Nỗi niềm shipper mùa dịch

CÔNG TRUNG 07/10/2021 09:05 GMT+7

TTCT - Được công nhận và cảm thông, được bảo vệ quyền lợi và có nhiều quyền hơn cho xứng danh “đối tác” với các nền tảng công nghệ là điều mà nhiều shipper mong muốn, sau nhiều tháng kiên trì với các quy định thay đổi chóng mặt, vô số lần bị “chọc mũi” để trụ lại với nghề, kiếm sống ở Sài Gòn giữa mùa dịch.

 
 Hàng trăm shipper xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm trên đường Nguyễn Duy Trinh, TP Thủ Đức, TP.HCM sáng 24-9. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Quê ở Trà Vinh, anh Võ Quốc Thiện cùng vợ và 2 đứa con nhỏ lên Sài Gòn mưu sinh gần 2 năm nay. Chồng chạy cho Grab, vợ phụ quán ăn. Dịch giã, quán đóng cửa, vợ ở nhà trọ chăm con, gánh nặng cơm áo gạo tiền trong mùa dịch khiến anh Thiện bươn chải cả ngày ngoài đường, mặc kệ nắng mưa gió bụi, cần mẫn đi giao hàng.

Kể từ lúc Sài Gòn siết chặt chống dịch cho đến nay, anh Thiện quay cuồng với những quy định mà giới tài xế hay nói là quản lý hoạt động shipper “thời vụ 1 tuần”, bởi thông báo, quy định mới cứ ra xoành xoạch sau 1 - 2 tuần: từ cấm shipper đến cho chạy liên quận rồi trở về nội quận, từ yêu cầu về mã QR, găng tay tới giới hạn số lượng tài xế.

Ngay chuyện xét nghiệm cũng nay thế này mai lại khác. Shipper ở “vùng đỏ” phải đến cơ sở y tế xét nghiệm từ 5h - 6h sáng mỗi ngày mới được hoạt động. Sau đó, doanh nghiệp tự chịu xét nghiệm thay cho y tế, shipper chịu phí 75.000 - 160.000 đồng/lần; rồi kể từ ngày 25-9, chính các tài xế được giao kit để tự xét nghiệm 3 ngày/lần. Anh Thiện không nhớ nỗi bao nhiêu lần bị ngoáy mũi, cảm giác phình sưng như “mũi Trư Bát Giới”, nhưng quy định thay đổi tới đâu cũng ráng theo tới đó, để lo tiền trọ, tiền sữa cho con, tiền ăn và chi phí sinh hoạt của hai vợ chồng.

Thiện kể khi “nổ cuốc” giao hàng từ Thanh Đa qua đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) khoảng cách khoảng 4km. Nếu bình thường thời gian hoàn thành đơn hàng chưa tới 20 phút thì trong mùa dịch, Thiện nhận đơn lúc 17h mà phải chạy vòng vèo 10km, trình đủ giấy tờ mới tìm tới được trước hẻm nhà của khách, vừa kịp trước 18h. “Google Maps đâu có chỉ đường nào có chốt để mà tránh. Tới nơi gọi 4 - 5 cuộc khách mới bắt máy. Thay vì ra nhận hàng, khách lại mắng xối xả cái thằng, cái đồ shipper khi giao trễ 1 tiếng đồ ăn nguội hết” - anh Thiện nhớ lại. Quay xe về, bụng đói rã rời, nước mắt cứ thế chực trào vì những lời đắng chát “cái đồ shipper”.

Trong khi đó, nhiều shipper bức xúc vì khi giá cước giao hàng tăng cao, trên mạng xã hội truyền thông rần rần chuyện “mua tô bún bò, giá 40.000 đồng phí ship tới 65.000 đồng, shipper thu bạc triệu mỗi ngày”. Shipper của Be, ông Trần Văn Thành nói giá cước có cao hơn nhưng thu nhập của tài xế không đáng là bao. Mỗi ngày “vắt chân lên cổ” mới giao được khoảng 10 - 15 đơn, tương đương 400.000 - 500.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, sau khi trừ chi phí chiết khấu 25 - 30% với app, tiền xăng dầu, điện thoại... phần thực nhận của tài xế chỉ đủ trang trải ăn uống hằng ngày, tiền trọ.

Chưa kể các app đặt ra những tiêu chí buộc shipper không thể chọn lựa cuốc, phải chạy đủ số lượng 20 cuốc/ngày, tỉ lệ nhận chuyến trên 90% mới được duy trì có tên trên danh sách đăng ký được phép hoạt động với Sở Công thương TP. Còn không đạt sẽ bị cắt suất, nhường cho người khác. Các hãng tung chính sách nhưng để đạt được điểm thưởng, quy đổi ra tiền 100.000 - 200.000 đồng/ngày là rất “chua”.

Gắn bó với nghề hơn 4 năm, ông Thành buồn bã nói rằng hàng ngàn shipper bị lạc lõng, không có một lá chắn nào bảo vệ quyền lợi của họ. Các app áp đặt các tiêu chí buộc shipper phải chạy không được chọn lựa cuốc, hoàn toàn mâu thuẫn với 2 chữ “đối tác” mà các công ty công nghệ thường dẫn dụ. Quy định kiểm soát shipper, riêng phần xét nghiệm thay đổi chóng mặt, bị từ chối xét nghiệm ở trạm y tế lưu động. Khách hàng than phiền giá cước giao hàng tăng, giao hàng chậm trễ. Chưa kể, mỗi lần qua các chốt kiểm soát là hồi hộp với việc kiểm tra, thiếu một số giấy tờ là phạt.

Theo ông Thành, những gì khó khăn nhất trong mấy tháng dịch cũng dần được tháo gỡ. Ông chỉ mong các hãng tăng thêm những chế độ đãi ngộ như mua bảo hiểm, tăng điểm thưởng, xem tài xế như là đối tác thật sự và cũng là lực lượng tuyến đầu để có động lực làm việc được hăng say. “Tôi hy vọng sắp tới các chốt kiểm soát được gỡ bỏ, việc lưu thông thuận lợi giá cước sẽ giảm hơn trước” - ông Thành nói.■

Trên các cộng đồng shipper, thay vì rầu rĩ, than vãn về nghề, nhiều tài xế bày tỏ tự hào, niềm vui khi giao được đơn hàng cho những khách hàng đang ở khu cách ly thiếu thốn đủ thứ. Khi nhận đơn hàng giao đến những khu vực này biết bao nguy hiểm rình rập, người nhà bệnh nhân, người giao hàng tụ tập đông đúc; vừa lo sợ, vừa mất rất nhiều thời gian kiểm duyệt, ghi rõ tên tuổi người nhận. Đôi lúc muốn bỏ cuốc, trả hàng nhưng nếu shipper nào cũng làm vậy sẽ gây khó khăn lớn cho người đặt hàng, người dân có nhu cầu cấp thiết. Dù chờ đợi 30 - 40 phút để giao hàng, tiền công nhận về chỉ 30.000 - 40.000 đồng nhưng nhiều shipper kiên nhẫn hoàn thành đơn hàng vì đây cũng là một cách để chung tay giúp đỡ người dân thành phố. “Đôi khi nhận lại câu “cảm ơn shipper, đi lại cẩn thận dịch giã nhé” của khách mà ấm lòng, cảm giác được sự cảm thông, động viên nhìn nhận vai trò của nghề shipper” - ông Thành cười, nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận