Ông Donald Trump bị luận tội: Ai mới đau khổ nhất?

DANH ĐỨC 04/10/2019 22:10 GMT+7

TTCT - Một cuộc điều tra luận tội chống lại Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được khởi xướng ngày 24-9-2019 bởi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.

Ông Trump (phải) và ông Zelensky. Ảnh: AFP
Ông Trump (phải) và ông Zelensky. Ảnh: AFP

Bà Pelosi khởi động cuộc điều tra sau khi có báo cáo tố cáo Tổng thống Trump và các quan chức chính quyền lạm dụng quyền lực và sau đó che đậy nhằm “thúc đẩy lợi ích cá nhân”. Một nhân vật bí ẩn nào đó trong bộ máy an ninh kề cận ông Trump song không trực tiếp sát bên, đã nộp một hồ sơ cáo giác.  

Theo đó, từ tháng 5 đến tháng 8-2019, Tổng thống Trump và luật sư riêng của ông Rudy Giuliani đã liên tục thúc ép Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky điều tra ông Joe Biden, cựu phó tổng thống Mỹ, người sẽ có thể là đối thủ chính của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm tới cùng con trai ông này là Hunter.

Tổng thống Trump bị cho là đã gây áp lực trực tiếp trong cuộc gọi điện thoại vào tháng 7-2019 với ông Zelensky. Người tố giác cũng cáo buộc Nhà Trắng tìm cách che đậy nội dung cuộc điện thoại.

Giở bài ngửa

Ngay trong ngày ông Trump bị khởi sự luận tội, Nhà Trắng phản ứng bằng một sắc lệnh tổng thống giải mật ghi chép cuộc đàm thoại của Trump-Zelensky, một chiêu lật bài ngửa. Đồng thời, luật sư riêng của ông Trump, Giuliani, một chính trị gia lọc lõi từng làm thị trưởng thành phố New York 1994-2001, cũng đã ra mặt biện bạch và tự xưng “sẽ thành người hùng” sau cuộc chiến luận tội.

Thật vậy, đọc xong bản cáo giác, sẽ thấy những cáo buộc chưa đủ sức thuyết phục. Ngược lại, trong đó còn có nhiều chi tiết bất lợi cho Đảng Dân chủ hơn là ủng hộ đảng này. Cơ bản là giá trị của những tố giác: chính ông Trump trong cuộc họp báo ở New York hôm 25-9 sau kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã “cười khà khà” chế nhạo rằng đây chỉ là “thông tin thứ cấp nghe qua lời kể” chứ không phải tai nghe mắt thấy.

Văn bản ghi lại từng chữ cuộc điện đàm kéo dài từ 9h03 tới 9h33 ngày 25-7 giữa hai ông Trump và Zelensky tóm tắt như sau: Ông Trump chào hỏi và chúc mừng thắng lợi bầu cử của ông Zelensky, ông này cảm ơn, nhắc lại rằng đây là cuộc điện đàm thứ nhì để chúc thắng lợi bầu quốc hội, lần trước để chúc thắng cử tổng thống, rồi nói đùa sẽ tranh cử thiệt nhiều lần để ông Trump có dịp điện thoại.

Ông Trump tự khoe đã làm nhiều việc để giúp Ukraine chớ không như Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là bà (Thủ tướng Đức Angela) Merkel chỉ có nói nhiều là giỏi chớ không giúp gì Ukraine, cả đống quốc gia châu Âu khác cũng vậy, chỉ riêng “Hoa Kỳ đã rất tốt với Ukraine. Tôi không muốn nói là cần phải có qua có lại, do lẽ có những chuyện xảy ra không hay ho gì, song Hoa Kỳ vẫn cứ “rất rất tốt” đối với Ukaine”.

Một cách nhập đề lung khởi vòng vo trước khi vô ý chính lát sau. Hòa điệu với ông chủ Nhà Trắng trong bài ca “nói xấu người vắng mặt”, tân tổng thống Ukraine, vốn là một diễn viên hài chuyên nghiệp, tham gia tả oán: “Ngài nói tuyệt đối đúng. Không chỉ đúng 100% mà là 1.000%... Tôi từng nói chuyện với Angela Merkel và gặp cả bà ấy nữa.

Tôi cũng đã gặp và nói chuyện với [Tổng thống Pháp Emmanuel] Macron. Và nói với họ rằng họ đã không làm đủ những gì cần làm trong việc trừng phạt [Nga]. Họ không tăng cường trừng phạt...”, và kết luận: “Rốt cuộc, cho dù về mặt logic, EU nên là đối tác lớn nhất của chúng tôi song về mặt kỹ thuật, Hoa Kỳ là đối tác lớn hơn. Tôi biết ơn ngài vì Hoa Kỳ đã làm nhiều việc cho Ukraine”.

Đến đây, ông Zelensky ngỏ ý chiều lòng ông Trump: “Chúng tôi cũng muốn cảm ơn ngài vì ngài đã hỗ trợ rất nhiều cho lĩnh vực quốc phòng. Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục hợp tác cho các bước tiếp theo. Cụ thể là chúng tôi gần như sẵn sàng mua thêm tên lửa Javelin từ Hoa Kỳ...”.

Năm ngoái, Ukraine từng mua 210 tên lửa này cùng 37 ổ phóng vác vai, giá tổng cộng 47 triệu USD. Thế nhưng, ông Trump ngó lơ đề nghị mua vũ khí và ngỏ lời nhờ vả: “Tôi muốn nhờ ngài một việc. Số là đất nước chúng tôi đã phải trải qua rất nhiều chuyện và Ukraine biết rất nhiều về chuyện này.

Tôi muốn ngài tìm hiểu những gì đã xảy ra với... toàn bộ diễn tiến ở Ukraine, họ nói đó là [công ty] Crowdstrike [đang đặt máy chủ ở Ukraine]... Nhiều chuyện đã xảy ra bên đó, [tôi muốn biết] toàn bộ... Toàn bộ trò vô nghĩa đã kết thúc với màn trình diễn rất tệ của một gã tên Robert Mueller, bắt đầu từ Ukraine...”.

Té ra chuyện ông Trump muốn nhờ vả ông Zelensky lại là tìm hiểu Crowdstrike, công ty an ninh mạng mà Đảng Dân chủ Mỹ từng thuê trong mùa tranh cử 2016. Tháng 6-2016, tức năm tháng trước bầu cử, công ty này phát hiện ra rằng các nhân viên an ninh Nga đã “bẻ khóa“ hệ thống mạng của Đảng Dân chủ, đánh cắp các thư điện tử rồi tung hê lên mạng qua WikiLeaks.

Các phát hiện này của CrowdStrike được Cục Điều tra liên bang (FBI) xác thực và sau này được sử dụng làm bằng chứng trong cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Mueller, điều khiến ông Trump “mất ăn, mất ngủ” cho tới khi cuộc điều tra khép lại cuối tháng 5 vừa rồi mà chẳng đi tới đâu.

Chuyện nhờ vả thứ nhì mới là nhờ điều tra về Hunter Biden, “mà người ta nói rất nhiều rằng [Joe] Biden đã ra tay ngăn chặn việc truy tố [con trai ông]... Biden đi khắp nơi khoe rằng ông ta đã ngăn được việc truy tố. Vì vậy, nếu ngài có thể để mắt tới vụ này...”, theo lời Trump nói với Zelensky.

Hôm gọi điện, ông Trump đâu ngờ sẽ có ngày nội dung cú điện thoại lại trở thành lý sở cứ để luận tội ông nên ông thản nhiên nói: “Tôi sẽ biểu ông Giuliani gọi cho ngài. Tôi cũng sẽ biểu Bộ trưởng Tư pháp [William] Barr gọi, và chúng ta sẽ đào sâu vụ này”, khiến phe Dân chủ có cớ nói ông Trump đã điều động các quan chức nhà nước không phải cho việc công mà là việc riêng của ông.

Ai cũng thừa rõ như mọi nguyên thủ quốc gia khác, nội dung các cuộc điện đàm hay hội kiến của Tổng thống Trump đều được chuẩn bị trước, thậm chí từng câu chữ. Thế cho nên, khó có thể nghĩ rằng thấy ông Trump đã buột miệng khi nói chuyện với ông Zelensky!

Giờ khi mọi chuyện vỡ lỡ, trong họp báo chiều 25-9 tại khách sạn Intercontinental New York Barclay, ông Trump lật bài ngửa: “[Tôi] sẽ nhấn mạnh sự minh bạch của Joe Biden và con trai ông ta Hunter, về hàng triệu đôla đã được đưa nhanh chóng và dễ dàng ra khỏi Ukraine và Trung Quốc. Hàng triệu đôla. Hàng triệu và hàng triệu đôla đã được chuyển ra khi ông ta còn là phó tổng thống”.

Hậu quả khôn lường

Trên thực tế, quả thật Mỹ chống Nga và giúp Ukraine nhiều hơn EU. Mới hôm 30-9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã loan báo thêm lệnh trừng phạt với Nga, điều càng khẳng định những lời tự nhận của ông Trump.

Khoan nói tới chuyện “người thứ ba bị nói xấu sau lưng” có thể nổi giận, thực tế là thể thức đàm phán Normandy gồm Ukraine, Nga và Đức, Pháp coi như đã bị vô hiệu hóa khi hai nước trung gian Đức và Pháp bị một bên trong cuộc là Ukraine “bất tín nhiệm”, qua lời ông Zelensky, người có lẽ cũng không ngờ những “lời thầm kín” của mình lại bị tiết lộ quá sớm vì đấu đá chính trị ở bên kia Đại Tây Dương!

Tệ hơn nữa cho ông Zelensky, cựu diễn viên hài nay coi như tự loại bỏ sự hậu thuẫn của Đảng Dân chủ Mỹ. Việc nội dung cuộc điện đàm bị tiết lộ, bởi thế hại với Trump một thì với Zelensky phải hai, ba.

Tờ Kyiv Post của Ukraine 30-9 đăng một bài của nhà báo tự do Leonid Ragozin nói đến một hậu quả khác là “sự thấm mệt với Ukraine”. Theo đó, vụ tai tiếng này làm xáo trộn chính trường Ukraine theo một cách khác, kịch tính hơn nhiều. Trước đây, người dân Ukraine buồn rầu vì đất nước tan hoang và kiệt quệ, “thấm mệt”, sau năm năm xung đột với Nga mà không có giải pháp nào khả dĩ.

Còn giờ, vụ bê bối “cuộc gọi 30 phút” khiến họ thấy “mệt mỏi vì phương Tây”, khi mọi thứ đều có thể bị hi sinh cho đấu đá chính trị trong nước, và thật ra không có ai toàn tâm toàn ý ủng hộ sự phát triển dân chủ và lập lại hòa bình ở Ukraine. Tất cả đều bị đặt lên bàn cân đo đong đếm cho các lợi ích cá nhân, và nếu lợi ích cá nhân đó đòi hỏi hi sinh lợi ích chính đáng của Ukraine thì cũng chẳng sao.

Mới đây nhất, ông Trump đã đóng băng 400 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine. Tờ Los Angeles Times xa lắc xa lơ thủ đô Washington cũng phải lên tiếng: “Ân huệ mà Trump đòi hỏi đi kèm việc hoãn viện trợ Mỹ làm suy yếu Ukraine trong cuộc chiến chống Nga”.

Nói cho ngay, hầu như nước nào cũng có đấu đá chính trường. Trong tuần này, hôm thứ ba vừa qua, nhà nước Pháp trịnh trọng an táng cố tổng thống Jacques Chirac, trong khi tòa phá án tuyên đưa cựu tổng thống Sarkozy về lại tòa hình sự vì những cáo buộc chi tiêu quá mức cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2012 của ông này, theo Le Monde 1-10.

Nguyên tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đồng thời là chuẩn ứng cử viên tổng thống Dominique Strauss-Kahn văng chức, xộ khám, chấm dứt đường công danh vì một vụ “cáo buộc hiếp dâm” nghi là “bị gài” trong khách sạn Sofitel tận New York. Song, các màn đấu đá không đến nỗi tung tóe như ở Mỹ hiện giờ. Khổ nhất vẫn là Ukraine!■

Trong bối cảnh ông Trump còn đóng băng viện trợ quân sự, từ hôm 27-9, Ukraine đã phải cầu cứu Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) sau khi Nga tập trung ba sư đoàn gần biên giới với Ukraine, theo Ukrinform 27-9. Một phái bộ giám sát đặc biệt của OSCE đang có mặt tại đây.

Tình hình thực địa là rất đáng ngại: Ngày nào cũng có đến hơn 20 vụ quân ly khai thân Nga tấn công ở Donbass. Ukraine có thể trông chờ gì ở nước Mỹ đang trong cơn cuồng loạn chính trị. Có thể thấy qua tít của tờ Wall Street Journal 30-9: “Trong khi Washigton “đánh nhau”, Putin mỉm cười”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận