​Nhiều cơ hội cho giới kinh doanh 

QUANG THÁI 12/08/2015 19:08 GMT+7

Hiệp ước hạt nhân vừa ký giữa Iran và nhóm 5+1 không chỉ kết thúc hành trình hơn 20 năm đàm phán, mà còn mở cửa cho kinh tế và đầu tư nước ngoài ở nước này. Trước mắt, các công ty châu Âu nhanh chân tìm đường nối lại chuyện làm ăn với Iran, trước khi các tập đoàn Mỹ đổ bộ sớm lắm cũng sau một năm nữa.

Iran muốn đầu tư 185 tỉ USD vào các dự án khai thác dầu khí trong vòng năm năm tới - Ảnh: getty image

“Nếu hiệp ước này được thực thi đầy đủ (sớm nhất là đầu năm 2016) và Iran tái gia nhập cộng đồng quốc tế, tầm vóc thị trường 80 triệu dân này và nhu cầu hiện đại hóa đất nước sẽ cho phép Iran đạt mức tăng trưởng hai con số trong những năm tới” - chủ tịch Anton Borner của BGA (Liên đoàn Thương nghiệp, ngoại thương và dịch vụ của Đức) tuyên bố trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, đồng thời nhấn mạnh rằng khi đó kim ngạch thương mại của Iran chắc chắn sẽ tăng gấp đôi so với đỉnh điểm 5 tỉ euro năm 2005.

Ngoài ra, nếu tôn trọng đầy đủ các cam kết, Iran có thể hi vọng giải ngân hơn 100 tỉ USD tài sản bị đóng băng ở các ngân hàng nước ngoài do lệnh trừng phạt của Mỹ năm 2012. Theo npr.org, đây là số tiền từ dầu hỏa mà Iran bán cho Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Đài Loan.

Từ khai thác dầu hỏa đến sản xuất ôtô...

Phát biểu trên tờ Tribune de Genève, ông Sharif Nezam Mafi, chủ tịch Phòng Thương mại Thụy Sĩ - Iran, khuyên các công ty châu Âu nhanh chóng tận dụng cơ hội Iran đang mở rộng cửa trước khi các đối tác Mỹ ồ ạt đổ bộ trong một năm hoặc một năm rưỡi tới.

Chỉ hai tuần sau hiệp ước hạt nhân lịch sử, Tehran đón tiếp hàng loạt phái đoàn ngoại giao và kinh tế, như chuyến viếng thăm chính thức ngày 23-7 của Phó thủ tướng Đức kiêm Bộ trưởng Kinh tế liên bang Sigmar Bagriel đi cùng một đoàn các chủ hãng, chuyến thăm dự kiến trong hai ngày 4 và 5-8 của Ngoại trưởng Ý Paolo Gentiloni cùng các lãnh đạo Công ty Eni (khai thác dầu khí) và Finmeccanica (công nghiệp hàng không và quốc phòng).

Giữa tuần rồi, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã đến Tehran để gặp Tổng thống Hassan Rouhani nhằm mở đường cho một phái đoàn giới chủ Pháp (Medef) có thể đến Iran vào tháng 9 tới. Ngay từ tháng 4, giới ngoại giao Pháp đã chuẩn bị khả năng làm ăn tại Iran, như phát biểu của ông Fabius: “Nếu hiệp ước được ký, chúng tôi không phải là người cuối cùng hưởng lợi”.

Nước Đức từng là đồng minh kinh tế hàng đầu của Iran. Mậu dịch giữa hai nước bị sụp đổ do lệnh trừng phạt được thông qua vào năm 2006, rồi tăng cường vào năm 2010 và 2012, cũng như việc Washington gây áp lực lên các ngân hàng châu Âu tài trợ kinh doanh.

Năm 2009, Trung Quốc trở thành đối tác hàng đầu của Iran. Mậu dịch song phương Đức - Iran không ngừng suy yếu trong giai đoạn 2007-2014, nhưng bất ngờ tăng trở lại từ năm ngoái khi Đức bán cho Iran 2,4 tỉ euro hàng hóa (tăng 30%) và nhập từ Iran 300 triệu euro (tăng 8%).

Sau nhiều thập niên bị cô lập, nền kinh tế Iran đang đứng trên một hạ tầng hoàn toàn cũ nát, từ đường bộ, đường sắt và cả lĩnh vực khai thác dầu khí. Theo các nhà phân tích phương Tây, Iran có nhu cầu đổi mới thiết bị khai thác dầu thô vốn đã không được bảo quản tốt trong suốt thời gian dài.

Theo Ngân hàng BayernLB, phải mất nhiều thời gian Iran mới đạt trở lại mức sản xuất dầu khí trước đây, trong khi dầu thô chiếm phân nửa kim ngạch xuất khẩu của nước này. Theo ước tính, bên dưới lòng đất Iran chứa 10% trữ lượng khí đốt thế giới. Để khai thác tài nguyên này, Iran vẫn lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài.

“Do tác động của cấm vận, sản xuất dầu hỏa của Iran giảm từ 4 triệu thùng dầu/ngày năm 2008 xuống còn 3 triệu thùng năm 2014. Nhưng sản lượng sẽ tăng lên sau khi lệnh trừng phạt bị dỡ bỏ và Iran hợp tác với các tập đoàn nước ngoài để hiện đại hóa cơ sở khai thác” - Sofia Tozy, nhà kinh tế và cũng là chuyên gia về Trung Đông làm việc cho Coface (Công ty Bảo hiểm ngoại thương Pháp), nói.

Có mặt tại Iran từ năm 1954, Total đã ngừng mọi hoạt động vào năm 2008 nhưng vẫn duy trì văn phòng đại diện để chờ thời. Tuy nhiên, các tên tuổi khác cũng có mặt trên vạch xuất phát, như Shell và Eni đã gửi phái viên đến Tehran.

Các ngành sản xuất ôtô, hóa chất, y tế, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo... cũng mang đến nhiều cơ hội đầu tư không chỉ cho các tập đoàn lớn mà cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo ông Sharif Nezam Mafi, ngành sản xuất ôtô của Iran đã không đổi mới thiết bị trong thời gian dài nên các doanh nghiệp sản xuất máy công cụ có thể thay chân các nhà cung ứng Trung Quốc trong giai đoạn Iran bị cấm vận.

Ngành sản xuất ôtô đóng vai trò quan trọng ở Iran. Với người Đức, Mercedes, BMW, Audi và Volkswagen là những đại diện xuất sắc nhất. Tuy nhiên, các hãng xe của Pháp đã vào cuộc để giành lại thị phần mà họ từng chiếm đến 40% và 1,6 triệu biển số xe đăng ký vào năm 2011.

“Peugeot và Renault từng độc chiếm thị trường ôtô Iran” - tờ Financial Times nhắc lại và cho biết thêm Peugeot đã thương lượng lại với đối tác địa phương Irankhodro để tiến tới lập liên doanh. Hai thương hiệu Pháp hi vọng trở lại mạnh mẽ trên thị trường có tiềm năng sản xuất 3 triệu chiếc xe/năm. Tỉ lệ các gia đình Iran có ôtô chưa đến 10% (để so sánh, tỉ lệ này ở Pháp là 83%).

Trong thực tế, các hãng xe sẽ chỉ giao nguyên cấu kiện xe để các đối tác địa phương lắp ráp. Nhưng Renault và Peugeot còn phải cạnh tranh với nhà sản xuất Trung Quốc vốn đã lấy được thị phần trong thời gian cấm vận. Và cả các hãng của Mỹ.

Do không có đại diện ngoại giao ở Tehran, các nhà vận động hành lang của Mỹ phải đi qua đường Đại sứ quán Thụy Sĩ để tiếp cận các đối tác địa phương. General Motors tỏ ra rất năng động với Irankhodro mà họ đã có thể tiếp cận vào thời kỳ còn là cổ đông chiếm 3% vốn của PSA Peugeot Citroen. Năm 2013, General Motors từng mạo hiểm tung ra chiến dịch quảng cáo trên báo chí Iran và nhập xe Chevrolet Camaro qua đường Azerbaijan để “trắc nghiệm thị trường”.

Hấp dẫn nhiều, thách thức cao

Ở Tehran, các nhà lãnh đạo đều nói điều này: “Trong suốt 30 năm tách biệt với thế giới, chúng tôi đành bằng lòng với những sản phẩm nội địa hoặc hàng nhập từ Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Nay chúng tôi muốn có những sản phẩm và dịch vụ chất lượng”. Đó là phản ảnh của một luật sư người Pháp gốc Iran làm việc cho một văn phòng tư vấn trở về từ chuyến đi Iran.

Có khá nhiều cơ hội cho các công ty phương Tây từ “thiên đường mới” này, nhưng họ còn đang chờ biết lịch trình chính xác và những phương thức mở cửa được hứa hẹn từ hiệp ước ký kết ngày 14-7.

Chính phủ Iran lên kế hoạch xây hơn 15.000km đường sắt bổ sung, xây dựng hoặc cải tạo chín sân bay dân sự và tăng đội bay lên 400 chiếc, trang bị hệ thống sợi quang học, tăng lượng du khách nước ngoài lên 7,5 triệu người vào năm 2025 so với 2,2 triệu năm 2009... Trong lĩnh vực dịch vụ, nhất là bảo hiểm, thực phẩm chế biến..., nhu cầu cũng rất lớn.

Tuy nhiên, tờ Wall Street Journal tỏ ra ngờ vực khi dẫn ra ba nguyên nhân khiến Iran nổi tiếng là nơi khó làm ăn đối với các công ty phương Tây: tính quan liêu, nạn tham nhũng và sự can thiệp của giới chính trị trong kinh doanh.

“Thị trường Iran hứa hẹn, nhưng cũng không nên quá hào hứng. Đó chỉ là vùng đất hứa đối với một thiểu số (công ty), trong khi đa số còn lại, đặc biệt là các công ty Thụy Sĩ, sẽ khó làm việc với các đối tác địa phương không được tổ chức tốt và thực hiện chậm trễ các cam kết” - Homayoon Arfazadech, một luật sư Thụy Sĩ đang làm việc ở Iran, nói. “Do không có đối tác hùng mạnh nên các công ty nước ngoài cần các nhà tư vấn giỏi để diễn dịch không phải ngôn ngữ mà là những hiểu nhầm” - Công ty nghiên cứu thị trường Python & Peter cho biết thêm.

Trở ngại đầu tiên là việc thanh toán tiền cho các công ty nước ngoài. Hiệp ước ký kết phải có một danh sách các ngân hàng cỡ trung đủ tư cách thực hiện các giao dịch thanh toán, vì hiện mới có hai ngân hàng Thụy Sĩ được phép quản lý các thanh toán chính thức từ Nhà nước Iran.

Nhưng trở ngại chính đến từ nội bộ Iran: con bạch tuộc kinh tế của lực lượng quân đội gắn kết với các chính khách chủ trương bảo thủ. “Một số gia đình đang nắm những mảng lớn của nền kinh tế đã dẫn đến việc hình thành các tập đoàn hùng mạnh trong thời gian cấm vận và có thể làm việc với các đối tác nước ngoài” - luật sư Arfazadech nói.

Tình hình địa chính trị cũng là một lưỡi gươm Damocles ở Iran. Tehran vẫn còn can dự vào một số xung đột trong khu vực có nguy cơ gây khó khăn cho tham vọng trở lại với thế giới của họ. Đó là cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Syria và Iraq, cạnh tranh với Saudi Arabia ở Yemen khiến quốc gia này sa vào cuộc nội chiến, tiếp tục ủng hộ Hezbollah đang xung đột với Israel ở Lebanon... Tất cả những hồ sơ này là cái phanh thật sự đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Thêm vào đó, những tuyên bố mới nhất của lãnh đạo tối cao Iran về việc “Chính sách sẽ không thay đổi trước chính phủ Mỹ kiêu ngạo” đã không được Washington đón nhận khi Tổng thống Barack Obama còn phải thuyết phục Thượng viện bỏ phiếu chuẩn y hiệp ước hạt nhân vừa ký. Nếu không có điều này, General Motors, Boeing hay bất kỳ công ty Mỹ nào khác cũng khó có thể đặt chân lên đất Iran.          

Nền kinh tế Iran đứng hàng thứ hai ở Trung Đông sau Saudi Arabia, với GDP đạt 406 tỉ USD. Là quốc gia đông dân hàng thứ hai (hơn 80 triệu dân) trong khu vực, sau Hi Lạp, Iran có tiềm năng rất lớn không chỉ về tiêu dùng mà cả năng lực sản xuất. Với trữ lượng khí đốt đứng hàng thứ nhì thế giới và thứ tư về dầu thô, thu nhập từ nguồn tài nguyên này chiếm tỉ trọng quan trọng trong GDP của Iran.

Nhờ đó mà Iran ra khỏi suy thoái vào năm 2014 ngay khi lệnh trừng phạt về xuất khẩu dầu hỏa được nới lỏng. Ngay thời kỳ khó khăn nhất của giai đoạn cấm vận, lạm phát đạt đỉnh điểm 40%. Việc ổn định tiền tệ vẫn là một trong những thách thức chính trong những tháng sắp tới của Tehran cả về mặt kinh tế lẫn chính trị.

Với tỉ lệ nợ công không vượt quá 11% GDP (theo số liệu của Coface), Iran có khả năng tăng mạnh đầu tư. Kế hoạch năm năm của Tehran hi vọng đạt tỉ lệ tăng trưởng trung bình hằng năm 8% từ nay đến năm 2021. Theo đánh giá của Bank of America, xuất khẩu của Iran có thể nhanh chóng tăng từ 80 lên 200 tỉ USD.

 

        

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận