Những vận động viên kỳ tài

HUY ĐĂNG 22/05/2024 17:10 GMT+7

TTCT - Christina Birch, cựu cua rơ đội tuyển xe đạp Mỹ sắp sửa trở thành VĐV Olympic đầu tiên bay vào vũ trụ, không phải bằng một suất thương mại kiểu những người giàu có hay nổi tiếng, mà như một phi hành gia thực thụ.


Christina Birch, từ nữ cua rơ thành nữ phi hành gia. Ảnh: x.com

Christina Birch, từ nữ cua rơ thành nữ phi hành gia. Ảnh: x.com

Birch năm nay 37 tuổi, từng nhiều lần vô địch Mỹ ở nội dung tính giờ. Cô tốt nghiệp ngành toán, sinh học phân tử ở Đại học Arizona, và lấy bằng tiến sĩ kỹ thuật sinh học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), trường số 1 thế giới về khoa học kỹ thuật.

Luôn luôn khám phá

Sau khi lấy bằng tiến sĩ ở tuổi 30, Birch làm công việc giảng dạy ở Đại học California, rồi đột ngột tạm ngừng để... đạp xe chuyên nghiệp. Năm 2018, cô nộp đơn xin nghỉ việc dạy học để gia nhập đội tuyển xe đạp Mỹ. 

Trước đó, nữ tiến sĩ này đã có một bảng thành tích hoành tráng khi nhiều năm xếp ở các thứ hạng cao trong khuôn khổ nhiều giải quốc gia, dù chỉ với tư cách VĐV bán chuyên, trưởng thành từ môi trường thể thao đại học.

Sau khi nghỉ hẳn công việc giảng viên, Birch lại càng tiến xa. Năm 2018, cô giành HCV ở Pan American, giải xe đạp truyền thống lâu đời của Mỹ, và vô địch đồng đội ở giải quốc gia. Hai năm sau, cô giành vé dự Olympic Tokyo.

Nhưng rồi kỳ Olympic bị hoãn lại vì đại dịch. Một người như Birch không thể chờ đợi quá lâu. Đủ chuẩn dự Olympic, vậy là đủ. Tiến sĩ của MIT không chờ đến khi Olympic Tokyo tổ chức, vốn trễ một năm, mà quyết định bắt đầu hành trình mới: ứng tuyển vào vị trí phi hành gia NASA.

Có gì liên quan giữa xe đạp và du hành vũ trụ? "Có lẽ là sự tò mò khám phá và quyết tâm chinh phục một chặng đường nào đó. Tôi đã học hành nhiều năm, rồi lấy bằng tiến sĩ vì mong muốn khám phá. Tôi luôn muốn đeo đuổi những mục tiêu mới trong cuộc sống, những điều mà mình chưa từng trải nghiệm. Khi đạp xe, tôi luôn tự hỏi bản thân, liệu cơ thể này có thể đi xa đến mức nào, có thể nhanh đến mức nào", Birch chia sẻ.

Cùng thời điểm Olympic Tokyo trở lại mùa hè năm 2021, Birch trở thành khoa học gia của NASA. Sự nghiệp thể thao đỉnh cao ngắn ngủi của cô kết thúc, nhưng tất nhiên, thể thao vẫn là thứ không thể thiếu trong cuộc sống của cô.

Birch bắt đầu hướng đến các cuộc đua sức bền khi hoàn thành giải đua xe đạp leo núi Leadville Trail 160km, ở độ cao 4.000m tại Colorado vào năm 2023. Không chỉ vậy, cô còn hoàn tất giải chạy Houston Marathon hồi đầu năm. Không lâu sau đó, Birch phá luôn kỷ lục ơ giải đạp xe 640km trên mặt đường rải sỏi tại Montana.

"Có sự liên quan nhất định giữa đạp xe, chạy bộ địa hình và du hành vũ trụ. Tất cả đều đòi hỏi khả năng xử lý, vượt qua thử thách trong những điều kiện khắc nghiệt. Đạp xe và chạy bộ giúp tôi rèn luyện sức dẻo dai cho hành trình mới của mình", Birch chia sẻ. 

Nếu không có gì thay đổi, cô sẽ trở thành một trong bốn phi hành gia bay ngang mặt trăng trong dự án Artemis II của NASA, dự kiến diễn ra vào năm 2025.

Ba năm qua, Birch đã được huấn luyện điều khiển phi thuyền T-38, điều khiển robot, và nhiều kỹ năng du hành không gian khác. Cựu tuyển thủ xe đạp Mỹ vẫn giữ nguyên thái độ lạc quan và hào hứng như ở các giải xe đạp. "Thật tuyệt vời, mọi thứ vẫn luôn giống như một trò chơi", Birch nói khi được hỏi về công việc mới. Một câu trả lời rất thể thao.

Học rồi bơi, bơi rồi học

Giới thể thao đỉnh cao phương Tây không xa lạ với những VĐV trí thức như Birch. Có một danh sách dài những VĐV hàng đầu sau ngày giải nghệ chọn con đường khoa học và thành công rực rỡ chẳng kém gì sự nghiệp thể thao.

Tai Tzu-Ying (Đới Tư Dĩnh), tay vợt cầu lông nổi tiếng của Đài Loan, là tấm gương điển hình cho các VĐV muốn áp dụng kinh nghiệm của mình vào con đường khoa học thể thao. Tay vợt 29 tuổi này từng leo lên vị trí số 1 thế giới và giành HCB nội dung đơn nữ tại Olympic Tokyo. 

Điều khó tin là cô vừa có thể thi đấu nhà nghề, vừa học lấy bằng tiến sĩ ngành khoa học thể thao ở Đại học Quốc lập Đài Loan, trường danh giá nhất ở hòn đảo này, vào năm 2018. Hiện Tai vẫn đang chễm chệ trên top 10 đơn nữ thế giới, nhưng cô đã thổ lộ về kế hoạch đời hậu VĐV: trở thành chuyên gia trong lĩnh vực khoa học thể thao.

Y học và khoa học thể thao dễ hiểu là lĩnh vực được nhiều VĐV theo đuổi. Jenny Thompson, từng giành đến 8 HCV các nội dung bơi tiếp sức ở Olympic, tốt nghiệp ngành sinh học ở Đại học Stanford (Mỹ) lừng lẫy. 

Sau khi giải nghệ, cô làm việc cho Trung tâm Y khoa Maine ở Portland, và thành lập nhiều dự án cộng đồng liên quan đến bơi lội và sức khỏe. Trường hợp của Thompson gần giống với Birch, khi cô chọn tạm ngừng việc nghiên cứu khoa học để theo đuổi sự nghiệp VĐV.

Năm 1995, Thompson tốt nghiệp Stanford năm 23 tuổi, và chọn con đường VĐV chuyên nghiệp. 8 HCV Olympic của cô giành được trong 3 kỳ Thế vận hội khác nhau, từ 1992 đến 2000 (và cả HCB ở Olympic 2004), khiến Thompson trở thành một huyền thoại của làng bơi lội thế giới ở các nội dung bơi tập thể. Sau đó, cô trở lại với con đường học vấn và lấy bằng bác sĩ ở Đại học Columbia vào năm 2006.

Thompson chưa bao giờ hối hận vì đã trì hoãn chuyện học vì sự nghiệp thể thao. "Khi còn là học sinh, tôi theo đuổi bơi lội để rèn luyện sức khỏe tinh thần. Càng về sau, tôi càng nhận ra mình đã đúng. Bơi lội cùng học hành giúp cả hai đều trở nên nhẹ nhàng hơn. Cứ mỗi khi gặp khó khăn với một trong hai, tôi lại nghĩ rằng cuộc sống vẫn còn nhiều điều thú vị hơn", Thompson chia sẻ.

Học, thi đấu, rồi lại học, nhiều VĐV đỉnh cao đã trở thành nguồn cảm hứng lớn khi cùng lúc đương đầu hai lĩnh vực đòi hỏi nhiều kiên trì và đam mê. Nền tảng thể thao học đường quá phát triển có thể là một lợi thế của họ so với nhiều đồng nghiệp khác. Từ Thompson cho đến Birch, họ đều bước vào đại học bằng học bổng thể thao.

Ở Mỹ từng có tranh luận rằng việc những VĐV tài năng nhận học bổng vào các đại học danh tiếng là bất công, khi họ chỉ xuất sắc ở lĩnh vực thể thao. Nhưng sẽ ít người dám nói việc cấp học bổng cho Thompson hay Birch là bất công.■

Kỳ tích của Fabrice Zango

Hồi năm 2022, Fabrice Zango, VĐV nhảy ba bước lừng danh người Burkina Faso, đã lấy bằng tiến sĩ ngành điện tử tại Đại học Artois (Pháp). Chỉ một năm sau, anh lần đầu tiên giành HCV thế giới ở Budapest. Vì tập trung nhiều cho việc học, sự nghiệp của Zango nở khá muộn. Nhưng việc anh có thể thi đấu ở đẳng cấp hàng đầu quốc tế khi đang học lấy bằng thạc sĩ (năm 2018) và tiến sĩ là kỳ tích hiếm có với một VĐV người châu Phi. Zango sinh trưởng tại Burkina Faso, lấy bằng đại học ở đây, trước khi chuyển sang học cao hơn tại Pháp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận