​Những đường chạy giữa một thế giới chao nghiêng...

THANH VÂN 03/10/2014 07:10 GMT+7

TTCT - 1. Nếu cái tên thường là yếu tố ảnh hưởng lớn đến cuộc đời một con người, thì trong một tác phẩm văn học điều này lại càng quan trọng.

Cái biệt danh Rabbit (Thỏ) gắn với cựu ngôi sao bóng rổ trung học Harry Angstrom không chỉ vì gương mặt anh có chút gì nhang nhác một chú thỏ, hay vì anh thường chạy nhảy với trái bóng. Chạy đã trở thành một thứ chìa khóa đối với cả cơ thể và tâm hồn anh. Rabbit cần phải chạy.

Janice - vợ Rabbit - mang thai sắp đến ngày sinh. Cô mệt mỏi, vụng về và nghiện rượu, khiến Rabbit cảm thấy chán nản, bất an. Anh bỏ chạy, làm một cuộc phiêu lưu nhỏ và gặp Ruth.

Anh tưởng đã tìm được nơi chốn mới, nhưng khi vợ sinh con thì anh lại bỏ Ruth chạy về với vợ. Để rồi một biến cố không ai mong muốn khiến anh tiếp tục chạy. Hay cũng có thể ngay cả khi không có biến cố gì cả anh cũng vẫn chạy như thế.

Những tình huống vốn xảy ra rất nhiều, với cả đàn ông và đàn bà, ở khắp nơi trên thế giới, nhưng ở đây tài năng của nhà văn đã tạo nên một câu chuyện thật đặc biệt.

Rabbit ơi, chạy đi (*) là cuốn đầu tiên trong loạt tiểu thuyết danh tiếng của John Updike xoay quanh cuộc đời Rabbit - một người Mỹ trung lưu điển hình, tái hiện bức tranh về nước Mỹ từ sau Thế chiến II đến những năm 1980 bằng những chuyện bình thường xảy ra trong những thành phố nhỏ. 

2. Nhân vật chính Rabbit không phải là hình tượng xuất chúng. Sự nghiệp thể thao của anh sớm kết thúc và anh chấp nhận một công việc bán hàng lưu động. Thế giới không như trên sân bóng rổ khi anh có tài năng để kiểm soát những cú ném bóng.

Thế giới với Rabbit thỉnh thoảng “có vẻ đúng” khi anh tìm được một người mới, thỏa mãn khoái lạc bản thân hay cảm thấy mình sắp thay đổi. Nhưng khi nó chuội đi thì không còn gì “có vẻ đúng” nữa và anh bỏ chạy. Khỏi những quyết định của mình, khỏi những vai trò được gắn với mình.

Anh không chịu dừng lại ở thế mắc kẹt. 

Rabbit dường như là một kẻ không muốn “chịu trách nhiệm” theo cách nhìn thông thường và nhờ vậy tính chất lưỡng phân phức tạp của nhân vật này được bộc lộ một cách đáng ngạc nhiên.

Rabbit làm người ta băn khoăn vì những câu hỏi: Anh ta muốn gì? Anh ta chạy trốn hay chạy để đến đích? Khi chạy anh “cảm thấy tự do như dưỡng khí ở khắp quanh mình”, nhưng rồi “anh ta sẽ quay về vì chính lý do khiến anh ta đã bỏ đi. Tính anh ta nghiêm ngặt. Anh ta phải bay trọn vòng”. 

Sự nghiêm ngặt ở Rabbit cũng như sự bốc đồng của anh bắt nguồn từ năng lượng mạnh mẽ của một gã đàn ông trẻ khỏe, đẹp trai, cuốn hút. Rabbit có lẽ sẽ thích làm một gã cowboy ở thuở những miền đất còn rộng mở và người ta có thể đi rồi dừng ở bất cứ đâu, nhưng anh sinh ra và gắn với một cuộc sống loay hoay giữa những tìm kiếm, khuôn mẫu và gánh nặng.

Rabbit chạy để tìm kiếm một cái đích vững chãi, nhưng cũng có thể anh chạy chỉ vì cần phải chạy mà thôi, có cả phấn khởi và thất vọng trong đó.

3. Thế giới mà John Updike xây dựng xung quanh Rabbit mang đậm phong cách văn chương của ông, dày đặc chi tiết và cảm xúc, mô tả chân thực và tinh tế lạ lùng về sự khắc khoải và bức bối trong tâm hồn những nhân vật hết sức sống động mà ông tạo nên từ những chất liệu tưởng như quá quen thuộc.

Ông mô tả một cách tỉ mỉ những con đường, cửa tiệm, căn nhà, đồ đạc, xác thịt và biến động tâm lý, đằng sau vẻ bình lặng là một tầng hiện thực đầy bí ẩn mà thỉnh thoảng có những ánh chớp vụt sáng soi tỏ bản chất của nó.

Đó là một thế giới luôn luôn nghiêng chao và âm ỉ nứt vỡ, nhưng cũng “tràn trề những điều bất ngờ đáng ngạc nhiên và những điều đột ngột dễ chịu” (John Updike), khiến người ta có thể muốn chạy khỏi nó song đồng thời cũng yêu nó hết lòng.

(*) Rabbit, run: tiểu thuyết của John Updike, bản dịch tiếng Việt: Rabbit ơi, chạy đi, Huỳnh Kim Oanh & Phạm Viêm Phương dịch, Nhã Nam và NXB Văn Học, 8-2014.

John Hoyer Updike (18-3-1932 - 27-1-2009) là nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình nghệ thuật và phê bình văn học người Mỹ. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là loạt Rabbit (gồm các tiểu thuyết Rabbit, run; Rabbit redux; Rabbit is rich; Rabbit at rest và truyện vừa Rabbit remembered).

Cả Rabbit is rich (1981) lẫn Rabbit at rest (1990) đều được giải Pulitzer. Ông là tác giả hơn 20 tiểu thuyết và trên chục tập truyện ngắn, thơ, phê bình nghệ thuật, phê bình văn học và sách thiếu nhi.

Ông còn đều đặn viết cho mục điểm sách của tờ The New York Times.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận