ở chung cư nghĩa tình

TIẾN LONG 03/09/2016 16:09 GMT+7

TTCT - “Dân tứ xứ về, mỗi người một hoàn cảnh, mỗi nghề khác nhau. Nếu ai cũng có cái bụng chung, mở lòng, đóng góp một chút cho việc chung thì cuộc sống chung cư cũng vui vẻ, gần gũi...”.

Một ngày hội vui nhộn tại chung cư Rubyland (Q.Tân Phú, TP.HCM) -T.l.
Một ngày hội vui nhộn tại chung cư Rubyland (Q.Tân Phú, TP.HCM) -T.l.


Bà Tạ Mai Hương (58 tuổi) - cư dân chung cư Rubyland (Q.Tân Phú, TP.HCM) - chia sẻ chân tình về cách cư dân Rubyland gầy dựng “tình làng nghĩa xóm” trong chung cư - điều mà không phải chung cư nào cũng làm được...

Người “nhạc trưởng” nối kết

19g, phòng cộng đồng chung cư Rubyland sáng rực đèn, nhóm chị em kéo nhau xuống tập khiêu vũ. Tiếng nhạc vui nhộn dẫn dắt lớp học vào những điệu nhảy sôi động, mọi người vừa tập vừa nói chuyện, cười đùa rôm rả.

Lớp học khiêu vũ mở 5 tháng nay, học viên là chị em trong chung cư tự đóng tiền mời thầy về dạy. Hiện có gần 20 người tập luyện đều đặn hai buổi tối trong tuần. Vừa khiêu vũ xong điệu chachacha, bà Tạ Mai Hương, trưởng lớp học, nói hồi trước bà ở nhà riêng cùng con. Bảy năm nay, hai con gái sang nước ngoài định cư, bà chuyển lên chung cư sống.

Lúc đó cư dân tới ở còn rời rạc, mọi người vào ra gặp nhau ít khi chào hỏi. Chưa có láng giềng, cuộc sống của bà quẩn quanh, khép kín sau cánh cửa chung cư buồn tẻ, cô đơn.

Vốn tính năng nổ, bà Hương nghĩ đủ cách cùng ban quản trị kéo cư dân lại gần nhau. Bà kêu gọi mọi người đóng góp tổ chức ngày hội thiếu nhi ở chung cư, ban đầu do chưa quen, mọi người còn e ngại.

Ban quản trị phải gõ cửa từng nhà mời cha mẹ đưa các bé xuống chơi, nhưng chỉ vài hộ tham gia. “Có những lúc tôi muốn dọn về chỗ cũ cho có bạn bè, nhưng rồi mọi người cũng biết nhau, vui vẻ tham gia” - bà Hương tâm tình. Kiên trì sáu năm gầy dựng nếp sống, hiện giờ hoạt động nào trong chung cư cũng thu hút đông đảo cư dân tham gia.

Hai năm nay, ban quản trị và tổ phụ nữ mở thêm lớp nhảy hiphop, múa ballet, vẽ, đánh cờ vua... cho người lớn, trẻ nhỏ, mỗi lớp hơn 20 người học.

Nhờ vậy, nhà cộng đồng chung cư suốt tuần nhộn nhịp. Bà Hương nói để duy trì lớp học rất khó, dân chung cư toàn công chức đi làm cả ngày, tối về lo việc gia đình, con cái. Nhiều hôm lớp học chỉ 2-3 người nhưng cũng phải duy trì. Hết việc bận, chị em lại tụ tập đông đủ.

Chung cư Rubyland “nổi tiếng” vì lùm xùm chuyện chủ đầu tư mang giấy chủ quyền thế chấp ngân hàng. Về ở gần 10 năm nhưng cư dân chưa có giấy chủ quyền căn hộ, hằng ngày thấp thỏm, sợ bị ngân hàng xiết nợ phải ra đường.

Nhưng ngoài chuyện “lùm xùm” trên, lâu nay cư dân chung cư hình thành nếp sống cởi mở, gần gũi. Bà Đỗ Liên Kim Hoàn (56 tuổi, mới về hưu) khi về ở chung cư chỉ lo buồn trong cảnh cửa đóng cả ngày.

Từ ngày tham gia tổ phụ nữ, trong chung cư nhà ai có cưới xin, ốm đau... mọi người đều thông báo cho cư dân biết, thăm hỏi, dần dà quen biết, chơi thân với nhau. Mới đầu các hộ cùng tầng rồi lan ra cả chung cư. Vui nhất vào ngày tết, các hộ dân đăng ký nấu bánh chưng, bên bếp lửa hồng, họ ngồi xúm xít canh nồi bánh chưng y như cảnh làng quê, cái tết ở chung cư trở nên ấm áp, nghĩa tình.

Những ngày này, ban quản trị chung cư Rubyland đang tất bật chuẩn bị tổ chức Trung thu cho trẻ em toàn chung cư.

Tổ phụ nữ quyên góp tiền, phân công từng người đặt bánh, làm đèn ông sao..., không khí rộn rịp. Anh Nguyễn Quốc Tuấn, trưởng ban quản trị, cho biết mấy ngày hè tổ phụ nữ tổ chức hội chợ bán hàng tiền lãi còn dư 7 triệu đồng, giờ kêu gọi mọi người góp thêm mỗi nhà một ít tổ chức ngày hội tươm tất cho trẻ.

Tham gia trồng rau ở H.Thanh Trì, Hà Nội của CLB Mul Kidz-T.L.
Tham gia trồng rau ở H.Thanh Trì, Hà Nội của CLB Mul Kidz-T.L.

 

Kết nối cả mạng “ảo” lẫn ngoài đời

Nhiều chung cư còn tạo nhóm trên mạng xã hội cho toàn bộ cư dân kết nối, chia sẻ chuyện nhà cửa. Đủ thứ chuyện, từ kinh nghiệm làm việc nhà, nấu ăn, chăm con... được cư dân chia sẻ thân tình như người nhà. Nhà nào có món đặc sản quê gửi lên cũng chia cho mọi người.

Biết nhau trên mạng xã hội, ra ngoài đời thực mọi người dễ bắt chuyện hơn. Để liên lạc với nhau, cư dân khu chung cư Mulberry Lane (Q.Từ Liêm, Hà Nội) tạo nhóm, lập hai trang Facebook riêng, với hơn 1.000 cư dân kết nối.

Một trang dùng cho cư dân bàn chuyện chung cư và để ban quản trị cùng cư dân trao đổi hằng ngày. Một trang lấy tên “Chợ Ngõ Dâu” để cư dân chia sẻ, rao bán với nhau đủ các mặt hàng sinh hoạt, rau củ quả..., không thiếu thứ gì, nhộn nhịp như chợ online.

Hiện Mulberry Lane có tới 40 câu lạc bộ (CLB) do cư dân tự lập: CLB bóng đá, bóng chuyền, cờ tướng, du lịch, CLB người già, phụ nữ... với đủ lứa tuổi tham gia.

CLB Mul Kidz (chung cư Mulberry Lane) được thành lập năm 2015 là nơi để các cư dân “nhí” cùng vui chơi, học tập. Những ngày hè, nhiều gia đình không có người quản lý đều cho trẻ tham gia vào CLB. Các bé được học những môn kỹ năng sống, bơi lội, tiếng Anh...; tham gia các hoạt động ngoại khóa: học làm nhà nông, chạy từ thiện.

Anh Tuấn, chủ nhiệm CLB Mul Kidz, cho biết nhà anh có hai con, bé lớn 13 tuổi, bé nhỏ 11 tuổi. Hai năm trước, khi về chung cư, hiểu được nhu cầu muốn kết nối của con nên anh xin lập CLB cho cư dân “nhí” và được đông đảo cư dân ủng hộ.

CLB thành lập với slogan: “Cộng đồng nhân ái, thoải mái cười vui”. Anh Tuấn nói nhu cầu giao tiếp của trẻ con rất lớn, tạo sân chơi chung cho con, cha mẹ cũng đi lại gần gũi, lâu ngày thành thân.

Ngày cuối tuần, khoảng sân rộng dưới chung cư Phú Hoàng Anh (H.Nhà Bè, TP.HCM) đông kín người. Mọi người cùng làm vệ sinh, chùi dọn hành lang, sân chơi chung cư. Ở đây có cả người Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc... cùng chung sống nhưng các hộ vẫn ngồi chơi với nhau vui vẻ, gần gũi.

Ông Sang Hang Keun (Hàn Quốc) dọn về ở cùng vợ bốn năm nay, ngoài việc sinh hoạt chung với toàn bộ cư dân, gia đình ông còn tham gia nhóm khoảng 40 gia đình Việt - Hàn trong chung cư. Lâu lâu cả nhóm góp tiền, tìm địa điểm làm từ thiện, ngày lễ, tết cả hai nước mọi người tụ tập chúc mừng nhau.

“Mỗi nhà góp vài món ăn do gia đình tự làm nên bữa tiệc thịnh soạn, ấm cúng” - ông Keun nói. Chị Nguyễn Thị Xuân Mai, thành viên ban quản trị, bộc bạch để mọi người gắn kết, ban quản trị phải nghĩ ra nhiều hoạt động cho người dân chịu ra khỏi nhà, xuống sân chơi. Ban quản trị tạo nhóm viber trong toàn chung cư, hiện có hơn 100 người gia nhập.

Có việc bức xúc, mọi người cũng nhắn tin cho ban quản trị giải quyết êm thấm. “Muốn cư dân đoàn kết, kết nối với nhau thì trước tiên ban quản trị phải thân thiện, hòa đồng, nhiệt tình làm cầu nối cho cư dân. Ban quản trị mâu thuẫn, đấu đá thì cư dân cũng rời rạc, mọi người chỉ biết sống kiểu đèn nhà ai nấy rạng” - chị Mai chia sẻ.■

Ông Nguyễn Hồng Minh (giám đốc Công ty quản lý tòa nhà PMC, chuyên quản lý, vận hành các tòa nhà):

Thiết kế không gian sống phù hợp từng chung cư

Để xây dựng không gian sống cộng đồng mang bản sắc riêng, cả chủ đầu tư, ban quản lý, ban quản trị và cư dân phải chủ động góp sức. Riêng các chủ đầu tư cần chú ý việc phát triển cộng đồng, mang không gian sống đến cho cư dân.

Ngoài việc đáp ứng những nhu cầu cơ bản như an toàn vệ sinh, an toàn cháy nổ, nội quy ứng xử..., chủ đầu tư cần phân tích hồ sơ khách hàng để biết cấu trúc của gia đình, lứa tuổi, con cái, nghề nghiệp... Từ phân tích đó thấy nhóm cư dân chủ đạo, tìm xem kỳ vọng của từng chủ căn hộ và thiết kế các chương trình cộng đồng phù hợp với từng chung cư.

Người già nhiều thì sẽ có các chương trình chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng. Còn trẻ con có lớp học vẽ, học bơi, vui chơi dã ngoại... Hiện nhiều người đang xem đây là tiêu chí để lựa chọn không gian sống phù hợp cho gia đình mình.

TS xã hội học Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính quốc gia):

Kết nối là nhu cầu của trẻ nhỏ

Nhu cầu kết nối thành cộng đồng, được chơi với hàng xóm thuộc về văn hóa người Việt nhưng chỉ vì một vài rào cản mà người ta ngại bước ra khỏi bậc cửa nhà mình để sang nhà hàng xóm. Vì thế, ban quản trị chung cư phải tổ chức các hoạt động sinh hoạt chung giúp mọi người kết nối nhau. Một hai lần thấy vui mọi người sẽ vui vẻ tham gia.

Nếu chưa có ban quản trị, cần có những cá nhân mạnh dạn đứng ra “hô hào”, mọi người sẽ theo. Chính bản thân mọi người nên hiểu: muốn nuôi dạy con em mình thì không chỉ có thành viên trong gia đình mà còn phải tạo mối quan hệ với hàng xóm để cho con cái được kết nối, giao tiếp. Vì vậy mỗi nhà nên mở cửa ra đón hàng xóm và sẵn sàng sang nhà hàng xóm chơi. Điều này cực kỳ có lợi cho trẻ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận