TTCT - Có thể nói, việc khu vực nông nghiệp tăng trưởng âm trong sáu tháng đầu năm nay là hiện tượng hiếm có của nền kinh tế nước ta. Vấn đề lớn của nông sản Việt Nam là đầu ra -Tiến Thành Điều đáng nói nhất là những nguyên nhân của hiện tượng này chưa được nhìn nhận thấu đáo, và những hệ quả cũng chưa được chú ý đúng mức. Giọt nước làm tràn ly Nhận định về bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước, Tổng cục Thống kê nêu rõ: “... giá cả hàng hóa thế giới vẫn ở mức thấp...; rét đậm, rét hại ở các tỉnh phía Bắc, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại Tây nguyên, Nam Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng lớn tới sản xuất và đời sống nhân dân”. Còn về thiệt hại, tổng giá trị được cơ quan này ước tính khoảng 15,2 nghìn tỉ đồng, bằng 5,2% GDP của khu vực nông nghiệp. Thực tế, giá hàng nông sản xuất khẩu không những đứng ở mức thấp mà còn liên tục giảm mạnh từ năm 2011 đến nay khiến nông dân thua thiệt ngày càng lớn. Các số liệu thống kê cho thấy trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu bảy mặt hàng nông sản chủ yếu có số liệu thống kê về lượng và giá trị (gồm: gạo, cà phê, điều nhân, sắn và sản phẩm sắn, cao su, hạt tiêu và chè) thực tế chỉ đạt 6,19 tỉ USD (tức chỉ tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2015). Nếu quy về giá cùng kỳ năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này là 6,72 tỉ USD (tăng 9,9%). Nghĩa là chúng ta đã bị thua thiệt về giá 528 triệu USD, bằng 8,5% kim ngạch xuất khẩu thực tế. Quá trình này đã kéo dài suốt 5 năm qua khiến cho kim ngạch và tỉ lệ thua thiệt này ngày càng lớn. Nếu quy về giá cùng kỳ năm 2011 - năm mà hàng nông sản xuất khẩu được giá nhất kể từ năm 2010 trở lại đây - tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này sáu tháng đầu năm nay đã lên tới xấp xỉ 8 tỉ USD, tức là chúng ta đã bị thua thiệt về giá tới gần 1,8 tỉ USD, bằng 29% kim ngạch xuất khẩu thực tế. Đây là thực trạng chung của thị trường nông sản thế giới chứ không phải chỉ trong xuất khẩu của riêng chúng ta. Cần nhấn mạnh rằng đây là lần thứ hai trong gần sáu thập niên qua, giá hàng nông sản giảm trong suốt 5 năm liền như vậy. Như vậy, rõ ràng là tác động của việc giá hàng nông sản giảm khiến khu vực nông nghiệp của nước ta tăng trưởng âm còn mạnh hơn nhiều so với thiệt hại “khủng” do thiên tai. Từ thực tế này, nói một cách hình ảnh, trong khi nông nghiệp nước ta phải gồng mình chống chọi với vấn nạn nông sản mất giá trong thời gian quá dài nên đã ngày càng đuối sức, “cú đòn” hạn, mặn thế kỷ đã khiến nó sụp đổ. Nhập khẩu bảy mặt hàng nông sản và vật tư nông nghiệp chủ yếu có số liệu thống kê về lượng và giá trị (gồm: lúa mì, bắp, đậu tương, bông, hạt điều, cao su và phân bón hóa học) lại giảm mạnh (8,3%), rất dễ tạo cảm giác “đánh lừa” về bức tranh xuất nhập khẩu hàng nông sản vẫn rất đẹp. Thực tế ngược lại. Bởi các số liệu thống kê cho thấy chỉ với gần 3,6 tỉ USD, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này sáu tháng qua đã giảm tới 8,3%, nhưng nếu cùng tiếp cận như phương pháp tính toán nói trên thì tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này đã khuếch đại lên gần 5,8 tỉ USD. Không thể phủ nhận khoản lợi gần 2,2 tỉ USD mà nền kinh tế nói chung được hưởng lợi do giá nhập khẩu nhóm hàng nông sản này đã giảm rất mạnh, nhưng rõ ràng là những nông dân sản xuất những mặt hàng tương tự trong nước ngày càng điêu đứng. Cho dù 5 năm trở lại đây giá tiêu dùng không còn là nỗi ám ảnh đối với người tiêu dùng, thậm chí hai năm vừa qua chỉ tăng không đáng kể, nhưng nếu so với năm 2010 cũng đã tăng 60,6%. Trong đó, cho dù giá lương thực trong sáu tháng qua đã tăng mạnh hơn mức tăng của giá tiêu dùng nói chung, nhưng nếu so với năm 2010, trong khi giá lương thực chỉ tăng 45% thì giá hàng phi lương thực và dịch vụ đã tăng vượt trội 62%. Điều này có nghĩa là trong những năm gần đây, ở thị trường trong nước, nông dân sản xuất lương thực vẫn phải chịu thua thiệt kép do phải bán rẻ thứ mình có và mua đắt thứ mình cần, đặc biệt là hai loại dịch vụ thiết yếu giáo dục và y tế. Hệ quả không thể xem thường Tất cả những điều nói trên có nghĩa là sau 5 năm liên tục đối mặt với những khó khăn ngày càng lớn cả ở thị trường trong nước lẫn ngoài nước, “sức khỏe” của nền nông nghiệp nước ta yếu dần. Thiên tai và nhân tai là tác nhân cộng hưởng khiến chúng ta buộc phải chứng kiến tình trạng tăng trưởng âm trong sáu tháng đầu năm nay. Dù chậm dần trong những năm gần đây nhưng trước đây, GDP của khu vực nông nghiệp vẫn nhúc nhích tăng, nên vẫn góp phần làm cho “rổ GDP” chung của nền kinh tế lớn lên. Song với mức tăng trưởng âm hiện nay, nó thật sự đã trở thành gánh nặng trong việc khôi phục nhịp độ tăng trưởng kinh tế. Việc GDP sáu tháng vừa qua tăng trưởng chậm hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước và khả năng không thực hiện được mục tiêu tăng trưởng năm nay đủ cho thấy điều đó. Ở một quốc gia vẫn còn 65,4% dân cư trong khu vực nông thôn như Việt Nam, tăng trưởng âm của khu vực nông nghiệp có nghĩa là nguồn thu nhập rất quan trọng của bộ phận dân cư này đã giảm tuyệt đối, nên sức mua của thị trường trong nước tất yếu suy giảm, dẫn đến khu vực công nghiệp và dịch vụ ngày càng thiếu thị trường để phát triển. Xu thế tăng trưởng chậm dần của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thị trường trong nước những năm gần đây và sáu tháng qua khiến “rổ hàng hóa và dịch vụ bán lẻ” ở thị trường trong nước ngày càng bé dần so với “rổ hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu”. Tức là sự phát triển của nền kinh tế nước ta ngày càng phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu nên nhịp độ tăng trưởng những năm qua không đạt như mong muốn. Trong bối cảnh khó khăn đã tích tụ ngày càng lớn, hạn mặn thế kỷ là yếu tố đột biến khiến khu vực nông nghiệp tăng trưởng âm, nên về lý thuyết, khi yếu tố nhất thời này không còn thì bức tranh sẽ sáng trở lại, song những hệ quả mà nó để lại thì rất lớn, cần có những chính sách và giải pháp tương thích để khắc phục. Có điều, không ai có thể chắc chắn gì về vấn đề này.■ Tags: Nông nghiệpTăng trưởng âm
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
KOL Huyền Phi từng ở nhà dột, hút hàng triệu người theo dõi để bán hàng Việt thế nào? BÔNG MAI 22/11/2024 Gắn liền với bộ đồ bà ba giản dị, giọng nói dễ mến, Huyền Phi đưa hàng triệu người xem trải nghiệm cuộc sống thôn quê bình dị qua video nấu ăn, đi ruộng... Sau tháng ngày ở nhà dột, kiếm ăn từng bữa, cô đổi đời, tạo công ăn việc làm cho nhiều người.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Tình báo Ukraine: Tên lửa mới của Nga vượt tốc độ 13.500km/h THANH HIỀN 22/11/2024 Cơ quan tình báo của Ukraine nhận định tên lửa Nga tấn công hôm 21-11 đã bay trong 15 phút trước khi va chạm ở thành phố Dnipro và đạt tốc độ tối đa vượt quá Mach 11 (trên 13.500km/h).