Những đứa trẻ nằm trên sàn bê tông

Bắt đầu từ tháng 10-2017 tới tháng 5 và 6-2018, hơn 2.700 trẻ em không có quốc tịch Mỹ vào Mỹ từ Mexico đã bị tách rời khỏi gia đình mà chúng đi cùng. Hơn 2/3 các em (1.995 em) bị tách khỏi cha mẹ chỉ trong tháng 4 và 5-2018.

Trẻ em vượt biên vào Mỹ từ Mexico đang là một vấn đề hóc búa thách thức lương tâm của Hoa Kỳ. Ảnh: Reuters
Trẻ em vượt biên vào Mỹ từ Mexico đang là một vấn đề hóc búa thách thức lương tâm của Hoa Kỳ. Ảnh: Reuters

Sau khi các khu lưu trú được chỉ định trở nên quá đông đúc, hàng loạt cơ sở khác, bao gồm nhà kho, tòa nhà thương mại, lán trại, và một số người nói, cả các khu quân sự, đã được chuyển đổi vội vã thành nơi trú ngụ của những đứa trẻ này, một số em mới 8 tháng tuổi. Hình ảnh những hàng dài trẻ em ngủ trên sàn bêtông, thường nằm đè lên nhau vì quá đông đúc, nhiều đứa khóc không ngừng và kêu cha gọi mẹ, đã dẫn tới phản ứng mạnh mẽ giữa những bối rối và thông tin sai lạc càng nghiêm trọng hơn do sự chia rẽ ý thức hệ sâu sắc, những thông điệp chính thức sai sự thật, và chính sách thay đổi chóng mặt của chính quyền.

Nhập cư là vấn đề đã luôn gây chia rẽ trong nền chính trị Mỹ và mỗi chính quyền nỗ lực tìm ra các giải pháp chấp nhận được với những xu thế đối đầu nhau, nhưng thường không quên lợi dụng vấn đề này để kiếm thêm vài phiếu bầu. Nhưng khi tiếng khóc xé lòng của đám trẻ đòi gặp cha mẹ vang lên khắp toàn cầu, xã hội dân sự, các doanh nghiệp, các lãnh đạo tôn giáo và giới hoạch định chính sách ở Mỹ đang đi đầu trong một cuộc huy động xã hội và chính trị chưa có tiền lệ báo hiệu một lằn ranh quan trọng đã bị vượt qua.

Những đứa trẻ nằm kêu khóc trên sàn bêtông đó là ai? Tại sao chúng bị tách khỏi gia đình chúng? Cơ sở pháp lý của sự chia tách đó là gì? Cái tên MS13 mà Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục nói tới là ai? Tại sao vụ Flores kiện Reno là quan trọng? Sắc lệnh hành pháp mới của tổng thống có ngăn được các vụ chia tách trong tương lai không? Và chuyện gì sẽ xảy ra cho những trẻ em/gia đình đã bị chia tách? Thật tai họa là không ai ở thời điểm này có thể trả lời rõ ràng câu hỏi cuối cùng!

Cô. L. và con gái 7 tuổi, S.S bị chia tách tại biên giới Mexico - Mỹ từ tháng 11 năm 2017, hiện đang được Liên minh quyền Tự do dân sự Mỹ ( American Civil Liberties Union (ACLU) đứng ra bảo vệ, kiện đòi thả tự do cho người mẹ và đoàn tụ với con. (Ảnh: http://immigrationimpact.com)

Em thơ lạc mẹ

Nhiều thập kỷ can thiệp với các hình thức khác nhau của Mỹ ở châu Mỹ Latin, cùng cuộc chiến chống ma túy chỉ làm các băng đảng ma túy... mạnh lên đã làm suy yếu thể chế, an sinh xã hội, vắt kiệt nguồn lực và khép chặt các cơ hội kinh tế, khiến nhiều người dân phải ly tán. Trong những năm gần đây, số người tìm cách vượt biên bất hợp pháp từ Mexico vào Mỹ đã tăng mạnh.

Mara Salvatrucia, hay MS13, một băng đảng khai sinh ở Mỹ nổi tiếng với sự tàn bạo và các vụ giết người trả thù, được cho là có liên quan tới các băng ma túy ở Trung Mỹ. Băng này phát triển mạnh ở El Salvador sau cuộc nội chiến 1980-1992 khiến 75.000 người thiệt mạng và để lại rất nhiều vũ khí, nghèo đói, và khoảng trống về thể chế. MS13 sau đó lan sang Honduras, nơi Mỹ cũng đã can thiệp khá thô bạo. Trong khi chính quyền Trump nói trong số nạn dân có những thành viên MS13 trà trộn, điều ngược lại mới đúng: họ là những người chạy trốn MS13 và các băng đảng như thế.

Năm 2014 chứng kiến sự tăng mạnh các trẻ em dưới 18 tuổi vào Mỹ không có cha mẹ hay người bảo hộ. Theo truyền thống, các tòa án Mỹ sẽ ra trát giao các trẻ em này cho một người thân giám hộ hoặc cho các cơ quan phúc lợi xã hội phù hợp. Vấn đề là chính quyền hiện giờ đã “dán nhãn” cho các trẻ em đi cùng gia đình cũng là “trẻ vị thành niên không có người đi cùng”.

Có hai cách hợp pháp để vào Mỹ: với một thị thực hợp lệ, hoặc một yêu cầu xin tị nạn. Người xin tị nạn sẽ được phỏng vấn để đánh giá xem họ có thực sự bị đe dọa nếu phải trở lại nơi mình đã ra đi. Luật pháp cả nội địa và quốc tế của Mỹ quy định nước này có trách nhiệm xử lý các đơn xin tị nạn. Vượt biên mà chưa tiến hành các thủ tục đó sẽ là bất hợp pháp. Tuy nhiên, đó chỉ là sai phạm nhỏ, ngang với say xỉn nơi công cộng hay ăn cắp vặt, chắc chắn không đủ để bị tách ra khỏi gia đình, nhất là với trẻ nhỏ. Ngoài ra, các gia đình vẫn có quyền làm đơn xin tị nạn.

Tôi trao đổi với luật sư chuyên về nhập cư nhiều kinh nghiệm Love Macione, người đang cùng một mạng lưới rộng lớn các luật sư vận động cho việc chấm dứt chính sách chia rẽ các gia đình và “không khoan dung” với người nhập cư bất hợp pháp, những điều đã dẫn tới thảm trạng hiện nay. Macione giải thích rằng trong chính quyền trước (của tổng thống Barack Obama), do lượng người đổ vào Mỹ rất đông, những ai không đạt được các tiêu chuẩn tối thiểu trong cuộc phỏng vấn sẽ sớm bị loại ra và trục xuất, với thời gian giữ người là tối thiểu.

Nhờ kết quả một vụ kiện có tính cột mốc (vụ Flores kiện Reno ở tòa án tối cao thời Clinton), nếu một gia đình có con nhỏ, đứa bé sẽ được người thân gần nhất chăm sóc. Nếu không có người thân nào thì cha, mẹ hoặc một người thân sẽ được tạm rời nơi giam giữ để chăm sóc đứa trẻ cho tới khi bị trục xuất. Nếu điều đó cũng không khả thi thì đứa trẻ sẽ được Văn phòng Tái định cư cho người tị nạn (ORR) chăm sóc. Vụ kiện dẫn tới phán quyết rằng trẻ em sẽ không bị tạm giữ quá 20 ngày. Vụ kiện này rất quan trọng để hiểu được những gì chính quyền hiện tại được và không được phép làm theo pháp luật, giúp thiết lập tiêu chuẩn trên toàn quốc cho việc đối xử với trẻ vị thành niên. Theo đó, bất cứ khi nào bị tạm giữ, trẻ em sẽ bị giam giữ trong điều kiện ít hạn chế nhất có thể và được trả tự do ngay khi có thể.

 

Nước Mỹ đi ngược đường

Nhưng chính sách thù địch với người nhập cư của chính quyền mới đã khiến tình hình trở nên phức tạp. Ngày 6-4 vừa rồi, tổng chưởng lý Jeff Sessions tuyên bố chính sách “không khoan dung” để chống lại nhập cư bất hợp pháp, đồng thời triển khai lực lượng Vệ binh quốc gia ở biên giới Mỹ - Mexico. Khi dòng người nhập cư không dừng lại, nhà chức trách đã mạnh tay hơn bằng cách chia tách các gia đình ở biên giới mà không có một kế hoạch gì rõ ràng. Các gia đình không được thông báo con họ sẽ bị đưa đi đâu và trong bao lâu.

Các cơ sở từng được sử dụng làm nơi trú ngụ cho những đứa trẻ trở nên quá tải, chúng được đưa tới những cơ sở tạm bợ không đủ trang thiết bị. Không có hệ thống nào để theo dõi hoàn cảnh của các em nhỏ này, vốn còn quá nhỏ không thể tự lên tiếng và gia đình không có giấy tờ thích hợp để chứng minh mối quan hệ. Chính quyền Trump biện minh rằng các biện pháp của họ là để ngăn ngừa dòng người nhập cư mà họ cho là có các thành viên MS13 trà trộn.

Chính quyền có vẻ cũng lấy việc chia tách các gia đình này làm vật mặc cả với quốc hội về bức tường biên giới mà ông Trump đã hứa khi tranh cử. Nhưng sau những chỉ trích dữ dội, chính quyền Trump nói họ không có ý định chia tách các em nhỏ khỏi gia đình chúng, mà giải thích rằng đó là một di sản của chính quyền trước (ý chỉ vụ Flores kiện Reno, dù thực ra vụ này là để ngăn cản, chứ không phải trao quyền cho việc giam giữ trẻ nhỏ). Vụ việc thêm phần gây tranh cãi khi giới làm chính sách không được tiếp cận các cơ sở tạm giữ này. Hội Chữ thập đỏ Mỹ nói họ không được ghé thăm các cơ sở. Tiếp đó, ngày 11-6, ông Sessions lại đổ thêm dầu vào lửa khi tuyên bố đảo ngược một chính sách trước đó của Mỹ: giờ thì nạn nhân của bạo lực băng đảng và bạo hành gia đình sẽ không được phép xin tị nạn nữa, tức những lý cớ chính của người nhập cư vào Mỹ từ đường biên giới Mexico.

Liên minh Quyền tự do dân sự Mỹ (ACLU), vì thế, đã bắt đầu chiêu mộ tình nguyện viên để giám sát các điểm vào nước này, do có tin cơ quan biên phòng đã đuổi người nhập cư thậm chí từ trước khi họ nộp đơn xin tị nạn. Biểu tình nổ ra ở nhiều thành phố Mỹ. Các hãng hàng không South West, American và United Airlines từ chối chở các em nhỏ bị trục xuất. Thống đốc bang New Jersey thì tuyên bố không có ngân quỹ cho việc chia cắt các gia đình. Các tổng chưởng lý ở 10 bang cũng đã kiện chính quyền về quyết định chia cắt các gia đình này.

Trước sức ép quá lớn, ngày 20-6 Tổng thống Trump ký một sắc lệnh hành pháp chấm dứt hành động chia cắt trẻ nhỏ. Tuy nhiên, những người chỉ trích nói sắc lệnh này là chưa đủ, bởi nó chưa chấm dứt chính sách “không khoan dung” và tiếp tục hình sự hóa việc nhập cư bất hợp pháp, cũng như vẫn cho phép chia cắt trẻ nhỏ khỏi gia đình trong một số trường hợp cụ thể.

Hassan Ahmad, luật sư di trú Mỹ, chỉ ra rằng “[Phán quyết Flores] là luật duy nhất ngăn chặn việc giam nhốt trẻ em rất kinh khủng”. Sắc lệnh tổng thống mới cũng không cho biết liệu, hay bằng cách nào, mà 2.700 trẻ em đã bị chia cắt khỏi gia đình chúng sẽ được đoàn tụ. Gánh nặng của điều đó có vẻ hoàn toàn do cha mẹ chúng tự gánh chịu, một số người có thể đã bị trục xuất rồi!

 

Nhiều cuộc biểu tình nổ ra trên khắp nước Mỹ chống lại sắc lệnh của ông Trump. (Ảnh: nbcnews.com)

 

Dù bạn ở phía nào của cuộc tranh luận nhập cư thì vẫn không thể biện minh cho việc giam giữ vô thời hạn trẻ em, dù có hay không có cha mẹ chúng. Dù bạn đứng ở đâu trong phổ chính trị, vẫn là không thể chấp nhận khi giam giữ một đứa trẻ nít và giao chúng hoàn toàn cho những người xa lạ. Dù bạn ở cực nào của thang chính trị, vẫn không thể giải thích cho việc tách đứa trẻ khỏi cha mẹ chúng mà chưa có sự đồng ý. Việc bắt cóc trẻ em như thế vì những lỗi không nghiêm trọng chỉ có thể diễn ra vào những thời kỳ đen tối nhất của lịch sử loài người, như cuộc thảm sát Do Thái, cuộc thảm sát người châu Mỹ bản địa hay chế độ Khmer Đỏ. Mỹ cho tới nay, cùng với Somalia, là những nước còn sót lại trên thế giới này chưa phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em (được ông Bill Clinton ký năm 1995, nhưng chưa bao giờ được phê chuẩn) và Công ước loại bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW, được ông Jimmy Carter ký năm 1980, cũng chưa phê chuẩn). Với chính quyền này, nước Mỹ lại một lần nữa đứng ra cản trở bước tiến của lịch sử! ■

Hải Minh chuyển ngữ

Một trong những diễn tiến đau lòng nhất của vụ lộn xộn vừa qua là khi Marco Antonio Muñoz, 39 tuổi, xin tị nạn cùng vợ và con trai 3 tuổi ở Mỹ sau khi em trai anh bị sát hại ở quê nhà Honduras. Ngày 12-5, sau khi bị tách khỏi con trai và không có chút tin tức gì về người thân, Marco Antonio tự sát ở nơi giam giữ. Và đây là câu chuyện duy nhất đến được với truyền thông.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận