"Ông tiên" của con

MINH TRẦN 04/03/2014 00:03 GMT+7

TTCT - Ba có tính cả tin, thương người. Đi cùng ba, thể nào con gái cũng cằn nhằn khi ba thường bảo con tấp xe vô lề để ba dừng lại cho những người ăn xin dọc đường một ít tiền và ân cần thăm hỏi họ. Có nhiều người cơ nhỡ đã đến tận nhà tìm ba.

Minh họa: Salem

Gặp trường hợp giả dạng, sau khi đã đứng ra quyên góp cho họ và ít lâu sau tình cờ phát hiện họ tiếp tục “bổn cũ soạn lại” với những người tốt bụng khác, ba không giận mà chỉ cười xòa: “Đó cũng là cái nghiệp của người ta, con ạ”.

Rồi ba bị một vố đau từ cậu con nuôi... hụt khiến ba không còn nhìn đời lạc quan nữa. Gọi là “hụt” vì ba đã nhỏ to với mẹ muốn nhận cậu ấy về làm và ngủ đêm lại tiệm sách nhà mình nhưng mẹ còn lần lữa vì nghi ngại gốc gác của cậu ấy.

Chỉ biết cậu ấy sinh ra ở mảnh đất miền Trung quanh năm bão lũ, từng đậu đại học nhưng không có tiền nên phải bỏ dở, vào thành phố làm đủ thứ nghề như giữ xe, bảo vệ, phát tờ rơi... để có tiền nuôi em gái theo ngành sư phạm, người đang thực hiện ước mơ luôn cho cả phần mình.

Ba gặp cậu ấy vào một chiều mưa, khi cậu đang đói đến nỗi chỉ sau vài phút trò chuyện đã bằng lòng ăn ngon lành một tô phở từ lòng hảo tâm của một người lạ là ba. Sau nhiều lần gặp gỡ ở quán quen mà cậu ấy đang giữ xe, ba mời cậu đi uống cà phê.

Cuộc trò chuyện kéo dài hai tiếng đồng hồ khiến hai bác cháu thêm “mến tay mến chân” nhau. Ba tin tưởng đưa chiếc điện thoại đời mới mà chú Tư ở nước ngoài mới gửi tặng tuần trước cho cậu ấy gọi nhờ. Và thế là cậu ấy vừa nói chuyện điện thoại vừa biến mất dần khỏi tầm mắt của ba...

Chiêu cũ mà lừa ba ngọt xớt. Nhiều lần đi ngang quán ấy, ba cứ nhấp nhổm nhìn người giữ xe mới, chép miệng: “Tội nghiệp, chỉ vì cái điện thoại mà nó nghỉ việc. Không biết đã tìm được việc mới chưa”. Con lại thấy... tội nghiệp cho ba với lòng trắc ẩn đặt không đúng chỗ.

Chuyện đã trôi qua gần một năm, thế mà sáng nay con mở cửa, ngẩn ngơ trước một chiếc hộp nhỏ được đặt kín đáo trước tiệm sách tự bao giờ.

Mẹ cầm lên chiếc điện thoại mà ngày ấy ba sở hữu nó chưa được một tuần, rưng rưng đọc tờ giấy đính kèm: “Con xin lỗi bác vì đã... mượn nó quá lâu. Biết em gái cần dùng điện thoại mà để dành mãi con chưa mua được cho em, hôm đó con đã nổi lòng tham. Giờ em con đã ra trường, con đã tìm được việc lương khá hơn, con ray rứt quá! Ngàn vạn lần xin lỗi bác...”.

Ba chạy ào ra đường, nhìn quanh quất vì linh cảm cậu ấy vẫn còn đâu đó. Thở phào nhẹ nhõm trước “chuyện lạ có thật” này, con biết rồi đây ba sẽ có lại niềm tin để đóng vai “ông tiên”. Có lẽ con sẽ không ngăn cản ba chi nữa...

ĐỖ AN

Đến và đi...

Ngày 7-9-2009 nó dậy sớm theo mẹ ra bến xe đi Hà Nội. Nó sắp làm sinh viên một trường đại học có tiếng ở đây. Hành lý nó mang theo là một hòm quần áo, một bao gạo đủ ăn trong vòng hai tháng, một hộp ruốc mẹ nó cất công giã cho nó đêm hôm trước và nó mang theo bao hi vọng của cả một gia đình, một dòng họ...

Nó quen dần với những người hàng xóm trong khu nhà trọ cả năm chẳng hỏi nhau đến một câu. Nó quen với những con đường đông nghịt người mà nó đã từng tự hỏi: “Người ở đâu ra mà nhiều đến thế?”. Rồi cả những tòa nhà cao tầng nó phải ngẩng mỏi hết cả đầu mới nhìn đến tầng trên cùng... Ở quê nó chẳng bao giờ có những con người, con đường và những tòa nhà như thế!

Hơn nửa năm sau ngày nó ra trường...

Bố mẹ cắt “viện trợ”. Nó bám trụ ở cái thành phố này với nhà thuê, cơm bụi và những chỗ làm mới... Hơn nửa năm, khi thì đi bưng bê, khi đi bán quần áo, khi đi bán rau sạch trong thành phố... Những khoản nợ vẫn cứ nhiều thêm, những mơ ước của ngày xưa cứ vơi dần. Nửa năm sau ngày ra trường nó mới hiểu vì sao người ta đến và rời khỏi thành phố nhiều đến thế.

Hơn nửa năm lam lũ ở thành phố, nó quyết định về quê ngày 20-1-2014. Về quê nó làm một anh công chức tỉnh lẻ theo lời bố mẹ. Hành lý mang về: một vali quần áo có tay kéo nhàn hạ, một bao tải sách vở của bốn năm đại học, một ít đồ lỉnh kỉnh và một ít tiền dành dụm cho mẹ...

Vậy là hành lý mang về nhiều hơn lúc nó mang đi. Duy chỉ có một thứ nó đã không còn để mang về đó là: mơ ước của tuổi mười tám.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận