TTCT - Một nghiên cứu chung năm 2014 được tiến hành trên quy mô toàn cầu (đăng trên riverthreat.net) cho thấy những hoạt động của con người, các đập thủy điện, hồ chứa nước để tưới tiêu, xả thải, lấp sông và nhiều dự án nhân tạo khác đang giết dần giết mòn rất nhiều dòng sông, bao gồm cả những con sông lớn nhất. Dự án lấp sông đại quy mô ở thành phố Đông An, Phúc Kiến, Trung Quốc - Ảnh: wikimedia.orgMối đe dọa hiển hiện không chỉ ở châu Phi và những vùng còn kém phát triển ở châu Á, ngay cả tại Mỹ và châu Âu, các dòng sông và hệ sinh thái đi kèm cũng đang đứng trước những nguy cơ lớn.Nhóm nghiên cứu, đã đăng tải các phát hiện của họ trên tạp chí Nature, thu thập dữ liệu và phân tích 23 hoạt động khác nhau của con người làm ảnh hưởng tới các dòng sông như việc xây đập, san lấp sông, thả nuôi các loài cá lạ, xả thải gây ô nhiễm...Kết luận của họ là nhiều dòng sông lớn nhất thế giới như sông Dương Tử ở Trung Quốc, sông Nile ở Ai Cập hay sông Hằng ở Ấn Độ đều đang gặp vấn đề nghiêm trọng về nguồn nước và sự đa dạng sinh học.Nghiên cứu cho biết trên toàn cầu có 10.000-20.000 loài thủy sinh đang bị đe dọa tuyệt chủng vì những can thiệp thô bạo của con người ở các dòng sông. Những dòng nước ít bị ảnh hưởng nhất, theo các tác giả, là ở những vùng xa xôi thưa người như ở các vùng hẻo lánh tại những nước nhiệt đới hay các dòng sông ở Siberia lạnh lẽo.BÀI HỌC NHÃN TIỀNNước láng giềng Trung Quốc là bài học nhãn tiền về hậu quả của việc can thiệp thô bạo với các dòng sông.Việc lấp sông ở Trung Quốc diễn ra khá phổ biến, bởi các đô thị lớn nhất của nước này đều tập trung xung quanh những dòng sông. Việc lấn sông ở gần cửa biển lại càng diễn ra thường xuyên. Nhưng việc hủy hoại các vùng đầm lầy, bãi sông và rừng ngập mặn đã gây ra nhiều rủi ro lớn khi nước biển dâng, khí hậu ngày càng khắc nghiệt và thiên tai diễn ra liên tục.Thiếu đất đai một cách nghiêm trọng, việc lấp sông và lấn biển đã trở thành giải pháp quen thuộc ở Trung Quốc.Thượng Hải chẳng hạn, có kế hoạch xây dựng một “thành phố trên cửa sông” ở phía bắc vịnh Hàng Châu, với diện tích quy hoạch lên tới 6,5km2, đủ chỗ cho 50.000-80.000 dân. Năm 2006, thành phố đông dân nhất Trung Quốc này đã chi 40 tỉ nhân dân tệ (khoảng 5,6 tỉ USD) cho dự án khu đô thị mới Lingang (Lâm Cảng), với 45% diện tích (133km2) là lấn sông và lấn biển.Năm 2007, thành phố Chu Sơn ở tỉnh Chiết Giang cũng đã đầu tư 107 triệu nhân dân tệ (14,5 triệu USD) để lấn 4,13km2 sông. Nếu khuynh hướng này tiếp tục, nhiều vùng ven biển và không ít dòng sông của Trung Quốc đứng trước nguy cơ biến mất hoàn toàn.Thật ra nguy cơ đó đã trở thành thực tế từ lâu. Trong nhiều năm, Trung Quốc vẫn công bố các thống kê cho thấy nước này có khoảng 50.000 dòng sông, nhưng những báo cáo mới nhất cả trong và ngoài nước cho thấy một nửa trong số đó đã biến mất.Tháng 4-2013, Bộ Nguồn nước Chính phủ Trung Quốc công bố một cuộc thăm dò được họ tiến hành suốt ba năm cho thấy Trung Quốc chỉ còn lại 22.909 dòng sông với diện tích tối thiểu 100km2, tức khoảng 28.000 dòng sông lớn đã bị xóa tên khỏi bản đồ.Mực nước ở các con sông lớn nhất Trung Quốc như Dương Tử và Hoàng Hà đều đã xuống thấp ở những mức kỷ lục trong các năm vừa qua. Dân số tăng nhanh chóng của Trung Quốc đã gây áp lực quá lớn lên các dòng sông, là nguồn nước ngọt chính ở nước này, trong khi quá trình công nghiệp hóa ồ ạt đã khiến nhiều dòng nước bị ô nhiễm.Một nghiên cứu năm 2006 của Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) cho thấy nhu cầu nước ngọt của Trung Quốc hiện giờ tăng gấp năm lần so với năm 1949. Những vụ việc như 12.000 xác heo chết xuất hiện ở sông Hoàng Phố chảy qua Thượng Hải năm 2013 là điển hình cho tình trạng báo động về nguồn nước ở Trung Quốc hiện giờ.Những năm 1960, hàng loạt trận lũ lụt tồi tệ đã khiến chính quyền Trung Quốc triển khai nhiều dự án lấp sông, nắn dòng, đập chắn, hồ chứa và hồ chống tràn. Trong khi những dự án đó giúp ngăn lũ lụt, nó cũng tạo ra sự mất cân đối về mặt sinh thái, làm biến đổi dòng chảy và cạn kiệt nguồn nước.Một dự án điển hình là đập Tam Hiệp được xây dựng năm 2008. Đập thủy điện lớn nhất thế giới này gây ra những tác động tới môi trường mà tới giờ vẫn chưa thể đo đếm hết, cũng như khiến 1,4 triệu người phải thay đổi nơi sinh sống.Một dự án nắn dòng và thủy lợi khổng lồ khác là “Đại vận hà” mới với mục tiêu chuyển nước từ miền nam lên miền bắc khô hạn, với kinh phí ban đầu 62 tỉ USD, cũng gặp phải nhiều nghi ngờ từ những người bảo vệ môi trường.TRẢ GIÁViệc lấp sông hay lấn biển thật ra là lựa chọn quen thuộc ở nhiều nước mà đất đai hiếm hoi. Hà Lan là một trong những nước đầu tiên thực hiện việc lấn biển và hiện vẫn là quốc gia đi đầu trong công nghệ đó.Nhật Bản, Singapore, Hong Kong và Macau cũng đều thực hiện các dự án tương tự (Việt Nam cũng đã lấn biển và lấp sông từ thời còn khá xa xưa, với Nguyễn Công Trứ lập ra hai huyện ở Thái Bình hay Trần Tế Xương qua bài thơ Sông lấp về sông Vị Hoàng ở thành phố Nam Định).Nhưng dưới góc nhìn mới, việc lấn sông trong khi mang tới những lợi ích ngắn hạn lại gây ra nhiều thảm họa sinh thái trong dài hạn.Tình trạng ô nhiễm đang đe dọa nhiều dòng sông lớn. Trong ảnh là sông Yamuna chảy qua New Delhi, Ấn Độ - Ảnh: nytimes.comTrước hết, các vùng đất ngập nước khi bị xóa sổ sẽ làm tình trạng hạn hán thêm trầm trọng. Miền bắc Trung Quốc gặp hạn hán khắc nghiệt và thời tiết khô, quá lạnh hoặc quá nóng trong những năm qua có phần quan trọng vì sự biến mất của các dòng sông, theo giáo sư Jiang Gaoming (Tưởng Cao Minh) của Viện sinh thái thuộc Hội Khoa học tự nhiên Trung Quốc.Thứ hai, việc lấn sông sẽ đe dọa sự đa dạng sinh học và nghề cá. Những vùng bãi bồi ven sông, ven biển và đất ngập nước thường là những vùng đa dạng sinh học nhất, là nơi cung cấp thức ăn quan trọng cho nhiều loài thủy sinh như các loài giáp xác và thân mềm. Đến lượt chúng, sự biến mất của các loài này làm ảnh hưởng tới chuỗi thức ăn chung ở các dòng sông.Các hệ sinh thái nước ngọt và nước mặn cũng có liên quan chặt chẽ và một dòng sông biến mất không chỉ là sự diệt vong của tất cả những loài sống trên dòng sông đó.Thứ ba, việc lấn sông có thể làm tăng nguy cơ lũ lụt. Những vùng đất ven mặt nước là cơ chế “vùng đệm” nhân tạo giữa sông, biển và đất liền. Lấp sông phá hủy vùng đệm này và có thể gây ra những hậu quả tai hại. Nhiều người hẳn còn nhớ trận động đất - sóng thần khủng khiếp ngày 26-12-2004 ở Ấn Độ Dương khiến hơn 200.000 người ở ít nhất 13 quốc gia thiệt mạng và nhiều người khác mất nhà cửa.Tại một trong những vùng thiệt hại nặng nề nhất, bãi biển - cửa sông Marina ở Chennai, Ấn Độ, nhiều căn nhà được xây ven sông và ven biển trên các vùng đất san lấp. Nếu như ở vùng đó vẫn còn các bãi bồi và rừng ngập mặn, số người chết chắc chắn không lớn như thế.Những bài học như thế thật ra đã có từ rất lâu, chỉ có điều con người mãi không chịu thuộc. Vào nửa sau triều Thanh (1644-1912), nhiều dòng sông nhỏ thuộc đồng bằng Châu Giang đã bị lấp để làm nông nghiệp. Các hoạt động đó đã gây ra lũ lụt dữ dội ở một vùng rộng lớn tới mức hoàng đế đương thời Đạo Quang đã cấm việc lấp sông để lấy đất canh tác trên một vùng rộng lớn.Thứ tư, các hoạt động lấn biển và lấp sông có thể gây ra hiện tượng “thủy triều đỏ”. Việc can thiệp nhân tạo với dòng sông và thủy triều của nó sẽ khiến các chất dinh dưỡng cho cả sinh vật và để bồi đắp cho vùng đồng bằng đổ nhanh hơn và bị lãng phí ngoài biển.Ước tính các hoạt đồng bồi lấp nhân tạo ở những cửa sông và vùng ven biển đã khiến Trung Quốc mất 350.000ha rừng ngập mặn, chỉ còn lại 150.000ha, từ những năm 1950 tới nay, tức 70% tổng diện tích.Việc lấp sông hay lấn biển có thể là giải pháp ngắn hạn cho việc thiếu hụt đất đai, nhưng những hủy hoại lâu dài với hệ sinh thái, rồi sau đó là môi trường sống và xã hội của con người là rất khó lường. Nhiều nước phát triển, bao gồm Hà Lan, Anh và Mỹ, ngày nay đang thực hiện những dự án lớn để trả lại các dòng sông, các vùng nước ngọt và ngập nước với nguyên trạng của nó, nhưng đó sẽ là công việc cực kỳ khó khăn.10 DÒNG SÔNG ĐANG LÂM NGUYTổ chức Quỹ Thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF) đã đánh giá sáu mối đe dọa lớn nhất với 225 dòng sông, bao gồm: các hoạt động lấp sông, xây dựng cơ sở hạ tầng, thủy điện; sử dụng nguồn nước quá mức; biến đổi khí hậu; các loài ngoại lai; khai thác thủy sản quá mức và ô nhiễm để lập nên danh sách này.Sông Hằng (Ấn Độ và Bangladesh). Ô nhiễm nghiêm trọng vì hóa chất, chất thải và lượng muối trong nước tăng lên nhanh chóng. Lưu vực sông là nơi sinh sống của 40 triệu người.Sông Rio Grande (Mỹ). Bị đe dọa nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán khắc nghiệt và sự xâm nhập của loài ngoại lai.Sông Jordan (Jordan và Israel). Dòng sông dài 250km này có vai trò rất quan trọng với cuộc sống ở vùng Trung Đông và đang cạn nước rất nhanh, từ 1.300 triệu m3 lưu lượng mỗi năm vào những năm 1960 chỉ còn 100 triệu m3 hiện giờ.Sông Xingu (Brazil). Đập thủy điện gây nhiều tranh cãi Belo Monte với mức đầu tư 18 tỉ USD sẽ hoàn tất trong năm nay là mối đe dọa chính với dòng sông.Sông Danube (Trung Âu). Dòng “Amazon của châu Âu” chảy qua Vienna, Budapest và Belgrade. Nhiều vùng sông đã bị lấp và nắn dòng lại để phục vụ giao thông đường thủy, gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái dọc sông.Sông Ấn (Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc). Dòng sông với lưu vực hơn 1,1 triệu km2 cũng đang gặp những vấn đề như sông Hằng.Sông Potomac (Mỹ). Quá trình đô thị hóa quá nhanh dọc sông khiến nó bị ô nhiễm bởi nước thải sinh hoạt.Sông Nile (Đông Bắc Phi). Dòng sông cung cấp nước cho 40% dân số cả châu Phi và tiếp tục tăng hơn nữa đang là một trong những dòng sông bị đe dọa nghiêm trọng nhất.Sông Murray-Darling (Úc). Hệ thống sông dài hơn 3.300km này chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng ô nhiễm và nghiêm trọng nhất là sự phá hoại của loài ngoại lai cá chép châu Âu và cá trê đuôi đỏ.Sông Dương Tử (Trung Quốc). Khoảng 400 triệu người Trung Quốc dùng nước từ sông này và dòng sông đã bị quá tải nghiêm trọng. Tags: Ô nhiễm nguồn nướcĐập thủy điệnLấp sôngDự án nhân tạoSông ô nhiễm
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Chợ Bến Thành là di tích cấp thành phố, ban quản lý cam kết bảo tồn hiệu quả HOÀI PHƯƠNG 22/11/2024 Năm di tích được công bố xếp hạng di tích cấp thành phố gồm trụ sở Cục Hải quan TP.HCM, trụ sở UBND quận 1, chợ Bến Thành, đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty - Thừa vụ lang họ Trần.