Nhớ soi "nó" mặc hàng hiệu gì nhé...

QUANG BẢO 08/05/2012 19:05 GMT+7

TTCT - 1. Khi Mark Zuckerberg, ông chủ của Facebook, tới thăm Việt Nam, tôi đọc được trên một tờ báo mẩu chuyện vui về việc tòa soạn triển khai săn tin liên quan tới Mark đại khái như sau.

Tòa soạn: “Nhớ soi xem “nó” mặc hàng hiệu gì nhé, có đi siêu xe không, có chơi golf ở đâu không?”. Phóng viên: “Không! “Nó” chỉ mặc quần bò áo phông, đi dép xỏ ngón và cưỡi trâu”. Tòa soạn: “Thế người yêu chân có dài không?”. Phóng viên: “Không”. Tòa soạn: “Thế có lộ hàng không?”...

Sống xa hoa - không chỉ là chuyện cá nhân
Tại sao không được lấp lánh?
Hàng hóa hay nhân cách?

Phóng to
Minh họa: Bích Khoa

Đây là chuyện hư cấu nhưng sự giản dị của Mark là có thật. Tôi cũng biết một doanh nhân người Anh, làm từ thiện hàng triệu đôla nhưng đi công du Việt Nam bằng máy bay giá rẻ miễn sao lịch trình bay phục vụ tốt nhất cho lịch làm việc. Tôi cũng từng làm việc với một vị đại sứ lúc nào cũng đi họp với một balô sinh viên trên vai và tự nhận mình là nông dân.

Cái câu “vật chất chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích” được xếp vào hàng “biết rồi khổ lắm nói mãi”, nhưng để xây dựng bản lĩnh làm chủ vật chất là cả một quá trình giáo dục kỳ công và trải nghiệm đắt giá.

2. Nói hành vi tiêu dùng phản ánh nhân cách có lẽ hơi nâng cao quan điểm. Nhưng rõ ràng hành vi tiêu dùng phần nào phản ánh hệ giá trị văn hóa và giáo dục mà con người thu nhận. Nếu khi con còn nhỏ, cha mẹ thường mua đồ chơi đắt tiền, sắm quần áo, giày dép hàng hiệu cho con thì lớn lên con cái ắt hẳn cứ chọn các nơi sang trọng làm đích nhắm mà bước vào.

Nếu người lớn thấy hàng xóm có nhà lầu, xe hơi cứ khen tấm tắc nhà đó giàu có trước mặt con thì chắc chắn khái niệm giàu có gắn liền với vật chất sẽ in hằn vào đầu óc của trẻ. Đó là chưa kể tác động từ cộng đồng và xã hội. Cái bệnh thích “hoành tráng” dường như là một “đặc sản” của người Việt.

Bao nhiêu lễ hội cấp phường được gọi là đại lễ, là festival, đường hầm cứ mưa là ngập ở Hà Nội được ca ngợi là đường hầm hiện đại nhất Đông Nam Á! Chưa có tiền làm đường sắt cao tốc nhưng đã phải gọi nó là đường sắt dài nhất thế giới. Vì tâm lý thích cái gì cũng phải nhất nên bao nhiêu người than thở trót xây nhà quá cao, quá rộng để rồi sau một thời gian ở leo lên không nổi. Thậm chí ngay cả ở nghĩa trang nhiều người cũng đua nhau xây những ngôi mộ bề thế quá khổ không màng tới mỹ quan và quy hoạch chung.

Nếu làm một cuộc phỏng vấn bỏ túi thì chắc chắn hầu hết mọi người đi lễ chùa đều thành tâm “mong trúng quả, ăn nên làm ra, phát tài phát lộc” trong khi theo giáo lý nhà chùa thì người đi cầu phải đến chùa với tâm thế nhẹ nhàng, gạt bỏ mọi tham sân si và hướng lòng mình tới chúng sinh. Vật chất luôn là thứ đầy cám dỗ. Cái câu “vật chất chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích” được xếp vào hàng “biết rồi khổ lắm nói mãi”, nhưng để xây dựng bản lĩnh làm chủ vật chất là cả một quá trình giáo dục kỳ công và trải nghiệm đắt giá.

Trong một bài trả lời phỏng vấn mới đây, diễn viên Việt Trinh chia sẻ rằng lúc trước cô thấy người khác có cái gì thì mình cũng phải có bằng được nhưng hiện tại cuộc sống đã bớt bon chen hơn. Hẳn giờ đây cô chẳng còn xao động khi thấy ai kia mang túi Louis Vuitton hoặc đeo đồng hồ kim cương 4 tỉ đồng. Nhưng cái giá để biết bình yên không hề nhỏ, khi cô đã trải qua rất nhiều biến cố và thăng trầm trong cuộc sống.

Việc mỗi cá nhân sử dụng thu nhập theo ý thích của họ là một trong những quyền riêng tư của con người bởi giá trị của món đồ cũng chỉ có ý nghĩa tương đối. Nó có thể đắt với người này nhưng lại là rẻ với người khác tùy hoàn cảnh. Nó chỉ trở thành vấn đề khi con người cảm thấy khổ sở, áp lực khi chạy theo vật chất hoặc tiêu xài bằng những đồng tiền bất chính. Hành vi tiêu dùng chỉ đáng bị lên án khi ảnh hưởng tiêu cực tới người xung quanh và môi trường (thờ ơ với cộng đồng; lãng phí tài nguyên, tận diệt thiên nhiên).

Ca sĩ Tuấn Ngọc chia sẻ rằng càng sống, ông càng thấy sự tồn tại của mình trên Trái đất này không giúp ích cho ai mà ngược lại ông thấy mỗi chúng ta đang góp phần tàn phá Trái đất. Nhưng - lại chữ nhưng - cũng phải ngoài 50 tuổi ông mới “ngộ” ra được điều này.

3. Vậy bắt đầu từ đâu để tạo lập hành vi tiêu dùng có trách nhiệm? Có lẽ chẳng cần tới một cuộc đại phẫu giáo dục tốn kém hay một cuộc cách mạng văn hóa quy mô. Những bài dạy vỡ lòng cho con trẻ cũng có thể giúp ích. Rằng một món đồ chơi dù hay đến đâu nhưng sẽ không vui nếu chơi một mình. Rằng một giấc ngủ êm ái chỉ cần tới một chiếc giường. Rằng nếu được xin phước lành hãy xin cho mình sự minh mẫn và thông tuệ chứ không phải “lộc rơi lộc vãi”. Hãy giúp con trẻ nhận ra những giá trị sống giúp làm chủ cuộc đời mình càng sớm càng tốt để tránh lạc lối khi được hoặc bị đặt trước những cám dỗ vật chất.

__________

Qua rồi thời xưa lơ xưa lắc, thời cuộc sống khốn khó người ta cần lấy yếu tố tinh thần lấp bù thiếu hụt vật chất, không màng của cải dù túng quẫn vô cùng... Bây giờ truyền thông xoay chiều, chê bai hóa mọi vấn đề, mà vốn dĩ chuyện gì cũng có tính hai mặt.

Thử hỏi chúng ta nỗ lực lao động để làm gì nếu đầu tiên không vì phục vụ cho cuộc sống bản thân và gia đình trước khi nghĩ đến những điều to tát hơn? Vẫn biết “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nhưng cuộc sống hối hả hiện nay mấy ai còn chậm rãi nhận định người khác qua xâu chuỗi việc làm của họ chứ không bởi hình thức? Một người thận trọng cỡ nào cũng khó tránh khỏi ít nhiều bị yếu tố bên ngoài chi phối khi đánh giá người khác.

Đi gặp đối tác mà quần áo xộc xệch trên chiếc xe cà tàng thì mấy ai thèm tiếp chuyện đâu. Người ta chỉ dành cho mình dăm ba phút xem xét ban đầu, nếu chưa tạo được ấn tượng tốt đẹp thì họ kết thúc cuộc gặp ngay, đâu rảnh rang chờ mình thể hiện dần dần theo thời gian. Đó là một trong những lý do chính đáng người ta chăm chút phục sức ngoại hình.

Ngoài ra, tiêu dùng sành điệu còn thể hiện sự thành đạt và đẳng cấp nhất định, xứng đáng chứ. Có người không thích màu mè nhưng sự đón tiếp cầu kỳ của đối tác vẫn khiến họ cảm động vì được trân trọng. Đó là sự tưởng thưởng cho bản thân và tôn trọng người khác.

Một số người tuy chưa kiếm ra nhiều tiền nhưng chi tiêu như kẻ lắm tiền, qua đó họ thiết lập được những quan hệ công việc tốt đẹp rồi kiếm được nhiều tiền hơn. Trong các trường hợp này hàng hóa đã hoàn thành tốt vai trò “thay lời muốn nói”. Chỉ đáng tiếc những kẻ vô công rỗi nghề, ăn bám người thân lấy hàng hóa đắt tiền che đậy những lỗ hổng trí tuệ và tâm hồn.

Người cật lực lao động kiếm tiền để chi tiêu thỏa thích, người chăm chỉ học hành nhằm chinh phục những đỉnh cao kiến thức không giới hạn, người chuyên tâm hướng thiện phụng sự cộng đồng... đều có lý lẽ riêng và đều đáng trân trọng. Sự đa dạng này tô vẽ cho cuộc sống lung linh và huyền ảo, chúng phục vụ lẫn nhau. Sao lại ác cảm với người “sành điệu dùng hàng hiệu”?

Tôi có một anh bạn doanh nhân rất giỏi kiếm tiền lẫn tiêu tiền, anh ấy bảo nhờ thèm khát tiêu tiền nên mới say mê kiếm tiền đến vậy. Anh ấy quen chi dùng phóng khoáng đến mức độ không thể chấp nhận người làm công cho mình thiếu thốn, vì vậy nhân công của anh không đông nhưng có thu nhập cao ngất ngưởng, đơn giản làm nhiều hưởng nhiều còn hơn tuyển thừa rồi làm làng nhàng lương xuềnh xoàng. Anh ấy vẫn kiếm tiền không ngừng nghỉ, vẫn chi tiêu phóng khoáng và vẫn san sẻ từ thiện cho những thân phận kém may mắn. Song tuyệt đối không tặng một đồng đến những người mà anh cho rằng bất hạnh do chính họ tạo ra (hồi trẻ ăn chơi sa đọa bây giờ ốm đau, hồi trẻ làm ít chơi nhiều bây giờ nghèo khó...).

Anh ấy lập luận chính việc tiêu sang của mình góp phần “xóa đói giảm nghèo” cho một số đối tượng nhất định, thậm chí xây dựng khát vọng thoát nghèo cho ai đó, mặc kệ kẻ nào thấy chướng mắt. Bạn bè có người khen kẻ chê nhưng anh vẫn khăng khăng giữ quan điểm ấy.

Xài sang, hàng hiệu không có gì đáng trách, miễn chúng ta làm chủ được đồng tiền gồm cả việc kiếm tiền lẫn tiêu tiền, làm chủ được việc mua sắm. Không nhất thiết phải bình dân hóa cho “hòa đồng quần chúng”, nhưng phải thật sự bản thân cần và thích, thật sự những món hàng đó đem lại lợi ích thiết thực, hàng hóa mình dùng phải thể hiện được một phần nhân cách chúng ta và “được việc”, chứ không phải cố mua nhằm phủ che mặc cảm nào đấy, càng không phải mua sắm để thỉnh thoảng phải gom cho từ thiện - cách làm đó chưa thật sự là chia sẻ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận