Nóng bỏng những không gian hậu Xô Viết

TƯỜNG ANH 25/09/2022 04:11 GMT+7

TTCT - Trong lúc chiến tranh Nga - Ukraine bước vào hồi khốc liệt, biên giới Armenia - Azerbaijan chưa kịp lắng đợt giao tranh mới làm cả trăm người chết, thì đụng độ dữ dội lại bùng lên ở biên giới Kyrgyzstan - Tajikistan.

Nóng bỏng những không gian hậu Xô Viết - Ảnh 1.

Lính biên phòng Kyrgyzstan ở khu vực biên giới. Ảnh:AP

Ngày 14-9, Cơ quan Biên phòng Kyrgyzstan cho biết quân đội Tajikistan đã pháo kích các vị trí của lính biên phòng Kyrgyzstan. Đến 16-9, đụng độ vũ trang giữa hai nước đã lan rộng "dọc toàn tuyến biên giới" dài gần 1.000km. 

Ủy ban Nhà nước về an ninh quốc gia của Tajikistan tuyên bố phía Kyrgyzstan đã "vi phạm thỏa thuận, tấn công đồn biên phòng và một số khu dân cư Tajikistan". Đến 18-9, theo Bộ Y tế Kyrgyzstan, hơn 100 người Kyrgyzstan đã thiệt mạng, trong khi khoảng 20.000 cư dân vùng biên phải sơ tán. Phía Tajikistan nêu con số người chết là 38.

Từ ném đá tới đấu pháo

Ở Kyrgyzstan và Tajikistan dưới thời Liên Xô, vấn đề biên giới là thứ yếu so với quan hệ kinh tế và sắc tộc. Chỉ sau khi độc lập, hai nước mới bắt đầu nảy sinh yêu sách với nhau. Bất đồng thường xuất phát từ tranh chấp tài nguyên: đồng cỏ, cửa hút nước, kênh đào... 

Kết quả là 450km biên giới vẫn chưa được phân định, với 70 đoạn được coi là có tranh chấp. Tổng cộng hơn 150 sự cố đã xảy ra trong 15 năm qua dọc đường biên giới này.

Theo quan sát của ông Andrey Grozin, phụ trách Vụ Trung Á tại Viện các nước SNG, bản chất cuộc xung đột đã thay đổi những năm gần đây. "10 năm trước, các cuộc đụng độ ở biên giới chủ yếu do thường dân. Họ đánh nhau, ném đá vào nhau. Nhưng 5 năm trở lại đây, quân đội tham gia ngày càng thường xuyên, sử dụng nhiều vũ khí hạng nặng. Súng cối và xe bọc thép đã trở nên quen thuộc". 

Khác với những lần đụng độ trước, lần xung đột này quy mô và khốc liệt, với sự tham gia của thiết bị và vũ khí hạng nặng, không quân, bao gồm cả máy bay không người lái.

Khu vực miền núi giữa Tajikistan với Afghanistan là vùng hầu như vô chính phủ, thường xuyên diễn ra hoạt động vượt biên trái phép và buôn lậu hàng cấm. 

Các tay súng Hồi giáo Vilayat Khorasan, một nhánh của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, từ lâu đã tìm cách hoạt động tích cực hơn ở các quốc gia Trung Á hậu Xô viết. Xung đột kéo dài với sự hiện diện của các nhóm dân tộc chủ nghĩa là cơ hội lý tưởng để họ xâm nhập và thu hút người mới. 

Các nhóm truyền thông của IS cũng đã phát sóng bằng tiếng Tajikistan được một thời gian dài. Do đó, tuyên bố của Cơ quan Biên phòng Kyrgyzstan về sự tham gia của những "người lạ" trong cuộc chiến biên giới mới rồi có thể là chính đáng.

Vấn đề là việc phân định biên giới giữa hai nước không thể diễn ra, do Bishkek và Dushanbe viện dẫn các bản đồ từ các năm khác nhau và không chịu thỏa hiệp. Ngoài ra, sức ép từ dư luận trong nước rất lớn với cả hai chính quyền.

Các quốc gia khác trong không gian hậu Xô viết đã đưa nhiều sáng kiến nhằm giúp giải quyết tranh chấp. Tháng 7 vừa rồi, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Zhomart Tokayev đề xuất lập một nhóm chuyên gia để xây dựng hướng tiếp cận phân định biên giới sao cho cả hai bên đều có thể chấp nhận. 

Nhóm này sẽ bao gồm các luật sư, chuyên gia bản đồ và lính biên phòng có kinh nghiệm thực tế. Nga cũng đã nhiều lần đề nghị hỗ trợ. Ngày 14-9, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố sẵn sàng giúp Bishkek và Dushanbe "đạt được giải pháp lâu dài chấp nhận được với cả hai bên về các vấn đề biên giới".

Cuộc đụng độ mới nhất nổ ra đúng lúc lãnh đạo hai nước, Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov và Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon đang có mặt tại Samarkand dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). 

Chiều 16-9, họ đã tổ chức gặp mặt trực tiếp, thống nhất về việc ngừng bắn, đồng thời chỉ thị cho lực lượng hai nước rút khỏi đường giao tranh. Sau đó, cường độ pháo kích giảm xuống, dù ở một số khu vực giao tranh chưa dừng lại.

Nagorno - Karabakh giữa Brussels, Washington và Matxcơva

Đụng độ Kyrgyzstan - Tajikistan không phải là vấn đề duy nhất làm nóng SCO lần này. Trước đó, đêm 12 rạng sáng 13-9, xung đột giữa Armenia và Azerbaijan lại nổ ra. Quân đội Azerbaijan không kích lãnh thổ Armenia, động thái mà họ nói là "để đáp trả cuộc pháo kích của Armenia hôm 12-9". 


Nóng bỏng những không gian hậu Xô Viết - Ảnh 2.

Biên giới Kyrgyzstan và Tajikistan còn nhiều khu vực chồng lấn và tranh chấp. Ảnh: Wikipedia

Theo Bộ Quốc phòng Azerbaijan, đụng độ ở biên giới trong hai ngày 13 và 14-9 đã khiến 71 binh sĩ Azerbaijan thiệt mạng. Về phần mình, Bộ Quốc phòng Armenia cho biết có 105 người chết. Đây là đợt xung đột nghiêm trọng nhất kể từ cuộc chiến tranh mùa thu năm 2020, đặt Baku và Yerevan trên bờ vực một cuộc chiến toàn diện mới.

Đặc biệt, đợt xung đột mới xảy ra chưa đầy 2 tuần sau cuộc hội đàm ba bên vào 31-8 giữa lãnh đạo hai nước tại Brussels, do Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel làm trung gian. Khi đó các nhà đàm phán đã đưa ra tuyên bố khá lạc quan về "nền tảng châu Âu hiệu quả", cho phép Yerevan và Baku tiến tới thảo luận thực chất một hiệp ước hòa bình. 

Đợt leo thang quân sự lần này giữa hai nước cộng hòa Kavkaz là đẫm máu nhất kể từ cuộc chiến tranh Karabakh lần thứ hai 2 năm trước kết thúc, đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng đóng vai trò hòa giải của châu Âu nói riêng và phương Tây nói chung.

Hội nghị Brussels 31-8 diễn ra sau khi vào đầu tháng 8, Baku thực hiện chiến dịch "Báo thù" gần cao điểm Sarybaba ở Nagorno-Karabakh. Khi đó, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tuyên bố chiến dịch quân sự này là phản ứng trước "hành động khiêu khích vũ trang của phía Armenia", dẫn đến cái chết của một binh sĩ Azerbaijan. 

Đáp lại, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nói lực lượng gìn giữ hòa bình Nga trong khu vực "phải hành động", nếu không "sự hiện diện của họ sẽ gây nghi ngờ".

Đó không phải là lần đầu ông Pashinyan bày tỏ sự không hài lòng với vai trò của Nga trong cuộc xung đột. 

Trước đó, trong một thông điệp gửi người dân Armenia nhân kỷ niệm 32 năm độc lập, ông Pashinyan đã lưu ý rằng "độc lập là một mối quan hệ đồng minh bền chặt, nhưng các đồng minh không phải lúc nào cũng là đồng minh của ta, họ còn là đồng minh của những người chống lại ta", ám chỉ mối quan hệ giữa Nga và Azerbaijan.

Baku cũng không hài lòng, cụ thể là với tiến độ thực hiện các thỏa thuận được ký kết vào tháng 11-2020 kết thúc cuộc chiến tranh lần trước. 

Nóng bỏng những không gian hậu Xô Viết - Ảnh 3.

Azerbaijan - Armenia và vùng tranh chấp Nagorno - Karabakh, hiện do lực lượng gìn giữ hòa bình Nga kiểm soát. Ảnh: Al Jazeera

Azerbaijan đặc biệt khó chịu vì điều khoản thứ tư của thỏa thuận yêu cầu triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga trong khu vực xung đột đồng thời với việc các nhóm vũ trang Armenia phải rời đi. Baku khẳng định trong khi lính Nga đã có mặt thì lính Armenia vẫn chưa rút.

Phương Tây thì quan tâm đến việc giải quyết xung đột sau tháng 11-2025, tức sau khi kết thúc nhiệm vụ 5 năm của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga theo thỏa thuận hiện tại. Bối cảnh này dẫn đến điều mà truyền thông gọi là "cuộc chạy đua giữa phương Tây và Nga" ở Nagorno - Karabakh.

Hiện có hai quá trình đàm phán cạnh tranh nhau: (1) đàm phán dưới sự bảo trợ của Brussels, được Hoa Kỳ hỗ trợ; (2) đàm phán do Matxcơva bảo trợ qua Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO). 

"Tại Armenia, một số lực lượng chính trị thân phương Tây, liên kết chặt chẽ với chính quyền, đã thúc đẩy ý tưởng rằng các thỏa thuận nên được ký kết với Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ càng sớm càng tốt, hàm ý nên chấp nhận cái giá phải trả là Karabakh. Theo ý họ, điều này sẽ giúp loại bỏ Nga", nhà khoa học chính trị Hayk Khalatyan của Viện Quốc tế các quốc gia mới (Armenia) nhận định.

Đến tháng 5-2022, Washington bắt đầu nhấn mạnh mối quan tâm của mình trong cuộc xung đột Armenia - Azerbaijan. Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 24-5 viết: 

"Ngoại trưởng Anthony Blinken đã nói chuyện với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, người đề nghị Hoa Kỳ hỗ trợ trong nỗ lực phân định biên giới", và "Washington tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ với các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Aliyev và Thủ tướng Pashinyan do EU làm trung gian". 

Mối quan tâm này thể hiện với sự kiện tâm điểm ngày 17-9, khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến Yerevan để nhấn mạnh cam kết của Washington với "an ninh, thịnh vượng kinh tế và quản trị dân chủ ở Armenia".

Như mọi nơi khác, mối quan tâm của Washington ở Armenia vẫn là địa chính trị. Theo nhà Đông phương học Larisa Aleksanyan, sau khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra, vùng Nam Kavkaz trở nên có tầm quan trọng chiến lược trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. 

"Thực tế là nhà chức trách Mỹ đã đẩy mạnh chính sách loại bỏ Nga khỏi không gian hậu Xô viết, chủ yếu là khỏi Nam Kavkaz, vì sự gần gũi của khu vực này với Bắc Kavkaz khiến nó đóng vai trò quan trọng trong các lợi ích sống còn của Nga. Mỹ muốn… lực lượng gìn giữ hòa bình Nga sẽ rời Nagorno - Karabakh".

Tuy nhiên, đợt xung đột mới bùng phát cho thấy vấn đề Nagorno - Karabakh là bài toán không dễ tìm lời giải, kể cả với Brussels và Washington. Nga, bất chấp việc đang bận rộn ở Ukraine, cũng chưa bao giờ có ý định từ bỏ khu vực then chốt này.■

Ngày 14-9, Armenia chính thức nộp đơn cho CSTO viện dẫn điều 4, theo đó hành vi xâm lược chống lại một thành viên được coi là nhắm vào tất cả thành viên trong khối. Qua đó Yerevan yêu cầu hỗ trợ quân sự từ khối, để chống lại Azerbaijan.

Ngày 15-9, một nhóm tiền trạm CSTO đã đến biên giới Armenia - Azerbaijan để đánh giá tình hình, trước khi phái bộ CSTO lên đường vào tuần này. Trong khi CSTO còn đang chuẩn bị, đại diện đặc biệt của EU tại Nam Kavkaz Toivo Klaar đã bay đến khu vực.

Trong cuộc gặp Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev ở Baku, ông Klaar đã bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng, còn ông Aliyev nói Baku "ủng hộ chương trình nghị sự hòa bình tiếp nối các cuộc thảo luận được tổ chức tại Brussels".

Trong khi đó, Viện Russtrat (Nga) ngày 14-9 nhắc lại báo cáo năm 2019 của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Hoa Kỳ RAND khuyến nghị về các biện pháp hiệu quả để gây áp lực lên Nga, bao gồm: (1) cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine; (2) khởi động lại chương trình hỗ trợ phiến quân Syria; (3) hỗ trợ các nỗ lực thay đổi chế độ ở Belarus; (4) khai thác căng thẳng Armenia - Azerbaijan ở Nam Kavkaz; (5) giảm bớt ảnh hưởng của Nga ở Trung Á; (6) thách thức sự hiện diện của Nga ở Moldova…

Báo cáo này cũng phần nào giải thích vì sao các vấn đề biên giới Kyrgyzstan - Tajikistan và Nagorno - Karabakh lại bất ngờ nóng lên trước và ngay trong cuộc họp tháng 9-2022 của SCO, một diễn đàn cổ xúy cho việc phá bỏ thế độc tôn của phương Tây, xây dựng thế đa cực.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận