“Ông già” Microsoft muốn gì từ sân chơi trẻ TikTok?

HOA KIM 12/08/2020 06:08 GMT+7

TTCT - Microsoft - ông lớn công nghệ nay đã ở tuổi 45, nổi tiếng với các phần mềm và dịch vụ doanh nghiệp tập trung vào cải thiện năng suất làm việc, muốn gì ở một mạng xã hội chia sẻ video mới thành lập năm 2016, nơi người trẻ làm trò để giết thời gian?

 Hơn một tháng kể từ khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tiết lộ với báo giới rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc cấm TikTok tại Mỹ, một loạt diễn biến dồn dập liên quan đến ứng dụng này mới khiến dân tình bàn tán xôn xao.

Đầu tiên, báo chí đưa tin ông Trump dự định ký sắc lệnh đòi hỏi công ty mẹ ByteDance (Trung Quốc) thoái vốn khỏi TikTok nếu không muốn ứng dụng bị cấm tại Mỹ, rồi chỉ sau đó vài giờ lại có thông tin Microsoft và ByteDance đang hướng tới một thỏa thuận có thể làm hài lòng Nhà Trắng và cho phép ứng dụng này tiếp tục hoạt động tại quốc gia này.

Cuối cùng, ngày 6-8, Microsoft cho biết cân nhắc mua lại toàn bộ mảng kinh doanh toàn cầu của TikTok thay vì chỉ ở các thị trường Mỹ, Canada, Úc và New Zealand như dự tính trước đó, và Tổng thống Trump ký sắc lệnh hành pháp cấm công dân Mỹ thực hiện mọi giao dịch với ByteDance kể từ ngày 20-9. 

 Một phần cốt yếu của bất kỳ đàm phán mua lại TikTok nào sẽ là dữ liệu và người dùng mà Microsoft có quyền truy cập. Đây chính là cơ sở cho những lo ngại từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về khả năng TikTok có liên quan đến Chính phủ Trung Quốc và dữ liệu người dùng tại Mỹ có thể bị sử dụng sai mục đích.           

Thu hút thế hệ người dùng mới

Một phần cốt yếu của bất kỳ đàm phán mua lại TikTok nào sẽ là dữ liệu và người dùng mà Microsoft có quyền truy cập. Đây chính là cơ sở cho những lo ngại từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về khả năng TikTok có liên quan đến Chính phủ Trung Quốc và dữ liệu người dùng tại Mỹ có thể bị sử dụng sai mục đích.

Microsoft cũng thừa nhận tầm quan trọng của dữ liệu trong bài đăng trên blog ngày 2-8 xác nhận các cuộc đàm phán mua lại TikTok, rằng “Microsoft sẽ đảm bảo rằng tất cả dữ liệu cá nhân của người dùng TikTok ở Mỹ sẽ được chuyển đến và giữ lại bên trong lãnh thổ nước Mỹ”.

Dữ liệu này có thể được Microsoft sử dụng theo nhiều cách khác nhau. Gã khổng lồ phần mềm từ lâu đã sử dụng dịch vụ chơi game trực tuyến Xbox Live để nạp dữ liệu cho các bộ phận nghiên cứu dự án phần mềm và phần cứng, giúp các nhà phát triển trò chơi cũng như chính Microsoft hiểu rõ hơn về cách người chơi tương tác với dòng máy Xbox. 

Sở hữu TikTok có thể giúp Microsoft xóa đi điểm mù trong dữ liệu người dùng và ảnh hưởng việc phát triển các phần mềm và dịch vụ của hãng trong tương lai.

Microsoft có thừa dữ liệu về thói quen sử dụng phần mềm của doanh nghiệp, nhưng thất bại trong việc lấn sân sang các dịch vụ tiêu dùng thuần túy những năm gần đây khiến công ty chưa thể lấp đầy khoảng trống trong hiểu biết về hành vi của người tiêu dùng.

Nên nhớ, một số lượng lớn thanh niên Mỹ đang lớn lên trong môi trường được thống trị bởi các thiết bị Android, iOS và Chromebook trong lớp học. Khi cần sử dụng email, người ta nghĩ ngay đến Gmail của Google, soạn thảo và chia sẻ tài liệu qua mạng thì đã có Google Docs và Google Drive hoàn toàn miễn phí. 

Nói cách khác, một người bình thường ngày nay có thể lớn lên và sinh hoạt, học tập mà hoàn toàn không phải lệ thuộc bất kỳ phần mềm hoặc dịch vụ nào của Microsoft. Hãng công nghệ trước đó đã bỏ lỡ cuộc cách mạng di động với sự thất bại của hệ điều hành Windows Phone, và đến giờ vẫn phải chạy theo đuôi các đối thủ. Microsoft lần này chắc chắn không muốn bỏ lỡ cả một thế hệ sẽ làm chủ thế giới trong tương lai.

TikTok giúp Microsoft kết nối với hàng triệu người trẻ đang dành trung bình 1 tiếng/ngày để lướt video trên ứng dụng này, so với chỉ 44 phút trên Instagram hay 36 phút sử dụng Snapchat, theo khảo sát của hãng đầu tư Cowen Group. Đi cùng với đó là một cộng đồng sáng tạo nội dung đa dạng và năng động.

 Trong khi Microsoft ra sức kích thích người dùng sáng tạo trên hệ điều hành Windows với các ứng dụng chỉnh sửa video rối rắm, TikTok cung cấp một công cụ đơn giản cho người dùng dễ dàng quay, dựng và chỉnh sửa các video “viral” (dễ gây chú ý, có sức lan tỏa cao) bằng chính điện thoại của mình.

Microsoft có thể tận dụng khả năng kết nối trực tiếp với người dùng TikTok để chạy các quảng cáo cho Surface, Xbox và các sản phẩm khác, hoặc biến mạng xã hội này thành bệ phóng cho tham vọng lấn sân sang dịch vụ cloud gaming với xCloud, cho phép chơi game bất kỳ lúc nào từ “đám mây” mà không phải tải về máy hay cài đặt cồng kềnh, tương tự như các nền tảng xem phim trực tuyến như Netflix. 

Đây được dự báo sẽ là đối trọng cho dịch vụ Stadia do Google phát triển. Thử tưởng tượng đang xem video về một trò chơi điện tử bất kỳ trên TikTok, người dùng có thể chỉ với một chạm ngay lập tức trải nghiệm trò chơi đó trên điện thoại của mình mà không phải mất thời gian cài đặt.

Trong bài phỏng vấn với WIRED gần đây, nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates nhận định trở thành một ông lớn trong lĩnh vực kinh doanh truyền thông xã hội “không phải là trò chơi đơn giản”, vì Microsoft sẽ phải đối mặt với một cấp độ kiểm duyệt nội dung gay gắt hơn. “Ai biết được điều gì sẽ xảy ra với thỏa thuận đó. Nhưng đúng, đó là một chén rượu độc” - Bill Gates nói.                           

Mua dây buộc mình?

Microsoft không bình luận gì về việc hãng mua lại TikTok có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các tính năng của ứng dụng này ra sao, ngoài việc lưu ý rằng hãng sẽ “tiếp nối trải nghiệm mà người dùng TikTok hiện đang yêu thích”. 

Hiện chưa rõ Microsoft sẽ vận hành TikTok ở Mỹ, Canada, Úc và New Zealand cụ thể ra sao nếu thương vụ thông qua, nhưng rất có thể nhiều người trên thế giới, đặc biệt là ở châu Á và châu Âu, sắp tới sẽ sử dụng một phiên bản TikTok với các tính năng khác với phiên bản do Microsoft quản lý.

Nếu nhìn lại một số thương vụ thâu tóm gần đây của Microsoft dưới thời CEO Satya Nadella như mua lại LinkedIn (2016) và GitHub (2018), đều là những thương vụ được giới chuyên gia đánh giá là thành công, dễ thấy chúng đều xoay quanh một mẫu số chung là cung cấp cho Microsoft hiểu biết về một nhóm đối tượng mới: với LinkedIn là mạng xã hội doanh nghiệp khổng lồ, còn GitHub là cộng đồng lập trình viên và nhà phát triển ứng dụng phổ biến nhất thế giới.

Nếu thành công, thương vụ này sẽ không chỉ có lợi cho nhiều sản phẩm hiện hữu của Microsoft mà còn giúp công ty này lên ngồi chung mâm với những đối thủ big tech đang sở hữu các mạng xã hội có sức ảnh hưởng lớn như Google (YouTube) hay Facebook (Facebook, Instagram).

Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định mua TikTok là Microsoft đang đâm đầu vào tất cả những rắc rối của việc vận hành một mạng xã hội mà các ông lớn khác đang phải đối mặt: kiểm soát tin xấu, tin giả và tình trạng vi phạm bản quyền là một bài toán hóc búa. 

Bên cạnh các nội dung “vui là chính”, TikTok còn là nơi hoạt động sôi nổi của các phe cực đoan và truyền bá thông tin sai lệch mang tính chính trị và cả về dịch bệnh COVID-19.

TikTok cho biết đã gỡ khoảng 49 triệu video khỏi nền tảng vì nhiều lý do trong nửa sau năm 2019, so với chỉ khoảng 15 triệu video bị gỡ khỏi YouTube trong cùng thời điểm, theo The New York Times

Cũng như Facebook, TikTok đã phải nhờ đến bên thứ ba để kiểm duyệt và lọc số lượng nội dung “khủng” vi phạm điều khoản. “Microsoft đang bỏ tiền để mua lấy phiền phức. Tin xấu và tin giả sẽ chỉ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới” - Gigi Sohn, cựu cố vấn cấp cao của Ủy ban truyền thông liên bang Mỹ, nhận xét.

Microsoft cần làm nhiều hơn là cam kết bảo vệ dữ liệu người dùng nếu muốn thật sự bảo vệ người dùng. Facebook, YouTube và Twitter đã phải triển khai AI và thuê hàng nghìn nhân công kiểm duyệt nội dung nhằm gỡ bỏ các bài đăng vi phạm điều khoản, nhưng nội dung nguy hiểm vẫn có thể lọt qua.

Thương vụ mua lại TikTok cũng có khả năng đẩy Microsoft vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Không mua thì có khả năng làm phật ý ông Trump, còn mua lại có nguy cơ bị chính quyền Bắc Kinh và người dân Trung Quốc xem là “thiên lôi” sai đâu đánh đó của Chính phủ Mỹ, gây khó khăn cho việc kinh doanh tại đất nước tỉ dân trong thời gian tới.

Cần nhớ là không như Facebook hay Alphabet (công ty mẹ của Google) vốn gần như từ bỏ thị trường Trung Quốc vì các đòi hỏi từ chính quyền, Microsoft có sự hiện diện đáng kể ở quốc gia tỉ dân với khoảng 6.000 nhân viên và có văn phòng ở Thượng Hải, Bắc Kinh và Tô Châu. 

Trung Quốc mang về hơn 2 tỉ USD doanh thu mỗi năm cho gã khổng lồ công nghệ Mỹ, theo chia sẻ hồi đầu năm của chủ tịch Microsoft Brad Smith.

Cuối tháng 7, Microsoft bỗng thấy mình là gã khổng lồ công nghệ lẻ loi khi không “bị” triệu tập tham dự phiên điều trần trước tiểu ban chống độc quyền thuộc Ủy ban tư pháp Hạ viện Mỹ cùng với bộ tứ ông lớn có sức ảnh hưởng là Facebook, Google, Amazon và Apple. 

Ảnh: Aïda Amer/Axios

Dù là họa hay phúc, việc Microsoft trở thành cái tên thứ 5 ngồi ghế nóng một phiên điều trần tương tự trong tương lai là hoàn toàn có thể xảy ra một khi công ty này sở hữu TikTok.■

TikTok là một nơi hợp lý để Microsoft thử nghiệm trí tuệ nhân tạo (AI) của mình bên ngoài hệ sinh thái Office vốn khá chính chuyên và không đủ sự đa dạng về ngôn từ. TikTok ứng dụng AI trong công nghệ nhận dạng khuôn mặt phổ biến ở các “filter” giúp người dùng thay đổi hình dáng, giọng nói, hay bên trong thuật toán phân phối các video đến giao diện chính của app dựa trên sở thích và mối quan tâm được cá nhân hóa.

Thực tại tăng cường (AR) cũng là một lĩnh vực mà Microsoft có thể hưởng lợi từ việc mua TikTok. Ứng dụng này đã thử nghiệm tích hợp AR trong các filter và cả quảng cáo. Sở hữu TikTok sẽ mở ra một cánh cửa mới vào thế giới AR trên thiết bị di động dành cho Microsoft.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận