Những con cò bạc

NGUYỄN THỊ VIỆT NGA 08/03/2014 23:03 GMT+7

TTCT - Một ngày thu nắng đẹp. Đoàn công tác của tôi về với đất Ninh Bình. Sau công việc là thăm thú. Không thể bỏ qua việc đi thuyền một vòng khu Tam Cốc - Bích Động, nhất là trong thời tiết tuyệt vời như thế.

Minh họa: Salem

Những chiếc thuyền chờ chở khách đậu san sát nơi bến nước.

Vé cầm sẵn trong tay, mọi người trong đoàn lưỡng lự trước những lời mời chào rất nhiệt tình của một đội quân chủ thuyền hùng hậu. Vẫn còn ngơ ngác, chưa biết chọn thuyền nào, tôi chợt để ý đến một bà già chừng ngoài 70 tuổi, lam lũ, bé nhỏ, cứ đứng chống sào xuống đất, không xông vào vòng trong mời chào, chèo kéo. Gầy yếu thế kia, có khi bà cũng chẳng đủ sức mà “chiến đấu giành khách” với các chủ thuyền trẻ, khỏe khác.

“Bà ơi, chở chúng cháu nhé”, tôi ngỏ ý. Bà già gật đầu mừng rỡ. Mặc cho mọi người ái ngại, tôi xăm xăm bước xuống thuyền.

Ái ngại cũng phải thôi, vì nhìn bà già yếu quá so với công việc chèo thuyền. Sông nước không phải chuyện đùa... Nhưng nhìn đống áo phao để gọn ghẽ nơi lòng thuyền, tôi tạm yên lòng. Thuyền bắt đầu đi. Mái chèo khỏa sóng nhịp nhàng. Thì ra không đến nỗi như chúng tôi lo lắng. Bà vẫn đủ sức chèo thuyền. Khi thuyền đã có đà trôi thì mọi động tác điều khiển hai mái chèo không mất sức lắm.

Chúng tôi quay sang hỏi chuyện bà cụ. Hóa ra năm nay bà đã 82 tuổi chứ không phải ngoài 70 như mọi người phỏng đoán. Cụ kể mỗi vòng chèo thuyền đi hết “tam cốc” - ba cái động - mất đúng hai tiếng đồng hồ. Mỗi lượt chèo thuyền thế này đều được ban quản lý phát cho một cái tichkê. Hết lượt chèo, ra cổng nộp tichkê cho ban quản lý là được lấy tiền ngay.

Mỗi tichkê, nghĩa là mỗi lượt chèo thuyền một vòng động mất hai tiếng đồng hồ, cụ được lĩnh 70.000 đồng - bằng tiền mua 5kg gạo tẻ loại thường hiện nay. Mỗi ngày trung bình cụ được chèo hai lượt, những đợt cao điểm thì có thể được hơn. Nhưng hơn cũng không có sức mà chèo.

“Thế thuyền này của ban quản lý hay của cụ”, tôi hỏi. “Của tôi chứ. Nhà ai muốn chèo thuyền chở khách cũng phải sắm thuyền. Cái thuyền này tôi mua sáu triệu rưỡi. Toàn tiền đi vay...”. Câu chuyện quay sang gia cảnh riêng tư. Mọi người ồn ào hỏi cụ tại sao ngần này tuổi rồi vẫn đi chèo thuyền chở khách làm gì cho mệt.

Con cháu cụ đâu? Lẽ ra cụ để công việc nặng nhọc, mất nhiều sức lực này cho con cháu làm, cụ chỉ nên ở nhà cơm nước và làm những việc lặt vặt khác thôi, chứ già cả thế này lại lênh đênh trên sông nước, lúc khỏe đã vậy, biết đâu có lúc ốm đau bất ngờ...

Đáp lại những lời khuyên của lũ người dưng trẻ tuổi chúng tôi, cụ không nói gì, chỉ khe khẽ thở dài. Tự nhiên không ai dám hỏi gì thêm. “Con cháu cụ đâu?”, biết đâu câu hỏi ấy đã gieo vào lòng bà cụ một nỗi đau không thể bộc bạch thành lời?

Câu chuyện tếu táo trên thuyền chuyển sang hướng... trữ tình khi mọi người thi nhau đọc thơ. Trước cảnh nước non kỳ thú này không trữ tình mới lạ! Đến lúc quay về, gần vào tới bờ, khi thơ đã vãn thì một người reo lên: “Cò kìa! Cò kìa! Nhiều cò chưa”. Chúng tôi nhìn theo tay bạn chỉ, thấy phía xa chấp chới những cánh cò trắng muốt.

Trên mặt nước biếc cũng la đà những cánh cò trắng tinh khôi. Bỗng dưng cụ già chèo thuyền bảo: “Tôi cũng biết làm thơ! Trong những lúc đợi khách, tôi vẫn làm thơ, làm nhẩm trong đầu thôi chứ không giấy bút gì hết. Vì thế nên bài nhớ bài quên, có bài chỉ nhớ được một nửa”.

Cả lũ nhao nhao thế á, thế à rồi năn nỉ bà đọc thơ cho nghe. Cụ bà chèo thuyền chậm lại, giọng đọc cũng chầm chậm, chầm chậm:

Con cò lặn lội bờ sông
Cò ơi sao nỡ quên công mẹ già
Hỏi rằng ai đẻ cò ra
Mà cò nỡ bỏ mẹ già không chăm
Mẹ xưa lam lũ tảo tần
Nuôi cò mỏ đỏ trắng lông bằng người
Cò ơi cò bạc như vôi
Đến khi thành đạt quên thời ấu thơ...

Chưa khi nào tôi nghe được giọng đọc thơ đau đớn, buốt ruột đến như thế. Từng câu, từng câu run rẩy, nghẹn ngào và tức tưởi. Tất cả lặng đi... Bài thơ khá dài nên tôi cố nhập tâm cũng chỉ nhớ được đoạn đầu. Tất cả chỉ xoay quanh việc trách oán một con cò “bạc như vôi” nào đó khi thành đạt đã vội quên mất thuở cơ hàn, quên người mẹ già tảo tần, lam lũ nuôi mình khôn lớn.

Càng đọc, giọng bà lão càng nghẹn lại và càng nghe, càng có nhiều người trên thuyền lén lau nước mắt. “Thơ bà làm đấy hả bà? Sao buồn vậy bà?”. Bà lão không trả lời, một tay buông mái chèo, cũng chùi nước mắt. Không ai dám hỏi gì thêm.

Thuyền cập bến. Lần lượt từng người một bước lên bờ. Bà lão lập cập buộc thuyền, móc trong túi áo nâu đã bạc ra tấm tichkê, đi về phía cổng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận