"Nhà nước lý tưởng" của Aristotle

TRẦN QUỐC TÂN 11/03/2013 06:03 GMT+7

TTCT - Sau khi bộ phim Alexander (2004) ra mắt, có một cuộc tranh luận thú vị xoay quanh lời giảng của Aristotle cho vị hoàng đế thời trẻ ở đầu phim rằng: sự thuần khiết tuyệt đối là khi con người sống cùng với nhau, với tri thức và niềm ham mê chảy qua giữa họ.

Phóng to

Một số luật sư Hi Lạp thậm chí còn đe dọa kiện đạo diễn OIiver Stone vì lời thoại đó xác nhận và biện minh cho lối sinh hoạt đồng tính luyến ái của người Hi Lạp cổ đại và do đó xúc phạm đến hình ảnh Alexander đại đế. Cũng có học giả như Tom Prasch cho rằng Aristotle chỉ thể hiện mong muốn về một nước Hi Lạp thống nhất và rộng lớn.

Chính thể tốt nhất bởi những người xuất chúng

Quan niệm trên của Aristotle về “nhà nước lý tưởng” có thể tìm thấy trong quyển VII của Chính trị luận (*).

Tác giả cho rằng người châu Âu ở xứ lạnh đầy hăng hái nhưng thiếu kỹ năng tổ chức chính trị, trong khi người châu Á (ý nói Ai Cập và Ba Tư) có sự khôn ngoan nhưng lại thiếu nhiệt huyết. Chỉ có người Hi Lạp ở giữa hai khu vực này là có được sự hài hòa giữa niềm thôi thúc và lý trí. Montesquieu cũng có nhận xét tương tự trong Bàn về tinh thần pháp luật, rằng các dân tộc ở mỗi vị trí khác nhau thì cũng có văn hóa chính trị và hành vi chính trị khác nhau.

Quan niệm rằng chính trị là ngành khoa học thực tiễn và bản thân con người là loài “sinh vật chính trị”, nên Aristotle mong muốn ở bộ môn này một thứ ngôn ngữ bình dân, không “lên gân” hay dùng nhiều thuật ngữ. Và ngay ở Chính trị luận, ngôn ngữ của tác giả hướng đến các thần dân và chính khách chứ không phải các triết gia.

Thứ ngôn ngữ bình dân và thẳng thắn (nhưng khó nhằn) ấy rõ ràng không vừa ý những người theo thuyết trung dung, những người luôn tự cho mình là khách quan nhưng lại làm như thể đứng từ một hành tinh khác nhìn xuống. Chẳng hạn như những nhà phê bình phim thời hiện đại, họ sẵn sàng chỉ trích Oliver Stone nếu như ông để cho Aristotle nói ra điều mà rõ ràng ai cũng biết.

Nếu được đặt ở đúng hoàn cảnh, theo Aristotle, người Hi Lạp có thể cai trị tất cả. Ông tin rằng chính thể tốt nhất phải được cai trị bởi những người xuất chúng nhất. Ở quyển VII và VIII, tác giả phê phán mô hình giáo dục lúc bấy giờ ở Hi Lạp. Trái với Cộng hòa của Plato, nước “cộng hòa” của Aristotle không hướng đến chiến tranh mà hướng đến hòa bình và sự thư nhàn.

Đời sống thư nhàn không chỉ là giải trí, nghỉ ngơi mà còn là nền giáo dục cao nhã và tự do. Nền giáo dục ấy tạo ra con người với tinh thần quảng đại, sở hữu không chỉ tiền tài mà cả khiếu thẩm mỹ, và quan trọng nhất là óc thực tiễn. Con người này có thể không có óc tư biện như Socrates nhưng sở hữu năng lực phán đoán cần thiết cho việc quản trị đất nước. Aristotle gọi đó là sự “khôn ngoan chính trị”.

Mô hình tối ưu trong một tình huống đặc thù

Cốt lõi trong bộ môn khoa học chính trị của Aristotle là quan niệm về chính thể (politeia) và con người ở bên trong chính thể ấy. Politeia ngoài nghĩa “hình thái của chính phủ”, còn có nghĩa là “phép tắc điều hành nhà nước” hay hiến pháp. Ngay từ đầu quyển I, tác giả đã khẳng định “con người là một sinh vật chính trị”. Ngôn ngữ và lý trí cho phép họ tham dự vào một cộng đồng hay hình thức đời sống được thiết trị bởi các chuẩn mực về sự công bằng và bất công.

Con người là các sinh vật có ngôn ngữ không chỉ sống cùng với nhau mà còn chia sẻ sự sắp đặt của luật lệ. Là sinh vật chính trị tức là tham dự hoặc khước từ các tranh luận muôn thuở về bản chất sự công bằng, là bước chân vào hoặc tuyên bố mình đứng ngoài cuộc tranh luận đó. Mọi hành động chính trị đều hướng đến sự bảo tồn hay thay đổi, và sau rốt là để con người tốt đẹp hơn.

Trong quyển IV của Chính trị luận, Aristotle bàn về mục đích của khoa học chính trị. Chính trị gia trước tiên phải biết đâu là mô hình nhà nước tối ưu. Thứ hai, họ phải biết đâu là mô hình tối ưu trong một tình huống đặc thù. Thứ ba, họ phải có kiến thức để sửa sai một chế độ, bất kể kém hoàn thiện đến đâu, để làm cho nó ổn định và cố kết hơn. Và cuối cùng, người làm khoa học chính trị phải biết cách thuyết phục để đưa chế độ hiện hữu đến gần sự tối ưu.

Các nhận xét trên tuy là nền móng cho phương pháp của Aristotle về chính trị luận, nhưng ông không đòi hỏi một phương pháp chắc chắn cho bộ môn khoa học này vì cho rằng chính trị luôn biến đổi và không thể đoán trước.

____________

(*) Chính trị luận: Aristotle. Nông Duy Trường dịch, Alphabooks ấn hành tháng 2-2013.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận