Olympic Tokyo 2020: Tìm lại nguồn cội

HUY ĐĂNG 21/03/2021 20:00 GMT+7

TTCT - Gần như chắc chắn Olympic Tokyo diễn ra vào mùa hè này sẽ đóng cửa với du khách nước ngoài. Đó là dấu chấm hết cho những hi vọng “gỡ vốn” của nước chủ nhà Nhật Bản.

Hơn một năm trước, khi đại dịch chưa xuất hiện, những người tổ chức Olympic Tokyo 2020 kỳ vọng sẽ có khoảng 40 triệu khách du lịch đặt chân đến đất nước mặt trời mọc trong thời gian diễn ra sự kiện này.

Đó lẽ ra sẽ là con số kỷ lục trong lịch sử Thế vận hội.

Mất hàng chục tỉ USD

Một số kỳ Olympic thành công trong lịch sử từng thu hút lượng du khách gần đạt đến con số này. Ở Olympic London 2012, nước Anh đón 16 triệu du khách nước ngoài, tạo ra lượng chi tiêu hơn 10 tỉ USD trong suốt thời gian diễn ra Olympic và Paralympic. 

Người Nhật có lý do để tự tin rằng họ sẽ tổ chức kỳ Olympic ấn tượng nhất trong lịch sử. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, nước Nhật kỳ vọng 40 triệu du khách nước ngoài sẽ mang đến cho họ nguồn thu 76 tỉ USD trực tiếp cho ngành du lịch. Đó là chưa tính đến những lợi ích về thương mại, vị thế và uy tín lâu dài.

Nhưng đại dịch đã phá hỏng tất cả. Một năm trước khi đưa ra quyết định hoãn, người Nhật vẫn kỳ vọng khi vaccine xuất hiện và đại dịch dần lắng xuống vào đầu năm 2021, mọi chuyện sẽ tốt hơn. 

Olympic là sự kiện hiếm hoi mà hai miền Triều Tiên chung một bóng cờ. -Ảnh: Getty Images

 

Nhưng cho đến lúc này họ phải chấp nhận sự thật. Gần như chắc chắn Chính phủ Nhật sẽ cấm du khách nước ngoài tham dự Olympic Tokyo. Nguồn thu du lịch coi như chấm hết, mà Olympic không phải là World Cup hay Euro để tạo ra nguồn thu lớn từ bản quyền truyền hình.

Vậy vì sao Nhật Bản vẫn quyết đăng cai kỳ Olympic này, thay vì hủy luôn theo lời kêu gọi của nhiều người? Ngay cả người dân Nhật cũng không còn ủng hộ Olympic trên sân nhà nữa. Một cuộc khảo sát cách đây một tháng cho thấy có đến 80% người dân Nhật muốn Olympic Tokyo bị hủy bỏ.

Ngay cả khi không đón du khách, việc phải lo ăn ở cho khoảng 20.000 VĐV và HLV nước ngoài cũng tạo ra nhiều nỗi lo. Chuyện tiêm vaccine lại càng gây tranh cãi. Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) muốn cung cấp vaccine của Trung Quốc cho toàn bộ VĐV, nhưng phía Nhật Bản lên tiếng từ chối trước tiên.

Chưa có gì đảm bảo Olympic Tokyo sẽ không đi đến quyết định hủy, nhưng ngay cả không tính những mục tiêu về kinh tế hay du lịch, một kỳ Thế vận hội vẫn còn các giá trị thể thao và truyền cảm hứng cần được duy trì. Olympic Tokyo sẽ trở lại như những kỳ Olympic đầu tiên - một sự kiện thể thao đúng nghĩa.

Tìm lại những giá trị cơ bản

Một năm trước, khi Tokyo chần chừ trong việc trì hoãn Olympic, một loạt quốc gia phương Tây như Mỹ, Canada, Anh, Úc… đã kêu gọi hoãn lại. 

Vận động viên chạy 5.000 mét người New Zealand Nikki Hamblin ngừng chạy để đỡ đối thủ người Mỹ Abbey D’Agostino đang đau đớn vì chấn thương ở Olympic Rio 2016. Ảnh: CNBC

 

Nhưng điều đó không có nghĩa các nước này không mặn mà với Olympic. Chỉ vài tháng sau khi Nhật Bản ra quyết định hoãn, Chính phủ Úc thông báo rót thêm 50 triệu USD ngân sách cho việc chuẩn bị tham dự Olympic và Paralympic.

Các nước phương Tây từ lâu đã đạt đến trạng thái xã hội hóa gần như toàn bộ ngân sách thể thao. Nhưng ảnh hưởng nặng nề của đại dịch đã làm xáo trộn tất cả. 

Chỉ còn một số môn thể thao nhà nghề như bóng đá, quần vợt… là duy trì được nguồn tài trợ như trước. Đại dịch đã khiến chính phủ các nước phải cấp nguồn ngân sách lớn hơn so với mọi năm cho việc chuẩn bị Olympic. 

Ngân sách ban đầu của Úc dành cho Olympic và Paralympic Tokyo là 70 triệu USD, và hiện tăng lên 120 triệu USD. Ở Anh, chương trình xổ số quốc gia ban đầu tài trợ cho các VĐV dự Olympic 426 triệu USD, sau đó bổ sung thêm 60 triệu USD nữa.

Chủ tịch Ủy ban Olympic Úc John Coates nói: “Đại dịch bùng phát khiến kế hoạch tập luyện của các VĐV bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khoản ngân sách bổ sung này nhằm đảm bảo họ sẽ có được sự chuẩn bị tốt nhất cho Olympic và Paralympic ở Tokyo sắp tới". 

"Chính phủ biết rằng nhiều tổ chức thể thao quốc gia đã phải cắt giảm nhân viên, lương bổng vì đại dịch. Nếu không đầu tư thêm, các HLV và VĐV giỏi nhất của chúng ta sẽ đối mặt với tương lai khó khăn”.

Chính phủ các nước rõ ràng có một quyết tâm lớn trong việc gặt hái thành tích cao ở Olympic. Đó không chỉ là câu chuyện của việc chạy đua thành tích, đếm số huy chương.

Những nỗ lực vươn đến Olympic lúc đầu mang tính biểu trưng cho sự chiến đấu vượt qua giới hạn của con người, những câu chuyện truyền cảm hứng, lần này sẽ còn mang thêm một ý nghĩa đặc biệt: chứng tỏ rằng con người không dễ bị con virus corona khuất phục.

Một nghiên cứu của Tổ chức Essential Media Communications (Úc) cho thấy chính trong những thời điểm khốn khó, con người càng có xu hướng tìm đến những cuộc đấu thể thao như một sự an ủi tinh thần, cổ vũ làm việc và thư giãn đầu óc.

“Những người hùng thể thao mang đến nguồn cảm hứng mà các chính trị gia hay người nổi tiếng ở các lĩnh vực khác không thể nào tạo ra được” - James Morgan, nhà báo của Hãng tin AAP, nói.

Cho tới kỳ Thế vận hội này, Olympic - lúc đầu là một sân chơi nghiệp dư - trở nên ngày càng đậm tính nhà nghề, nặng về thành tích và cả thương mại hóa cao độ. Không ít sự kiện xấu xí và gây tranh cãi đã diễn ra ở các kỳ Thế vận hội, bao gồm vấn nạn doping nhức nhối và cả sự kèn cựa chính trị bị lôi vào sàn đấu thể thao.

Biết đâu, ở Nhật Bản hè này, một kỳ Olympic hầu như không còn phải bận tâm tới du lịch, kinh tế, thương mại nữa sẽ khiến cả thế giới thực sự xích lại gần nhau nhờ thể thao, đúng như tôn chỉ ban đầu của Thế vận hội. ■

Có rất nhiều câu chuyện xúc động ở các kỳ Olympic, ở đây xin kể hai chuyện thể hiện tinh thần thể thao cao thượng.

Ở Olympic 1932, VĐV đấu kiếm người Anh Judy Guinness khiến tất cả ngả mũ kính phục khi từ chối nhận HCV sau trận chung kết với Ellen Preis người Áo. Các trọng tài chấm điểm nghiêng về Guinness, nhưng nữ kiếm thủ người Anh cho rằng họ đã đếm thiếu 2 lần Preis đâm trúng cô, vì vậy nhường lại tấm HCV cho đối thủ.

Ở Olympic 1988, VĐV thuyền buồm người Canada Lawrence Lemieux đã chấp nhận từ bỏ cơ hội giành HCV để giải cứu 2 VĐV người Singapore bất ngờ bị lật thuyền. Trước đó, Lemieux giữ vị trí thứ 2 trong cuộc đua, nghĩa cử đã khiến anh tụt xuống hạng 22 chung cuộc. Ban giám khảo rốt cuộc vẫn trao thêm HCB cho Lemieux - một quyết định được tất cả tán thành.

Xáo trộn mọi kế hoạch

Nếu Olympic bị hủy, rất nhiều nỗ lực của làng thể thao trong suốt một năm qua sẽ trở nên vô nghĩa. Cả một hệ thống các giải đấu xoay vòng vì Olympic. Khi Tokyo 2020 hoãn sang năm 2021, các giải đấu lớn như Giải vô địch điền kinh thế giới, Giải vô địch thể thao dưới nước thế giới cũng phải dời từ năm 2021 sang 2022. So với Olympic, các giải đấu này vẫn có thể tổ chức được trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, nhưng đã quyết định dời lại vì phần đỉnh của làng thể thao.

Nếu trong bóng đá, World Cup cũng chỉ là một giải đấu nặng tính thương mại và ngày càng lép vế về giá trị so với sân chơi cấp CLB. Nhưng Olympic thì khác, đó vẫn là thước đo quan trọng nhất với các môn điền kinh, bơi lội…

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận