TTCT - Văn Cao thuộc lớp người cuối cùng của Thơ mới và bài thơ quan trọng nhất của ông trước tháng 8-1945 chắc chắn phải là Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc. Đó là một thi phẩm không tránh khỏi việc mang ảnh hưởng của những người cùng thời, nhưng không phải Thế Lữ, Xuân Diệu hay Lưu Trọng Lư, chính Chế Lan Viên và Vũ Hoàng Chương mới là người ảnh hưởng rất rõ lên lối tạo hình ảnh kinh dị về những cơn mê sảng và sự trụy lạc trong bài thơ của Văn Cao. Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc là khúc cáo chung cho một thế giới cũ đã đến ngày tàn rữa trong nạn đói và sự suy đồi.Ảnh: Nguyễn Đình ToánNhưng dù chịu ảnh hưởng của Thơ mới, nó vẫn báo hiệu một thứ thơ khác vượt qua Thơ mới. Văn Cao chọn thơ tự do. Giống như Thâm Tâm, ông chọn một thứ thơ vần trắc đối lập với vần bằng của Thơ mới, lấy cái đa dạng về nhịp điệu của thơ tự do đối lập cái êm đềm thậm chí đến mức đơn điệu về nhịp của Thơ mới. Có như vậy mới diễn tả được cái cuồng loạn của một thế giới sa đọa, những Sodome và Gomorrhe đáng phải bị hủy diệt.Chân dung tự họa của Văn CaoCuộc "lột xác" tạo nên thơ ca vượt qua Thơ mới của Văn Cao diễn ra trong gần mười năm, đi từ Ngoại ô mùa đông năm 1946 (in trên Văn Nghệ năm 1948) đến trường ca Những người trên cửa biển (in trong tập Cửa biển, NXB Văn Nghệ, Hà Nội, tháng 10-1956). Giống như Trường ca sông Lô, Ngoại ô mùa đông năm 1946 dẫu vẫn còn chút vương vấn với những lớp ngôn từ cũ, với những "vạn cổ thôn hào hoa", những "thương nữ", "lối xanh trúc đằng"… nhưng đã cho thấy đó là thi ca của một thời đại mới, thời đại "đây lửa mới thiêu, lửa sống dâng bát ngát", "đập tan đàn khi nhạc mới mênh mông", thi ca ấy đòi sự tự do của hình thức và sự linh hoạt của nhịp điệu:Reo lên! A reo lênXóm cùng khổReo lên! Reo lên!Băng mình vào đạn lửaCuồn cuộn chảy xô lòng Hà Nội vỡSóng lũ Hồng HàVăn Cao viết gì trong Kháng chiến chống Pháp? Tư liệu không nói nhiều với chúng ta. Chỉ biết, cùng với Nguyên Hồng, ông là người đã bảo vệ thơ không vần của Nguyễn Đình Thi trước những phê bình của Xuân Diệu, Thanh Tịnh và thậm chí, có phần nghiệt ngã của Thế Lữ. Có lẽ trong ông, xác tín về một cuộc cách mạng nghệ thuật song hành với cách mạng chính trị luôn kiên định để ngay sau Điện Biên Phủ chỉ hai năm, ông định hình phong cách thơ tự do của mình trong trường ca Những người trên cửa biển. Trường ca này là sự vượt thoát trọn vẹn Thơ mới của Văn Cao, cả về ngôn từ lẫn nhạc tính. Nó định hình phong cách thơ tự do của ông, mãnh liệt trong xúc cảm nhưng cũng đầy tính trí tuệ, cùng rất nhiều liên tưởng kỳ diệu. Nó định hình cả những ám ảnh trong thơ ông rất nhiều năm sau đó, như Hải Phòng, "Sinh tôi ra đã có Hải Phòng/ Đầu nhà mới trồng cây mận/ Bãi sú bồi thành bến/ Nhà máy xi măng đã dựng bên sông", với những thực tại ngổn ngang "có năm người ta đánh Hoa kiều/ Bạn cha tôi về chết bên cây mận". Nhưng cũng hiện hình trong đó, những vì sao và biển cả - những hình tượng thơ sẽ đi suốt quãng đời còn lại của Văn Cao:Chung quanh những ngôi sao biểnVẫn thở hơi nồng khát vọngCuộc đờiDĩ vãngThời gianBỏ neo trên mặt biển.Và sau đó là gần ba mươi năm im lặng. Ba mươi năm mà:Có lúcBan ngày nghe lá rụng sao hoảng hốtCó lúcNước mắt không thể chảy ra ngoài đượcTrong ba mươi năm ấy, nếu hội họa là cách Văn Cao kết nối với đời sống văn nghệ bên ngoài thì thơ là cách để ông sống với con người bên trong mình, cách ông chiêm nghiệm cuộc đời và chính mình. Như chính ông viết: "Những ngày buồn không nói đượctôi chỉ tìm ra sự sống của tôi"Văn Cao vẫn viết về cuộc đời, về những con người tốt có, xấu có, kẻ thì hiện lên "…mang trong tôi nhiều bộ mặt/ đâu là cái cuối cùng/ chỉ có hai con mắt/ trắng dã không thể dối lừa", kẻ thì như cái bóng, phủ lên cuộc đời ông "Bỗng nhiên/bóng người ấy che mất/ nửa mặt tôi" và cả những đám đông ồn ào, "uống rỗng những thùng bia/ uống đến hết một ngày đang hết/ Uống đến hết một năm sắp hết/ còn liếm môi". Trong những năm tháng ấy, là ông, "một con mắt tôi/ lặng lẽ lấp lánh/ sau bóng đen người ấy".Khi đi qua những nhịp điệu ào ạt của Ngoại ô mùa đông năm 1946 hay Những người trên cửa biển, thơ Văn Cao thiên về những chiêm nghiệm, những khoảnh khắc như đốn ngộ (Trôi, Thời gian, Những bó hoa), hay một cuộc mổ xẻ nội tâm với những cơn mê nhiều khi siêu thực (Năm buổi sáng không có trong sự thật; Ba biến khúc tuổi 65), có khi rắn đặc lại như một tuyên ngôn.Giữa sự sống và cái chếtTôi chọn sự sốngĐể bảo vệ sự sốngTôi chọn sự chếtThơ Văn Cao những năm tháng ấy là những tự-họa-thơ. Và đấy cũng là khoảng thời gian, giống như Phùng Cung "khát muốn chết/ một ngụm-trời-da-bát", Văn Cao mơ về biển, như ông thổ lộ với Nguyên Hồng:Một cửa biển tự doMột biển đầy hàng hóaVà chúng ta không vắng những con tàuNơi anh nơi tôi hai xóm nghèo được sốngVăn Cao đi hết con đường thơ của mình, có lẽ cũng từng như Phùng Quán, có lúc ông phải "vịn câu thơ và đứng dậy…".■ Tags: Nhạc sĩ Văn CaoThơ Văn CaoChiếc xe xác qua phường Dạ LạcNhân văn giai phẩm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đổi mới, sắp xếp bộ máy là đòi hỏi rất cấp thiết THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là đòi hỏi rất cấp thiết trong tình hình thực tiễn.
Cựu bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ bị đề nghị 28-29 năm tù TUYẾT MAI 25/11/2024 Ông Thọ nhiều lần nhận tiền, tài sản của bà Mai Thị Hồng Hạnh (chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Xuyên Việt Oil), tổng số tiền 22,8 tỉ đồng.
Đã tìm thấy hơn 400 bộ tiểu sành, hài cốt trên phố Tây Sơn, Hà Nội PHẠM TUẤN 25/11/2024 Cải tạo hệ thống thoát nước ở ngõ 167 Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện hơn 400 bộ tiểu sành dưới mặt đất.
Ukraine có thể đánh chặn tên lửa Oreshnik của Nga? MINH KHÔI 25/11/2024 Tổng thống Ukraine khẳng định thế giới đã có các hệ thống phòng không đủ khả năng bắn hạ loại tên lửa tầm trung mới Oreshnik của Nga.