TTCT - Ngôi biệt thự cổ ở phố Trần Hưng Đạo đổ sập, cả Hà Nội xôn xao nhưng không hoảng sợ, cũng không bất ngờ. Tranh: Lê Thiết Cương Sống ở thủ đô, nhất là dân phố cổ, việc hiểu rằng những ngôi nhà cũ kỹ nát bét có thể đổ ụp xuống đầu bất cứ lúc nào được xem là một nhận thức cơ bản. Ở khía cạnh này cũng có thể nói dân phố cổ Hà Nội đã đạt đến cảnh giới của “nhẫn đạo”, nguy hiểm chực chờ mà vẫn thản nhiên. Có kiến trúc sư từng nói với tôi rằng muốn nhìn thấy hồn cốt nhà cổ Hà Nội bây giờ, hãy ngước nhìn lên tầng hai. Bạn có thể làm thử, chút hồn phố vẫn vương ở đấy. Ngay trên những khung kính bóng loáng, những cửa sắt tự động cong cớn như lô uốn tóc, những mái hiên thò ra thụt vào, những hàng xe máy chen lấn trước những hàng quán nhây nhớt mỡ, ngay bên trên vẫn còn là cổ kính. Trên những bancông, sau những ô cửa chớp, bên dưới những mái hiên ngói vi cá hàng trăm năm tuổi là những con người. Họ ở đấy, kiên nhẫn chờ đợi. Tôi có cô bạn nhà ở phố Hàng Buồm. Đó là một ngôi nhà cổ hẳn hoi, tức trong diện bảo tồn, không được tự ý sửa chữa. Gia đình tứ đại đồng đường, sống quây quần trong ngôi nhà ống, bề ngang chỉ ba thước nhưng sâu đến ngót trăm mét. Nối từ cửa hàng phía ngoài với gian sinh hoạt bên trong là khoảng sân nhỏ, cũng là giếng trời. Hằng ngày ông ngoại bạn tôi kê ghế bên hàng hiên tầng hai đọc sách báo. Chỉ cách mặt phố mấy bước chân mà không gian thoắt trở nên tĩnh mịch, thư thái. 15 năm trước, tôi thích cái không khí u mặc ấy đến mức gần như tuần nào cũng ghé qua chơi đôi ba lần. Ở phố Hàng Bạc, nhà 119 được đánh giá là một trong những ngôi nhà cổ còn nguyên vẹn nhất. 10 năm trước, khi tôi đến chơi, bà cụ Hiền - chủ nhà - đón tiếp hết sức miễn cưỡng. Bởi vì bà phải tiếp nhiều khách quá, toàn khách do ban quản lý phố cổ giới thiệu đến để nghiên cứu, tham quan kiến trúc ngôi nhà. Bà cụ Hiền lớn lên trong ngôi nhà ấy, hẳn nhiên rất yêu nó, nhưng cũng quá hiểu nó đã dột nát ra sao, xuống cấp đến đâu, nguy hiểm thế nào. Xin sửa thì không được, hằng năm cụ Hiền lên phường ký vào một giấy cam đoan tự chịu trách nhiệm nếu nhà sập để được sống tiếp trong chính ngôi nhà cũ kỹ của mình. Kế hoạch giãn dân phố cổ đã được Hà Nội triển khai hai năm rồi, đến năm 2016 là hoàn thành giai đoạn 1. Mục tiêu của giai đoạn 1 là di dời được 1.500 hộ dân ra khỏi khu phố cổ. Phần lớn số di dân này sẽ được bố trí đến những khu chung cư tái định cư bên Gia Lâm, Long Biên, nghĩa là bên kia sông Hồng. Tôi đã đến khu Kim Giang tìm gặp một người quen cũ, vốn sống ở Hàng Bạc. Gia đình ông thuộc diện chấp nhận chuyển đi đầu tiên vì không gian sống quá chật chội: sáu người lớn, bốn trẻ con, chỉ vỏn vẹn tám mét vuông. Đến nơi mới, gia đình được phân căn hộ 70m, chia mấy phòng, so với nhà cũ thì thay đổi không thể nào nói hết. Ông thấy khách đến mừng như bắt được vàng, pha trà ngon, kéo ra bancông ngồi kể đủ thứ chuyện. Bancông ấy nhìn thẳng về cầu Chương Dương, bên kia là Hà Nội, là “phố nhà tôi”. Phố nhà tôi tiện lắm, bước ra đường là có hàng quà. Phố nhà tôi chật nhưng mà vui, bà con hàng xóm quen nhau ra chào vào hỏi không như ở đây. Phố nhà tôi buôn bán được, mở cái hàng nước chè cũng rủng rỉnh tiền. Phố nhà tôi... Ông cứ kể miên man mãi, toàn chuyện phố, toàn chuyện vui. Chỉ đến khi nói đến những đêm giao thừa, đứng từ căn hộ của ông nhìn được pháo hoa bắn sáng rực bên hồ Gươm thì ông mới ngừng lại. Đấy là một người phố nhớ phố. Rất nhớ. Cứ cho là người ta, bằng cách nào đấy, sẽ di dời, quy hoạch lại, rồi dần dà sẽ sửa sang tôn tạo để rồi bảo tồn được vài con phố cổ của Hà Nội. Nhưng Mã Mây, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Ngang, Hàng Đào... đều đã có những ngôi nhà trong diện tôn tạo thí điểm, được Ban quản lý phố cổ Hà Nội quản lý. Và đó là những địa điểm gây thất vọng nhất trong lộ trình tham quan “old quarter” của du khách. Dăm ba tờ bướm có nội dung nông choèn in song ngữ, tràn ngập quảng cáo, vài món lưu niệm mà chính người Việt cũng không dám nhận là của mình, một ngôi nhà mới tinh, mới từ hàng hiên, cái phản, cây cột, cái kèo, mới đến loại mái ngói chữ nhật của nhà máy Giếng Đáy - Hạ Long. Du khách vào xem, đi lên đi xuống, ba bước là hết cái nhà rồi đi luôn, thậm chí không buồn chụp ảnh. Mỗi cái nhà ấy, kinh phí trùng tu hết hàng chục tỉ đồng. Năm ngoái, tôi trở lại nhà bạn ở phố Hàng Buồm chơi. Ông ngoại bạn tôi đã tạ thế từ lâu. Gia đình muốn bán căn nhà lắm nhưng nhà trong diện bảo tồn, không sửa được nên cũng chẳng ai mua. Đời con thì còn cố trụ lại, chứ đến các cháu thì tìm kế thoát ly hết vì sống khổ quá! Trong lịch sử nghìn năm của Thăng Long, cũng nhiều lần người ta phải bỏ kinh thành mà đi khi vì giặc giã, lúc vì thiên tai, cũng có cả khi đói kém. Nhưng vì sống khổ quá, chật quá mà phải đi thì chưa ai nghĩ tới bao giờ. Nhưng giờ đã có cả một làn sóng thoát ly âm thầm và khắc khoải khỏi thủ đô, khỏi những mục nát mà người ta cứ định danh là cũ. Chẳng cứ phải cần đến một cú đổ sập hãi hùng nào.■ Tags: Biệt thự cổNgười trong nhà cổPhạm gia hiền
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.