TTCT - Phải mất một thời gian dài người ta mới đồng ý với nhau về mặt lý thuyết rằng tự chủ ĐH không chỉ có nghĩa là tự chủ tài chính, cũng không có nghĩa là Nhà nước giao quyền cho các trường muốn làm gì thì làm. Song cho đến giờ, vẫn còn những cách hiểu khá xa lạ với thực tiễn quốc tế mà tiêu biểu là tư duy về “cơ quan chủ quản”. Minh họa Đầu tiên, ta cần biết về sự phức tạp kỳ lạ trong hình thức của các “ông chủ” trường ĐH công VN. Rất nhiều kiểu ông chủ Bộ GD-ĐT chỉ là “cơ quan chủ quản” của 54 trường ĐH/CĐ công lập. Khoảng 260 trường công lập khác thuộc quyền quản lý của 18 bộ ngành khác và chính quyền cấp tỉnh. Ở các trường này, cơ quan chủ quản cấp ngân sách và bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo, nhưng về quy chế đào tạo thì các trường vẫn phải theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Các trường tư chịu sự quản lý của Bộ GD-ĐT về quy chế chuyên môn, chịu sự quản lý của chính quyền cấp tỉnh về nhân sự lãnh đạo. Ngoài Luật GD và Luật GDĐH, hoạt động của các trường công còn chịu sự điều chỉnh của vô số luật liên quan, ví dụ Luật đất đai, Luật đầu tư công, Luật phí và lệ phí, Luật kiểm toán, Luật viên chức… Vì vậy, nhà trường thậm chí không được phép tự quyết định nhiều vấn đề thuộc phạm vi quản trị nhà trường, đến cái bằng tốt nghiệp ĐH các trường cũng đã từng phải mua phôi bằng của Bộ GD-ĐT chứ không được phép tự phát hành. Thực tế đó đương nhiên là gây khó khăn cho các trường, đặc biệt là nó hạn chế mọi sáng kiến đổi mới từ trong trứng nước. Có rất ít không gian cho các trường công thể nghiệm những cải cách có ý nghĩa quan trọng. Trong bối cảnh khó khăn chung của ngân sách và nhu cầu phải đổi mới để hội nhập quốc tế, các nhà làm chính sách đã và đang tiếp tục mở rộng dần phạm vi tự chủ của các trường, cởi trói từng bước để họ có thể vùng vẫy tìm ra cách tồn tại và phát triển trong một thị trường đang toàn cầu hóa. Quá trình này đang diễn ra rất chậm theo lối dò dẫm từng bước. Có một lý do khách quan là cơ chế thực hiện trách nhiệm giải trình cho các trường vẫn chưa hoàn thiện. Lý thuyết mà nói, “cơ quan chủ quản” vẫn đang đóng vai trò là nơi nắm giữ trách nhiệm giải trình của các trường nhằm bảo đảm các trường vận hành trong khuôn khổ luật định, phù hợp ý chí của tầng lớp lãnh đạo, nhân danh bảo vệ lợi ích công của xã hội. Thực tế các bộ chủ quản có đang làm đúng và đủ vai trò đó không lại là vấn đề khác. Về nguyên tắc, có thể khẳng định rằng khó mà xóa bỏ hay làm giảm nhẹ vai trò của cơ quan chủ quản nếu không có một cơ chế giải trình trách nhiệm được xây dựng một cách thích đáng. Vì thế, cuộc “đấu tranh” giành quyền tự chủ của các trường cần phải được nhìn từ nhiều khía cạnh. Nếu nhìn vào mục đích nên có của tự chủ ĐH là giúp các trường linh hoạt hơn trong việc thích ứng với thị trường nhằm cải thiện chất lượng hoạt động, thì cần chú trọng vào bản chất của trường ĐH như là một tổ chức xã hội của các bên liên quan. Góc nhìn này hiện vẫn còn thiếu vắng, bởi thực tế vẫn chỉ cho thấy hai bên tham gia chính: các nhà quản lý ở tầm hệ thống (hay là các cơ quan chủ quản) và các nhà quản lý ở cấp trường. Bên nào cũng muốn nắm giữ nhiều quyền hơn trong việc chi phối hoạt động của các trường. Vai trò của các bên liên quan khác hiện vẫn rất mờ nhạt. Những người khác trong bàn cờ Xây dựng thiết chế giải trình trách nhiệm cho các trường là đặc biệt quan trọng để cân bằng với quyền tự chủ. Nhưng thiết chế đó cụ thể là gì thì vẫn còn nhiều chỗ vướng. Theo thông lệ quốc tế, vai trò đó đặt lên vai hội đồng trường (HĐT). Việt Nam đã nêu vấn đề từ năm 2005 nhưng cho đến rất gần đây, HĐT vẫn là “bánh xe thứ năm” ở các trường. Ở trường công, HĐT có tính chất trang trí. Ở trường tư, HĐT thường không tách ra khỏi bộ máy điều hành. Nói cách khác, đến nay ở cả trường công lẫn trường tư, HĐT của VN về bản chất khác với HĐT của các trường ĐH trên thế giới. Trước tình hình đó, Luật GDĐH sửa đổi đã được soạn theo hướng nâng cao thẩm quyền của HĐT để thu hẹp khoảng cách này trong quản trị ĐH. Luật định nghĩa HĐT của trường ĐH công lập tương đối xác đáng: “tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan”. Nhiệm vụ của HĐT công lập cũng được quy định rất gần với thực tiễn quốc tế: quyết định chiến lược phát triển của trường, giám sát trách nhiệm giải trình của hiệu trưởng (HT). Đối với nhân sự lãnh đạo của trường, luật cũng tiến một bước dài khi trao cho HĐT quyền quyết định lựa chọn HT, chỉ còn việc cuối cùng là ra quyết định công nhận vẫn nằm trong tay “cơ quan quản lý có thẩm quyền”. Thành phần HĐT ở trường công lập được quy định bao gồm (a) thành viên trong trường (có bốn vị trí đương nhiên là bí thư Đảng, chủ tịch công đoàn, bí thư Đoàn TNCS, HT và các vị trí được bầu là đại diện giảng viên, cán bộ nhân viên trong trường); (b) thành viên ngoài trường (chiếm ít nhất 30% tổng số thành viên HĐT), bao gồm đại diện cơ quan quản lý có thẩm quyền (do cơ quan này chỉ định); đại diện cộng đồng xã hội (nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà khoa học, doanh nhân, cựu sinh viên, đại diện đơn vị sử dụng lao động) do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường bầu chọn. Điều rất đáng ngạc nhiên là Luật GDĐH sửa đổi không đề cập đến sinh viên và coi họ là một thành phần quan trọng của HĐT. Ở nhiều trường tại Mỹ, chủ tịch hội sinh viên (Student Council) do sinh viên bầu ra, cùng với chủ tịch hội đồng giảng viên (Facuty Senate) do giảng viên bầu ra là hai thành phần đương nhiên của HĐT. Luật VN quy định bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có một vị trí đương nhiên trong HĐT, nhưng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là một tổ chức chính trị có những nhiệm vụ chính trị cụ thể, bí thư Đoàn cũng không do toàn thể sinh viên bầu chọn. Thành phần HĐT như trên đang vắng mặt nhân vật quan trọng nhất là người học. Cả hai lối tư duy về người học, tức sinh viên, hoặc xem như “đối tượng cần quản lý/đối phó” hoặc là một “khách hàng” đơn thuần chỉ trả tiền và mua dịch vụ, đều bất ổn. Đã tới lúc và đáng ra phải thế từ lâu, cần xem người học là một đối tác. Họ đã đầu tư không chỉ tiền bạc mà còn là nỗ lực và những năm tháng tươi đẹp nhất vào nhà trường, mong gặt hái kiến thức, kỹ năng, trải nghiệm, sự trưởng thành cho cả quãng đời về sau. Nhà trường và người học có vai trò quan trọng như nhau và cần hợp tác cùng nhau trong việc hướng tới kết quả đó. Tới đây là các câu hỏi lớn kế tiếp: các bên liên quan này trong thực tế sẽ có vai trò như thế nào trong việc ra quyết định về những vấn đề của trường? Luật quy định HĐT hoạt động theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số, số lượng thành viên và cơ cấu thành viên của HĐT có ý nghĩa tối quan trọng trong việc thực hiện quyền quản trị ở các trường ĐH công. Hiện nay, theo Luật GDĐH sửa đổi, số lượng, cơ cấu thành phần của HĐT, phương thức bổ sung/thay thế thành viên HĐT được quy định trong Quy chế tổ chức và hoạt động của trường. Điều này sẽ đặt ra những vấn đề gì? Những gì Luật GDĐH sửa đổi chưa nói Nếu xác định việc xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản là điều phải làm, đây là một loạt vấn đề cần được xem xét: 1/Cần làm rõ sự khác nhau (nếu có) giữa “bộ chủ quản” hoặc “cơ quan chủ quản” (là khái niệm đang được dùng) với khái niệm “cơ quan quản lý có thẩm quyền” được nêu trong Luật GDĐH sửa đổi. Nếu xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản theo đề án thí điểm, đơn vị nào là “cơ quan quản lý có thẩm quyền”? Quan trọng hơn, thẩm quyền của cơ quan này đối với các trường là gì? Ngoài việc công nhận HT và chủ tịch HĐT, cơ quan này có thể can thiệp vào hoạt động của nhà trường trong những vấn đề gì và ở mức độ nào, thông qua cơ chế nào? Mặc dù trường công sẽ tiến đến chỗ chủ yếu dựa vào học phí để hoạt động, nguồn ngân sách nhà nước dành cho ĐH công cũng như tài sản công giao cho các trường vẫn là một nguồn lực quan trọng. Cơ quan nào sẽ thực hiện việc phân bổ ngân sách cho các trường ĐH công? 2/Theo định nghĩa, HĐT ở trường công là tổ chức quản trị “thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan”. Các bên có liên quan là ai thì đã rõ, nhưng “chủ sở hữu” của trường ĐH công là ai? Trường công được thành lập bằng nguồn lực công (đất đai, tài sản ban đầu, ngân sách hoạt động) nhằm mục tiêu phục vụ lợi ích công, vì vậy chủ sở hữu của ĐH công chính là người dân, những người đã đóng thuế để tạo ra nguồn lực công nói chung và nuôi các trường nói riêng. Nhà nước là người đại diện của dân, thay mặt dân để thực hiện quyền của người sở hữu đối với các ĐH công. Ở đây, cần xem xét kinh nghiệm quản trị ĐH ở các nước, là tách sở hữu ra khỏi quản trị. Sở hữu nhà nước chủ yếu là sở hữu tài sản công, nghĩa là không ai có thể coi trường ĐH công là tài sản cá nhân để mua bán, cho tặng, thừa kế hoặc chia lời. “Lợi nhuận” mà nhà trường tạo ra bắt buộc phải được đầu tư trở lại cho sự phát triển của trường. Còn trong vấn đề quản trị, tinh thần của tự chủ ĐH là nhấn mạnh bản chất “các bên liên quan”, trong đó các bên quan trọng nhất là người dạy, người học, giới chuyên môn và giới tuyển dụng. Họ là những người hiểu rõ nhất trường cần phải như thế nào để đáp ứng những đòi hỏi của xã hội, vì thế họ cần có tiếng nói thích đáng trong HĐT. 3/ Luật không quy định rõ quy trình thành lập HĐT ở trường công mà giao việc đó cho Chính phủ, nghĩa là còn phải chờ nghị định hướng dẫn. Thông lệ nhiều nước đối với ĐH công là có một số vị trí thành viên HĐT do chính quyền chỉ định, tức là cử người tham gia HĐT, một số vị trí khác là do bầu chọn trong từng nhóm (chẳng hạn giảng viên thì bầu chọn người đại diện của mình). Trong trường hợp thiết lập HĐT lần đầu, nên bắt đầu từ vị trí được chỉ định và các vị trí đương nhiên, thay vì giao việc đó cho HT, tránh trường hợp hài hước từng xảy ra: HT trao quyết định bổ nhiệm chủ tịch HĐT cho người được bổ nhiệm. HĐT sau khi được thiết lập sẽ xem xét việc xây dựng và ban hành Quy chế hoạt động chính thức của trường. Bỏ cơ chế bộ chủ quản cần được hiểu là bãi bỏ việc can thiệp vào những vấn đề cụ thể trong việc vận hành các trường. Nó phải đi cùng với một cơ chế đủ mạnh để thực hiện trách nhiệm giải trình và minh bạch thông tin. ■ Luật không quy định số lượng thành viên là “đại diện của cơ quan quản lý có thẩm quyền”. Nếu số lượng này không chiếm tối thiểu 51% tổng số thành viên HĐT thì “cơ quan quản lý có thẩm quyền” không có tiếng nói quyết định trong HĐT. Tags: Hội đồng trườngChủ trường đại họcLuật GD ĐH
Thủ tướng: 'Chúng ta cứ đấu thầu nhưng cuối cùng quân xanh, quân đỏ, kỷ luật liên tục' THÀNH CHUNG 23/11/2024 Thủ tướng chia sẻ hoạt động doanh nghiệp nhà nước phải theo quy luật thị trường, giá trị, cung cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính.
Đàm Vĩnh Hưng kiện Gerard Williams đòi bồi thường có vô lý? HOÀI PHƯƠNG 23/11/2024 Những ngày qua, vụ việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng kiện Gerard Williams - chủ nhà nơi xảy ra tai nạn ở Mỹ, đòi bồi thường thiệt hại khiến nhiều người quan tâm.
Nhiều ngân hàng thu đậm trở lại từ bán chéo bảo hiểm BÌNH KHÁNH 23/11/2024 Nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tốt trở lại ở mảng kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm. Đây là tín hiệu tích cực trở lại đối với kênh bancassurance (bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng) sau thời gian gặp nhiều khó khăn.
Phó tổng thống Philippines: Đã bố trí người ám sát Tổng thống Marcos THANH BÌNH 23/11/2024 Phó tổng thống Philippines đã chỉ thị sát thủ giết chết vợ chồng Tổng thống Marcos và chủ tịch Hạ viện Philippines trong trường hợp bà bị sát hại.