Những bản sao

HOÀNG OANH 02/05/2018 21:05 GMT+7

TTCT - Xu hướng điệu đà hay unisex phi giới tính cũng phần nào giúp người trẻ thể hiện cái tôi riêng biệt, dấu ấn cá nhân, nhất là trong lĩnh vực sáng tạo, nghệ thuật.

Sơn Tùng. Ảnh: Gia Tiến
Sơn Tùng. Ảnh: Gia Tiến

 

Em trai tôi sinh năm 1995, vừa tốt nghiệp đại học. Để chuẩn bị đi làm ở công ty mới, tôi cùng em đi chọn mua một số quần áo lịch sự. Chị bán hàng ở cửa hiệu thời trang nam tư vấn em tôi nên chọn mẫu áo sơmi màu xanh da trời nhạt, chiếc quần tây màu be cùng đôi giày sneaker trắng tinh, để “bảo đảm đẹp trai như diễn viên Hàn”.

Em tôi chưa từng mặc phong cách này bao giờ vì suốt thời sinh viên chỉ toàn mặc áo thun đen, quần jean xanh, đi giày sandal da. “Thấy hơi giống đồ con gái!” - em tôi chép miệng. Thế là chị bán hàng tuôn ra một bài giảng về phong cách của những mỹ nam đình đám trong phim Hàn Quốc, rằng những mẫu quần áo màu pastel nhã nhặn này chị bán rất đắt hàng, rằng em tôi còn trẻ mà không cập nhật xu hướng thời thượng gì cả.

Xinh như trai Hàn

Tôi nhớ có lần đến thăm Seoul và ghé vào một trung tâm thương mại, ở cửa hàng mỹ phẩm nam, tôi thấy khá đông các anh trai đang chọn sản phẩm phù hợp để chăm sóc da và trang điểm. Họ đánh phấn, thoa son, kẻ mắt giữa nơi công cộng một cách rất tự nhiên mà không hề ngại ngùng, dường như chuyện này được khuyến khích bởi xấu xí coi như là một thất bại của đời người ở xã hội này.

Bắt nhịp rất nhanh và đang dẫn đầu xu hướng này tại Việt Nam là giới nghệ sĩ trẻ. Không khó để nhìn thấy hình ảnh Sơn Tùng, Noo Phước Thịnh, Isaac, Trịnh Thăng Bình, Erik, Soobin Hoàng Sơn... trong những trang phục trau chuốt cùng làn da trắng mịn, mái tóc nhiều màu, đôi mắt viền đen, bờ môi bóng lưỡng. Hay như ca sĩ Đức Phúc sau khi giải phẫu thẩm mỹ thành công đã ngay lập tức được khen xinh xắn như trai Hàn nhờ cách ăn mặc, kiểu tóc, thần thái...

Ngoài ra, cũng hiếm có thần tượng Việt nào nuôi râu hay tập tành để có thân hình nam tính lực lưỡng. Tóm lại, trông họ không khác gì bản sao của những chàng trai đến từ làn sóng Hàn. Họ đều là những cái tên có lượng fan hùng hậu riêng nên chuyện mặc gì, xài gì, ăn gì, nói gì, check in ở đâu cũng đều nhận được sự tung hô và bắt chước từ người trẻ.

Lướt Instagram với từ khóa #ootd (outfit of the day - trang phục của ngày) ta dễ dàng bắt gặp những chàng trai Việt trẻ tuổi đỏm dáng với sự đầu tư vô cùng nghiêm túc vào thời trang, phong cách.

Quả thật, câu Kiều: “Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” đang rất đúng với xu hướng nam tính mềm ở châu Á hiện nay, khi chuyện làm đẹp tỉ mỉ và xuất hiện với vẻ ngoài sạch sẽ, ngọt ngào đã không còn dành riêng cho phái nữ.

Những soái ca ngôn tình xứ Trung, thần tượng mỹ nam xứ Hàn hay nam thần băng lãnh xứ Nhật đều là những đại diện xuất sắc cho khái niệm “nam tính mềm” này. Và giờ thì ở Việt Nam cũng không hiếm. Nếu so trong cùng nền văn hóa, xu hướng này cách xa với thời kỳ của những quý ông lịch lãm trước đó. Nếu so về khoảng cách Đông - Tây, nó trái ngược hoàn toàn với những người hùng cơ bắp vốn luôn được xem như biểu tượng nam tính của Hollywood.

Thậm chí, chưa chắc anh “trai đẹp bị trục xuất” mấy năm trước với hàm râu quai nón quyến rũ và đôi mắt nâu bí ẩn bây giờ vẫn còn đẹp trong mắt nhìn của nhiều bạn trẻ châu Á. Với họ, G-Dragon (Big Bang) gầy gò, trắng trẻo, sặc sỡ mới là mỹ nam số 1.

Soobin Hoàng Sơn. Ảnh: Gia Tiến
Soobin Hoàng Sơn. Ảnh: Gia Tiến

 

Một khuynh hướng để tự khẳng định?

Trong một thời kỳ dài, chúng ta thường hay mặc định các bé trai sinh ra để trở thành đàn ông, mà đàn ông thì phải nam tính, tức là phải luôn mạnh mẽ, quyết đoán, nghĩ lớn, làm việc lớn, không nên bộc lộ cảm xúc, không nên điệu đàng. Trong khi đó, các bé gái sẽ trở thành phụ nữ và được phép yếu đuối, đa cảm, xinh đẹp.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng bé trai thật ra lại dễ bị tổn thương hơn bé gái và cũng cần sự chia sẻ, vỗ về nhiều như bé gái. Nhưng trên thực tế, ngay từ nhỏ các bé trai luôn được mọi người nhắc nhở: “Con là đàn ông, con phải thế này, con không được thế kia”, và thường xuyên bị phạt nếu làm sai hơn bé gái.

Đến khi lớn lên, những định kiến này trở thành áp lực buộc đàn ông thường phải căng mình ra để chiến đấu và ít khi bộc lộ cảm xúc thật của mình. Họ phải không ngừng chứng minh và tái chứng minh mình là đàn ông, cả về thể xác và tinh thần. Ở châu Á, áp lực này càng lớn hơn vì đàn ông vẫn luôn được xem là trụ cột gia đình. Trên hành trình chứng minh ấy, có không ít người đưa cảm xúc của mình vào rượu bia, cơn giận, bạo lực...

Vì thế, xu hướng “nam tính mềm” xuất hiện lúc đầu chỉ như là một phong cách thời trang Á Đông mà người phương Tây không hiểu nổi, càng lúc càng trở thành một lối sống được không ít nam nhân ủng hộ và theo đuổi.

Theo đó, họ được tự do và thoải mái trở thành bất cứ gì mình muốn, không phải cố tỏ ra mạnh mẽ, rắn rỏi để chứng minh bản lĩnh đàn ông. Họ không còn phớt lờ hay xem nhẹ những nhu cầu và mong muốn của mình. Họ (có vẻ) đang sống thật với cảm xúc mà không e ngại sự thất vọng của xã hội. Xu hướng điệu đà hay unisex phi giới tính cũng phần nào giúp người trẻ thể hiện cái tôi riêng biệt, dấu ấn cá nhân, nhất là trong lĩnh vực sáng tạo, nghệ thuật.

Tất nhiên, phần còn lại của xã hội vẫn chưa thể “nuốt trôi” chuyện các chàng trai ngày càng... xinh gái, vì “đàn ông thì phải cho ra đàn ông”. Nhiều người lo ngại chuyện này sẽ gây nên cái nhìn lệch lạc và ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống của con em họ. Nhưng cũng có lẽ không cần lo lắng, các chàng trai trẻ sẽ tự quyết định chuyện của mình trong việc làm gì, trở thành ai, mặc cái gì, sống thế nào, yêu ra sao. Họ sẽ tự chịu trách nhiệm về mọi điều đó, và theo tôi, đây mới chính là biểu hiện rõ ràng nhất của nam tính.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận