Người lao động Big Tech vùng lên

HOA KIM 01/05/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Nếu giới làm thuê trong giai đoạn cao trào của cuộc Cách mạng công nghiệp lần 2 cuối thế kỷ 19 đã đấu tranh cho “ngày làm việc 8 giờ”, thì người lao động của các tập đoàn công nghệ trong thời kỳ Công nghiệp 4.0 hiện tại cũng phải vùng lên với những yêu cầu chủ yếu chẳng khác gì hơn trăm năm trước: tiền lương và phúc lợi.

 
 

Lịch sử luôn có cách lặp lại chính nó. Các công nhân trong thời Cách mạng công nghiệp lần 2 từng chết vì làm việc quá sức trong điều kiện khắc nghiệt của các công xưởng và mỏ khai khoáng, còn người làm thuê cho các hãng công nghệ hiện nay cũng chịu điều kiện lao động tồi tệ và chính sách tiền công kiểu bắt chẹt; những động thái từ chối áp dụng “8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi” của giới chủ khi xưa giờ quay lại, dưới hình thức dập tắt các nỗ lực thành lập công đoàn của người lao động ngành công nghệ.

Amazon 1 - Người lao động 0

Trong nhóm Big Tech gồm 5 đại gia công nghệ - Amazon, Apple, Facebook, Google và Microsoft, Amazon sử dụng nhiều lao động phổ thông nhất với hàng trăm nghìn nhân công làm việc trong mạng lưới khổng lồ các kho cung ứng cho sàn thương mại điện tử của công ty này. 

Một nhóm đấu tranh hồi tháng trước đã kêu gọi người lao động tại một kho hàng Amazon ở bang Alabama gia nhập công đoàn, song trong số 3.215 người bỏ phiếu thì chỉ có 738 (chưa đến 16%) bỏ phiếu thuận, so với 1.798 phiếu chống.

Theo CNBC, Amazon chỉ cần có 1.608 phiếu chống là vô hiệu hóa được việc lập công đoàn. Báo Washington Post gọi kết quả ở Alabama là “thất bại mới nhất của những người lao động đang kêu gọi thực thi quyền kiểm soát nhiều hơn đối với các công ty công nghệ phụ thuộc vào họ”. 

Chiến thắng của Amazon cho thấy những gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon vẫn có lợi thế lớn trong việc xác định quyền lực thuộc về ai trong nền kinh tế hiện đại.


 
 Những người ủng hộ thành lập công đoàn công nhân Hãng Amazon ở Alabama. Ảnh: AFP

Trước đó, nhân viên giao hàng của Amazon từng than phiền về giờ giấc làm việc khắc nghiệt đến nỗi họ không có thời gian đi vệ sinh và thường phải đi tiểu vào trong chai nước mang theo bên mình. Amazon cũng bị cáo buộc trả lương thấp và bóc lột các nhân viên kho hàng, những người có thể phải đi bộ nhiều kilômet mỗi ngày bên trong những cơ sở khổng lồ để sắp xếp hàng hóa.


Vậy tại sao người lao động lại bỏ phiếu chống lại việc thành lập một tổ chức khả dĩ sẽ bảo vệ quyền lợi cho họ? Theo tạp chí Fortune, lý do đầu tiên là sai đối tượng - những người bức xúc nhất hiện là người giao hàng của Amazon chứ không phải nhân viên kho. 

Thứ hai, Amazon được cho là đã tìm mọi cách để ngăn chặn một kết quả bất lợi cho mình, trong đó có việc lắp hòm thư ngay bên trong kho hàng khiến nhân viên lo sợ lá phiếu của họ sẽ bị công ty kiểm tra, và lan truyền thông tin thất thiệt rằng tất cả mọi nhân viên sẽ phải đóng công đoàn phí, dù đây không phải quy định bắt buộc ở bang Alabama.

Trong bức “tâm thư” đăng trên trang blog chính thức không lâu sau khi có kết quả kiểm phiếu, Amazon nhấn mạnh họ trả tối thiểu 15 USD/giờ cho người lao động - cao hơn gấp đôi mức lương tối thiểu ở Mỹ - và đảm bảo mọi nhân viên được mua bảo hiểm y tế từ ngày đầu làm việc. 

“Có 40 triệu người Mỹ kiếm được ít hơn mức lương khởi điểm tại Amazon và nhiều người không nhận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe thông qua người sử dụng lao động của họ, và chúng tôi cho rằng đó (mới) là điều cần được khắc phục” - thư viết.

“Cổ cồn trắng” cũng chịu hết nổi

Phong trào thất bại của công nhân Amazon là diễn tiến mới nhất của một loạt xung đột âm ỉ giữa các công ty Big Tech và người lao động khi họ dần nhận ra mình không được hưởng thành quả xứng đáng từ thành công của nền kinh tế số, trong khi giá cổ phiếu của nhiều gã khổng lồ công nghệ đã chạm đỉnh mọi thời đại và tạo ra hàng trăm tỉ USD cho các ông chủ tư bản.

Khi nghĩ đến động lực thúc đẩy sự thành lập công đoàn, người ta thường nghĩ đến nhóm công nhân trình độ thấp, nhưng thực tế phong trào đấu tranh cho quyền của người lao động trong những năm gần đây đang dần định hình trong nhóm những nhân viên tốp đầu dù họ được hưởng vô số đặc quyền.

Tháng 12-2020, Google sa thải nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo hàng đầu Timnit Gebru, một phụ nữ da màu, sau khi cô này viết email chỉ trích cách công ty đối xử với nhân viên thuộc cộng đồng thiểu số. 

Quyết định của Google đã dẫn đến lời kêu gọi chống lại việc kiểm duyệt các tiếng nói chỉ trích và yêu cầu điều tra hành vi sa thải các nhân viên dám nói thẳng.

Tháng 1 năm nay, một nhóm khoảng 230 nhân viên Google và lao động hợp đồng làm việc cho công ty mẹ Alphabet đã thành lập “Công đoàn người lao động Alphabet”, dù tổ chức này không được cơ quan quản lý công đoàn liên bang công nhận do chỉ đại diện nhóm thiểu số.

Năm ngoái, Amazon sa thải hai nhân viên công nghệ sau khi họ công khai tố cáo điều kiện tại các kho hàng không tuân thủ nguyên tắc phòng dịch. 

Cũng năm 2020, một cuộc trưng cầu dân ý ở bang California kết thúc với phần thắng nghiêng về Uber và Lyft, khi hai ứng dụng đặt xe này được miễn xem hàng triệu tài xế của mình là “nhân viên” - tức chối bỏ hoàn toàn nghĩa vụ của người sử dụng lao động như đảm bảo mức lương tối thiểu và các khoản phúc lợi khác.

Suy cho cùng, căng thẳng ngày càng tăng giữa người lao động và giới chủ ở nhóm Big Tech đại diện cho một cuộc tranh giành quyền lực dai dẳng hơn khi những gã khổng lồ công nghệ - dù từng có xuất phát điểm là những start-up với tầm nhìn lý tưởng và mục tiêu lúc nào cũng cao đẹp - đã phình lên thành những người khổng lồ của Thung lũng Silicon nhưng lại không đi kèm trách nhiệm tương xứng.

Nhóm Big Tech là tập hợp những công ty lớn và hùng mạnh nhất lịch sử, với hàng trăm ngàn nhân viên chính thức và người lao động theo hợp đồng cung cấp dịch vụ với bên thứ ba. Hầu hết nhân lực làm việc trong các kho hàng của Amazon và nhân viên vệ sinh của Google thuộc dạng thứ hai và không nhận được các phúc lợi và sự bảo vệ như nhân viên chính thức. 

Ngay cả các vị trí như lập trình viên, nhân viên kinh doanh phần mềm và kiểm duyệt nội dung cũng được các công ty công nghệ ưu tiên thuê người của bên thứ ba thay vì tốn nhiều tiền hơn để “nuôi” một nhân viên chính thức, theo Washington Post.

Công nghệ không song hành công đoàn

“Không có công đoàn là yếu tố cốt lõi cho sự tồn vong của hầu hết các công ty công nghệ. Nếu chúng tôi phải làm việc theo quy tắc của các công ty có công đoàn, tất cả sẽ phá sản” - Robert Noyce, nhà sáng lập Intel, khẳng định trong cuốn Silicon Valley Fever (1984) ghi lại những chặng đầu phát triển của Thung lũng Silicon.

Quan điểm của Noyce cho đến nay vẫn được các ông chủ Big Tech nằm lòng. Đối với các ông chủ công ty công nghệ, khả năng biến hóa doanh nghiệp của họ một cách nhanh chóng, tuyển dụng và sa thải khi cần thiết và chi trả cho người lao động bằng quyền mua cổ phiếu thay vì đưa ra mức lương và các phúc lợi truyền thống chính là chìa khóa thành công.

Trong cuốn sách Temp, tác giả giáo sư lịch sử Louis Hyman của Đại học Cornell lập luận việc sử dụng các nhà thầu thứ ba ở Thung lũng Silicon là một phần mở rộng của tư duy đó, cho phép các công ty cắt giảm quy mô một cách nhanh chóng mà bề ngoài không giống như họ đang sa thải hàng trăm nhân viên một lúc.

Hầu hết các nhà lãnh đạo ở Thung lũng Silicon vẫn tự hào ngành của họ là nơi coi trọng năng lực, nơi nhân viên được trả công xứng đáng và có thể dễ dàng nhảy việc theo ý thích và không cần công đoàn để bảo vệ quyền lợi của họ.

Nhưng những người ủng hộ công đoàn cho rằng việc phụ nữ và người da màu phải đối mặt với sự phân biệt đối xử hay quấy rối ngay bên trong các công ty công nghệ chứng tỏ người lao động vẫn luôn cần tiếng nói bảo vệ mạnh mẽ hơn, bất kể đó là ngành nào.

Công đoàn cũng là kênh để người lao động lên tiếng về các quyết định và đường hướng của công ty, chẳng hạn như quyên góp cho chính trị gia nào hoặc có nên bán phần mềm nhận dạng mục tiêu cho quân đội và cảnh sát hay không.

Những gì xảy ra ở Thung lũng Silicon có sức ảnh hưởng vượt ra ngoài một ngành nghề hay biên giới quốc gia. Các công ty trên khắp thế giới dựa vào hình mẫu thành công của ngành công nghệ làm ý tưởng để cấu trúc lực lượng lao động của mình và định hình các chính sách nhân lực. Một công đoàn được thành lập, dù chỉ tập hợp số ít công nhân, tại một công ty Big Tech vì thế sẽ là thắng lợi lớn cho phong trào lao động khắp nơi, theo Washington Post.

Nhưng ngay cả khi các nỗ lực thành lập công đoàn thất bại thì thực tế việc nó tạo được tranh luận trong xã hội cũng đánh dấu một sự thay đổi thực sự về thái độ đối với chuyện này ở Thung lũng Silicon.■

Ngày 13-4, một nhóm hơn 650 nhân viên công nghệ làm việc cho The New York Times Company, công ty truyền thông phát hành tờ báo nổi tiếng cùng tên, tuyên bố đã thành lập công đoàn, đấu tranh cho bình đẳng tiền lương, phúc lợi chăm sóc y tế, cơ hội thăng tiến và tính đa sắc tộc trong đội ngũ nhân viên.

The New York Times Company sau đó từ chối đề nghị tự nguyện thừa nhận tính hợp thức của công đoàn này và yêu cầu một cuộc bỏ phiếu chính thức thông qua cơ quan quản lý công đoàn liên bang. Trong những năm gần đây, người lao động tại các trang báo và đơn vị truyền thông khác như Vice, Slate, Vox, BuzzFeed và mới nhất là Insider đều đã thành lập công đoàn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận