, không im lặng như những người đẩy những chiếc xe lăn khác cùng đi trên con đường. Thi thoảng người đàn ông trung niên chồm người về phía trước nghiêng một bên tai, vẻ như không nghe rõ điều ông cụ vừa nói. Họ thường dừng lại phía cuối con đường, chiếc xe lăn được bẻ quay mặt về hướng bờ sông. Người đàn ông trung niên ngồi bệt trên vỉa hè. Họ lại tiếp tục những cuộc trò chuyện...

Có lẽ không ít người trên con đường thể dục buổi sáng nhận ra người đàn ông trung niên là chủ của một cửa hiệu khá nổi tiếng ở thị xã và ông cụ ngồi trên xe lăn là cha anh. Tôi thầm ngưỡng mộ anh vì khoảng thời gian lẽ ra với những người như anh là ngồi bên bàn cà phê với bè bạn, anh lại chọn cách lặng lẽ bên cha mình, dù những người giúp việc chỗ cửa hiệu có thể thay anh làm điều đó.

Sáng nay cũng vậy. Tôi lại nhìn thấy ông cụ trên chiếc xe lăn, bên cạnh là người đàn ông trung niên ngồi bệt trên hè phía cuối con đường. Cùng ngồi quay ra hướng bờ sông, cùng trò chuyện như hai người bạn. Gió nhè nhẹ mang một chút lành lạnh mơn man... Và sáng nay, có hơi khác một chút với mọi ngày vì sương mù dày đặc vây kín cả chiếc cầu bên kia sông.

Cà phê làng

Sáng sớm mới ngủ dậy, tôi đã nghe văng vẳng bên tai mình lời hát: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào…” của Y Vân. Tôi hỏi với ra sân thằng con đang lui cui lau chiếc xe đạp chuẩn bị đi học, nó trả lời: “Bên quán cà phê của chú Hai Đìa đó ba”.

Quán cà phê Hai Đìa gần nhà thỉnh thoảng tôi thường ghé uống vào buổi sáng, không phải quán có bán cà phê ngon chất lượng tuyệt hảo, mà là tôi thương tánh tình thật thà, hiền lành của chủ quán. Ai đời mở quán cà phê vào thời buổi này không hát “nhạc vàng nhạc bạc” để lôi cuốn khách hàng, mà cứ ra rả suốt ngày lòng mẹ với… lòng cha!

Từ ngày tỉnh tôi được nâng cấp lên thành phố loại 3 thì làng biển quê tôi cũng được mang danh là khu phố, nhưng bộ mặt thật của nó vẫn còn nguyên xi như chưa kịp rửa sạch còn tanh mùi cá. Nhà cửa cái lồi ra cái thụt vào, đường sá chật hẹp, xe lôi Trung Quốc chạy không lọt, có đoạn xe đạp đi trái chiều phải de lui. Chỉ được lòng người ham hởi, để cho ra người thành phố thì phải học ăn học nói, trong đó có học… uống cà phê.

Thuở trước kia cả làng không có đến một quán cà phê, nay có gần chục quán. Mở một quán cà phê không khó, chỉ cần dăm ba bộ bàn ghế và chục cái phin lọc, ly. Tận dụng một khoảng sân rộng, hay hành lang nhà có thể trở thành một quán cà phê không cần bảng hiệu, chỉ cần gọi tên “cúng cơm” thì ai ai trong làng cũng biết. Cô Ba Huê, chú Năm Bè, cậu Hai Nhiêu… Đặc biệt phải có vài ba bộ cờ tướng để các “thượng đế” tranh tài cao thấp.

Rất đáng mừng là các loại “đèn mù, đèn mờ, đèn sờ, đèn ôm”, ăn mặc phản cảm không thấy xuất hiện ở quán cà phê. Cà phê làng quê tôi là nơi để thanh niên nam nữ, ngay đến người có tuổi, đến thư giãn sau những giờ lao động mệt nhọc. Ở đây tôi được nghe nhiều chuyện thật cảm động, công việc làm ăn của người dân.

Nghề gũi tôm hùm quanh bờ biển, một con tôm giống chỉ bằng đầu cây tăm nhang lại có giá tới 150.000-200.000 đồng, chưa “mục sở thị” nói ra không ai tin nhưng đó là sự thật, nhờ thế người dân có đồng ra đồng vào, cuộc sống dễ chịu hơn. Chưa hết, nơi đây cũng là nơi bàn về chuyện “hiếu hỉ” ở trong làng. Đi thăm cô Sáu nằm bệnh viện được chưa? Đưa đám tang bà Mười về nơi an nghỉ cuối cùng, hay đám cưới của con chú Hai Công vào ngày mấy để biết mà đi.

Còn giải trí thì cũng có “cá độ” cáp nhau trong những trận bóng đá ngoại hạng Anh, Ý, Tây Ban Nha… hay là khi đội tuyển quốc gia thi đấu. Anh ở đội này tôi ở đội kia, “chung” nhau ly cà phê đá hay vài điếu thuốc thơm hút liền tại chỗ, khi tàn cuộc kẻ thắng người thua đều vui vẻ ra về. Thậm chí khi các cao thủ tranh nhau ván cờ hấp dẫn, khách bao quanh không làm phiền lòng chủ quán, mà trái lại được bồi dưỡng một ly trà đá miễn phí để thêm sức mà “chiếu”.

Quán cà phê làng tôi nay như một sân chơi.

TTCT cảm ơn các bạn: Chi Le, Sơn Diễm, Duy Hải, Trần Văn, Nguyễn Quốc Việt, Trang Loan, Đặng Đức Lộc, Ca Dao... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận