TTCT - Từ bước nuôi thử nghiệm tự phát của một số người, khoảng 6-7 năm nay mô hình nuôi bò lai theo kiểu tiểu trang trại tại nhà đã phát triển đều khắp ở Phổ Hòa. Nuôi bò nái lai không tốn nhiều thức ăn, nhất là thức ăn vỗ béo, như nuôi bò thịt, lại dễ gầy thành đàn bò nhiều con. Trong ảnh: ba bò nái của ông Trương Văn Hai - trưởng thôn Hiển Văn - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ Anh Chương ở Phổ Vinh đưa bò giống Brahman đi phối giống cho một trại bò nái tại thôn Hiển Văn - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ Ngoài nguồn cỏ trồng, người nuôi bò lai ở Phổ Hòa còn có được rơm, cám gạo, lá bắp, hạt bắp sản xuất được để cho bò ăn, nhờ vậy giảm được chi phí mua thức ăn cho bò - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ Từ việc tập tành nuôi bò lai của một số người tại địa phương, dăm bảy năm nay có đến 95% số hộ ở xã Phổ Hòa (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) đã chọn nuôi bò lai thay thế toàn bộ giống bò bản địa, nhờ đó vực dậy đời sống của người dân nơi vùng đất vốn kham khổ bao đời này. Quốc lộ 1A đoạn ngang qua Phổ Hòa như chia địa phương này thành hai vùng: phía trên (với đường vào di tích Đặng Thùy Trâm) là đồi núi, gò, lũng ruộng hẹp; phía dưới là những đồng ruộng rộng hơn, bằng phẳng hơn tuy vẫn còn xen vài ngọn đồi nhỏ. Không khó để nhận ra đời sống đang khá lên của cư dân qua những ngôi nhà ngói khang trang, xen kẽ những nhà lầu. Việc nuôi bò lai càng phô ra rõ hơn với những chuồng bò lợp ngói, lợp fibrô bề thế. Nuôi bò sinh sản Đứng trước chuồng với chín con bò lai toàn là bò nái (bò sinh sản), chị Nguyễn Thị Kim Anh (thôn Hiển Văn) giải thích: “Đàn bò này là từ một con bò nái tơ vợ chồng tui chọn mua lúc đầu. Lạ một điều là nó đẻ ra toàn bò cái. Mấy con lứa đầu tui giữ lại nuôi để nhân đàn bò nái lên”. Thấy giống bò cỏ (bò địa phương) có vóc dáng quá nhỏ, nuôi lâu lớn, lại phải tốn công chăn dắt mỗi ngày, vợ chồng chị Anh quyết định bán hết mấy con bò cỏ đang nuôi để mua một bò nái lai khi nhận được thông tin về ưu điểm của giống bò lai. Và đó là một quyết định đúng. “Tính ra chỉ mới trên mười năm mà tui đã bán ra được sáu con bê, theo giá hôm nay thì chừng 25 triệu đồng một con. Còn tám con nái được giữ nuôi có ba con còn nhỏ, năm con lớn thì có ba con sinh trong năm nay. Đúng là nuôi bò lai lợi hơn bò cỏ gấp ba bốn lần chứ không ít” - chị Anh hồ hởi nói. Niềm vui có được đàn bò nái lai đến với bà Lê Thị Ba (thôn Hòa Thạnh) muộn hơn. Năm 2012, qua hai lần vay từ Ngân hàng Chính sách, bà Ba đã mua được hai con bê nái. “Bò nái lai thiệt dễ nuôi. Tui chỉ trồng hơn 1 sào cỏ, cắt xoay vòng cho nó ăn, phụ thêm rơm. Khi nó đẻ chửa thì lấy cám gạo, bột bắp có sẵn bồi dưỡng thêm là đủ. Nuôi bò lai không cần phải chăn dắt như bò cỏ, chỉ cột trong chuồng, cho nó ăn uống đủ là được” - bà Ba vừa nói vừa vuốt ve hai con bê mà sau ba tháng nữa sẽ giúp bà trả khoản vay ngân hàng. Việc phối giống cho bò nái ở Phổ Hòa rất thuận lợi. “Khoảng 7-8 năm nay, nhờ bà con ở đây nuôi toàn bò nái lai nên việc thụ tinh nhân tạo giống bò lai rất thuận lợi, việc sinh đẻ của bò lai an toàn tuyệt đối. Trạm thú y xã chúng tôi có ngân hàng tinh bò ngoại đủ để thực hiện việc phối giống theo nhu cầu. Tính ra “máu bò nội” ở đàn bò của Phổ Hòa gần như không còn, bê sinh sản tại đây toàn là bê lai” - ông Nguyễn Duy Phước, trưởng trạm thú y xã Phổ Hòa, cho biết. Ngoài thụ tinh nhân tạo, một số chủ bò cho phối giống trực tiếp từ bò đực giống được một số người trong xã nuôi. “Phối trực tiếp từ bò giống được cái là chắc ăn, chỉ lần một là được. Ba bốn năm lại đây, một số chủ bò chọn phối trực tiếp, đa số chuộng bò Brahman là giống bò thịt to con” - ông Trương Văn Sang (thôn Hiển Văn), chủ một bò nọc giống Brahman (Ấn Độ), nói. “Mua xương bán thịt” Nhu cầu bò giống là rất lớn vì người nuôi bò nái ở Phổ Hòa không chỉ bán con giống (bê cái, bê đực) cho người trong xã, mà còn bán cho người trong huyện. Bên cạnh đó nhu cầu bò thịt trong và ngoài tỉnh cũng rất lớn. “Mua bê đực nuôi thịt phải chọn con có xác vóc đẹp, khung xương lớn để nuôi chừng 12-15 tháng sau là xuất chuồng bán cho người ta mổ thịt. Bởi vậy người ta mới gọi mình là người mua xương bán thịt đó” - anh Nguyễn Xuân Tòng (thôn An Thường), người đang nuôi sáu con bò thịt trong chuồng, giải thích. Qua chọn lọc, những năm trở lại đây người nuôi bò thịt ở Phổ Hòa thường chọn nuôi giống lai phổ biến là Brahman, Red Sindhi. Và họ đã lai hóa 100% đàn bò này, tạo nên một phương cách giữ đàn khá độc đáo: chia lượng bò trong chuồng thành hai hoặc ba lứa lớn - nhỏ kề nhau để luôn có sẵn lứa dự bị. Sau khi xuất chuồng số bò thịt, chủ nuôi sẽ mua về số bò nhỏ tương ứng. Anh Nguyễn Xuân Hiệp (thôn An Thường) giải thích thêm: “Nuôi một lúc hai lứa bò lớn - nhỏ mình nhẹ công, nhẹ vốn chăm sóc hơn. Trước khi xuất chuồng, bò thịt cần vỗ béo đến gần ba tháng. Vỗ béo hết lứa này, nghỉ ngơi chừng dăm ba tháng mình sẽ vỗ béo lứa khác. K hi nào chọn mua được đủ lứa bò dự bị giá rẻ, bò tốt, mình mới xuất chuồng lứa bò định bán, thương lái hoặc chủ bán bò giống không ép giá mình được. Nông dân ít vốn phải tính toán kỹ vậy mới khá lên được với việc nuôi bò thịt”. Anh Hiệp đang vỗ béo hai con bò thịt, chừng non tháng nữa là bán. Hai con lứa dự bị khoảng năm tháng nữa là vỗ béo được. Anh đang tìm mua hai con bò nhỏ để làm lứa dự bị kế tiếp. “Bán hai con bò lớn được 80 triệu đồng, mua hai con bò nhỏ khoảng 40 triệu đồng, trừ tiền mua bột vỗ béo hai con vừa bán ra, mình còn lời chừng 35 triệu đồng” - anh tính toán. Cũng chính nhờ cách gầy đàn, giữ đàn này mà từ hai con bê nuôi thịt lúc đầu, có lúc anh Hiệp có đến 6-8 con bò thịt trong chuồng. Ông Nguyễn Thành Lưu, phó trưởng Trạm khuyến nông huyện Đức Phổ, cho biết: “Các thương lái bảo rằng các đại lý thu mua bò ở Đà Nẵng luôn mua bò lai Đức Phổ với giá cao hơn vì bò có lượng thịt loại 1 nhiều. Chúng tôi chưa dám nói thương hiệu, nhưng rõ ràng là chất lượng thịt bò lai của Đức Phổ đã được thị trường bên ngoài biết tiếng mấy năm nay rồi”. Nguồn thu nhập ổn định Chỉ mới hơn mười năm, từ bước nuôi thử nghiệm tự phát của một số người, khoảng 6-7 năm nay mô hình nuôi bò lai theo kiểu tiểu trang trại tại nhà đã phát triển đều khắp ở Phổ Hòa, nơi có 90% trong tổng số 1.200 hộ là hộ nông nghiệp. Quả là không dễ để tạo ra một mô hình làm ăn hiệu quả như thế với người nông dân khi họ vốn chỉ tin vào những gì “tai nghe, mắt thấy, tay rờ đụng”. “Đáng nói là bà con luôn tiếp thu được những kiến thức chăn nuôi bò lai được ngành khuyến nông cung cấp, từ chọn giống, chăm sóc, vỗ béo đến việc vệ sinh chuồng trại. Đặc biệt là việc phòng chống dịch bệnh được cán bộ thú y địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, suốt hơn 10 năm nay chưa hề xảy ra dịch bệnh với đàn bò lai tại địa phương” - ông Võ Thanh, chủ tịch Hội nông dân xã Phổ Hòa, nhận xét. “Nhờ nuôi bò lai mà tỉ lệ hộ nghèo ở đây giảm khá nhanh, hiện là 8,1%” - phó chủ tịch UBND xã Phổ Hòa Nguyễn Văn Kim cho biết. Chính nhờ nuôi bò lai ở quy mô gia đình - nhà ít nhất cũng có đến hai bò nái hay hai bò thịt - mà cuộc sống người dân ở vùng kinh tế nông nghiệp khó khăn này đã được cải thiện rõ rệt. “Điều đáng nói là số người lớn tuổi ở đây phải vô Sài Gòn cũng như đi các nơi xa để buôn bán dạo không còn. Như gia đình tui chẳng hạn, nếu không nhờ nuôi đàn bò nái lai ba con thì chắc phải theo con vô Sài Gòn làm nuôi chúng học đại học” - trưởng thôn An Thường Nguyễn Văn Tâm thừa nhận. Mô hình nuôi bò lai tại nhà cũng góp phần tăng năng suất cho cây lương thực và các loại rau màu của người chăn nuôi nhờ sử dụng toàn bộ lượng phân thu hoạch. Trưởng thôn Hiển Văn Trương Văn Hai cho biết: “Năng suất cây lúa ở đây mấy năm trước do bón ít phân bò nên chỉ đạt 40 tạ/ha/vụ, mấy năm lại đây nhờ bón phân bò nhiều nên tăng đến 60 tạ. Rồi cây bắp, cây sắn cũng nhờ bón phân bò nên năng suất tăng lên... Đúng là nuôi bò lai lợi nhiều đường, lợi lâu dài cho người nông dân lắm”. “Những thành tựu có được ở Phổ Hòa góp phần làm cho việc nuôi bò lai tại huyện Đức Phổ, huyện mạnh nhất tỉnh về nuôi bò lai, tiến triển thêm. Chúng tôi đang cùng với ngành chức năng phối hợp đẩy mạnh việc nuôi bò lai ở huyện này thông qua dự án phát triển đàn bò thịt lớn để xây dựng thương hiệu “Bò Đức Phổ”, dự kiến ra đời vào năm 2016. Hiện nay thịt bò lai từ Đức Phổ, trong đó có đóng góp của lượng bò thịt từ Phổ Hòa, rất được thị trường Đà Nẵng ưa chuộng, nhưng mức cung gần 500 tấn/năm vẫn còn thấp so với nhu cầu của thị trường này” - kỹ sư Ngô Hữu Hạ, giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi, nói. Tags: Bò giống
Pháp luật tạo hành lang phát triển công nghệ Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 02/01/2025 1491 từ
Xuân Son giúp tuyển Việt Nam tiến gần chức vô địch ASEAN Cup 2024 ĐỨC KHUÊ 02/01/2025 Tối 2-1, tại chung kết lượt đi ASEAN Cup 2024, Nguyễn Xuân Son tỏa sáng để giúp tuyển Việt Nam đánh bại Thái Lan 2-1.
Biển người 'đi bão' mừng tuyển Việt Nam chiến thắng, không quên dừng đèn đỏ HỒNG QUANG 03/01/2025 Sau khi tuyển Việt Nam giành chiến thắng 2-1 trước Thái Lan tại trận chung kết lượt đi ASEAN Cup 2024 tối 2-1, đông đảo người dân đổ về các khu vực trung tâm quận Hoàn Kiếm ở Hà Nội để "đi bão".
CĐV Thái Lan: Việt Nam rồi sẽ như Philippines thôi! THÀNH AN 02/01/2025 Dù đội nhà bại trận 1-2 trước Việt Nam trong trận chung kết lượt đi ASEAN Cup 2024 tối 2-1 tại Việt Trì, người hâm mộ Thái Lan vẫn tự tin vào màn lội ngược dòng ở trận lượt về.
Xuân Son nói gì sau khi lập cú đúp vào lưới Thái Lan? HOÀNG TÙNG 02/01/2025 Sau lượt đi trận chung kết ASEAN Cup 2024, Quang Hải và Xuân Son thể hiện quyết tâm hướng đến chiến thắng chung cuộc để giành ngôi vô địch.