Ông Kim Jong Un thăm Nga: 'Một bạn cũ hơn hai bạn mới'

TƯỜNG ANH 23/09/2023 17:30 GMT+7

TTCT - Tính chất bí mật của cuộc gặp Nga - Triều Tiên khiến nội dung chuyến thăm Nga ngày 12 tới 17-9 của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un tiếp tục là đề tài đồn đoán, dù ông Kim đã về nước.

Ảnh: AFP

Ảnh: AFP

Không có văn kiện nào được ký kết trong chuyến thăm thứ hai của ông đến Nga kể từ 2019, và chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau bốn năm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp ông Kim tại sân bay vũ trụ Phương Đông (vùng Amur) ngày 13-9. Tham quan nơi đây, hai nhà lãnh đạo xem quy trình lắp ráp tên lửa đẩy Angara và tổ hợp phóng tàu vũ trụ Soyuz. Hội đàm kín diễn ra tại tòa nhà kỹ thuật của tổ hợp tên lửa vũ trụ Soyuz-2, sân bay Phương Đông.

Phát biểu với báo giới trước hội đàm, ông Putin cho biết hai nước có "nhiều dự án thú vị", bao gồm "liên kết giao thông và hậu cần - cả đường sắt và đường bộ, nối lại hoạt động của cảng biển, tạo ra tam giác hậu cần rất tốt: đường sắt, cảng, đường bộ đến Trung Quốc; để tăng đáng kể khối lượng vận chuyển". 

Ông cho biết hai bên cũng nói về hợp tác quân sự. "Có một số hạn chế nhất định, Nga tuân thủ tất cả hạn chế này nhưng tất nhiên có nhiều điều chúng tôi có thể nói, thảo luận và suy nghĩ".

Sau Phương Đông, ông Kim đến Khabarovsk thăm nhà máy hàng không Komsomolsk-on-Amur mang tên Yury Gagarin, nơi ông thị sát các doanh nghiệp lắp ráp máy bay chiến đấu Su-35 và Su-57, máy bay chở khách SJ-100 và xem máy bay chiến đấu Su-35 biểu diễn nhào lộn. 

Rồi ông tới sân bay Knevichi (Vladivostok) và được Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tiếp đón. Họ cùng thị sát máy bay ném bom mang tên lửa Tu-160, Tu-95MS và Tu-22M3; rồi thăm tàu khu trục Marshal Shaposhnikov, nơi họ kiểm tra các hệ thống tên lửa Ural và tổ hợp tên lửa có cánh Kalibr, cùng bệ pháo tự động 100mm A-190.

Nhưng chương trình thăm Nga của ông Kim không chỉ có máy bay và tên lửa. Ông còn xem vở ba lê Người đẹp ngủ trong rừng ngày 16-9, trò chuyện với sinh viên Đại học Viễn Đông và xem buổi biểu diễn tại thủy cung Primorsky 17-9.

Hợp tác thám hiểm không gian

Triều Tiên từ lâu đã quan tâm đến thám hiểm không gian. Theo Reuters, nước này đã phóng ít nhất 6 vệ tinh kể từ năm 1998, hai trong số đó dường như đã đi vào quỹ đạo thành công, gần nhất là năm 2016. Năm 2021, ông Kim tuyên bố về "sự cần thiết phóng vệ tinh trinh sát". Cuộc phóng thử diễn ra tháng 5-2023 nhưng thất bại. 

Theo Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA, tên lửa đẩy Chollima-1 cất cánh từ sân bay vũ trụ Sohae cùng vệ tinh trinh sát quân sự Manrigyong-1 sau khi tách tầng đã mất lực đẩy do động cơ tầng hai bị lỗi và rơi xuống biển.

Vụ phóng năm 2016 bị tất cả các cường quốc lên án, bao gồm Nga. "Bình Nhưỡng không quan tâm đến lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế, một lần nữa thể hiện sự coi thường trắng trợn luật pháp quốc tế" là thông điệp đăng trên trang web Bộ Ngoại giao Nga cách đây 7 năm. 

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga không bình luận như vậy về vụ phóng tháng 5-2023. Liên Hiệp Quốc, Mỹ và đồng minh cho rằng nó vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an cấm Bình Nhưỡng phát triển công nghệ có thể áp dụng cho tên lửa đạn đạo. Nhưng Bộ Ngoại giao Nga lại cho rằng phản ứng của Liên Hiệp Quốc là phiến diện.

"Khi Mỹ tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn cùng Hàn Quốc và Nhật Bản thì không có phản ứng nào. Leo thang diễn ra: từng bước, người Mỹ triển khai vũ khí và tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn. Triều Tiên buộc phải phản ứng" - Pyotr Ilyichev, vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế Bộ Ngoại giao Nga, giải thích trên RIA Novosti.

Lee Chung Geun thuộc Viện Chính sách khoa học và công nghệ Hàn Quốc nói với Reuters rằng những bình luận của ông Putin trước cuộc gặp ông Kim cho thấy Nga có thể tìm cách chuyển giao công nghệ vệ tinh cho Triều Tiên, nhưng khó có khả năng họ giúp Bình Nhưỡng phóng vệ tinh vì làm vậy là vi phạm các hạn chế của Liên Hiệp Quốc. 

Để tiện đường hợp tác, nhà khoa học chính trị Sergey Markov dự đoán Nga "có thể rút khỏi lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc với Triều Tiên".

Riêng khả năng hợp tác nhằm đưa phi hành gia đầu tiên của Triều Tiên vào vũ trụ thì đã được người phát ngôn của ông Putin, Dmitry Peskov, thừa nhận ngay ngày 13-9 - nội dung hiếm hoi được xác nhận đúng với những đồn đoán trước cuộc gặp.

Hai nhà lãnh đạo đã dành cho nhau những lời tốt đẹp trong chuyến thăm. Nâng ly chúc mừng tình hữu nghị, ông Putin nói tại tiệc chiêu đãi hôm 13-9: "Ở Triều Tiên có ngạn ngữ: 'Áo mới thì tốt, nhưng bạn cũ lại là bạn tốt'. Còn người dân chúng tôi thường nói: 'Một người bạn cũ còn hơn hai người bạn mới'". 

Đáp lại, ông Kim Jong Un bày tỏ tin tưởng quân đội và nhân dân Nga chắc chắn "sẽ giành đại thắng trong cuộc chiến thiêng liêng trừng phạt tập hợp cái ác đòi bá quyền và nuôi dưỡng ảo tưởng bành trướng", và bày tỏ tin tưởng vào tất cả các quyết định của ông Putin, cũng như sẵn sàng thực hiện "kế hoạch 100 năm" nhằm phát triển quan hệ ổn định giữa hai nước.

Khả năng xuất khẩu quân sự của Triều Tiên

Nội dung được đồn đoán rầm rộ nhất trên truyền thông phương Tây là về hợp tác quân sự giữa hai nước.

Trước tiên là khả năng Bình Nhưỡng xuất khẩu vũ khí sang Nga, khi Matxcơva cần vũ khí và đạn dược cho cuộc chiến ở Ukraine. Từ tháng 11-2022, Hoa Kỳ đã nhiều lần tuyên bố Nga và Triều Tiên tăng cường hợp tác kỹ thuật quân sự, dù không đưa ra bằng chứng cụ thể. 

Vào tháng 3, Điều phối viên Hội đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Kirby nói Matxcơva đang cung cấp thực phẩm cho Bình Nhưỡng đổi lấy đạn dược, điều Washington cho là vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an nhưng đại sứ Nga tại Triều Tiên đã phủ nhận cáo buộc này.

Tuyên bố của ông Kirby được đưa ra sau khi Bộ Tài chính Mỹ áp lệnh trừng phạt với công dân Slovakia Ashot Mkrtychev, người mà Mỹ cho là đã đứng ra làm trung gian trong thỏa thuận vũ khí giữa Nga với Triều Tiên. Mkrtychev phủ nhận và nói ông chỉ vận chuyển "bột mì, lúa mì, sô cô la và một số thực phẩm đóng hộp" từ Nga đến Triều Tiên.

Hồi tháng 8, Bộ Tài chính Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt ba công ty mà họ cho là liên quan đến việc cung cấp vũ khí cho Triều Tiên: Defense Engineering (Kazakhstan), Verus (Nga) và Versor (Slovakia). 

Cuối tháng 8, ông Kirby nói Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu, rồi sau đó là một nhóm công tác của Nga, đã tới Triều Tiên vào tháng 7 để thuyết phục Bình Nhưỡng bán đạn pháo. Ông Kirby cũng nói ngoài đạn pháo, Nga còn cần linh kiện để sản xuất đạn chất lượng cao hơn - đặc biệt là chip điện tử.

Theo Công ty phân tích Stratfor của Mỹ, Triều Tiên từ lâu đã sở hữu lượng đạn dược khổng lồ để chuẩn bị cho xung đột với Hàn Quốc. "Ước tính kho đạn pháo của Triều Tiên lên tới hàng triệu đơn vị. Tuy nhiên, hầu hết đều khá cũ và có độ chính xác cũng như hiện trạng đáng ngờ", theo Stratfor.

Nhà bình luận quân sự Nga Vlad Shlepchenko trên truyền hình Tsargrad gọi Triều Tiên là "khu bảo tồn" các loại pháo Xô viết cỡ nòng 22, 130 và 152mm, nên "Bình Nhưỡng có thể cung cấp cho Nga hàng triệu quả đạn pháo cho hai hệ thống phổ biến nhất - 122 và 152mm, cũng như trả lại Nga những khẩu pháo Liên Xô 130mm đã tuyệt chủng với lượng đạn đáng kể"!

Tờ The Economist thì khẳng định Triều Tiên có thể yêu cầu Kremlin cho tiếp cận các công nghệ để sản xuất tên lửa, vệ tinh và tàu ngầm, "cho phép Bình Nhưỡng cải thiện tầm bắn và độ tin cậy của hệ thống cung cấp vũ khí hạt nhân".

Trong các đồn đoán về hợp tác quân sự còn có tin "100.000 binh sĩ Triều Tiên sẽ được đưa đến tham gia chiến dịch của Nga ở Ukraine" nhưng ông Putin đã thẳng thừng bác bỏ tin này trong cuộc gặp Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko hôm 15-9 ở Sochi. Ông nói đây là chuyện "bịa đặt nhảm nhí".

Thực tế địa chính trị mới

Kênh truyền hình quân sự Nga Tsargad chỉ ra khía cạnh vĩ mô hơn trong chuyến thăm của ông Kim: tạo ra một thực tế địa chính trị mới ở Đông Bắc Á. Theo kênh này, trong tình hình hỗn loạn hiện nay, việc thành lập một "NATO phương Đông" đang được tiến hành, xoay quanh trục Washington - Seoul - Tokyo. 

"Câu trả lời hợp lý nhất có thể là liên minh Matxcơva - Bắc Kinh - Bình Nhưỡng", kênh này dẫn lời Konstantin Asmolov, nhà nghiên cứu thuộc Viện Trung Quốc và châu Á hiện đại của Viện hàn lâm Khoa học Nga.

Cổng thông tin newizv-ru chỉ ra một khía cạnh tinh tế trong quan hệ giữa Nga với các đồng minh châu Á: Trong quan hệ đối ngoại, so với Trung Quốc, Triều Tiên "có ít lằn ranh đỏ hơn" khi đối đầu với phương Tây và các đồng minh khu vực của họ, mà trước mắt là Nhật Bản và Hàn Quốc. Vì vậy nên tuy không ký kết văn bản nào, sự sẵn sàng và công khai của Bình Nhưỡng khi hỗ trợ Matxcơva "quan trọng hơn nhiều".■

Thực đơn: văn bản chính thức duy nhất được công bố!

Điện Kremlin giữ bí mật chuyến thăm Nga của ông Kim tới phút cuối. Thông báo chỉ được đưa ra vào 11-9 trên trang web của tổng thống Nga và cũng không tiết lộ chi tiết thời gian hoặc các địa điểm chuyến thăm. Khi đoàn tàu bọc thép của ông Kim đã đến Primorye ngày 12-9, truyền thông mới chắc chắn cuộc gặp sẽ diễn ra ở Viễn Đông, chứ không phải Điện Kremlin.

Tại nhà ga Khasan thuộc Primorye vào tối muộn 12-8, ông Kim được Bộ trưởng Tài nguyên Alexander Kozlov và Thống đốc Primorye Oleg Kozhemyako chào đón. Sau đó ông bắt đầu cuộc phiêu lưu xa hơn trên đoàn tàu riêng chạy với tốc độ 60km/h - tất cả các toa đều được bọc thép. Tin nói rằng tháp tùng ông có khoảng 120 nhân viên an ninh.

Sử gia Nikolai Starikov đã dẫn lý do an ninh thông tin khi Matxcơva loan báo rộng rãi trước chuyến thăm rằng sẽ không có văn bản nào được ký kết. Với tuyên bố này, bất kỳ tài liệu "rò rỉ" nào được xuất bản sẽ bị coi là giả mạo. Văn bản chính thức duy nhất của các cuộc đàm phán vừa qua chỉ có… thực đơn, ông này bình luận!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận