Nhiễm "siêu vi khuẩn" kháng thuốc

LÊ NGỌC THANH (TP.HCM) 14/03/2011 18:03 GMT+7

TTCT - “Mẹ tôi rất “mê” thuốc kháng sinh. Cứ nhức đầu, sổ mũi, ho hen gì bà cũng ra tiệm thuốc tây mua thuốc uống. Nghe nói việc lạm dụng và sử dụng thuốc kháng sinh không đúng cách sẽ gây phản ứng ngược là kháng thuốc kháng sinh. Tôi rất lo”.

Việc sử dụng kháng sinh không đúng cách, mà mẹ của bạn Thanh là một ví dụ, đã gây ra một mối lo. Đó là sự đề kháng kháng sinh.

Ngòi nổ

Sự đề kháng kháng sinh (antibiotic resistance) là khả năng của vi sinh vật có thể chống cự lại tác động của kháng sinh. Nguyên nhân cơ bản của sự đề kháng kháng sinh là sự thay đổi kiểu gen của vi khuẩn. Sự đề kháng kháng sinh gặp phải khi sử dụng kháng sinh cho người và cho cả vật nuôi. Việc tiếp xúc với kháng sinh càng nhiều thì vi khuẩn càng có cơ hội phát triển những đặc tính đề kháng với kháng sinh.

Cách đây hơn 70 năm, Alexander Fleming khám phá penicillin và đã thật sự làm nên một cuộc cách mạng y học. Năm 1943, penicillin được xuất xưởng hàng loạt và giữ được mạng sống của rất nhiều binh sĩ bị thương và bị nhiễm trùng vết thương. Tới ngày hôm nay, nhiều dòng kháng sinh được sáng tạo không ngừng.

Sử dụng kháng sinh bừa bãi cả trong mục đích y học hoặc ngoài mục đích y học sẽ là “ngòi nổ” cho các vi khuẩn đề kháng kháng sinh. Ở vài quốc gia (trong đó có Việt Nam), kháng sinh được mua bán đại trà, không cần toa bác sĩ sẽ dẫn tới sự đề kháng kháng sinh.

Sự đề kháng kháng sinh cũng có thể xảy ra khi các nhà sản xuất đưa kháng sinh vào các sản phẩm diệt khuẩn sử dụng trong nhà như nước rửa chén, thuốc rửa bồn cầu. Các xí nghiệp dược phẩm sản xuất thuốc không đúng quy trình, không đúng các chỉ tiêu chất lượng... cũng có thể gây ra sự đề kháng kháng sinh.

Có nhiều sự đề kháng kháng sinh xảy ra hoàn toàn theo quy luật tự nhiên, ví dụ như benzyl penicillin sẽ “bó tay” trước những vi sinh vật có trong đường tiêu hóa của người. Cũng có một số vi khuẩn đề kháng kháng sinh từng tiêu diệt chúng, ví dụ như Staphylococcus aureus hoặc Neisseria gonorrhoeae bây giờ hầu như đã đề kháng với benzyl penicillin.

Đừng để vi khuẩn ”giở trò”

Sự đề kháng kháng sinh sẽ dẫn tới những căn bệnh nghiêm trọng không tìm được thuốc chữa và là một vấn nạn cho hệ thống y tế công cộng. Một khi đã đề kháng, các loại vi khuẩn này sẽ “giở trò” trên sức khỏe con người. Một vài ví dụ điển hình là Staphylococcus aureus đề kháng với methicillin (methicillin-resistant Staphylococcus aureus - MRSA), Enterococcus đề kháng với vancomycin (vancomycin-resistant Enterococcus - VRE). Hoặc vi khuẩn lao đề kháng nhiều loại kháng sinh (multi-drug-resistant Mycobacterium tuberculosis: MDR-TB).

Cách hữu hiệu nhất để ngăn chặn sự đề kháng kháng sinh là hạn chế kê thuốc kháng sinh khi không cần thiết. Điều nghịch lý là có nhiều bệnh nhân cứ nằng nặc đòi bác sĩ phải kê toa kháng sinh dù căn bệnh mà bệnh nhân mắc phải do virut gây ra chứ không phải do vi khuẩn. Cần nhớ là kháng sinh chỉ có thể “ăn thua đủ” với vi khuẩn mà thôi, còn virut (một sinh vật đơn giản, bé hơn vi khuẩn và gây ra bệnh truyền nhiễm) thì kháng sinh xem ra “bó tay”.

Về phần bệnh nhân, khi sử dụng kháng sinh phải tuân thủ đúng liều lượng bác sĩ đã chỉ định, có nhiều bệnh nhân thấy sức khỏe đã cải thiện, tưởng đã hết bệnh nên bỏ ngang thuốc đã được bác sĩ kê toa. Vi khuẩn đã đề kháng kháng sinh cũng như sự đề kháng kháng sinh có thể truyền từ người này sang người khác và sự lan truyền này ngày càng phổ biến.

Để hạn chế việc đề kháng kháng sinh là hạn chế sử dụng kháng sinh. Hãy xem kháng sinh là một thứ của hiếm cần phải gìn giữ nhằm khi hữu sự. Vì vậy cần bảo vệ sức khỏe để tránh bệnh tật là bước đi căn bản, giữ gìn vệ sinh thật kỹ để các vi khuẩn không còn nơi nương tựa, nhà cửa cũng phải vệ sinh vì các vi khuẩn dễ đề kháng như staph, strep, E.coli thường “đóng quân” ở những nơi ẩm ướt như nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh...

Cũng không nên đặt niềm tin vào những lời quảng cáo để sử dụng những sản phẩm rửa tay, rửa mặt, rửa chén có kháng sinh vì có thể làm vi khuẩn dễ dàng đề kháng. Ví dụ quảng cáo nói rằng ”sản phẩm có thể diệt tới 80% vi khuẩn”, vậy còn 20% kia sẽ như thế nào? Nếu 20% ấy không bị tiêu diệt thì chắc chắn chúng sẽ phát triển những yếu tố có thể đề kháng kháng sinh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận