Nước Mỹ chào đón tân tổng thống

DANH ĐỨC 20/01/2025 09:55 GMT+7

TTCT - Có lẽ sẽ không có vụ bạo động bất ngờ nào như hồi năm 2021, và lễ nhậm chức tổng thống thứ 47 Hoa Kỳ Donald Trump sẽ diễn ra suôn sẻ vào ngày 20-1 tại mặt tây Điện Capitol, Washington, D.C., bắt đầu nhiệm kỳ hứa hẹn cũng sẽ đầy tranh cãi.

Nước Mỹ chào đón tân tổng thống - Ảnh 1.

Ông Trump và ông Obama ở đám tang cố tổng thống Jimmy Carter mới đây. Ảnh: AFP

Dù chưa nhậm chức, tổng thống đắc cử Trump đã được thư mời của thống đốc bang California Gavin Newsom đến thăm các khu hỏa hoạn ở Los Angeles. Sở dĩ có vụ mời này là do trước đó, ông Trump đã "quở" thống đốc California và chính quyền địa phương vì có những quyết định làm tình hình xấu thêm. 

Không chỉ ông Trump "quở", mà cả ông phó (tổng thống) đắc cử J.D. Vance cũng "quở" theo: "Rõ ràng ở California đang thiếu hụt nghiêm trọng năng lực quản lý. Và tôi nghĩ đó là một phần lý do tại sao các đám cháy này trở nên tồi tệ như vậy". 

Trong thư phúc đáp, ông Newsom phản pháo: "Vào lúc ngài chuẩn bị đảm nhiệm chức tổng thống một lần nữa, tôi mời ngài đến California... Trong tinh thần của đất nước vĩ đại này, chúng ta không được chính trị hóa thảm kịch của con người hoặc phát tán thông tin sai lệch".

Trận chiến truyền thông

Những phát biểu qua lại như trên là bề nổi của trận chiến mà một bộ phận đáng kể báo chí Mỹ đang chuẩn bị trong nhiệm kỳ mới mà cũ này của ông Trump. 

Không phải vô cớ mà hôm thứ hai 13-1, tức đúng một tuần trước khi ông Trump nhậm chức, tờ báo được coi là mẫu mực của làng báo Mỹ The New York Times (NYT) đã chạy tít đầy tính cảnh báo: 

"Các cơ quan truyền thông thực hiện những bước đi bất thường để chuẩn bị cho cuộc tấn công dữ dội từ Trump..., những gì họ lo sợ là một cuộc tấn công về mặt pháp lý và chính trị từ chính quyền mới".

Tờ báo có lịch sử 174 năm và 132 giải Pulitzer như NYT không cần một "tin vịt cồ" để thu hút độc giả khi loan tin phóng viên và biên tập viên tại các tờ báo trong nước đang ngày càng thận trọng để bảo vệ bản thân và nguồn tin trước nguy cơ các cuộc điều tra rò rỉ thông tin liên bang và trát đòi hầu tòa: 

"Nhiều cơ quan thông tấn đang chuẩn bị cho làn sóng các vụ kiện phỉ báng, mà ông Trump và một số đồng minh đã đệ đơn nhắm vào các kênh truyền thông có nội dung mà họ không thích". 

"Một số tổ chức truyền thông, trong đó phải kể đến The New York Times, The Washington Post, Wall Street Journal, The New Yorker, ProPublica, và cả hãng thông tấn Associated Press, đã tự đánh giá liệu họ đã phòng thân đủ để xử lý một loạt vụ kiện tụng tiềm tàng chưa".

Bài báo còn cho biết trang báo chí điều tra phi lợi nhuận The Intercept đang chuẩn bị cho khả năng chính phủ mới "sẽ điều tra các vấn đề như việc sử dụng cộng tác viên của họ có tuân thủ quy định về lao động hay không". 

The Intercept cũng đang kiểm toán nội bộ để đảm bảo đã tuân thủ đầy đủ quy định quản lý cộng tác viên và nhận phí từ nước ngoài. Trang này đã chọc giận phe cánh của ông Trump bằng những tố cáo đích danh hôm 12-1: 

"Bộ Tư pháp Trump thích rò rỉ, miễn là cho các tờ báo của Rupert Murdoch. Chính quyền Trump đã theo dõi các phóng viên để bắt những kẻ tiết lộ. Đồng thời, chính quyền Trump cũng rò rỉ thông tin cho truyền thông cánh hữu".

Biết đụng "ổ kiến lửa", cùng ngày, The Intercept có thư ngỏ gửi bạn đọc: "Hãy tưởng tượng thế giới truyền thông sẽ như thế nào nếu không có The Intercept. Ai sẽ buộc giới chóp bu các đảng phải chịu trách nhiệm về các giá trị mà họ tuyên xưng? 

Bao nhiêu cuộc chiến tranh bí mật, sai lầm trong công lý, và công nghệ phản trắc sẽ vẫn được che giấu nếu các phóng viên của chúng tôi không có mặt ở hiện trường? Các điều tra mà chúng tôi thực hiện là thiết yếu đối với nền dân chủ".

Nhấn mạnh tinh thần "cá sống nhờ nước", The Intercept khẳng định họ là một kênh tin tức độc lập phi lợi nhuận: 

"Chúng tôi không có quảng cáo, vì vậy phụ thuộc vào độc giả để giúp chúng tôi buộc những người có quyền lực phải có trách nhiệm. Bạn đọc có thể hỗ trợ chỉ với 3 hoặc 5 đô la một tháng. Chỉ cần như vậy là đủ để hỗ trợ cho nền báo chí mà các bạn tin tưởng". Báo chí chỉ là báo chí khi tự túc, bằng không thì là "báo đời" thôi.

Nội các mới

Tất nhiên, nếu có tờ báo chống Trump như The Intercept thì cũng có truyền thông phò Trump như hãng truyền hình Fox News. Sáng thứ ba 14-1, Fox News loan tin: "Pete Hegseth đến Đồi Capitol để điều trần về hồ sơ của mình, các kế hoạch làm rung chuyển Lầu Năm Góc". 

Công luận còn nhớ việc ông Trump đã gây bất ngờ thế nào ngay cả với Đảng Cộng hòa của ông hôm 12-11 khi đề cử một người dẫn chương trình Fox News làm bộ trưởng quốc phòng.

Lãnh đạo mới Lầu Năm Góc 44 tuổi này xuất thân là thiếu tá lực lượng dự bị thuộc Vệ binh quốc gia, được công chúng biết đến qua những bình luận về cải cách quân đội, hạn chế phụ nữ tham gia lực lượng chiến đấu, và kêu gọi ông Trump cách chức đại tướng Charles Q. Brown, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ. (Khách quan mà nói, ở Mỹ thì chuyện bộ trưởng quốc phòng không xuất thân từ giới tướng lãnh là hết sức bình thường).

Thế là sáng 14-1, ông Hegseth ra điều trần trước tiểu ban quân vụ Thượng viện Mỹ. Trong bối cảnh mà ngân sách quốc phòng Mỹ 2024 đã là 841,4 tỉ USD, ông Hegseth đang muốn "xóa sạch" các nền tảng cũ của Lầu Năm Góc, nên ông tự giới thiệu bản thân, sứ mệnh của mình, nhất là quan hệ có một không hai với ông chủ Nhà Trắng sắp tới: 

"Ông ấy tin, và tôi khiêm tốn đồng ý, rằng đã đến lúc trao quyền chỉ huy cho một người mang đôi giày phủ bụi. Một tác nhân thay đổi. Một người không có lợi ích cố hữu trong một số công ty hoặc chương trình cụ thể hoặc các hợp đồng được duyệt".

Không khác gì một trái bom ném vào không chỉ tiểu ban quân vụ Thượng viện Mỹ, mà cả tổ hợp công nghiệp - quốc phòng khổng lồ và đáng sợ của nước này. 

Chuyện chính quyền Trump 2.0. quan tâm đến các mảng hái ra tiền này vì sự trong sạch hay vì gì khác thì hạ hồi phân giải, nhưng ông Hegseth đã nói rõ một điều bằng cú phủ đầu "ra mắt": từ đây, người chia bài đã khác!

Chức bộ trưởng quốc phòng là chức vụ đầu tiên được đưa ra trước Thượng viện để "kiểm định", sau đó qua ngày 15-1 tới chức bộ trưởng an ninh nội địa (bà Kristi Noem, 53 tuổi, thống đốc bang South Dakota), tổng chưởng lý (bà Pam Bondi, 59 tuổi, nguyên là chưởng lý bang Florida), bộ trưởng ngoại giao (ông Marco Rubio, 53 tuổi, cựu thượng nghị sĩ), giám đốc CIA (ông John Ratcliffe, 59 tuổi, nguyên là giám đốc tình báo quốc gia trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump), bộ trưởng năng lượng (ông Chris Wright, 59 tuổi, nguyên là CEO tập đoàn năng lượng Liberty Energy); qua ngày 16-1 tới chức bộ trưởng ngân khố (Scott Bessent, 62 tuổi, sáng lập quỹ đầu tư Key Square Group, người đồng tính công khai đầu tiên trong nội các của ông Trump)... 

Nói chung, việc các bộ trưởng điều trần này chỉ mang tính thủ tục, do lẽ Đảng Cộng hòa nắm tới 53/100 ghế ở Thượng viện.

Giờ ở nhiệm kỳ thứ hai, có thể thấy ông Trump đã lựa chọn một nội các "ngon lành" hơn nhiều so với 8 năm trước. Những cái tên đã nêu đều là giới chính trị gia cố cựu, nhiều kinh nghiệm ở lĩnh vực liên quan, hoặc có năng lực lãnh đạo đã được thử thách qua các cương vị trọng yếu, nhà nước hay tư nhân.

Ông Rubio từng là thành viên các ủy ban đối ngoại và tình báo Thượng viện, tức có kinh nghiệm ngoại giao dày dạn. Việc bổ nhiệm ông, một người có quan điểm đặc biệt diều hâu với Trung Quốc, cũng cho thấy phần nào đường hướng đối ngoại sắp tới của chính quyền mới.

Giống như ông Rubio, (sắp) bộ trưởng tài chính Bessent, cũng đồng ý với ông Trump về chuyện áp thuế quan với hàng nhập khẩu, coi đó là cách để Mỹ tăng nguồn thu ngân sách và bảo vệ việc làm trong nước. Đáng lưu ý, ông Bessent từng có thời gian dài làm việc cho tỉ phú được cho là đứng sau nhiều vụ thay đổi chế độ ở nước ngoài: George Soros.

Về cơ bản, nội các mới chia thành hai nhóm. Những người dẫn dắt các cơ quan có tính dân sự và chuyên môn, như ngoại giao hay tài chính, là dân trong nghề, có năng lực đã được kiểm chứng. 

Trong khi đó, với các cơ quan sức mạnh, chấp pháp hay tình báo, ông Trump có xu hướng ưu tiên cho lòng trung thành. Ngoài Hegseth cho ghế lãnh đạo Bộ Quốc phòng, bà Bondi cũng thuộc loại này. 

Bà đã ra sức bảo vệ ông Trump trong cuộc luận tội đầu tiên vào năm 2019 và đi cùng ông tới tận những ngày cuối cùng trong chiến dịch tranh cử năm 2024. Khi bà làm chưởng lý Florida, ông Trump thậm chí đã đóng góp 25.000 đô la vào ủy ban vận động tranh cử cho bà. 

Đáp lại, bà Bondi đích thân đi dự phiên tòa xét xử hình sự ông Trump ở New York và lên truyền hình chê bai hết lời quy trình tố tụng.

Cũng thuộc nhánh các cơ quan sức mạnh, ông Ratcliffe (đề cử giám đốc CIA), luật sư và cựu nghị sĩ Cộng hòa bốn nhiệm kỳ ở Texas, từng làm giám đốc tình báo quốc gia trong giai đoạn 2020-2021, nơi ông tỏ rõ mình là đồng minh thân cận của tổng thống và nghi kỵ mọi cơ quan tình báo quốc gia là đều đang âm mưu chống lại Trump. 

Ông Ratcliffe chỉ được Thượng viện Mỹ xác nhận với khoảng cách sít sao lần trước, nhưng lần này, mọi chuyện có thể dễ dàng hơn nhiều với ông.■

Ghế bộ trưởng an ninh nội địa cũng là nơi ông Trump bố trí một người trung thành: bà Kristi Noem là fan cuồng của ông, có lúc từng là ứng viên phó tổng thống. Bà đã ít nhất 5 lần cử Vệ binh quốc gia của tiểu bang North Dakota, nơi bà làm thống đốc, tới bảo vệ biên giới tây nam nước Mỹ trước người nhập cư lậu, theo lời kêu gọi của ông Trump. Nhiệm vụ chính của bà trong chính quyền mới sẽ là thực hiện lời hứa trục xuất người nhập cư không giấy tờ, tăng cường lực lượng biên phòng và xây dựng thêm cơ sở giam giữ người vượt biên trái phép.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận