Nước Mỹ xã hội chủ nghĩa?

CHIÊU VĂN 03/05/2018 14:05 GMT+7

Là một doanh nhân gần như vô danh, Andrew Yang có mục tiêu rất to tát: trở thành tổng thống Mỹ. Và ông nhắm tới mục tiêu đó bằng cương lĩnh gây sốc cho một nước Mỹ vốn trước giờ rất ghét các kiểu nhà nước phúc lợi: Yang muốn phát không cho mọi công dân Mỹ, tuổi từ 18-64, 1.000 USD mỗi tháng, không kèm theo bất kỳ điều kiện gì.

Andrew Yang. Ảnh: yang2020.com
Andrew Yang. Ảnh: yang2020.com

 

Yang, 43 tuổi, có gốc gác Đài Loan và sinh ở New York năm 1975 (nên vấn đề khai sinh đã được xác nhận), dự tính sẽ chạy đua trong tư cách một đảng viên Dân chủ, theo trang web vận động của ông (yang2020.com).

Những ai nghĩ rằng liều thuốc chữa trị cho Donald Trump là một tay Dân chủ tầm thường đáng chán đã lầm. Ông ta là dấu hiệu cho thấy sự thất bại lớn về thể chế, ở cả hai phía” - Yang nói trên Reddit. Ông muốn một thay đổi sẽ chưa có tiền lệ: kế hoạch thu nhập cơ bản phổ quát (UBI). “Cách trực tiếp và chắc chắn nhất để chính quyền cải thiện đời sống cho bạn là gửi cho bạn một tấm séc 1.000 USD mỗi tháng và để bạn chi tiêu tùy thích theo cách có lợi cho bạn nhất” - Yang tuyên bố.

Chính quyền có “rất nhiều nguồn lực, chỉ là các nguồn lực này chưa được phân bổ cho đủ người”. Là người sáng lập chương trình doanh nhân Venture for America và tác giả cuốn The War on Normal People: The Truth about America’s Disappearing Jobs and Why Universal Basic Income is Our Future (tạm dịch: Cuộc chiến chống lại người bình thường: Sự thật về những công ăn việc làm đang biến mất ở Mỹ và lý do thu nhập cơ bản phổ quát là tương lai của chúng ta), ông tin việc trao tiền mặt sẽ giúp cải thiện phúc lợi cho người Mỹ và khuyến khích tinh thần doanh nhân.

Không thể nào nói hết những tác dụng tích cực của khoản tiền 1.000 USD mỗi tháng cho các hộ gia đình trên toàn quốc. Nó sẽ khiến mọi người vượt ngay ra khỏi kiểu tư duy chạy ăn từng bữa, chuyển sang tư duy được bảo đảm và mở ra những khả năng. Nó sẽ thay đổi hoàn toàn xã hội tích cực hơn - Yang viết trên Reddit - ...UBI sẽ là chất xúc tác tuyệt vời nhất cho nghệ thuật, kinh doanh và sáng tạo mà chúng ta từng được biết”.

Ý tưởng của Yang tất nhiên không mới. Nó đã có nền tảng ít ra là từ Sách công vụ tông đồ (khoảng năm 80-90) của Ki-tô giáo: “Bấy giờ cộng đồng tín hữu đông đảo ấy đồng tâm hiệp ý, không ai xem những gì mình có là của riêng, nhưng họ xem mọi vật là của chung... Trong vòng họ, chẳng ai thiếu thốn gì, vì có nhiều chủ đất hoặc chủ nhà đã bán đất hoặc nhà của họ, lấy tiền bán được đem đặt nơi chân các sứ đồ, để phân phát cho mỗi người tùy theo yêu cầu”.

Rồi giao ước Guilford (1639) của những người châu Âu đầu tiên khai phá nước Mỹ: “Chúng con xin được nguyện thề... cùng nhau tham gia công cuộc định cư, và luôn giúp đỡ nhau trong bất cứ công việc chung nào, tùy theo khả năng mỗi người, và theo nhu cầu đặt ra”.

Và tất nhiên là Karl Marx trong cuốn Phê phán cương lĩnh Gotha (1875): “Khi lao động không chỉ là một phương tiện để sinh sống mà bản thân nó là một nhu cầu bậc nhất của sự sống..., khi năng suất của người lao động ngày càng tăng lên và các nguồn của cải xã hội tuôn ra dồi dào, khi đó người ta có thể vượt hẳn ra khỏi giới hạn chật hẹp của quyền tư sản và xã hội mới có thể ghi trên lá cờ của mình: làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”.

Rồi tỉ phú - đại tư bản Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Facebook, khi ông nói trong lễ tốt nghiệp ở Đại học Harvard tháng 5-2017: “Giờ đã tới lúc chúng ta xác định một khế ước xã hội mới cho thế hệ chúng ta. Chúng ta phải tìm hiểu những ý tưởng như thu nhập cơ bản phổ quát để trao cho tất cả mọi người cơ hội thử những điều mới mẻ”.

Cũng đáng nhắc là Phần Lan có một chương trình thí điểm phát tiền, với số tiền 560 euro/tháng, cho nhóm ngẫu nhiên 2.000 người từ năm 2016. Nhưng cuối tháng 4 vừa rồi, chính quyền đã tuyên bố sẽ không tiếp tục cuộc thí nghiệm khi nó hết hạn vào cuối năm nay.

Với Yang, UBI không chỉ là một khát khao, đó còn là sự cần thiết, khi tự động hóa đang thay thế con người quá nhanh ở nhiều công việc cả chân tay lẫn trí óc.

Để chi trả cho chương trình tham vọng này, kế hoạch của Yang là một khoản “thuế mới đánh vào các công ty hưởng lợi nhiều nhất từ tự động hóa”, ông nói trong đoạn video tuyên bố tranh cử. Ông giải thích đây sẽ là một loại thuế giá trị gia tăng 10% lên mọi hàng hóa và dịch vụ một công ty sản xuất ra. “Vì ta không thể đánh thuế thu nhập robot và phần mềm - Yang giải thích - Trong khi nền kinh tế của chúng ta lại cực lớn, có thể thu về 700 - 800 tỉ USD từ loại thuế này”. Nhờ thế, ông nói dân Mỹ không chỉ được phát không tiền, mà mọi chương trình phúc lợi hiện có cũng sẽ được giữ nguyên. ■

Tại sao là 1.000 USD?

Yang giải thích các lý do khiến ông chọn mốc này trên Đài CNBC: Một, đó là mức khuyến nghị của Chủ tịch Liên đoàn Quốc tế lao động Mỹ Andy Stern. Hai, 12.000 USD một năm là mức gần với thu nhập chuẩn nghèo ở Mỹ, hiện là 12.752 USD/năm với những người dưới 65 tuổi, theo Cục Thống kê Hoa Kỳ. Ba, đó cũng là mức khuyến nghị theo nghiên cứu của Viện Roosevelt. Cuối cùng, 1.000 USD là mức đủ thấp để không khiến mọi người không muốn làm việc nữa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận