Ôi, sáng kiến!

KÝ HOÀI TRUNG 11/11/2011 21:11 GMT+7

TTCT - Là một giáo viên giảng dạy đã lâu năm, từng được tham gia chấm sáng kiến kinh nghiệm của cán bộ, giáo viên nhiều trường, tôi xin nêu vài sáng kiến kinh nghiệm đã được công nhận ở địa phương.

Phóng to

1. Chiếm vị trí số một là sáng kiến kinh nghiệm của hiệu trưởng một trường vùng ven. Nội dung của sáng kiến này là để cải thiện đời sống cho cán bộ, giáo viên nhà trường, hiệu trưởng đã chỉ đạo công đoàn xẻ đất đào ao nuôi cá tra. Điều đáng nói ở đây là không nuôi cá bằng thức ăn hay nguồn thủy sinh của dòng Mekong mà bằng… chất thải của con người! Thế là một ao cá với hai dãy nhà vệ sinh nhanh chóng được dựng lên.

Tận dụng lợi thế sông nước kề bên trường, lại có đường giao thông chính, mật độ người qua lại rất cao, tranh thủ mối quan hệ với phụ huynh và cả áp lực với học sinh, nhà trường kêu gọi “hãy góp phần làm cho cá mau lớn”.

Đất mượn của phụ huynh, không phải trả tiền thuê, lại chẳng tốn tiền thức ăn, phụ huynh và cả học sinh rồi bà con địa phương ”tham gia tích cực“ nên khi thu hoạch mang lại khá nhiều tiền cho nhà trường. Cán bộ, giáo viên nhận được một khoản tiền kha khá gọi là cải thiện đời sống.

Mong muốn nhân rộng mô hình này, tác giả của nó đã viết lại thành văn bản mang trình bày trước hội đồng chấm sáng kiến kinh nghiệm của phòng giáo dục. Tuy còn áy náy vì cách làm nhưng rõ ràng sáng kiến này đã mang lại lợi ích trước mắt cho cả một trường. Hơn nữa nếu không công nhận thì hiệu trưởng sẽ “rớt” thi đua nên hội đồng đành công nhận giá trị của sáng kiến nhưng chỉ dám xếp loại C và âm thầm cất vào tủ không dám phổ biến và nộp lên tỉnh.

May mắn là sau đó một thời gian có chỉ thị của chính quyền là phải xóa nhà vệ sinh trên sông, sáng kiến trên mới bị khai tử.

2. Bức xúc trước việc học sinh không có nề nếp trong học tập, một giáo viên lão thành đã cho ra đời một sáng kiến kinh nghiệm về việc... xếp hàng vào lớp. Theo đó, để xây dựng tác phong học tập tốt, giáo viên phải cho học sinh xếp hàng trước khi vào lớp. Tác giả còn viện dẫn nhiều số liệu, nhiều căn cứ khoa học về tâm lý, lứa tuổi… để khẳng định việc xếp hàng vào lớp là cực kỳ quan trọng.

Để đảm bảo cho sự thành công của sáng kiến, vị này đề xuất các thầy cô chủ nhiệm dù không có giờ dạy ngày hôm đó hay chỉ dạy từ tiết 2, tiết 3 buổi sáng (8g-9g), tiết 3-4 buổi chiều (14g-15g) vẫn phải đến đầu giờ cho học sinh xếp hàng vào lớp. Đợi khi có tiếng trống trường vang lên, giáo viên bộ môn đến nhận lớp xong, giáo viên chủ nhiệm mới được về.

Chưa hết, trước khi tan học, các giáo viên chủ nhiệm phải đến một lần nữa cho các em xếp hàng ra về. Giáo viên nào không đến trông coi học sinh xếp hàng chỉ đôi lần là bị cắt danh hiệu thi đua trong năm.

Tác giả sáng kiến cho rằng như thế sẽ làm tăng mối quan hệ thầy trò, xây dựng thói quen tốt, tạo tâm thế học tập cho học sinh. Sau khi được công nhận là sáng kiến kinh nghiệm có giá trị, sáng kiến ấy được áp dụng suốt mấy năm liền ở ngay trường của chính người viết chứ không có trường nào dám thực hiện!

3. Sáng kiến kinh nghiệm gây sốc nhất cho giáo viên trường S cách đây không lâu là nhà trường sẽ cho lắp đặt một hệ thống camera ở từng lớp. Ban giám hiệu chỉ ngồi ở văn phòng mà kiểm tra, theo dõi hoạt động của giáo viên trong từng tiết dạy. Lý luận của sáng kiến này là hệ thống camera luôn ghi nhận hoạt động của giáo viên ở mọi góc độ, suốt tiết học nên giáo viên phải tích cực giảng dạy nếu không muốn bị phê bình.

Ban giám hiệu giải thích việc làm này cũng chỉ vì mục đích đẩy mạnh phong trào thi đua ở đơn vị. May mắn thay khi trình sáng kiến kinh nghiệm này lên cơ quan quản lý ngân sách, các vị lãnh đạo đã từ chối với lý do không đủ tiền trang bị cho nhà trường một hệ thống hiện đại như vậy.

Yêu cầu về việc để được công nhận danh hiệu thi đua, giáo viên phải có sáng kiến kinh nghiệm là nguyên nhân chính cho sự giả dối, phản khoa học như các trường hợp đã nêu. Ngay cả các tiêu chí xét công nhận giá trị của một sáng kiến kinh nghiệm cũng là tự biên tự diễn mà thôi. Thế cho nên sau khi được công nhận, tặng thưởng, các sáng kiến ấy được xếp vào kho không còn ai nhìn đến.

Ở một số trường khác, ban giám hiệu “sáng tạo” hơn bằng cách không đánh giá xếp loại sáng kiến kinh nghiệm với lý do hội đồng chưa đủ trình độ, uy tín để chấm, chỉ cần có viết sáng kiến sau mỗi năm học là đủ tiêu chuẩn xét danh hiệu thi đua cấp cao rồi. Thế cho nên hàng loạt sáng kiến ra đời mà chính tác giả còn không nhớ nổi nội dung đã viết những gì và cũng chẳng cần biết có ai đọc hoặc áp dụng được phần nào hay không.

Gần đây có nơi còn yêu cầu 100% tổ bộ môn phải có tối thiểu một đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng trong năm. Thử hỏi nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học giáo dục, mà tổ bộ môn nào, trường nào cũng có được công trình hằng năm thì một huyện nhỏ bé như huyện tôi với 20 trường, chỉ tính nhẩm cũng ra được vài chục công trình!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận