TTCT - Xưa ông bà ta nói "ăn cơm chúa phải múa tối ngày". Nay làm giáo viên, lâu lâu lại nhận thêm một thứ quy định phải thực hiện, phải múa! Phóng to Ông Koizumi khi còn là thủ tướng Nhật năm 2006 từng mở cuộc vận động “Cool biz”, kêu gọi các viên chức bỏ áo vest và cà vạt để tiết kiệm điện nơi công sở - Ảnh: AFP Nhớ chuyện cách đây gần 20 năm, bỗng có quy định giáo viên mang giày vào ngày thứ hai để chào cờ. Đôi giày da bằng nửa tháng lương, xót quá chừng, có người cù nhầy không thực hiện. Nay không ai bắt giáo viên mang giày nhưng người ta vẫn mang, nhà hai ba đôi, tiếc làm gì. Nói thế để thấy làm đẹp ai chẳng thích, tự giác làm ngay khi có điều kiện. Hiện nay, hầu như giáo viên cả nước từ Bắc vô Nam đang dần thực hiện cái gọi là trang phục công sở. Nhìn chung cũng tốt để giáo viên đẹp hơn, trang nghiêm hơn, nhất là mấy cô giáo. Nhưng vài chi tiết quy định có vẻ khiên cưỡng quá, áp chế quá, đó là mang bảng tên và nam giáo viên phải đeo cà vạt. Chuyện cái cà vạt, theo thông tin từ Wikipedia ban đầu chỉ là cái khăn giữ ấm cổ, xuất xứ từ trang phục của đội lính đánh thuê người Croatia cho vua Louis 14, sau người Pháp cổ xúy thành món trang sức mà không phải ông Tây nào cũng thích vì sự vướng víu, nóng nực và mất thì giờ ghê gớm. Ngay thời điểm đeo cà vạt thịnh hành nhất châu Âu vẫn có nhiều người ghét nó như ghét tà, quyết để cho cái cổ được thong thả. Ở châu Á thì có chuyện ông Junichiro Koizumi, khi còn là thủ tướng Nhật (năm 2006) từng kêu gọi các viên chức nhà nước "giải phóng" khỏi áo vest len dày cùng chiếc cà vạt để tiết kiệm điện ở công sở. Kể vậy để thấy ai có nhu cầu cho cái đẹp (nếu có), cho sự long trọng thì đeo chứ sao lại ra quy định rồi xét thi đua? Học trò quen thấy diễn viên Hàn Quốc đẹp trai, cao ráo đóng vai nhân viên văn phòng đeo cà vạt và mang bảng tên quá bảnh, nay thấy mấy thầy trong trường phần lớn lùn tịt đeo cà vạt ngồ ngộ thế nào, chúng bấm bụng cười khúc khích. Còn nữa, nghe trống đánh vô tiết giáo viên băm bổ đến lớp học, leo mấy chục bậc cầu thang chứ đâu ngồi tại chỗ như thầy giáo các nước giàu có, đợi học sinh tới học. Với xứ sở nóng bức ở ta, nghĩ đến cái cà vạt quấn ngang cổ mà rùng mình, đổ mồ hôi. Chuyện mang bảng tên là một hình thức tự giới thiệu, trước hết cần cho buổi hội họp đông người tứ xứ, chưa ai biết ai. Sau đến cơ quan, xí nghiệp vài trăm người mới cần bảng tên để biết nhau, để phân cấp bậc, tránh lạm quyền hoặc những công sở luôn có nhiều người đến liên hệ công việc. Giáo viên trong trường phổ thông năm bảy chục người biết mặt nhau cả, học trò còn thuộc dáng đi của thầy cô nữa kia, mang bảng tên làm gì? Với học sinh dạy trên lớp, giáo viên giới thiệu một lần họ tên, điện thoại di động, email vào buổi dạy đầu tiên là được, mang bảng tên chi cho vướng, khó coi và dễ liên tưởng đến một sự rập khuôn. Trường học là nơi để học tập, giáo dục, năm khi mười họa mới có người đến liên hệ, cần gặp ai đã có bảo vệ, giám thị hướng dẫn cụ thể rồi. Ngoài cà vạt, bảng tên còn nhiều thứ quy định "ầu ơ" khác, có tính chất nội bộ trong ngành giáo dục nhưng lại ràng buộc nặng nề như dùng để xét thi đua, khen thưởng, kỷ luật. Những quy định cứ vô tội vạ nảy sinh chẳng những chồng lấn lên công việc, lên trách nhiệm vốn đã nặng nề của giáo viên. Nói nhỏ nhau nghe, người thì bảo chắc lãnh đạo ra nhiều quy định vì thấy giáo viên làm việc chưa xứng đáng đồng lương, kẻ thì nói vấn đề ở chỗ quản lý kém tài nhưng "năng nổ" có thừa nên cứ muốn làm "cái gì đó" để cấp trên chú ý, đặng thăng cấp. Nhận định thế thì hơi ác, nhưng còn cách nào khác hơn. Tags: Tiết kiệmCâu chuyện giáo dụcQuy định ầu ơCuộc vận động “Cool biz”
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Trung tâm phục vụ hành chính công: Vượt qua các thách thức của mô hình TS NGUYỄN SĨ DŨNG 10/10/2024 2062 từ
Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM: Metro 1 chạy trong năm 2024 là mục tiêu phải làm được CHÂU TUẤN 12/10/2024 Tân Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM khẳng định mục tiêu không thể thay đổi này trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ Online.
Chi tiết về giá điện sau khi tăng giá NGỌC AN 12/10/2024 Bộ Công Thương ban hành quyết định về giá bán điện, là cơ cấu biểu giá điện cho khách hàng sau khi EVN tăng giá bán lẻ điện bình quân lên 2.103,11 đồng.
Luật Nhà giáo: Nâng thu nhập, vị thế người thầy VĨNH HÀ 12/10/2024 Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã chia sẻ về những điểm mới đặt ra ở dự thảo Luật Nhà giáo, trong đó có nội dung đang gây tranh cãi.
Bộ Quốc phòng trả lời về việc doanh nghiệp của bộ bán pháo hoa THÀNH CHUNG 12/10/2024 Bộ Quốc phòng đã có trả lời liên quan kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Thuận về việc 'sử dụng, độc quyền cung cấp pháo hoa có trái chỉ thị của Thủ tướng, dẫn đến tiêu cực'.