Những vòng đàm phán "treo"”

NGUYỄN ĐĂNG PHÁT 03/03/2015 04:03 GMT+7

LTS: Các “điểm nóng” thế giới đã có những diễn biến chính nào trong những ngày đầu năm Ất Mùi? TTCT mời bạn điểm lại một số cuộc đàm phán lớn.

 

Biếm họa trên báo Korea Times về các nỗ lực đàm phán hạt nhân Iran

Iran: Nguy cơ trở lại... vị trí ban đầu!

Sau vòng đàm phán “hai trong một” được dư luận rất trông đợi diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 22-2, tình hình liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran vẫn chưa có gì rõ ràng.

Song song với cuộc họp theo thể thức quen thuộc giữa Iran và nhóm P5+1 (năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cùng với Đức) ở cấp tổng vụ trưởng Bộ Ngoại giao, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng tiến hành đàm phán với Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif.

Trước cuộc gặp này, ông Kerry tuyên bố Tổng thống Barack Obama “hoàn toàn không thích thú gì” với khả năng cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran lại tiếp tục được gia hạn. Ngoại trưởng Mỹ lúc đó cũng thừa nhận giữa các bên “vẫn còn nhiều bất đồng đáng kể”, nhưng Washington hướng tới một giải pháp cuối cùng chậm nhất là ngày 30-6 tới.

Ngày 23-2, bộ trưởng ngoại giao Iran và Mỹ vẫn nán lại Geneva để tiếp tục đàm phán. Đồng thời, Nga và Iran cũng có cuộc họp song phương. Và có tin cuộc thương lượng P5+1 và Iran sẽ được nối lại cuối tuần này.

Lập trường cơ bản của Tehran là đàm phán phải diễn ra song song với tiến độ dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với nước này. “Chúng tôi đã buộc phải hi sinh nhiều thứ để chứng minh tính chất hòa bình của chương trình hạt nhân quốc gia.

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) chưa tìm thấy dấu hiệu gì chứng tỏ chương trình hạt nhân của chúng tôi không mang tính chất hòa bình” - Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố.

Trước đó, ngày 5-2, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran Hamid Baeedinejad cảnh báo Iran sẽ gia tăng số lượng máy ly tâm làm giàu uranium nếu Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống nước này. “Lẽ dĩ nhiên, nếu chúng ta không tìm được lối thoát cho vấn đề hạt nhân của Iran thì cả hai bên sẽ trở lại vị trí ban đầu” - ông Baeedinejad nói.

Tuyên bố được ông Baeedinejad đưa ra tiếp sau việc Quốc hội Iran ngày 3-2 bỏ phiếu tán thành việc triển khai ngay lập tức kế hoạch hành động khẩn cấp (thực chất là từ bỏ thỏa thuận giữa Iran và nhóm P5+1 đạt được tại Geneva ngày 24-11-2014) trong trường hợp chính quyền Mỹ tìm cách áp đặt gói biện pháp cấm vận mới chống Iran.

Trong cuộc đàm phán về hồ sơ hạt nhân Iran, lập trường của Nga cũng có nhiều khác biệt so với Mỹ. Mới đây, Ngoại trưởng Nga S. Lavrov một lần nữa nhấn mạnh nguyên tắc “từng bước, theo giai đoạn và có đi có lại” trong cuộc đàm phán này.

Matxcơva cho rằng tiến bộ của cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân Iran có thể “có tác động thuận lợi đối với tình hình Trung Đông - Bắc Phi, sẽ thúc đẩy việc thành lập tại Trung Đông khu vực không có vũ khí hủy diệt”.

Ukraine: Phía sau đề nghị “lực lượng gìn giữ hòa bình”

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier đã nhìn thấy “những dấu hiệu đầu tiên” của khả năng giảm bớt căng thẳng trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Trả lời phỏng vấn báo Bild điện tử của Đức ngày 23-2, ông Steinmeier đã ghi nhận một số diễn biến tích cực: Kiev và phe đòi độc lập ở miền đông Ukraine tiến hành trao trả tù binh vào tối 21-2; các chuyên viên của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) rốt cuộc đã vào được “chảo lửa” Debaltseve từ ngày 22-2; và hai phe xung đột bắt đầu rút vũ khí hạng nặng ra xa ranh giới được quy định trong thỏa thuận Minsk-2 từ ngày 24-2.

Theo các điều khoản của thỏa thuận Minsk ngày 12-2, quá trình rút vũ khí hạng nặng được hoàn tất trong vòng 14 ngày. Quân đội Ukraine và lực lượng đòi độc lập ở miền đông cũng đã thỏa thuận sẽ tổ chức đợt trao trả tù binh mới trong 10 ngày đầu tháng 3-2015.

Bộ trưởng ngoại giao Đức nhấn mạnh thỏa thuận Minsk-2 đã xác định những “ranh giới đỏ” mà nếu vượt qua thì tình hình sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm. Mặc dù trong những ngày đầu sau cuộc đàm phán Minsk tình hình chiến trường ở miền đông Ukraine và xung quanh cuộc xung đột này rất nóng bỏng, nhưng cho đến giờ các bên vẫn chưa vượt qua “ranh giới đỏ”.

Với việc hai bên xung đột ở miền đông ngừng bắn và bắt tay vào thực hiện những biện pháp bước đầu trong “gói biện pháp” được thỏa thuận tại Minsk, đã có những tia hi vọng sáng hơn về cơ hội chế ngự chiến tranh.

Trong bối cảnh đó, dư luận rất chú ý việc chính quyền Kiev kêu gọi Liên Hiệp Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đưa lực lượng gìn giữ hòa bình vào Ukraine để “bảo đảm hòa bình” tại miền đông nước này.

Trong cuộc họp ngày 19-2, Hội đồng An ninh quốc gia và quốc phòng Ukraine đã thông qua quyết định sẽ đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và EU cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến khu vực xung đột ở miền đông Ukraine.

Tổng thống Petro Poroshenko cho biết chính quyền của ông “đã nghiên cứu vấn đề này” và “phương án tốt nhất là triển khai lực lượng cảnh sát của EU”. Ông Poroshenko cũng nói rằng đây là “biện pháp tốt nhất để bảo đảm hòa bình”.

Kế hoạch bất ngờ của Kiev ngay lập tức bị Matxcơva và phe đòi độc lập ở miền đông phản đối. Các quan chức Nga nhấn mạnh trong thỏa thuận Minsk-2 chỉ đề cập vai trò giám sát, theo dõi của OSCE và cơ chế của bốn nước tham gia đàm phán thượng đỉnh ở Minsk là Đức, Pháp, Nga và Ukraine.

Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitaly Churkin tuyên bố kế hoạch của Kiev khiến người ta nghi ngờ Kiev “tìm cách phá hoại thỏa thuận Minsk”. Chủ tịch Đuma quốc gia Nga S. Naryshkin cho rằng “việc mời lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine sẽ làm xói mòn thỏa thuận Minsk”.

Trong khi đó, đại diện EU cho biết chưa nhận được đề nghị cụ thể của Kiev và các bộ trưởng quốc phòng EU trong cuộc họp không chính thức tại Riga (thủ đô Latvia) ngày 19-2 không bàn về chủ đề này.

Giới quan sát cho rằng kế hoạch mới của Kiev ít có khả năng được thực hiện. Việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc phải được sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an, nhưng với quyền phủ quyết của một ủy viên thường trực, Nga chắc chắn phản đối.

Triển khai lực lượng của EU về lý thuyết là “đơn giản” hơn, nhưng Brussels xem ra sẽ không hành động như vậy để tránh tạo ra những căng thẳng nguy hiểm với Matxcơva. Cho đến nay cũng chỉ một mình Ba Lan chính thức tuyên bố ủng hộ Kiev trong vấn đề này.

Theo A. Kortunov - tổng giám đốc Hội đồng đối ngoại Nga, “lực lượng gìn giữ hòa bình của EU sẽ không được Nga chấp nhận vì Matxcơva cho rằng EU không phải là một bên vô tư trong cuộc xung đột”.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu chính trị Nga P. Svyatenkov nhận xét “đây là một kế hoạch khôn ngoan của Kiev”, thể hiện ý đồ muốn đào sâu thêm mối bất hòa trong quan hệ giữa Nga và EU, trước hết là với Pháp và Đức.

Trong bài đăng trên báo Tin Tức (Nga), P. Svyatenkov nhận xét: “Đối với nhiều người châu Âu, triển khai được lực lượng hòa bình tại Ukraine là một cơ hội hấp dẫn xét về quan điểm lịch sử. Binh sĩ Pháp hoặc Ba Lan tuần tra dọc biên giới Nga sẽ gợi lại những ký ức về hai quốc gia hùng cường này trong quá khứ.

Còn nếu Đức tham gia sứ mệnh hòa bình thì sẽ có ý nghĩa biểu tượng về sự phục thù lịch sử... Thành ra, “sáng kiến mới” của Kiev sẽ làm xung đột ở Ukraine thêm phức tạp. Chính quyền Kiev muốn chiến tranh, nhưng “những người anh” của họ không cho phép.

Chính quyền Kiev cần vũ khí, nhưng phương Tây hiện tại chưa có ý định đáp ứng. Vì thế, Kiev tìm cách cắm một cái dằm giữa người châu Âu và Nga”.

Khả năng Mỹ và các nước phương Tây cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine đến lúc này vẫn chưa rõ ràng. Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ E. Carter tại cuộc họp báo nhân chuyến thăm Afghanistan ngày 23-2 cho biết ông chưa có đề xuất chính thức với Tổng thống Barack Obama về vấn đề này.

Trước đây, trong cuộc điều trần tại quốc hội với tư cách ứng cử viên bộ trưởng quốc phòng, ông Carter đã thiên về quan điểm mở rộng giúp đỡ quân sự cho Ukraine, kể cả việc bắt đầu cung cấp vũ khí cho Kiev mặc dù thừa nhận rằng hành động đó chứa đựng những rủi ro lớn và Mỹ cần phải cân nhắc thật kỹ lưỡng.

Hi Lạp: Thắng hay thua một trận chiến?

Là kinh tế, là chuyện vay mượn tiền bạc, nhưng Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras đã ví cuộc thương lượng gay go giữa chính phủ của ông với EU về cứu trợ như là một trận đánh.

“Chúng ta vừa giành thắng lợi trong một trận đánh lớn chứ chưa phải trong cuộc chiến tranh” - ông Tsipras nhận xét về việc các bộ trưởng tài chính thuộc khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) ngày 20-2 quyết định gia hạn bốn tháng đối với gói cứu trợ mà EU và IMF dành cho Hi Lạp lẽ ra hết hạn vào ngày 28-2.

Với thỏa hiệp này, nguy cơ Hi Lạp phải rời Eurozone tạm lắng xuống. Theo Thủ tướng Tsipras, Chính phủ Hi Lạp sẽ tập trung thương lượng về một kế hoạch cải cách mới với các chủ nợ trong thời gian từ nay tới tháng 6-2015.

Để đổi lấy việc gia hạn gói cứu trợ, ngày 23-2 Hi Lạp đã đệ trình cho các chủ nợ châu Âu danh sách những biện pháp cải cách cơ bản mà nước này sẽ áp dụng nhằm vực dậy nền kinh tế. Nếu không được phía Eurozone chấp thuận, thỏa thuận trên cũng sẽ trở nên vô hiệu.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble tuyên bố cứng rắn hôm 20-2 rằng Hi Lạp sẽ không nhận được một xu tín dụng nào nếu không thực hiện đầy đủ những thỏa thuận liên quan trước đây.

Các chuyên gia cho rằng thỏa thuận giữa Hi Lạp và Eurogroup đã loại bỏ mối nguy cơ trực tiếp về khủng hoảng thanh khoản đối với nước này nếu cuộc thương lượng đổ vỡ, bởi Chính phủ Hi Lạp có thể đã cạn kiệt tiền để trả lương cho công chức vào đầu tháng 3. Nhưng nếu thỏa thuận không được thực hiện thì câu chuyện về khả năng Hi Lạp ra khỏi Eurozone lại sẽ bùng lên mạnh hơn trước.

Phóng viên Đài BBC (Anh) Mark Lown từ thủ đô Athens nhận xét: “Một chính phủ được bầu lên dựa trên những cam kết hủy bỏ chế độ tiết kiệm hà khắc và từ bỏ những điều kiện ngặt nghèo do EU, IMF và WB đặt ra để đổi lấy gói cứu trợ đã chịu một thất bại nặng nề vì lại phải chấp nhận sự kiểm soát của các nhà tài trợ”.

Không ít báo chí cánh tả gọi đây là “sự đầu hàng”, thậm chí là “phản bội” lời hứa tranh cử của chính quyền Tsipras!

Từ Iran đến Ukraine và Hi Lạp, đã có những vòng đàm phán đầy khó khăn, đã có những nhượng bộ, thậm chí đã có những thỏa thuận thành văn bản, nhưng việc thực thi vẫn rất mong manh, kết quả vì thế vẫn còn “treo” đâu đó quanh... bàn đàm phán!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận