Nhức nhối "những vấn đề đương đại"

TRẦN ĐỨC TÀI 22/02/2004 22:02 GMT+7

TTCN - Với 4.176 nhà nhiếp ảnh từ 124 quốc gia tham dự, Giải ảnh báo chí thế giới 2004 (World Press Photo - WPP) đã nhận được số ảnh dự thi kỷ lục: 63.093 tác phẩm. Hơn 80% số ảnh ấy là ảnh dưới dạng số - được chụp bằng máy ảnh số hay số hóa từ phim và giấy ảnh. Nhiếp ảnh số đã trở thành xu hướng tất yếu của ảnh báo chí. Ảnh dự thi nhiều hơn nhưng số giải ít hơn. WPP 2004 chỉ có 63 giải trao cho 61 nhà nhiếp ảnh thuộc 23 nước.

Phóng to
Làng AIDS (giải nhất ảnh bộ “Vấn đề đương đại” của Lỗ Quang, Trung Quốc)
TTCN - Với 4.176 nhà nhiếp ảnh từ 124 quốc gia tham dự, Giải ảnh báo chí thế giới 2004 (World Press Photo - WPP) đã nhận được số ảnh dự thi kỷ lục: 63.093 tác phẩm. Hơn 80% số ảnh ấy là ảnh dưới dạng số - được chụp bằng máy ảnh số hay số hóa từ phim và giấy ảnh. Nhiếp ảnh số đã trở thành xu hướng tất yếu của ảnh báo chí. Ảnh dự thi nhiều hơn nhưng số giải ít hơn. WPP 2004 chỉ có 63 giải trao cho 61 nhà nhiếp ảnh thuộc 23 nước.

Ở cuộc thi thường niên lần 47 này, WPP đã bỏ chủ đề ảnh “Khoa học & kỹ thuật” và thay bằng “Những vấn đề đương đại”. Chủ đề “Thiên nhiên & môi trường” mọi năm được gộp chung thành “Thiên nhiên”. Mảng thể thao năm nay lại được nhân đôi thành hai chủ đề dành cho “Thể thao hành động” và “Thể thao chuyên mục”.

Chiến tranh vẫn là tâm điểm chú ý của các phóng viên ảnh thế giới và cuộc chiến của Mỹ tại Iraq là vấn đề thời sự nổi bật trong năm 2003. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi bức ảnh đoạt giải thưởng lớn WPP 2004 của phóng viên Pháp Jean - Marc Bouju (Hãng thông tấn AP) lại thuộc đề tài này (xem ảnh bìa TTCN số này). Đáng chú ý nhất chính là chủ đề “Những vấn đề đương đại”. Đói nghèo, HIV/AIDS, xung đột văn hóa, tệ nạn xã hội... chính là cuộc chiến của mọi quốc gia không có chiến tranh, đặc biệt là các nước đang phát triển.

Ở mảng này, WPP 2004 cho ta thấy những thái cực đối nghịch. Nếu như nhà nhiếp ảnh Đan Mạch Jacob Ehrbahn đoạt giải nhì ảnh đơn với hình ảnh một chú bé Mông Cổ ốm đói gục đầu bên góc đường, thì nhà nhiếp ảnh Anh Felicia Webb lại giành giải ba ảnh đơn khi hướng ống kính vào một chú bé Mỹ béo phì đến độ không thở nổi phải dùng oxy hỗ trợ. Dư thừa dinh dưỡng đã trở thành một vấn đề đáng báo động.

Trong những năm gần đây, số lượng các phóng viên ảnh Trung Quốc tham gia WPP ngày càng đông và đoạt giải ngày càng nhiều khi họ hướng ống kính vào những vấn đề mà chính quê hương họ đang đối mặt. Năm nay có tới hai nhà nhiếp ảnh cùng đoạt giải. Lỗ Quang giành giải nhất ảnh bộ chủ đề “Những vấn đề đương đại” với bộ ảnh về làng AIDS ở tỉnh Hồ Nam; còn Kiều Yên giành giải ba ảnh đơn chủ đề “Đời sống thường nhật” với bức ảnh chụp đám cưới thời bệnh SARS. Ảnh báo chí Trung Quốc được mùa ở các giải WPP sắp tới cũng sẽ là một xu hướng.

Còn các nhà nhiếp ảnh VN? Kể từ thời Huỳnh Công Út (hay Nick Út) đoạt giải thưởng lớn WPP 1973 với bức ảnh “cô bé bom napan” Kim Phúc tới nay, người Việt duy nhất lọt vào giải WPP cách đây ba năm lại là một Việt kiều ở Pháp với ảnh chân dung những thường dân Afghanistan. Các nhà nhiếp ảnh của chúng ta chưa đủ sức đối mặt với những vấn đề của xã hội thời bình hay ngôn ngữ ảnh báo chí đã trở thành một thứ ngoại ngữ mà chúng ta chưa thông thạo?

Phóng to
Người đàn bà khóc chồng ở dải Gaza (giải nhất ảnh đơn “Tin ảnh phổ thông” của Jerry Lampen, Hà Lan) Trẻ em đường phố ở Mông Cổ (giải nhì ảnh đơn “Vấn đề đương đại” của Jacob Ehrbahn, Đan Mạch)

Phóng to
Trực thăng chữa cháy rừng ở California (giải nhất ảnh đơn “Thiên nhiên”của Mark Zaleski, Mỹ) Thế hệ béo phì ở Mỹ (giải ba ảnh đơn “Vấn đề đương đại” của Felicia Webb, Anh)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận