TTCT - 24 tuổi, Trương Quế Chi được biết đến với việc làm thơ, dịch sách, làm phim, biểu diễn thơ... và mới đây là giải diễn viên xuất sắc nhất trong một phim ngắn. Nhưng cô gái trẻ này lại rất khiêm nhường khi chia sẻ. Trương Quế Chi - Ảnh: Nguyễn Anh Cường- Trương Quế Chi: Nhân vật Minh có hoàn cảnh giống tôi ngoài đời: một sinh viên nghệ thuật VN du học tại Pháp, có làm thêm ngoài giờ để kiếm thêm tiền trang trải. Tôi không diễn, mình có gì ngoài đời thì mang vào như vậy một cách bản năng. Khó nhất là phức cảm của Minh trong cuộc thẩm vấn. Lựa chọn của Minh tôi thông hiểu được dù lựa chọn cá nhân của tôi thì khác biệt, cô ấy như một người bạn của tôi. Một cuộc thẩm vấn là một phim tốt nghiệp sinh viên nhưng lại được thực hiện theo một quy trình hết sức chuyên nghiệp: quay bằng phim nhựa 16mm, quy tụ gần 20 học viên quốc tế của Trường EICAR nổi tiếng cộng thêm sự nhiệt thành của đạo diễn cũng là bạn của tôi nữa. Tôi không thể từ chối một cơ hội trải nghiệm như thế được, nhất là khi mình cũng là sinh viên điện ảnh. Tôi đã xem tất cả các phim trên YxineFF, rất kỳ khôi, năm ngoái tôi tham dự YxineFF với tư cách một tác giả phim, năm nay thì nhận giải diễn xuất! Điện ảnh thật sự đã đem lại cho tôi nhiều cơ hội hơn tôi tưởng! Tính thơ cũng là hạn chế của tôi Trương Quế Chi sinh năm 1987, hiện theo học chương trình thạc sĩ nghiên cứu điện ảnh của Trường Nouvelle Sorbonne, Paris 3, Pháp. Cô từng đoạt giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 30 (năm 2001), là dịch giả của nhiều tập truyện chuyển ngữ từ tiếng Pháp, là tác giả thơ trẻ của tập thơ Tôi đang lớn, là tác giả phim ngắn Những sợi tóc mọc ngược vào trong, video art Đi về nơi mà ta muốn quên đi và vừa đoạt giải diễn viên xuất sắc nhất Tiệc phim ngắn trên mạng YxineFF với vai Minh trong Một cuộc thẩm vấn.* Làm thơ - việc này có khác với làm điện ảnh không? Theo Chi, tính thơ có quan trọng trong điện ảnh không? - Tôi luôn chú trọng đến tính thơ trong một tác phẩm điện ảnh nhưng cũng nghĩ đây là hạn chế của mình. Khác với trường điện ảnh dạy làm phim, khoa điện ảnh trong hệ thống các trường đại học dạy thiên về nghiên cứu lý luận. Tôi học các thuyết điện ảnh được thiết lập qua các triết gia và nhà nghiên cứu như về tính hiện đại, lý thuyết hình ảnh, điện ảnh thực nghiệm, các đề xuất về phân tích phim... Chúng tôi gần như không tiến hành phê bình phim qua một lần xem (cá nhân tôi cũng không được giỏi lắm trong kỹ năng này) mà thực hành phân tích phim như một không gian hình ảnh (đồng nghĩa với việc phải xem đi xem lại rất nhiều lần), bỏ bên ngoài diễn giải văn học mà coi nó như một câu giải đáp của một vấn - đề - hình - ảnh thông qua ba yếu tố chủ đạo: môtip, tổ chức các dấu hiệu và chuyển động khung hình. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng được tham dự các hội thảo theo từng kỳ về làm phim và viết kịch bản như một thực hành sáng tạo, cũng là để hiểu hơn tư duy của các tác giả điện ảnh. * Ðiện ảnh Pháp có thể có những mẫu số chung nào với thế giới khi mà Hollywood đang thống trị? Họ có gặp vấn đề gì với sự phát triển của điện ảnh không?- Kể từ sau Thế chiến thứ nhất cho đến nay, Hollywood đã trở thành nền điện ảnh hàng đầu không thể vượt qua. Người Pháp vốn có một thời kỳ rất bi quan và nói đến cái chết của điện ảnh vào những năm 1980, trong đó có sự sụt giảm đáng kể lượng khán giả vào rạp. Nguyên nhân của việc khán giả quay lưng với điện ảnh quốc gia là sự vắng bóng và hiện diện ít ỏi của các thể loại phim quan trọng, lựa chọn không đa dạng, ngoại trừ phim hài vẫn là thế mạnh của phim Pháp cho tới ngày nay. Từ năm 2001, quyết tâm giành lại khán giả trong các nỗ lực sản xuất cùng với các chính sách kháng cự lại sự thống trị của phim Hollywood, nền điện ảnh Pháp đã thành công trong việc giành được một thị phần ổn định khoảng 40% trên thị trường.Chính phủ Pháp chủ động hỗ trợ nền điện ảnh quốc gia về mặt tài chính, các phim được tài trợ tự động 9% kinh phí sản xuất và được đặt mua trước từ các nhà đài. Hằng năm có rất nhiều quỹ của các tổ chức tỉnh thành hay phi chính phủ dành cho các dự án điện ảnh và đặc biệt, số lượng phim đầu tay được sản xuất tại Pháp tương đối cao chứng tỏ sự ủng hộ và lưu tâm tới các thế hệ tác giả kế tiếp. Hiện tại, vấn đề nổi cộm là những khó khăn thích ứng của cả nền điện ảnh trong kỳ chuyển giao kỹ thuật số. * Và nhìn ngược về VN, là một người theo học chuyên ngành điện ảnh, Chi nghĩ mình sẽ thật sự gia nhập những người làm phim ở VN không?- Tôi có hình dung khá nhiều về công việc chia sẻ những kiến thức điện ảnh của mình với các bạn trẻ cùng đam mê. Nhưng tôi cũng muốn kể một chuyện vui. Cách đây không lâu, tôi phát hiện một nhà làm phim trẻ tuổi rất hay (theo cá nhân tôi) ở Hà Nội. Tôi hoàn toàn hưng phấn với những khuôn hình giễu nhại gợi nhắc tới Giả Chương Kha (*?)trong phim tài liệu đầu tay của cậu. Chúng tôi hiện đang giữ liên lạc và quả thật tôi rất mong có cơ hội được làm việc chung trong tương lai gần. * Sang Pháp du học đã lâu nhưng cái tên Trương Quế Chi hình như chưa bao giờ bị lãng quên ở VN vì những tập thơ, video art và các dự án Chi tham gia, như một bất ngờ với vai diễn đoạt giải diễn viên xuất sắc nhất của YxineFF chẳng hạn... Vậy còn một đời sống hiện tại bên Pháp, Chi có "can dự" vào đó không? - Ở bên Pháp tôi là một du học sinh bình thường như bao sinh viên khác. Cuộc sống xoay quanh giảng đường, thư viện, nơi làm thêm bán thời gian, rạp chiếu phim, bảo tàng... Các hoạt động văn hóa tôi tham gia chủ yếu trong phạm vi nhỏ hay thuộc hệ thống nghiệp dư như tham gia tổ chức liên hoan phim tài liệu đầu tay cho các nhà làm phim trẻ, trình diễn nhạc kịch về câu chuyện nhập cư, các hội thảo ngắn hạn về múa hay kịch... Tôi đang chuẩn bị cho mình những cơ may đích thực bằng việc xin hỗ trợ tài chính từ các quỹ văn hóa, các festival cho các dự án cá nhân. Rất may là không bị tâm lý sốt ruột, tôi biết mình cần nhiều thời gian hơn nữa. * Nhân vật trong Một cuộc thẩm vấn được cho là hư cấu, nhưng sự thật về người nhập cư đến các nước châu Âu như Pháp thì sao? Chi có nhìn nhận riêng nào với hiện trạng này? - Những người nhập cư ở bất cứ đâu, không riêng gì Pháp, khi lựa chọn một thẻ căn cước mới cũng giống như việc lựa chọn sinh ra thêm một lần thứ hai trong một cuộc vượt cạn, ắt hẳn khó khăn dai dẳng và đau đớn về thế giới tinh thần cũng như vật chất. Tận ý có lẽ là một đánh đổi vì niềm tin được hạnh phúc trên một miền đất khác? Như rất nhiều du học sinh khác, Minh trong Một cuộc thẩm vấn có lẽ tin rằng cô sẽ sống tốt hơn trong môi trường nghề nghiệp tại Pháp, cô lựa chọn đánh đổi nó bằng một cuộc hôn nhân bất hợp pháp. Chắc Minh sẽ không bao giờ quên trải nghiệm có phần chua chát này, còn sau đó có thể cô tìm thấy hạnh phúc, có thể không. Tôi cũng yếu lòng... * Ðã sống sáu năm bên Pháp, năm 19 tuổi Chi từng tâm sự rằng mình cũng đi làm thêm, biết ơn những người cho Chi cơ hội làm thêm và nhờ thế mà học thêm ấy... Còn ngày hôm nay, Chi nhìn nhận môi trường mình đang sống như thế nào? - Bắt đầu từ chuyện có những lúc tôi cũng yếu lòng, khi rời nơi làm thêm cũ trong suốt ba năm là một tiệm sushi, gần nửa đêm và trời đông khá lạnh, tôi tự hỏi không biết bao giờ sẽ kết thúc những công việc bông phèng này? Nhưng tôi nghĩ nó chỉ là sự mệt mỏi thường tình nho nhỏ của một người bắt đầu thật sự trưởng thành và độc lập, nó cũng chẳng nghiêm trọng vì tất cả lưu học sinh không chỉ người Việt đều có cuộc sống như tôi. Hơn ai hết, tôi luôn hiểu mình vô cùng may mắn vì được học tập tại Pháp, đặc biệt là Paris - một môi trường lý tưởng cho sinh viên nghệ thuật. Được thu nhận trực tiếp hệ thống kiến thức hàn lâm, được tiếp cận với những kênh nghệ thuật đa dạng nhất từ bảo tàng tới đường phố, có vô số sinh viên nước ngoài mơ ước và sẵn sàng đánh đổi, chịu vất vả để tới đây học tập. * Nếu có, thì sự mặc cảm của một du học sinh tại Pháp đến từ đất nước đang phát triển như VN là gì? Và những can đảm nào để Chi trụ lại từng ấy năm nơi xứ người? - Cá nhân tôi chưa từng cảm thấy mặc cảm vì là một du học sinh VN, nhưng tôi từng cảm thấy mình thua kém các bạn trong thời kỳ đầu đi học vì kiến thức nền tảng văn hóa của họ qua quá trình giáo dục tốt hơn mình rất nhiều. Ai cũng có hiểu biết về triết học, không lạ lẫm với các trào lưu đương đại, có thẩm mỹ riêng và thói quen thưởng thức nghệ thuật. Khi đằng sau lưng bạn là một nền văn hóa còn im tiếng trên thế giới thì bạn phải cố gắng gấp nhiều lần thu nạp kiến thức để có thể đứng trên cùng một bậc thang với bằng nghiệp. Tuy nhiên, sự khác biệt văn hóa của tôi cũng chính là lợi thế, nó im tiếng nhưng không vô hình. Thầy cô luôn quan tâm và đánh giá cao góc nhìn và câu chuyện cá nhân ít được biết tới từ một dân tộc, một đất nước xa xôi vẫn còn lạ lẫm hơn những khuôn mẫu dễ bị mắc phải. Tôi thành thật với những gì mình viết và sự rung động với sự thật luôn vượt qua các định kiến. * Chi mong gì cho mình trong năm mới? Công việc, cuộc sống riêng và cả ước mơ? - Kỳ thực là tôi không nghĩ gì nhiều lắm về chuyện mình mơ ước điều gì trong đời, cuộc sống riêng tư thì tùy vào bất trắc số phận... Tôi chỉ hi vọng sẽ làm được một cách hoàn thiện những dự án công việc đã chuẩn bị từ lâu hoạch định trong năm sắp tới. Tags: ParisXuân Nhâm ThìnTRƯƠNG QUẾ CHISushi
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Xe Phương Trang tông đuôi xe Hồng Sơn trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, 2 người chết tại chỗ ĐỨC TRONG 19/09/2024 Vụ tai nạn nghiệm trong giữa 2 xe giường nằm hãng Phương Trang và Hồng Sơn vừa xảy ra khoảng 0h ngày 19-9 tại Km191+500 cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết khiến 2 người chết, nhiều người bị thương.
Bà nuôi cháu mất cha mẹ từ mới lọt lòng: Nó đậu đại học tui mừng quá! LÊ TRUNG 19/09/2024 Mới 4 ngày tuổi cha tai nạn giao thông qua đời, một năm rưỡi sau mẹ bệnh mất. Nữ lớn lên không nhớ mặt cha mẹ. Mười mấy năm bà nội nuôi đứa cháu mồ côi Lê Trần Ngọc Nữ (thôn Vân Quật, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam). Nay Nữ vào đại học.
Diễn biến áp thấp nhiệt đới rất phức tạp, có thể thay đổi cấp độ, hướng di chuyển NGỌC AN 18/09/2024 Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện số 98 ngày 18-9 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tin tức sáng 19-9: Giá nhà miền Bắc tăng gấp đôi; Kế toán trưởng FLC xin chấm dứt hợp đồng TUỔI TRẺ ONLINE 19/09/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Giá nhà miền Bắc tiếp tục tăng mạnh, miền Nam biến động không quá lớn; Một doanh nghiệp bất động sản 'khất' nợ trái phiếu đến lần thứ hai; Kế toán trưởng FLC xin chấm dứt hợp đồng lao động...