Những điểm sáng 2023

DANH ĐỨC 31/12/2023 07:18 GMT+7

TTCT - 2023 là một năm nhiều biến cố, và dù rất nhiều tin xấu, cũng đã có những điểm sáng hiếm hoi.

Ukraine đã tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc tới giữa năm 2023. Ảnh: NBC News

Ukraine đã tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc tới giữa năm 2023. Ảnh: NBC News

Không gì chán nản cho bằng sáng 25-12 vẫn phải đọc những tin như "Bethleem: Một Giáng sinh trong thời chiến" hoặc "Nga chiếm được Maryinka" hay "Tranh cãi leo thang giữa Trung Quốc - Philippines". Dẫu sao, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cuối năm cũng đã có những thông báo bình an cho năm mới...

Defense News cuối năm 2023 tổng kết: "Năm nay chứng kiến sự tiếp tục của cuộc chiến tranh của Nga với Ukraine, vụ xung đột mới giữa Israel và nhóm chiến binh Hamas, và căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Philippines", rồi đặt câu hỏi cực ngắn "Vậy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?". Tuy nhiên, cũng có đôi chút tin vui cuối năm, thiết thân với nhiều người.

Vẫn thông thương lương thực

Sáng 26-12, hãng tin Ukrinform của Ukraine loan tin Chương trình Lương thực Liên Hiệp Quốc (WFP) và các nước đối tác tiếp tục thực hiện sáng kiến "Ngũ cốc từ Ukraine", dự kiến sẽ cung cấp thêm 60 tàu chở lương thực cho các nước có nhu cầu, đặc biệt là ở châu Phi. 

Gọi là "tiếp tục" sáng kiến này, do lẽ thỏa thuận được đại diện của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Ukraine và LHQ ký kết tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng 7-2022 cho phép Ukraine tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp bằng đường biển từ ba cảng của nước này trên biển Đen là Odessa, Chernomorsk và Yuzhny theo hành lang nhân đạo.

Theo thỏa thuận này, Nga và Ukraine đồng ý không tấn công các tàu giao chở hàng từ 3 cảng trên. Từ chuyến tàu chở ngũ cốc đầu tiên tên Razoni rời cảng Odessa hôm 1-8-2022, cho tới chuyến gần nhất ngày 16-7-2023, gần 33 triệu tấn ngũ cốc đã được Ukraine xuất khẩu an toàn. 

Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đánh giá rằng việc nối lại một phần xuất khẩu đường biển của Ukraine nhờ sáng kiến này đã giúp đẩy lùi tình trạng giá lương thực toàn cầu tăng vọt, vốn đạt mức cao kỷ lục ngay trước khi thỏa thuận được ký kết.

Rút kinh nghiệm bế tắc biển Đen năm ngoái và tiếp sau việc Nga rút khỏi sáng kiến ngũ cốc vào ngày 17-7-2023, qua tháng 10-2023, Ukraine, Ba Lan và Lithuania đã nhất trí một kế hoạch chuyển xuất khẩu ngũ cốc từ biên giới Ukraine - Ba Lan sang một cảng của Lithuania trên biển Baltic. 

Không chỉ các nước châu Âu được đảm bảo lương thực mà các nước có nhu cầu ngoài châu Âu cũng có thể hưởng lợi từ các thủ tục nhanh hơn với tuyến xuất khẩu này. Thành ra, cho dù chiến cuộc có ác liệt tới đâu, có thể kéo dài sang năm 2024 và lâu hơn nữa, cũng ít khả năng làm gián đoạn đường xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp.

Tin này được tiếp theo bởi tin cũng của Ukrinform "tính đến tuần thứ ba của tháng 12, năm nay Ukraine đã thu hoạch 78,7 triệu tấn lương thực, bao gồm 57,86 triệu tấn ngũ cốc và 20,76 triệu tấn hạt có dầu". 

Kết quả là lương thực thế giới ổn định: bảng chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông lương FAO ghi nhận mức giảm ổn định hằng tháng trong năm qua, giảm hơn 23% so với mức đỉnh vào tháng 3-2022, khi chiến sự mới bùng phát.

Dầu hỏa ổn định

Báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) tháng 12-2023 đưa ra một đánh giá cuối năm độc đáo: Tính cả năm 2023, nhu cầu dầu thế giới đang trên đà tăng thêm 2,3 triệu thùng/ngày lên thành 101,7 triệu thùng/ngày. 

Tuy nhiên ngay hiện giờ, trong thực tế môi trường kinh tế vĩ mô ngày càng suy yếu, cầu đang bắt đầu giảm: "Tăng trưởng nhu cầu toàn cầu trong quý 4-2023 đã được điều chỉnh giảm gần 400.000 thùng/ngày, trong đó châu Âu chiếm hơn một nửa mức giảm".

Đà suy giảm này, cũng theo IEA, dự kiến sẽ tiếp tục trong năm 2024, với mức tăng trưởng toàn cầu giảm một nửa so với năm 2023, do tăng trưởng GDP vẫn dưới mức kỳ vọng ở các nền kinh tế lớn. 

Bên cạnh đó, nguồn cung dầu của Mỹ tiếp tục tăng vượt mọi dự đoán, khi sản lượng đã cán mốc 20 triệu thùng/ngày. Cùng sản lượng kỷ lục của Brazil, Guyana và Iran, sản lượng thế giới tăng thêm 1,8 triệu thùng/ngày, lên 101,9 triệu thùng/ngày trong năm 2023.

Giá xuất khẩu dầu thô của Nga vì thế giảm mạnh trong tháng 11, với giá dầu Urals giảm xuống dưới mức trần giá 60 USD/thùng do EU ấn định vào ngày 6-12. Giá thấp hơn và lượng vận chuyển dầu giảm 200.000 thùng/ngày đã đẩy doanh thu xuất khẩu dầu thô và sản phẩm trong tháng 11 của Nga giảm 17% so với tháng trước, xuống còn 15,2 tỉ USD, mức thấp chưa từng thấy kể từ tháng 7-2023.

IEA dự báo có khả năng thay đổi nguồn cung dầu toàn cầu từ các nhà sản xuất chính ở Trung Đông sang Mỹ và các quốc gia khác trong vùng Đại Tây Dương. 

Các thị trường phía đông kênh đào Suez đã hấp thụ phần lớn dòng chảy nhiên liệu của Nga và mức tăng xuất khẩu của Iran sau khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, nhưng giờ đây các thị trường này sẽ phải điều chỉnh khi lượng dầu thô và khí hóa lỏng của vùng Đại Tây Dương ngày càng tăng. Sản lượng tiếp tục tăng và nhu cầu chậm lại sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực của các nhà sản xuất chính nhằm bảo vệ thị phần và duy trì giá dầu cao.

Đại dịch chấm dứt

Một tin vui thứ ba, cực kỳ quan trọng, đến từ WHO. Hôm 21-12, tổ chức này chính thức kết luận về dấu chấm hết của đại dịch COVID-19: "COVID-19 hiện là vấn đề sức khỏe đã được thiết lập và đang diễn ra, song không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng khiến quốc tế quan ngại". 

Tất nhiên, COVID-19 vẫn còn đó, như ghi nhận của WHO: "Mặc dù số ca nhiễm và tử vong được báo cáo hằng tuần ở mức thấp hơn, nhưng hàng triệu người vẫn tiếp tục nhiễm hoặc tái nhiễm SARS-CoV-2 và hàng nghìn người tử vong mỗi tuần".

WHO cũng ghi nhận khả năng lây truyền COVID-19 vẫn rất đa dạng, tuy nhiên các bằng chứng cho thấy nguy cơ với sức khỏe con người giảm nhiều, chủ yếu do các yếu tố miễn dịch cao ở cấp độ quần thể, miễn dịch do tiêm chủng và/hoặc do cả hai yếu tố, biến thể với độc lực thấp hơn một cách nhất quán, các biện pháp đối phó tăng cường, và cải thiện chăm sóc lâm sàng. 

Những yếu tố này đã góp phần làm giảm đáng kể số lượng ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu hằng tuần.

Hai ngày trước đó, WHO phát đi một báo cáo khác quả quyết đại dịch COVID-19 đã xong: "Việc tiêm ngừa COVID-19 nay biến thành tiêm chủng thông thường khi COVAX đến chỗ kết thúc". COVAX là tên của cơ chế đa phương, được triển khai vào năm 2020 bởi Liên minh Đổi mới chuẩn bị phòng chống dịch bệnh (CEPI), Liên minh Vắc xin (Gavi), UNICEF và WHO, nay sẽ kết thúc hoạt động vào ngày 31-12-2023.

Báo cáo của WHO nhắc lại rằng COVAX đã cung cấp gần 2 tỉ liều vắc xin COVID-19 và dụng cụ tiêm an toàn cho 146 quốc gia và nền kinh tế. Nhờ đó, theo WHO, ước tính đã giúp ngăn chặn được ít nhất 2,7 triệu ca tử vong ở 92 nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp và thấp. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận