Nợ công của Mỹ bị hạ bậc tín nhiệm: Cái giá của Bidenomics?

HỒ QUỐC TUẤN 30/08/2023 07:14 GMT+7

TTCT - Đầu tháng 8-2023, Fitch Ratings hạ bậc tín nhiệm nợ của Mỹ, từ mức cao nhất AAA xuống AA+. Trong thông báo hôm 1-8, Fitch cho biết lý do là "chất lượng điều hành đi xuống".

Một phần nguyên nhân là do bế tắc trần nợ cách đây vài tháng, và một phần khác là dự báo không mấy lạc quan về tình hình gánh nặng nợ của Chính phủ Mỹ trong tương lại. Fitch nhận định "tình hình tài khóa của Mỹ sẽ xấu đi trong ba năm tới, gánh nặng nợ công sẽ tăng cao và chất lượng quản trị đi xuống so với các nước cùng xếp hạng AA và AAA".

Nhưng vì sao gánh nặng nợ công của Mỹ sẽ tăng cao? Có hai nguyên nhân lớn, một là chi tiêu công lớn - do theo đuổi mô hình kinh tế trường phái Biden (Bidenomics), và thứ hai là lãi vay tăng cao.

Lãi vay tăng cao và nhanh

Về lãi vay thì dễ hiểu. Lãi suất các khoản vay nợ trên toàn cầu đều tăng 2-3 lần, một số nước trên 5 lần (như Mỹ). Chi phí vay nợ trên thị trường tài chính quốc tế phản ứng theo. Fitch ước tính Chính phủ Mỹ đã phải chi thêm 131 tỉ đô la để trả lãi trong năm tài chính này, tăng 25% so với năm trước. Doanh thu thuế cũng giảm 11% sau khi tăng mạnh vào năm ngoái.

Ảnh: JHU Hub

Ảnh: JHU Hub

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ thường xuyên cập nhật dự báo ngân sách dài hạn và tính toán rằng nợ công của nước này vẫn sẽ vượt tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm tài chính này, và lãi suất của khoản nợ đó sẽ bằng 3/4 phần chi tiêu không bắt buộc, chưa tính chi tiêu quốc phòng vào năm 2030 (hiện chỉ chiếm chừng một nửa).

"Chi tiêu không bắt buộc" thật ra là cách gọi không chính xác lắm, bởi nó gồm các khoản chi chủ chốt như hạ tầng, lương nhân viên chính phủ và chi quân sự. Các khoản này được gọi như vậy do phải được Quốc hội phê duyệt hằng năm. 

Trong khi chi tiêu bắt buộc - chủ yếu là an sinh xã hội như bảo hiểm xã hội và y tế (Medicare cho người già và người khuyết tật, Medicaid cho người nghèo). Các chương trình này do Quốc hội phê chuẩn theo các chương trình nghị sự trước đây, và được tự động chi cho người đủ điều kiện, không cần phê duyệt hằng năm.

Nhìn vào cấu trúc trên, những khoản "kiểu gì cũng phải chi", như lãi vay và phúc lợi, là không thể thương lượng. Chi tiêu quân sự cũng khó cắt giảm trong bối cảnh thế giới hiện nay. Vì vậy, gánh nặng chi tiêu ngân sách e là khó giảm, mà mỗi năm sẽ càng mỗi tăng. 

Khoản chi tiêu lớn có thể giảm là đầu tư hạ tầng, nhưng với chính sách kinh tế kiểu Biden thì những khoản này sẽ còn phải phình to nữa.

Kiểu Biden là kiểu gì?

Có thể nói ngắn gọn đó là chi tiền cho người lao động, chứ không giảm thuế cho giới chủ.

Các chính quyền Cộng hòa ở Mỹ thường muốn giảm thuế đánh vào doanh nghiệp, gồm thuế thu nhập và thuế lãi vốn, tức một mô hình kinh tế trọng cung (như chính quyền Reagan chẳng hạn). Cách làm này được cho là mang lại lợi ích cho giới chủ. 

Về lý luận kinh tế, lý thuyết này cho rằng khi người giàu được giảm thuế, họ sẽ tăng đầu tư vào nền kinh tế, tạo ra việc làm và thịnh vượng chung; trong khi đầu tư công sẽ "chèn lấn" đầu tư tư nhân. Vì vậy, nên tập trung giảm thuế cho giới chủ và doanh nghiệp, hạn chế chi tiêu công quá nhiều, để khuyến khích chi tiêu tư nhân.

Mô hình chính sách kinh tế của ông Biden hiện gần như ngược lại, phản ánh góc nhìn của phía Dân chủ: tăng chi tiêu cho nhóm người thu nhập thấp và trung lưu, qua đó thúc đẩy tăng trưởng. 

Ảnh: Newsweek

Ảnh: Newsweek

Jared Bernstein, chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng, cho rằng quan điểm giảm thuế cho người giàu để kích thích kinh tế đã lỗi thời. Thay vì giảm thuế cho giới chủ doanh nghiệp, Chính phủ Mỹ sẽ thúc đẩy đầu tư công, nhờ đó thu hút thêm đầu tư tư nhân. Kết quả là chính quyền Biden đã đổ tiền ồ ạt vào nền kinh tế.

Lấy ví dụ, gói chính sách kinh tế lớn đầu tiên của ông Biden là Kế hoạch giải cứu Hoa Kỳ, gói kích thích trị giá 1.900 tỉ đô la, lớn nhất thế giới khi đó, nhằm vượt qua suy thoái do đại dịch. Tiếp theo là Đạo luật giảm lạm phát chi các khoản trợ cấp và ưu đãi thuế, gồm hỗ trợ nhiều ngành công nghiệp xanh. Rồi Đạo luật khoa học và chip cung cấp 52 tỉ đô la trợ cấp cho công nghiệp bán dẫn...

Một số phân tích ở Mỹ cho rằng những chính sách này đóng vai trò quan trọng kích thích nền kinh tế và giữ cho tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong lịch sử, giúp nước Mỹ thoát được một cuộc suy thoái tưởng như chắc chắn trong năm 2023.

Con dao hai lưỡi

Tuy nhiên, cái giá phải trả của chính sách này cũng không nhỏ. Trước tiên là chi tiêu tiền chính phủ ở quy mô lớn và liên tục tạo ra lạm phát cao. Mỹ không bị tác động nặng nề và trực tiếp từ cuộc chiến Nga - Ukraine, do đó lạm phát cao ở Mỹ có vai trò không thể phủ nhận từ tổng cầu "vững chắc" và thị trường lao động "thắt chặt". 

Người dân có việc làm, thu nhập tăng, họ mạnh tay vay nợ (qua thẻ tín dụng) để chi tiêu. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, dư nợ thẻ tín dụng của người Mỹ lại lập đỉnh mới.

Thứ hai, nợ công không ngừng tăng sớm muộn cũng sẽ tạo gánh nặng trả gốc và lãi vay. Không chỉ người dân nợ nhiều hơn, Chính phủ Mỹ cũng vậy, mà điển hình là đợt diễn biến lộn xộn với trần nợ công hồi nửa đầu năm nay. Dù cuối cùng Chính phủ và Quốc hội Mỹ cũng dàn xếp được (như nhiều lần trước), nợ công nước này dự kiến sẽ vẫn ở mức cao, và vẫn trên 100% GDP trong năm nay.

Quan trọng là 70% số trái phiếu kho bạc (tức nợ chính phủ) do các nhà đầu tư tư nhân nắm giữ phải được tái tục trong vòng 5 năm. Giả sử lãi suất tái tục chỉ tăng thêm 1% so với mức dự báo 3% của Văn phòng Ngân sách Quốc hội, nợ liên bang sẽ tăng thêm 3.500 tỉ đô la vào năm 2033. Điều này rất có thể xảy ra khi mặt bằng lãi suất cao mới được thiết lập có thể phải duy trì lâu hơn. Đó là lý do Fitch hạ bậc tín nhiệm của nợ công Mỹ.

Mỹ tất nhiên có vài lợi thế khiến nhiều người không quá lo ngại. "Mỹ vay tiền được thì cứ vay thêm, sợ gì, miễn chi tiêu đúng cách", đó là cách nghĩ của một số người Mỹ mà tôi nói chuyện, trong đó có nhiều giáo sư kinh tế nổi tiếng và cả vài người giữ vị trí cao trong nhóm phân tích ở các ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới. Họ tự tin vì vai trò đồng tiền dự trữ của đồng đô la cũng như nắm trong tay chiếc máy in tiền của toàn thế giới.

Chính nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cũng phát biểu coi thường việc Fitch hạ bậc tín nhiệm nợ công của Mỹ, xem đó là chuyện chẳng đáng quan tâm, còn CEO của JP Morgan Jamie Dimon gọi đó là "trò cười". 

Ông Buffett nói là làm và đã mua thêm 10 tỉ đô la trái phiếu Mỹ ngay sau khi Fitch hạ bậc tín nhiệm. "Có một số điều mọi người không nên lo lắng. Đây là một trong số đó", ông Buffett bình luận. Một người bạn tôi copy lại câu này trong tin nhắn, nhận xét "ngầu như trái bầu".

Tuy nhiên, những người cầm tiền của Chính phủ Mỹ thì không thể "tỉnh" như vậy. Theo ước tính, quỹ ủy thác của bảo hiểm xã hội sẽ cạn kiệt vào năm 2034, nghĩa là chính phủ sẽ không thể tiếp tục chi trả như đã hứa. 

Quỹ ủy thác của Medicare sẽ chỉ đủ tiền chi trả đầy đủ đến năm 2031. Nguy cơ vỡ các quỹ này là có thật, và tất yếu cần thêm vốn bổ sung. Nhưng tiền ở đâu ra thì chưa biết, có thể cũng không phải việc mà chính quyền ông Biden phải lo. Nhiệm kỳ tới ông còn chưa chắc, nói gì chuyện 2031, 2034. ■

Michael Strain, giám đốc nghiên cứu chính sách kinh tế tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, bày tỏ lo ngại rằng vì Mỹ vẫn đang tăng trưởng kinh tế khá, cộng thêm đồng đô la là đồng tiền dự trữ quốc tế, giới đầu tư và người làm chính sách đang có dấu hiệu "tự mãn", và thường sai lầm đều có nguồn gốc từ "tự mãn" mà ra.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận