Những chiếc cọ nhuốm máu động vật hoang dã

NGỌC ĐÔNG 19/12/2019 04:12 GMT+7

TTCT - Thông tin mười vạn con cầy mangut (mongoose) bị giết ở Ấn Độ mỗi năm để lấy lông làm cọ vẽ hồi tháng 11 có thể chấn động với nhiều người, nhưng chuyện động vật hoang dã “bỏ mạng” vì nhu cầu nghệ thuật, làm đẹp của con người từ lâu đã là nỗi đau dai dẳng.

Những chiếc cọ làm từ lông cầy mangut. Ảnh: NatGeo

Trang Mongabay-India chuyên về tin tức bảo tồn và môi trường đưa ra số liệu về cầy mangut bị giết để lấy lông nói trên trong bài viết hồi giữa tháng 11, đưa tin cơ quan chức năng Ấn Độ thu được 54.000 cây cọ vẽ làm từ lông cầy mangut và 113kg lông cầy trong một đợt truy quét thuộc chiến dịch “Nghệ thuật sạch” ở quốc gia này.

1 con cầy, chỉ 20g lông

Có một thực tế là trong lúc chính quyền và các nhà bảo tồn ở Ấn Độ tập trung bảo vệ các loài như hổ, voi châu Á và tê giác, thì nhiều loài động vật khác như cầy mangut đã bị bỏ qua, nhất là khi loài này không được coi là đang bị đe dọa, theo Mongabay. Trên thực tế, loài vật được cả Đạo luật bảo vệ động vật hoang dã Ấn Độ ban hành năm 1972 và Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) bảo vệ.

Nhiều người trong giới chuyên gia tội phạm liên quan đến động vật hoang dã tin rằng việc buôn bán lông cầy mangut trái phép đang gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với số lượng loài này. “Chúng ta không để ý sự biến mất của chúng bởi vì ai mà để ý đến cầy mangut, nhưng rồi bỗng một ngày đột nhiên chúng sẽ không còn nữa” - Jose Louies, người đứng đầu cơ quan kiểm soát tội phạm động vật hoang dã tại Tổ chức Động vật hoang dã Ấn Độ (WTI), cảnh báo.

Theo Louies, “ngành” buôn bán bất hợp pháp cầy mangut đã tồn tại nhiều thập kỷ qua. “Cánh thợ săn rất dễ bắt được cầy mangut, tiêu thụ thịt và bán lông cầy để kiếm lời. Đây là thương vụ khá hời, do cọ làm từ lông cầy mangut mắc gấp 5 lần so với các loại cọ khác” - Louies thông tin. 1kg lông cầy mangut bán ra đến tay người mua cuối cùng có thể có giá khoảng 100.000 rupee (hơn 32 triệu đồng).

Để có được 1kg lông làm cọ, người ta phải giết 50 con cầy do lẽ mỗi con chỉ có thể cho ra khoảng 20g lông đạt chuẩn. “Chúng tôi tin rằng mỗi tháng người ta sản xuất ít nhất cũng phải 150kg, điều đó có nghĩa là khoảng 100.000 con cầy mangut bị giết mỗi năm để lấy lông” - Louies nhận định.

Theo phó giám đốc khu vực của WCCB H.V. Girisha, việc ngăn chặn mạng lưới cung cấp và sản xuất cọ lông cầy vướng phải một khó khăn là nhận thức của người dân về hành vi phạm tội này vẫn còn thấp, và “khi nào còn cầu, vẫn sẽ có người giết cầy mangut để lấy lông”.

Có lý do để nhiều người trong giới hội họa chuộng cọ vẽ làm từ lông cầy mangut, đó là hiệu quả mỹ thuật mà chúng mang lại. Theo Krishnapriya, một họa sĩ ở Ấn Độ, để không mắc lỗi khi vẽ tranh màu nước, họa sĩ cần dùng loại cọ vẽ cực tốt. “Nhiều họa sĩ cảm thấy rằng cọ làm từ lông cầy mangut có thể cho ra nét vẽ đẹp hơn, ngoài ra, loại cọ này cũng vô cùng bền” - Krishnapriya nói.

Nỗ lực 10 năm bất thành

Không phải đến bây giờ thì việc sử dụng trái phép lông động vật hoang dã để phục vụ ngành mỹ thuật và làm đẹp mới được nói đến. Năm 2010, họa sĩ người Úc Ron Francis nhận được gần 120 bình luận phản hồi cho chủ đề thảo luận “Bạn có dùng cọ làm từ lông cầy mangut không?” của anh trên diễn đàn WetCanvas. “Tôi nhận ra rằng lông cầy mangut dùng để sản xuất cọ vẽ và cọ cạo râu có nguồn gốc từ việc buôn bán trái phép loài động vật này. Những con thú hoang dã ở Ấn Độ này bị bẫy và đánh đến chết trước khi bị nhổ lông” - Ron Francis viết.

Nhiều họa sĩ tham gia bàn luận cùng Ron Francis thừa nhận họ không biết đến câu chuyện đằng sau những sợi lông trên chiếc cọ vẽ mà mình vẫn dùng hằng ngày. “Đã từng có lúc, nếu không phải là cọ làm từ lông tự nhiên thì tôi không mua, bởi đơn giản là chúng vượt trội hơn cọ làm từ sợi tổng hợp về mọi mặt. Tôi thích dùng cọ làm từ lông chồn zibeline và lửng, khi lửng không còn [trên thị trường] nữa, tôi thay bằng cọ cầy mangut” - thành viên có nickname là KerryOriginals phản hồi. Tuy nhiên, KerryOriginals đã bỏ việc mua cọ làm từ lông tự nhiên hoàn toàn khoảng 2 năm trước.

Còn nhớ năm 2010 cũng là thời điểm tổ chức tranh đấu cho quyền động vật của Mỹ PETA từng gây sốc với bài viết “Có con sóc nào trong túi trang điểm của bạn không?”. Lúc đó, người ta đã quan tâm đến các loại mỹ phẩm không thử nghiệm trên động vật để giảm bớt việc con người gây nguy hại đến động vật vì nhu cầu làm đẹp của mình, tuy nhiên chưa mấy người chú ý đến những chiếc cọ trang điểm con con, vốn thường được làm từ lông sóc, chồn zibelin, ngựa, dê.

“Mỗi năm, hàng triệu con vật bị bẫy, dìm nước, đánh đến chết trong tự nhiên và bị siết cổ, điện giật, đánh đập và lột da sống trong các trang trại lông thú” - PETA nêu quan điểm, kêu gọi không sử dụng cọ trang điểm làm từ lông tự nhiên.

Tháng 9-2018, PETA cũng tung ra một phóng sự điều tra cho thấy những con lửng, loài vật đáng ra phải được bảo vệ, lại bị săn bắt trái phép trong tự nhiên, hoặc gây giống trong điều kiện nuôi nhốt không đảm bảo trong các trang trại ở Trung Quốc “trước khi bị giết một cách bạo lực để phục vụ ngành sản xuất cọ vẽ, cọ trang điểm và cọ cạo râu”.

Câu chuyện mà Ron Francis và PETA đưa ra, đến nay đã tròn một thập kỷ, vậy nhưng những chiếc cọ đánh đổi bằng mạng sống của những con thú hoang vẫn còn xuất hiện trên thị trường, với những số liệu cụ thể đến khủng khiếp, như trong bài viết trên của Mongabay.

Thế nhưng một điều đáng mừng là nhiều họa sĩ và các công ty mỹ thuật lớn đã ngưng sử dụng loại cọ này, tuy vẫn chưa phải là đa số. Maksud Ali Mondal, họa sĩ Ấn Độ, quyết định ngưng sử dụng các sản phẩm gây hại đến động vật sau khi biết được câu chuyện đau đớn đằng sau những chiếc cọ vẽ “chất lượng cao” làm từ lông cầy mangut. Mondal nói với Mongabay điều đáng buồn là nhiều họa sĩ không làm như vậy: “Họ dường như không quan tâm đến xuất xứ của những chiếc cọ mà mình dùng, hay chúng được làm ra như thế nào, chỉ cần biết chúng mang lại hiệu quả họ mong muốn”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận