TTCT - Những năm sau khi ông mất và tôi đã có thể đọc viết sõi, nhận thư cô tôi gửi về, tôi thường bóc ra đọc cho bà và cả nhà nghe. Sau dòng địa chỉ ngày tháng năm bên phải, câu đầu tiên sẽ là “Mẹ tôn kính!”. Minh họa: Sà Và Ná Tôi vẫn nhớ ba chữ mềm mại và nghiêng nghiêng trên tờ giấy, sự tha thiết từ nét chữ đến âm thanh của cụm từ ấy khi đọc lên. Bà tôi ngồi nhẩn nha nhai trầu, chăm chú nghe, thỉnh thoảng mỉm cười, có khi hơi mếu máo, da nhúm lại và quay đi chỗ khác, đưa tay vờ như quệt miệng trầu. Cô tôi ở miền Nam, hồi ấy miền Nam với tôi xa lắm, ai cũng bảo xa, bố tôi đi Nam mà xe đi tận ba ngày hai đêm chưa tới. Trước ngày ba tôi đi, khi nào mẹ cũng thắp hương khấn vái các cụ cầu cho ba đi đường bình an. Chắc là xa thật, và khó khăn lắm, khi nói tới “vào Nam”, đèo Hải Vân khi nào cũng được nhắc, với câu chuyện về đoàn cải lương Hoa Mai rơi xuống vực, đoàn Hà Sơn Bình lưu diễn miền Nam mà chẳng thấy trở về. Miền Nam xa lắm, nên cô tôi cũng xa lắm. Hằng tháng bác bưu tá đi cái xe đạp có khung ngang cọt kẹt, đầu đội mũ cối và cái túi đeo chéo ngang hông vào ngõ là biết thư cô tôi đã về. Cả tối, tôi sẽ đọc đi đọc lại thư cho cả nhà nghe, hôm sau bà tôi lại bảo giở ra đọc cho bà nghe lần nữa. Bà tôi vẫn cặm cụi trồng rau thơm, sáng sáng cắp cái mẹt lên chợ với vài bó mùi tàu, nhúm húng nhủi, húng quế, rau răm, kinh giới... Bà móm mém kể chuyện cô tôi khi gặp mấy bà hàng xóm, rằng nó thiệt thòi, sống xa quê hương. Có cái thiệt thòi nào bằng con xa mẹ, dù có ở tuổi nào. Có những đêm bà tôi lục tục dậy ăn trầu, vừa giã trầu vừa lẩm nhẩm nhắc chuyện ngày xưa, những năm các con còn tranh nhau bú mẹ, năm cây ổi bát bị bão quật gãy cành, năm bà đi bộ tiễn cô tôi vào Nam dúi cho con cái bánh mật với ít tiền mà nhìn nhau rưng rức, dạo ấy sao mãi chả thấy thư nó về, rời gần 20 cái tết nó không về, chả biết tết trong đấy có biết làm bánh mật mà ăn... Ngưng giã trầu, bà thút thít. Thư từ ngày ấy xoa dịu nhiều thứ, những khắc khoải nhớ mong, âu lo chờ đợi, ấm êm và hi vọng. Có những hôm thư về kịp lúc cho bọn tôi tránh trận đòn và nguôi đi cơn giận từ người lớn. Có hôm niềm vui thư về lớn hơn cả việc sang hàng xóm xem phim, những năm cả xóm có một cái tivi đen trắng. Tôi lớn lên theo những lá thư cô tôi gửi về. Tôi cũng tập tành gửi những lá thư đi, bắt đầu từ những câu bà tôi đọc cho viết. Thư từ dày lên, ngoài những dòng hỏi thăm, chúc phúc, hi vọng, yêu thương, còn lặng lẽ những lời nói dối cho người nhận yên tâm. Những năm sau này, thông tin dễ dàng hơn, thỉnh thoảng tôi viết tay những bức thư về cho bố mẹ và bạn bè, tản mạn về cuộc sống và hỏi han tình hình, vẫn chất chứa yêu thương hồ hởi và ít nhiều là những lời tự động viên mình. Ai rồi cũng thế, cũng làm yên lòng người thân bằng những lời thâm tâm mong mỏi. Giờ thì không mấy ai viết thư tay, không còn ai ra dáng bác bưu tá thuở nào, mà tôi vẫn nhớ mãi những cánh thư năm cũ, và lá thư cuối bà tôi nghe tôi đọc mùa thu năm ấy, với ba chữ đầu vang lên tha thiết: “Mẹ tôn kính”...■ Tags: Cánh thư năm cũThư năm cũNhững cánh thư
Ủy ban Thường vụ Quốc hội 'chốt' sáp nhập cấp huyện, xã của Hà Nội, TP.HCM và 10 tỉnh THÀNH CHUNG 14/11/2024 Với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt tán thành đã 'chốt' phương án sáp nhập cấp huyện, xã của Hà Nội, TP.HCM và 10 tỉnh.
Xe điện Trung Quốc ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam CÔNG TRUNG 14/11/2024 Hơn 10 thương hiệu Trung Quốc, từ xe chạy xăng đến xe điện Trung Quốc như BYD, Geely, Chery, Great Wall, SAIC và Wuling ồ ạt vào VN, mở ra cơ hội cho người tiêu dùng nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho ngành ô tô trong nước.
Tại sao Nam Bộ có mưa nhưng sau đó trời rất nóng? LÊ PHAN 14/11/2024 Trời sẽ ít mưa hơn, nắng nhiều, mùa mưa đang dần kết thúc là chuyển biến lớn nhất của thời tiết TP.HCM trong giai đoạn này.
Ông Thích Minh Tuệ mong muốn mọi người không quay chụp, đưa hình ảnh ông lên mạng xã hội TẤN LỰC 14/11/2024 Ông Thích Minh Tuệ nêu nguyện vọng mọi người không quay phim, chụp ảnh và đưa hình ảnh của ông lên mạng xã hội vì ảnh hưởng tới quá trình tu học.